CHỈ THỊ
Về tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng
_______________________________
Trong thời gian qua, các Bộ, ngành và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khóa XI về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Từ năm 2006 đến hết năm 2008, cả nước đã trồng mới 614.113 ha rừng, đạt 61,4% nhiệm vụ (trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng 139.171 ha, rừng sản xuất 474.942 ha); khoanh nuôi tái sinh 1.030.000 ha; khoán bảo vệ rừng 2.300.000 ha.
Để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết số 73/2006/QH11 của Quốc hội, từ nay đến hết năm 2010 còn phải trồng mới gần 386.000 ha (trong đó: trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 111.000 ha và rừng sản xuất 275.000 ha); tiếp tục khoanh nuôi tái sinh và khoán bảo vệ rừng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
1. Quán triệt và nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết 73/2006/QH11 của Quốc hội về trồng mới 5 triệu ha rừng, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ, đặc dụng. Hàng năm, các chỉ tiêu kế hoạch được cụ thể hóa vào trong Nghị quyết của các cấp ủy, Hội đồng nhân dân và giao Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch trồng mới 5 triệu ha rừng đã được giao đến năm 2010 của địa phương mình.
2. Căn cứ các kết quả đã thực hiện đến hết năm 2008 và nhu cầu bảo vệ phát triển rừng theo quy hoạch, các địa phương chỉ đạo việc rà soát, xây dựng các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, dự kiến kế hoạch khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng mới … cho 2 năm 2009 và 2010, có địa điểm, địa danh cụ thể trên bản đồ và trên thực địa trong các dự án cơ sở; có giải pháp, tính toán bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện dự án có kết quả tại địa phương mình.
3. Tiếp tục tuyên truyền giáo dục nhân dân làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, phối hợp chặt chẽ các lực lượng ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại rừng. Củng cố bộ máy các Ban Quản lý rừng phòng hộ và các Ban Quản lý Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, tăng cường hệ thống khuyến lâm cơ sở, tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và kỹ thuật các cấp, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện dự án cơ sở, bảo đảm chất lượng, chống thất thoát, lãng phí.
4. Về giao đất, giao rừng, cho thuê rừng: các địa phương khẩn trương rà soát đất đai, tổ chức lại các lâm trường quốc doanh, thực hiện giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng để các hộ gia đình và các thành phần kinh tế tổ chức bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt.
5. Về quản lý giống cây lâm nghiệp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển và sử dụng giống cây có chất lượng vào trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật lâm sinh thông qua hệ thống khuyến lâm cơ sở, giúp nông dân và các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng đạt năng suất, chất lượng cao.
6. Về trồng cây phân tán: tiếp tục duy trì và phát động rộng rãi phòng trào trồng cây phân tán trong cả nước, huy động mọi tầng lớp nhân dân, tận dụng các tuyến đường giao thông, kênh, rạch, các khu đô thị và khu dân cư, tận dụng quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình và mọi quỹ đất có thể để trồng cây phân tán, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và cảnh quan môi trường. Phấn đấu hàng năm trồng mới và trồng lại trên 300 triệu cây trồng phân tán.
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng quy hoạch và kế hoạch trồng cây phân tán chi tiết đến từng đơn vị cơ sở, tổ chức chỉ đạo cụ thể, theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện của địa phương mình; xây dựng các cơ chế quản lý cụ thể, tạo thuận lợi cho người trồng chăm sóc, bảo vệ và khai thác sử dụng cây trồng; giao việc quản lý cây trồng để các thôn, bản tự quản hoặc các tổ chức, đoàn thể quần chúng tổ chức trồng trên các khu đất công. Ở các thôn, bản cần xây dựng quy ước nội bộ để bảo đảm trồng cây nào sống tốt cây ấy.
Các đơn vị, địa phương chủ động bố trí, lồng ghép trong các chương trình dự án của Trung ương và địa phương trên địa bàn, bảo đảm kinh phí cho trồng cây phân tán.
Hàng năm các đơn vị, các địa phương phải báo cáo tình hình trồng, bảo vệ và kết quả khai thác sử dụng cây phân tán về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về hỗ trợ lương thực để dân trồng rừng thay thế nương rẫy: đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ lương thực để người dân miền núi trồng rừng thay thế cho sản xuất nương rẫy … đồng thời tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình chủ động trồng rừng và hưởng lợi từ rừng.
8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng, sản xuất giai đoạn 2007 – 2015 và Quyết định số 164/2008/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khóa XI.
Trong quý I năm 2009, giao kế hoạch vốn 3 năm 2009 – 2011 để các địa phương chủ động thực hiện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ còn lại đến năm 2010 theo Nghị quyết số 73/2006/QH11 của Quốc hội.
9. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi cơ chế quản lý tài chính và tổ chức thực hiện dự án theo phương thức đầu tư theo dự án được duyệt; thanh toán, cấp phát theo khối lượng thực hiện hàng năm của dự án, không phụ thuộc vào kế hoạch khối lượng công việc từng năm, nhằm giúp các địa phương chủ động hoàn thành sớm các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
10. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương thực hiện việc giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thôn, bản, bảo đảm từng diện tích đất có chủ cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ còn lại của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
11. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch trồng mới 5 triệu ha rừng đã được giao đến năm 2010 của đơn vị mình, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, giám sát, huy động lực lượng trong ngành tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.
12. Các Bộ, ngành và tổ chức thành viên trong Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và có trách nhiệm hướng dẫn giúp các địa phương hoàn thành nhiệm vụ.
13. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo và đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ trồng cây phân tán trên cơ sở Đề án Phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán và các chính sách về trồng cây phân tán đã được ban hành.
Yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị này, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần để cả nước hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.