NGHỊ QUYẾT
Về Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ TƯ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Xét Tờ trình số 2307/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết thông qua Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 503/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020, với các nội dung sau:
1. Phạm vi áp dụng
Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng và các lối mở tại 23 xã biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và dịch vụ - du lịch; phát triển hàng nông sản địa phương; huy động các nguồn lực đầu tư từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển các khu chức năng đảm bảo đồng bộ; bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng bình quân 10%/năm, đến năm 2020 đạt 12,8 triệu USD; giá trị xuất khẩu hàng địa phương tăng bình quân 7%/năm, đến năm 2020 đạt 7,2 triệu USD.
- Tổng thu ngân sách nhà nước về thuế xuất, nhập khẩu, phí, lệ phí bình quân 55 tỷ đồng/năm; doanh thu về du lịch, dịch vụ bình quân 6,5 tỷ đồng/năm.
- Lượng khách xuất, nhập cảnh bình quân 127.000 lượt người/năm, trong đó khách từ nước ngoài vào 21.000 lượt người/năm.
3. Nhiệm vụ trọng tâm
a) Phát triển, mở rộng các cửa khẩu biên giới
- Năm 2017 hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, điều chỉnh diện tích theo hướng mở rộng khu đầu mối 35 ha về phía Huổi Luông; năm 2018 hoàn thiện quy hoạch chi tiết khu vực cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng và Quy hoạch kho bãi tại các cửa khẩu, khu (điểm) chợ biên giới phù hợp với tình hình thực tiễn và tiềm năng phát triển tại cửa khẩu.
- Xây dựng Đề án mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng theo hướng mở rộng không gian khu kinh tế dọc tuyến biên giới Việt - Trung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tiến hành các bước để chính thức mở cửa khẩu U Ma Tu Khoòng theo loại hình cửa khẩu song phương khi đủ điều kiện, phù hợp với Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc do Chính phủ hai nước ký ngày 18/11/2009, đồng thời phát triển các lối mở có đường giao thông thuận lợi thành các khu (điểm) chợ biên giới theo Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc do Chính phủ hai nước ký ngày 12/9/2016.
- Từng bước nghiên cứu, thỏa thuận, đàm phán để ký kết với chính quyền tỉnh Vân Nam - Trung Quốc về hoạt động thương mại tại chợ biên giới đối với người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu ra, vào các khu (điểm) chợ biên giới.
b) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
- Huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như: Kho ngoại quan, kho bãi hàng hóa và nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước, điện sinh hoạt... nhất là các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng và cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng.
- Quan tâm lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình trên tuyến biên giới như: Cơ sở phòng chống dịch bệnh, hệ thống đường tuần tra, đường ra biên giới, kết hợp xây dựng kết cấu hạ tầng di dân ra sát biên giới để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, tạo tiền đề hình thành phát triển thị tứ Ma Lù Thàng theo Quyết định 240/QĐ-TTg ngày 28/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua địa bàn
- Đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu theo hướng tăng tổng kim ngạch. Phát huy tối đa lợi thế các cửa khẩu biên giới (Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, lối mở Pô Tô,...) và các khu (điểm) chợ biên giới để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu. Giữ vững và tăng thị phần đối với các sản phẩm, thị trường xuất khẩu truyền thống, tích cực phát triển các sản phẩm, thị trường xuất khẩu mới.
- Nghiên cứu thực hiện các hình thức để rút ngắn thời gian kiểm soát, bốc xếp, trung chuyển hàng hóa qua biên giới, tạo điều kiện thông thoáng nhất nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa.
- Tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị liên quan; áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin (hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS) trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao tính sẵn sàng của hệ thống hành chính trong việc giải quyết các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp theo hướng giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính, nâng cao hiệu quả làm việc của cơ quan nhà nước.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; phát triển du lịch thương mại, hội chợ ở khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng; trao đổi thông tin, hợp tác với các tỉnh trong nước và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc để cùng tháo gỡ, giải quyết nhanh chóng các vấn đề vướng mắc phát sinh, nhất là trong thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.
d) Phát triển các sản phẩm hàng nông sản địa phương
Phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung tại các xã biên giới với một số cây trồng có lợi thế như:
- Đầu tư thâm canh diện tích ngô hiện có, tăng diện tích ngô trên đất ruộng một vụ; khuyến khích sử dụng các giống ngô lai có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển chăn nuôi và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích tăng lên 4.652 ha, sản lượng đạt 16.783 tấn.
- Mở rộng, phát triển vùng chuối tập trung, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân đầu tư thâm canh chuối, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây chuối đạt 2.001 ha.
- Khoanh vùng diện tích cây sả hiện có, triển khai lập quy hoạch vùng trồng sả gắn với xây dựng thương hiệu. Đổi mới công nghệ chiết xuất thay thế nguyên liệu chất đốt là củi sang nguyên liệu hóa thạch hoặc năng lượng khác nhằm bảo vệ môi trường và rừng đầu nguồn.
- Duy trì và phát triển diện tích cây thảo quả hiện có 3.382 ha, sản lượng khoảng 6.378 tấn; phát triển các loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao, mở rộng và khôi phục diện tích tam thất tại các xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm,... nghiên cứu, khôi phục, phát triển cây dược liệu tại vùng có thế mạnh và phù hợp với điều kiện tự nhiên; phát triển một số cây dược liệu có giá trị như: sâm ngọc linh, đương quy,… phục hồi và phát triển diện tích chè truyền thống tại những nơi có điều kiện thuận lợi.
đ) Phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ - du lịch
- Phát triển các loại hình dịch vụ:
+ Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ vận tải. Khuyến khích phát triển các loại hình vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách ngày càng tăng; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn giao thông.
