CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Về việc tăng cường quản lý Nhà nước sau đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
________
Qua 3 năm thi hành Luật doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được một số kết quả sau: tổng số doanh nghiệp được thành lập từ khi thi hành Luật Doanh nghiệp đến nay là 965 doanh nghiệp, với vốn đăng ký 1.345 tỷ đồng; số doanh nghiệp tăng lên rất đáng kể, thêm nhiều ngành nghề, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ phục vụ nhu cầu xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, qua tình hình thực tế triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện những tồn tại như: Cơ quan đăng ký kinh doanh chưa thực hiện được nhiệm vụ kiểm tra sau đăng ký kinh doanh theo Điều 116 Luật Doanh nghiệp; các Sở, Ngành còn lúng túng trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp từ hình thức quản lý bằng giấy phép kinh doanh chuyển sang quản lý theo điều kiện kinh doanh; một số người thuộc diện không được quyền thành lập doanh nghiệp vẫn làm đơn đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh về những thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh v.v... Những hiện tượng này đã phần nào hạn chế tác dụng tích cực của Luật Doanh nghiệp.
Để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước sau đăng ký kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động độc lập bình đẳng trước pháp luật, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh triển khai thực hiện các công việc như sau:
1. Sở Kế hoạch-Đầu tư:
- Tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật;
- Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền phổ biến hướng dẫn pháp luật cho các doanh nghiệp.
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh xác minh việc góp vốn của các doanh nghiệp theo quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp. Đôn đốc doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính hàng năm và báo cáo tình hình kinh doanh khi cần thiết theo qui định tại Điều 116 và 118 Luật Doanh nghiệp.
- Yêu cầu các doanh nghiệp hiệu đính các thông tin không chính xác, không đầy đủ trong hồ sơ đăng ký kinh doanh khi phát hiện được. Nếu doanh nghiệp không hiệu đính thì tiến hành kiểm tra, xác định mức độ vi phạm, xử lý theo thẩm quyền, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; Công bố công khai các hành vi vi phạm Luật Doanh nghiệp của doanh nghiệp.
- Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vi phạm khoản 3 Điều 121 Luật Doanh nghiệp.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Cục Thuế:
- Kiểm tra, xử lý các vi phạm về: đăng ký kê khai thuế, đăng ký nộp thuế, đăng ký mã số thuế theo quy định của pháp luật.
- Thông qua công tác về quản lý thuế, giám sát việc chấp hành quy định về chuyển quyền sở hữu tài sản (hiện vật) của thành viên góp vốn vào công ty theo Điều 22 Luật Doanh nghiệp.
- Kiểm tra, tổng hợp và định kỳ báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư những doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh không đăng ký mã số thuế, những doanh nghiệp không tiến hành kinh doanh trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp GCN đăng ký kinh doanh hoặc ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm liên tục mà không khai báo.
- Xác minh trụ sở doanh nghiệp khi thực hiện bán hóa đơn GTGT.
- Cung cấp thông tin vi phạm quy định thuế cho các cơ quan chức năng.
- Chỉ đạo Chi cục thuế các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và báo cáo cơ quan Thuế cấp trên và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh, các doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không đăng ký kinh doanh trên địa bàn để xử lý theo quy định.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Các sở, ngành kinh tế kỹ thuật thuộc tỉnh.
- Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kinh doanh; cấp giấy phép kinh doanh cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, công bố công khai về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện do ngành quản lý cho doanh nghiệp.
-Tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật và các quy định về điều kiện kinh doanh: phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh kiểm tra giấy phép kinh doanh và việc chấp hành các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện phải có giấy phép kinh doanh thuộc chuyên ngành quản lý, kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện không cần có giấy phép kinh doanh thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ.
- Công bố công khai quy hoạch phát triển ngành để doanh nghiệp biết và tổ chức sản xuất kinh doanh đúng theo quy hoạch.
4. Công an tỉnh:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi tới, Công an tỉnh có trách nhiệm xác minh nhân thân của người tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp, nếu phát hiện đối tượng bị cấm quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp như quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp thì thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để xử lý theo luật định.
Công an tỉnh cung cấp danh sách các đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự để loại trừ khi đăng ký kinh doanh.
5. Thanh tra Nhà nước tỉnh.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra của tỉnh đối với các doanh nghiệp trên cơ sở hướng dẫn của Tổng Thanh tra Nhà nước và yêu cầu công tác quản lý của tỉnh, trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 25/12 hàng năm.
- Hướng dẫn các sở, ngành của tỉnh và Ủy ban Nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành, địa phương đối với các doanh nghiệp.
- Rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan tránh trùng lặp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tổng hợp chương trình, kế hoạch kiểm tra của các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt trước ngày 25/12 hàng năm.
- Việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 cua Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và Chỉ thị số 22/2001/CT-TTg ngày 11/09/2001 về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
6. Cơ quan quản lý thị trường
- Kiểm tra việc thi hành pháp luật và các chính sách, chế độ, thể lệ trong hoạt động thương mại trên thị trường.
- Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
- Phối hợp với các ngành, các cấp có chức năng quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu và hành vi kinh doanh trái phép.
7. Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố:
- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, chỉ đạo Phòng thực hiện đăng ký kinh doanh của huyện thực hiện kiểm tra nội dung đăng ký kinh doanh.
- Tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy có liên quan đến doanh nghiệp.
- Theo dõi hoạt động của doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh, đảm bảo hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo đúng nội dung đã đăng ký và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Chỉ đạo Phòng thực hiện đăng ký kinh doanh phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra tính xác thực của địa chỉ đặt trụ sở doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, thông báo về phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư những địa chỉ không có thực để kịp thời xử lý.
- Kiểm tra xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm quy định: về trụ sở, đặt bảng hiệu bố cáo thành lập... của doanh nghiệp theo Nghị định số 01/CP ngày 03/01/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và Nghị định số 01/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 của Chính phủ bổ sung sửa đổi một số điều Nghị định 01/CP năm 1996, Nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26/06/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin.
- Tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý doanh nghiệp vi phạm hành chính về việc kinh doanh: không đúng ngành nghề đã đăng ký, không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không chấp hành các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Tổ chức lực lượng kiểm tra với sự tham gia của nhiều ban ngành, định kỳ mỗi năm một lần theo hình thức xuống trực tiếp hoặc yêu cầu báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra đột xuất).
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Hướng dẫn chỉ đạo Ủy ban Nhân dân phường, xã phối hợp với công an phường, xã xác minh sự hiện diện của người thành lập, quản lý doanh nghiệp tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú theo yêu cầu của Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư.
8. Tổ chức thực hiện
- Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban ngành, và chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố căn cứ vào nhiệm vụ được giao để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện ngay, đồng thời có báo cáo định kỳ gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình UBND tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp, quản lý Cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin nhận được từ các Sở, ngành thuộc tỉnh và UBND cấp huyện. Gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh - văn phòng đại diện đến Ủy ban Nhân dân huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh và cơ quan Thuế, cơ quan Thống kê, cơ quan quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật cùng cấp trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
- Thủ trưởng các sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả công việc trước UBND tỉnh./.