Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư  quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Hội đồng).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Hồ sơ).

 

CHƯƠNG II

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng

  1. Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập đối với từng Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen.
  2. Hội đồng có chức năng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xem xét Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  3. Các hoạt động của Hội đồng thực hiện thông qua Cơ quan thường trực thẩm định Hồ sơ (sau đây gọi tắt là Cơ quan thường trực thẩm định). Trách nhiệm của Cơ quan thường trực thẩm định quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.
  4. Thành viên Hội đồng được Cơ quan thường trực thẩm định cung cấp thông tin, tài liệu và những vấn đề liên quan đến Hồ sơ để nghiên cứu, thẩm định.
  5. Thành viên Hội đồng được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng

  1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, công khai, biểu quyết và quyết định theo đa số.
  2. Ý kiến của từng thành viên Hội đồng và kết quả thẩm định của Hội đồng được thể hiện trong biên bản cuộc họp Hội đồng theo mẫu quy định tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
  3. Thành viên Hội đồng đánh giá Hồ sơ theo 01 trong 02 mức sau:
  1. Đồng ý thông qua: trong trường hợp các thông tin trong Hồ sơ đáp ứng đầy đủ theo nội dung thẩm định tại mục II của Phiếu nhận xét Hồ sơ (phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này);
  2. Không đồng ý thông qua: trong trường hợp các thông tin trong Hồ sơ không đáp ứng đầy đủ theo nội dung thẩm định tại mục II của Phiếu nhận xét Hồ sơ (phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
  1. Hội đồng kết luận theo 01 trong 02 mức sau:
  1. Đồng ý thông qua: khi có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng (theo Quyết định thành lập Hội đồng) có phiếu đánh giá đồng ý thông qua, trong đó phải có cả 02 Ủy viên phản biện;
  2. Không đồng ý thông qua: khi có từ một phần ba số thành viên Hội đồng (theo Quyết định thành lập Hội đồng) trở lên có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua hoặc cả 02 ủy viên phản biện có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua.

Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng

Hội đồng có số lượng thành viên là 07 hoặc 09 người, trong đó:

  1. Chủ tịch Hội đồng là đại diện Lãnh đạo Cơ quan thường trực thẩm định.
  2. Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện Lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
  3. Các Ủy viên gồm đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi diễn ra hoạt động tiếp cận nguồn gen và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp.
  4. Hai Ủy viên phản biện là các nhà khoa học có trình độ chuyên môn,  kinh nghiệm trong lĩnh vực có liên quan.
  5. Thư ký Hội đồng là công chức của Cơ quan thường trực thẩm định.

Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn các thành viên Hội đồng

  1. Ủy viên hội đồng có trách nhiệm và quyền hạn chung sau:

a. Đánh giá trung thực, khách quan và công bằng nội dung hồ sơ và các tài liệu liên quan do Cơ quan thường trực thẩm định cung cấp. Trường hợp xét thấy cần thiết, đề nghị Cơ quan thường trực thẩm định cung cấp bổ sung thông tin và tài liệu liên quan đến hồ sơ để nghiên cứu, đánh giá;

b. Viết Phiếu nhận xét và Phiếu đánh giá theo mẫu quy định tại phụ lục số 02 và phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này; trình bày Phiếu nhận xét tại cuộc họp của Hội đồng;

c. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Cơ quan thường trực thẩm định và trước pháp luật về các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với Hồ sơ và những nội dung công việc được phân công trong quá trình thẩm định và chịu trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng;

d. Đảm bảo các quy định về bảo mật thông tin có trong Hồ sơ, quá trình thẩm định theo quy định của pháp luật và nộp lại các tài liệu này theo yêu cầu của Cơ quan thường trực thẩm định sau khi hoàn thành nhiệm vụ;

đ. Tham gia các cuộc họp của Hội đồng; trường hợp không thể tham dự cuộc họp Hội đồng, có trách nhiệm gửi bản nhận xét đối với Hồ sơ cho Cơ quan thường trực thẩm định trước khi cuộc họp được tiến hành ít nhất 01 ngày làm việc;

e. Có ý kiến tham gia tại cuộc họp Hội đồng; bảo lưu ý kiến trong trường hợp có ý kiến khác với kết luận của Hội đồng;

g. Viết nhận xét về Hồ sơ đã được chỉnh sửa, bổ sung sau cuộc họp của Hội đồng khi có yêu cầu bằng văn bản của Cơ quan thường trực thẩm định;

h. Thực hiện các yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng hoặc Cơ quan thường trực thẩm định có liên quan đến hoạt động của Hội đồng.

  1. Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm và quyền hạn sau:
  1. Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này;
  2. Quyết định triệu tập cuộc họp Hội đồng;
  3. Điều hành cuộc họp Hội đồng, kết luận và chịu trách nhiệm về kết luận của Hội đồng;
  4. Ký biên bản cuộc họp của Hội đồng và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực của các nội dung ghi trong biên bản các cuộc họp của Hội đồng;

đ) Xác nhận việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen theo ý kiến kết luận của Hội đồng;

  1. Báo cáo và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến kết quả đánh giá của Hội đồng theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan thường trực thẩm định;

g) Trong trường hợp không tham dự cuộc họp Hội đồng, ủy quyền bằng văn bản cho Phó Chủ tịch Hội đồng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quy định tại điểm c, d, đ và e khoản này.