+ Khuyến khích phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng,... tạo điều kiện để các tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước thành lập chi nhánh, phòng giao dịch; nâng cao năng lực huy động và đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển.
+ Phát triển các dịch vụ bưu chính, viễn thông theo hướng đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.
+ Xem xét phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ xuất khẩu như: Dịch vụ tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn.
- Phát triển các loại hình du lịch: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng mua sắm và du lịch qua biên giới nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch đến Khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chú trọng đầu tư các khu du lịch cộng đồng, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng xã Sin Súi Hồ tại những nơi có điều kiện.
e) Quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại
- Công tác quân sự, quốc phòng: Tiếp tục xây dựng thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Phát huy vai trò quần chúng nhân dân, thành lập các tổ tự quản đường biên, mốc giới, ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
- Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội: Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các lực lượng phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý, buôn bán tàng trữ vũ khí, chất nổ, mua bán người,... giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
- Công tác đối ngoại: Tiếp tục thực hiện tốt quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, nhất là quan hệ hữu nghị hợp tác và giao lưu nhân dân giữa các huyện, xã biên giới. Duy trì thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
4. Kinh phí và nguồn kinh phí
- Kinh phí: 181.000 triệu đồng
- Nguồn kinh phí:
+ Ngân sách Trung ương: 81.000 triệu đồng
+ Ngân sách địa phương: 33.000 triệu đồng
+ Nguồn vốn huy động khác: 67.000 triệu đồng (thu hút đầu tư vào các dự án chợ cửa khẩu, kho bãi...).
5. Các giải pháp chủ yếu
a) Công tác tuyên truyền
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý biên giới; chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc.
- Nâng cấp các trang thông tin điện tử, đặc biệt là Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, thống nhất đăng tải đầy đủ thông tin, số liệu, minh bạch về quy hoạch, các dự án kêu gọi đầu tư cho nhà đầu tư (có thể bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung); đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách chuyên ngành có liên quan đến hoạt động đầu tư nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến nhà đầu tư. Liên kết với trang thông tin của các tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng và cơ hội đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu.
b) Công tác quy hoạch
- Tăng cường quản lý quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất tại Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, điều chỉnh kịp thời đối với các quy hoạch không còn phù hợp; có kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và cấp phép xây dựng.
- Công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát, kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án theo quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất hiệu quả, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và môi trường bền vững.
c) Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế
- Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành để kịp thời điều chỉnh loại bỏ những chi phí bất hợp lý hoặc không cần thiết, điều chỉnh các mức thu hợp lý, bổ sung, ban hành mới về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn, đất đai, thuế, phí và lệ phí,... bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành của tỉnh về quản lý xuất nhập cảnh tại Khu kinh tế cửa khẩu và các cửa khẩu biên giới đảm bảo thuận tiện, nhanh gọn và an toàn. Phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách tạo liên kết vùng để huy động các nguồn lực tập trung phát triển.
- Chỉ đạo và thực hiện các văn bản đã ký kết với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; phối hợp, nắm bắt việc thay đổi về chủ trương điều hành và xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh trao đổi thông tin, hợp tác với các tỉnh trong nước và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc để cùng tháo gỡ, giải quyết nhanh chóng các vấn đề vướng mắc phát sinh, nhất là trong thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tiến hành triển khai các bước chính thức mở cửa khẩu U Ma Tu Khoòng theo loại hình song phương và phát triển các lối mở có đường giao thông thuận lợi thành các khu (điểm) chợ biên giới.
d) Đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại
- Xây dựng cơ chế quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng trong các khu chức năng thuộc Khu kinh tế cửa khẩu theo hướng cho phép doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, trong đó Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định.
- Tiếp xúc, kêu gọi các nhà đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại địa bàn các xã biên giới. Tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, thị trường, tập huấn khởi nghiệp,... Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực, đặc biệt cho từng dự án cụ thể và theo mục tiêu của tỉnh.
- Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tăng cường tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đổi mới nội dung, hình thức, các tài liệu xúc tiến đầu tư, tập trung vào lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại,... để hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác khảo sát thị trường.
- Rà soát các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư các dự án không triển khai thực hiện hoặc kéo dài, chậm tiến độ.
- Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
đ) Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước trong Khu kinh tế cửa khẩu
- Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, phạm vi không gian quản lý đối với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng. Nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng với các cơ quan chức năng như: Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch, UBND các huyện, xã biên giới. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp của các cấp, các ngành, đảm bảo tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập Quốc tế; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực thực thi công vụ. Nâng cao ý thức trách nhiệm người đứng đầu và kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức, viên chức; nâng cao năng lực, ngoại ngữ cho công chức, viên chức làm việc tại cửa khẩu.
- Rà soát, xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu và Ủy ban nhân dân các huyện biên giới, phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.
e) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư và tạo điều kiện nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ công, bảo đảm tính công khai minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; hiện đại hóa các hoạt động dịch vụ công như: Cấp đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, thủ tục xuất, nhập khẩu qua mạng… Triển khai và nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan chức năng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng đối với các dự án đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu.
- Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện. Đặc biệt chú ý nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu.
g) Nguồn lực đầu tư, phương thức huy động vốn đầu tư, trọng tâm là vốn ngoài ngân sách
- Tập trung huy động các nguồn lực ngoài Ngân sách tham gia đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là công tác xã hội hóa, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Trung ương và của tỉnh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng, Khu công nghiệp Mường So,...
- Bố trí, sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ phí, lệ phí tại Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng để duy tu, bảo dưỡng, tái đầu tư hạ tầng cửa khẩu và các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khoá XIV Kỳ họp thứ tư thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017./.