QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án Phát triển tổ chức hành nghề công chứng
trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020
____________________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;
Căn cứ Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 748/TTr-STP ngày 16 tháng 8 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 (kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
|
|
__________________
|
|
_______________________________________
|
ĐỀ ÁN
Phát triển tổ chức hành nghề công chứng
trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1417/2010/QĐ-UBND
ngày 25 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
__________________________________________________
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ
I. Sự cần thiết xây dựng đề án:
1. Ninh Thuận là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế cực Nam Trung Bộ, dân số khoảng 600.000 nghìn người; kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, năng lực sản xuất một số ngành tăng, nhiều nhân tố mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh được nhân rộng, tiềm năng và lợi thế về kinh tế biển (bao gồm vận tải biển, du lịch biển và công nghiệp biển) được bảo vệ, khai thác có hiệu quả. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng đột phá, nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ được triển khai sẽ tạo thời cơ mới, cơ hội mới cho phát triển kinh tế tốc độ cao. Tình hình đó làm phát sinh nhu cầu xác lập và thực hiện hợp đồng, giao dịch về dân sự, thương mại, kinh tế ngày càng cao; đồng thời nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh cũng liên tục gia tăng; yêu cầu công chứng, tính đa dạng, phức tạp và yếu tố mới trong các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên phải có sự đầu tư nhiều và sâu hơn cho hoạt động này.
2. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 phòng Công chứng chưa phát triển các hình thức tổ chức hành nghề công chứng theo Điều 23 Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006. Trong thời gian qua, hoạt động công chứng ở tỉnh ta đã có những bước phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khẳng định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của công chứng trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công chứng của nhân dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời là công cụ đắc lực phục vụ quản lý Nhà nước có hiệu quả, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, các hình thức tổ chức hành nghề công chứng chưa phát triển đã dẫn đến tình trạng quá tải và thiếu tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động dịch vụ công phục vụ các nhu cầu của nhân dân.
3. Từ sau khi có Quyết định số 289/2010/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chuyển giao và chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân sang tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã tạo được niềm tin cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu công chứng.
Bên cạnh những mặt được, tổ chức và hoạt động công chứng hiện nay cũng còn nhiều bất cập do một số nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh chưa phát triển nên việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất từ Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đang gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, sau khi Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP có hiệu lực, toàn bộ công tác chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký đã được chuyển sang cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; các tổ chức hành nghề công chứng chấm dứt thực hiện chứng thực bản sao. Trong khi đó, việc chuyển giao hoạt động chứng nhận hợp đồng, giao dịch thuộc phạm vi công chứng sang cho tổ chức hành nghề công chứng gặp nhiều khó khăn, một phần do nhận thức hoặc thực hiện chưa tốt, phần khác do thiếu quy hoạch và định hướng phát triển các tổ chức hành nghề công chứng dẫn đến tình trạng ở một số nơi, công tác chứng thực ở Ủy ban nhân dân cấp xã quá tải; trong khi đó, lượng việc công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng lại ít, sự phát triển các văn phòng công chứng theo mô hình xã hội hoá ở địa phương còn chậm.
Thứ ba, nhận thức của một số cơ quan, sở, ngành, địa phương về tính chất, tầm quan trọng của hoạt động công chứng trong bảo đảm an toàn giao dịch nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung còn chưa đầy đủ. Một bộ phận nhân dân chưa phân biệt được tính chất của hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của công chứng đối với việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch. Tư duy pháp lý còn đơn giản nên khi thực hiện chuyển giao việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch mà Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đang chứng nhận sang cho tổ chức hành nghề công chứng gặp khó khăn. Công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Luật Công chứng nhiều nơi thực hiện hình thức, chưa đi vào chiều sâu.
Thứ tư, hoạt động quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng còn bất cập, chưa gắn với việc xây dựng đề án phát triển nghề công chứng; hệ thống pháp luật liên quan đến công chứng chưa đồng bộ, văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đầy đủ.
Vì vậy, việc xây dựng đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh là một công việc cần thiết, cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, sở, ngành và địa phương để đề án có tính hiệu quả, khả thi.
II. Căn cứ pháp lý:
Đề án được xây dựng trên cơ sở các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
- Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
- Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực;
- Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;
- Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một điều của Luật Công chứng;
- Nghị định số 88/2009/CĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất;
- Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020”;
- Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25 tháng 8 năm 2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP.
Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC
PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020
I. Phương hướng:
1. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng đi đôi với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng. Việc xã hội hoá hoạt động công chứng phải có bước đi phù hợp theo quy hoạch và lộ trình cụ thể nhằm bảo đảm cho sự phát triển hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và định hướng phát triển chung của tỉnh.
2. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với tình hình phát triển dân cư, tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân và thực hiện quy định pháp luật về công chứng.
3. Việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cho các tổ chức hành nghề công chứng phải được thực hiện từng bước nhằm đảm bảo và tăng cường tính pháp lý trong các hợp đồng, giao dịch, phục vụ hiệu quả cho quá trình xây dựng và phát triển tỉnh.
II. Mục tiêu:
1. Mục tiêu tổng quát:
a) Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch và lộ trình phù hợp với từng địa phương (theo địa giới hành chính cấp huyện) và từng giai đoạn;
b) Ưu tiên phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các địa phương chưa có phòng Công chứng hoặc đã có phòng Công chứng nhưng nhu cầu công chứng cao; đồng thời khuyến khích xã hội hoá hoạt động công chứng tại những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Xây dựng quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên cơ sở bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay đáp ứng kịp thời các yêu cầu công chứng ngày càng tăng của cá nhân, tổ chức, bảo đảm công chứng là hoạt động mang tính dịch vụ công; tiến tới thực hiện việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng;
b) Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, toàn diện, khả thi; phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên phạm vi địa bàn tỉnh có sự quản lý, định hướng và điều tiết của Nhà nước; bảo đảm lộ trình đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 7 đến 10 điểm công chứng (gồm 1 phòng Công chứng và từ 6 đến 9 Văn phòng công chứng);
c) Việc quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí sau: nhu cầu công chứng của xã hội, diện tích và phân bố dân cư, dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu công chứng của cấp huyện bảo đảm sự hài hoà, hợp lý trong phát triển.
III. Nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng:
Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ bốn nguyên tắc được ghi tại Điều 3 Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006 và các nguyên tắc sau đây:
- Theo đúng quy hoạch;
- Xã hội hoá có định hướng và bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương;
- Ưu tiên đối với các khu vực kinh tế - xã hội phát triển trung tâm.
Phần thứ ba
NỘI DUNG, CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN
I. Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng:
1. Định hướng chung về phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận:
a) Việc xây dựng và phát triển Văn phòng công chứng phải theo quy hoạch của tỉnh; xây dựng một mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng gắn với địa bàn dân cư, địa giới hành chính và phân bố dân cư; phân bố các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu công chứng của từng địa phương để phục vụ kịp thời và thuận lợi cho nhu cầu công chứng của nhân dân;
b) Trong giai đoạn đầu thực hiện đề án (2010 - 2015) là ổn định và tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của phòng Công chứng hiện có; phát triển Văn phòng công chứng tại các địa phương có nhu cầu công chứng cao và có điều kiện thuận lợi để thực hiện xã hội hoá hoạt động công chứng; đồng thời khuyến khích phát triển Văn phòng công chứng tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;
c) Trong những giai đoạn sau là nâng cao chất lượng công chứng tại các phòng Công chứng và Văn phòng công chứng; đồng thời rà soát, sắp xếp tổ chức hành nghề công chứng, phân bố hợp lý theo từng địa phương, tiến tới chuyển đổi, xã hội hoá các phòng Công chứng; mở rộng hệ thống tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân.
2. Lộ trình quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo từng địa phương:
a) Tỉnh Ninh Thuận quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo từng huyện và thành phố (gồm 6 huyện và 1 thành phố). Trong đó, tập trung phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương chưa có tổ chức hành nghề công chứng và địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thực hiện nhiều quan hệ giao dịch dân sự;
b) Lộ trình phát triển tổ chức hành nghề công chứng: toàn tỉnh có 9 Văn phòng công chứng và 1 phòng Công chứng được chia 2 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1 (từ năm 2010 đến năm 2014): 5 Văn phòng và 1 phòng Công chứng gồm:
- Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: giữ nguyên phòng Công chứng số 1 và phát triển thêm 1 Văn phòng công chứng.
- Huyện Thuận Nam: phát triển 1 Văn phòng công chứng.
- Huyện Ninh Sơn: phát triển 1 Văn phòng công chứng.
- Huyện Ninh Hải: phát triển 1 Văn phòng công chứng.
- Huyện Thuận Bắc: phát triển 1 Văn phòng công chứng.
Giai đoạn 2 (từ năm 2015 đến năm 2020):
- Huyện Ninh Phước: phát triển 1 Văn phòng công chứng.