  1. Phó Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm và quyền hạn sau:
  1. Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này;
  2. Thực hiện quy định tại điểm g khoản 2 Điều này khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản.
  1. Ủy viên Hội đồng là đại diện của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi diễn ra hoạt động tiếp cận nguồn gen có trách nhiệm và quyền hạn sau:
  1. Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này;
  2. Cung cấp cho Hội đồng các thông tin, tài liệu liên quan đến nguồn gen được đề nghị tiếp cận tại địa phương; chịu trách nhiệm về các thông tin, tài liệu cung cấp cho Hội đồng.
  1. Ủy viên thư ký có trách nhiệm và quyền hạn sau:
  1. Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này;
  2. Cung cấp các mẫu Phiếu nhận xét và Phiếu đánh giá Hồ sơ cho các thành viên Hội đồng;
  3. Đọc bản nhận xét của các thành viên Hội đồng không tham gia cuộc họp của Hội đồng;
  4. Ghi và ký biên bản cuộc họp Hội đồng; chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực của các nội dung ghi trong biên bản cuộc họp của Hội đồng; hoàn chỉnh biên bản cuộc họp Hội đồng; báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét ký biên bản.

Điều 7. Điều kiện tiến hành cuộc họp Hội đồng

Cuộc họp Hội đồng được tiến hành khi đáp ứng các yêu cầu sau:

  1. Có mặt ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng (theo Quyết định thành lập Hội đồng) trong đó phải có Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch, các ủy viên phản biện và ủy viên thư ký.
  2. Chủ tịch Hội đồng chủ trì các cuộc họp của Hội đồng hoặc phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì các phiên họp khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản.
  3. Có sự tham gia của đại diện có thẩm quyền của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen hoặc người được ủy quyền bằng văn bản (nếu cần).

Điều 8. Trình tự tiến hành cuộc họp hội đồng

  1. Ủy viên thư ký đọc quyết định thành lập Hội đồng, giới thiệu thành phần tham dự và báo cáo tóm tắt quá trình xử lý hồ sơ.
  2. Chủ tịch Hội đồng điều hành cuộc họp Hội đồng theo thẩm quyền được quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.
  3. Đại diện có thẩm quyền của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen hoặc người được ủy quyền bằng văn bản trình bày những nội dung chính của Hồ sơ (nếu cần).
  4. Các thành viên Hội đồng có ý kiến đề nghị làm rõ về các nội dung trình bày hoặc đặt câu hỏi; đại diện có thẩm quyền của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen (hoặc người được ủy quyền bằng văn bản) phản hồi, cung cấp bổ sung thông tin.
  5. Các Ủy viên phản biện và Ủy viên Hội đồng trình bày Phiếu nhận xét về hồ sơ theo mẫu tại phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Ủy viên thư ký đọc Phiếu nhận xét của các thành viên Hội đồng vắng mặt (nếu có) để Hội đồng xem xét, tham khảo.
  6. Hội đồng thảo luận, đánh giá hồ sơ theo các nội dung quy định và các  Ủy viên hội đồng có mặt bỏ Phiếu đánh giá Hồ sơ theo mẫu tại phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này; Ủy viên thư ký tổng hợp và báo cáo trước Hội đồng về kết quả kiểm phiếu theo mẫu quy định tại phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.
  7. Hội đồng họp riêng để thống nhất từng nội dung kết luận và thông qua biên bản của Hội đồng.
  8. Chủ tịch Hội đồng công bố kết luận của Hội đồng và tuyên bố kết thúc cuộc họp.

Điều 9. Cơ quan thường trực thẩm định

  1. Cơ quan thường trực thẩm định được quy định như sau:
  1. Tổng cục Thủy sản: thường trực thẩm định việc cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen giống thủy sản;
  1. Tổng cục Lâm nghiệp: thường trực thẩm định việc cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen giống cây lâm nghiệp, giống vật nuôi lâm nghiệp;
  2. Cục Trồng trọt: thường trực thẩm định việc cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen giống cây trồng nông nghiệp;
  3. Cục Chăn nuôi: thường trực thẩm định việc cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen giống vật nuôi.
  1. Cơ quan thường trực thẩm định có trách nhiệm sau đây:
  1. Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật;
  2. Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định thành lập Hội đồng;
  3. Thông báo tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen cung cấp bổ sung các tài liệu liên quan trong trường hợp cần thiết và gửi đến các thành viên Hội đồng;
  4. Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn trong nước có chuyên môn phù hợp lấy ý kiến bằng văn bản về Hồ sơ trong trường hợp cần thiết;

đ) Tổ chức các cuộc họp của Hội đồng theo quy định tại Thông tư này;

  1. Thông báo bằng văn bản kết luận của Hội đồng cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen;
  1. Tổ chức kiểm tra, rà soát Hồ sơ đã được chỉnh sửa, bổ sung theo kết luận của Hội đồng; trong trường hợp cần thiết, gửi văn bản đề nghị một số thành viên Hội đồng cho ý kiến nhận xét về Hồ sơ sau khi chỉnh sửa;
  2. Dự thảo văn bản báo cáo kết quả thẩm định Hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định về việc cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen;
  3. Tổ chức thanh quyết toán các khoản chi phục vụ hoạt động của Hội đồng; quản lý, lưu giữ hồ sơ và tài liệu có liên quan đến các cuộc họp của Hội đồng theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 7 năm 2020

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

  1. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện Thông tư này.
  1. Các Tổng cục, Cục được giao là Cơ quan thường trực thẩm định tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các nhiệm vụ được giao; Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) trước ngày 15/12 hằng năm để tổng hợp.
  2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
  3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) để xem xét, sửa đổi, bổ sung

Nơi nhận:

-   Thủ tướng Chính phủ;

-   Các Phó Thủ tướng Chính phủ;

-   Văn phòng Quốc hội;

-   Văn phòng Chính phủ;

-   Tòa án Nhân dân tối cao;

-   Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;

-   Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

-   Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT;

-   Cục Kiểm tra Văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;

-   Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;

-   UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

-  Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

-   Công báo; Cổng TTĐT của Chính phủ; Cổng TTĐT Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Lưu: VT, KHCN.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Quốc Doanh