- Huyện Bác Ái: phát triển 1 Văn phòng công chứng.
- 2 văn phòng công chứng tại các khu công nghiệp của tỉnh.
II. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc triển khai đề án:
1. Khách quan:
a) Các thể chế về phát triển kinh tế - xã hội tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận có ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng theo hướng thuận chiều hoặc ngược lại;
b) Sự phát triển của đội ngũ những người hành nghề Luật sư và nhận thức pháp lý của các đối tượng là yếu tố rất cơ bản góp phần tạo nên sự thành công và mức độ đạt được của mục tiêu đề án.
2. Chủ quan:
a) Trình độ pháp lý và kinh nghiệm thực tế của đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện nay còn rất hạn chế; khả năng quản lý của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh (chủ yếu là Sở Tư pháp) có mức độ;
b) Sự phối hợp của các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể, đơn vị, địa phương trong lĩnh vực cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn bộc lộ những khuyết điểm chưa đồng bộ;
c) Nhận thức của một bộ phận nhân dân về tính pháp lý của hoạt động mang tính chất dịch vụ công giữa phòng Công chứng và Văn phòng công chứng còn nhiều bất cập. Sự phân biệt hành vi mang tính công quyền của Nhà nước về hoạt động chứng thực và hành vi mang tính dịch vụ của hoạt động công chứng còn có mức độ.
III. Hoạt động và các giải pháp thực hiện đề án:
1. Hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương:
a) Mục đích: đánh giá đúng thực trạng tình hình tổ chức và các loại hình hoạt động hành nghề công chứng hiện nay;
b) Nội dung và yêu cầu thực hiện: Sở Tư pháp (phòng Bổ trợ tư pháp chủ trì, phối hợp cùng phòng Hành chính tư pháp) thực hiện;
c) Kết quả đầu ra là giúp Sở Tư pháp có số liệu, tờ trình và dự thảo các văn bản có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020.
2. Hoạt động trao đổi kinh nghiệm và triển khai các phương án xây dựng, phát triển điểm hành nghề công chứng:
a) Tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về việc mở Văn phòng công chứng của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ để rút kinh nghiệm và định hướng triển khai đề án đã được phê duyệt;
b) Thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để triển khai đề án;
c) Kết quả đầu ra là bảo đảm đến cuối năm 2014 phát triển 6 Văn phòng công chứng và đến cuối năm 2020 phát triển thêm 4 Văn phòng công chứng, hoàn thành mục tiêu cụ thể của đề án.
3. Hoạt động kiểm tra, đánh giá, rà soát và củng cố các tổ chức hành nghề công chứng:
a) Thực hiện chế độ thanh tra, kiểm tra theo định kỳ, hằng năm có báo cáo kết quả về tình hình hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng;
b) Tổ chức hội nghị sơ kết, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, đối thoại để từng bước hoàn chỉnh hành vi và góp phần hoàn chỉnh thể chế quản lý Nhà nước, thực hiện trách nhiệm, đạo đức của công chứng viên;
c) Điều chỉnh quy hoạch và sắp xếp, phân bổ các Văn phòng công chứng phù hợp với sự phát triển của địa phương;
d) Kết quả đầu ra là bảo đảm hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng được an toàn về mặt pháp lý, phục vụ kịp thời các nhu cầu về công chứng của cá nhân, tổ chức và nhân dân.
Phần thứ tư
TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Thời gian, tiến độ: đề án bắt đầu thực hiện từ sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt với tiến độ, thời gian cụ thể được xác định tại phần thứ ba của Đề án.
2. Phân công trách nhiệm:
a) Đối với Sở Tư pháp:
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện đề án trong từng giai đoạn; tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung Đề án Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế, đạt mục tiêu đề ra.
- Tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Công chứng và các văn bản pháp luật có liên quan; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng theo quy định của pháp luật;
b) Sở Tài chính phối hợp Sở Tư pháp xây dựng dự toán và cấp phát kinh phí thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh;
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng và hướng dẫn hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng;
d) Các sở, ngành có liên quan: theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Tư pháp triển khai thực hiện đề án;
đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh: xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đề án tại địa phương mình bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng yêu cầu, tiến độ đề ra;
e) Trách nhiệm của các tổ chức hành nghề công chứng: thực hiện thủ tục đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động, đăng ký mã số thuế, khắc dấu, lập sổ sách, tổ chức hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật và Đề án này.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ Sở Tư pháp trong quá trình tổ chức thực hiện đề án./.