Sign In

THÔNG TƯ 

Quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31

Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn

và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

 

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bao gồm: phân loại, thống kê, kiểm kê đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng; xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước; tổ chức hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước; tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.

Chương II

PHÂN LOẠI, THỐNG KÊ, KIỂM KÊ ĐẤT NGẬP NƯỚC,

QUAN TRẮC CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC QUAN TRỌNG,

XÂY DỰNG BÁO CÁO VỀ CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

Điều 3. Phân loại đất ngập nước

1. Phân loại đất ngập nước là việc xác định các kiểu đất ngập nước phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

2. Căn cứ vào các yếu tố thuỷ văn, hải văn, địa hình, địa mạo, điều kiện thổ nhưỡng, mức độ tác động của con người và ảnh hưởng của các yếu tố biển, lục địa, các vùng đất ngập nước được chia thành 03 (ba) nhóm như sau:

a) Vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo là những vùng đất ngập nước tự nhiên mặn, lợ ở ven biển, ven đảo (ký hiệu nhóm I);

b) Vùng đất ngập nước nội địa là những vùng đất ngập nước ngọt tự nhiên nằm trong lục địa hoặc nằm gần ven biển (ký hiệu nhóm II);

c) Vùng đất ngập nước nhân tạo là các vùng đất ngập nước được hình thành do tác động của con người (ký hiệu nhóm III).

3. Vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo được xác định gồm các vùng sau:

a) Vùng đất ngập nước tính từ đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm trở ra phía biển đến đường mép nước biển thấp nhất (ngấn thuỷ triều thấp nhất) trung bình trong nhiều năm;

b) Vùng đất ngập nước tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở ra phía biển đến độ sâu 06 mét so với mặt nước biển.

4. Vùng đất ngập nước không thuộc quy định tại khoản 3 Điều này là vùng đất ngập nước nội địa và ranh giới được xác định từ đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm trở vào đất liền.

5. Căn cứ vào điều kiện địa hình, địa mạo, thủy văn, hải văn, thổ nhưỡng, thảm thực vật, yếu tố sinh vật, hiện trạng sử dụng đất và mặt nước, các vùng đất ngập nước thuộc 03 nhóm quy định tại khoản 2 Điều này được phân loại thành 26 kiểu đất ngập nước theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Thống kê, kiểm kê đất ngập nước

1. Việc thống kê, kiểm kê đất ngập nước đối với các nhóm quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cụ thể:

a) Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Thông tư này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư này thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thực hiện thống kê, kiểm kê đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý và gửi kết quả thống kê, kiểm kê về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 5. Quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng

1. Việc quan trắc chế độ thuỷ văn các vùng đất ngập nước quan trọng được thực hiện theo quy định về quan trắc thuỷ văn. Việc quan trắc chất lượng môi trường nước, trầm tích các vùng đất ngập nước quan trọng được thực hiện theo quy định về quan trắc môi trường.

2. Nội dung quan trắc đa dạng sinh học và các mối đe dọa vùng đất ngập nước quan trọng thực hiện như sau:

a) Đa dạng sinh học: quan trắc số lượng và thành phần các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm; số cá thể loài được ưu tiên bảo vệ; số lượng cá thể các loài chim nước, chim di cư;

b) Mối đe dọa: quan trắc số lượng các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; số lượng các hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng đất ngập nước quan trọng;

c) Các nội dung quan trắc quy định tại điểm a, điểm b khoản này được thực hiện theo phương pháp điều tra, khảo sát thực tế. Tần suất quan trắc tối thiểu 01 lần/năm.

3. Diện tích, ranh giới của vùng đất ngập nước quan trọng và các kiểu đất ngập nước được quan trắc theo phương pháp điều tra, khảo sát thực tế với tuần suất quan trắc tối thiểu 01 lần/năm.

4. Kết quả quan trắc quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này gửi về cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Điều 6. Xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước theo Mẫu đề cương quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hình thức báo cáo và phương thức gửi báo cáo:

a) Báo cáo được thực hiện bằng 01 trong 02 hình thức sau: báo cáo bằng văn bản giấy, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, đóng dấu theo quy định; báo cáo bằng văn bản điện tử, có chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan, đóng dấu theo quy định;

b) Báo cáo được gửi tới nơi nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau đây: trực tiếp; dịch vụ bưu chính; hệ thống thư điện tử; hệ thống phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo:

a) Thời gian chốt số liệu báo cáo được tính đến ngày 15 tháng 11 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 11 của kỳ báo cáo;

b) Thời hạn gửi báo cáo: định kỳ 03 năm một lần, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo về các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 11 của kỳ báo cáo.

Chương III

TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH HỒ SƠ DỰ ÁN

THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

Điều 7. Thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập hội đồng thẩm định liên
ngành dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng thẩm định dự
án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Điều 8. Điều kiện tiến hành cuộc họp hội đồng thẩm định

Cuộc họp hội đồng thẩm định được tiến hành khi đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây:

1. Có đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước đối với khu bảo tồn cấp quốc gia và khoản 3 Điều 14 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước đối với khu bảo tồn cấp tỉnh.

2. Có sự tham gia của Chủ tịch hội đồng; thành viên hội đồng là đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hội đồng thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia; đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với hội đồng thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh; và có trên hai phần ba (2/3) tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập.

Điều 9. Nguyên tắc làm việc của hội đồng thẩm định

1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, công khai, biểu quyết và quyết định theo đa số.

2. Ý kiến của từng thành viên hội đồng và ý kiến của hội đồng được thể hiện trong biên bản họp hội đồng thẩm định.

3. Hội đồng kết luận theo 02 mức độ: đạt yêu cầu khi có từ hai phần ba (2/3) số thành viên hội đồng theo quyết định thành lập trở lên đánh giá đạt và đạt với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung; không đạt yêu cầu khi trên một phần ba (1/3) số thành viên hội đồng đánh giá không đạt yêu cầu.

4. Kết quả thẩm định là kết luận của Chủ tịch hội đồng thẩm định theo 02 mức độ quy định tại khoản 3 Điều này.

Trong trường hợp kết quả thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn không đạt yêu cầu, cơ quan được giao lập dự án hoàn thiện hồ sơ dự án theo kết luận của hội đồng và gửi cơ quan tổ chức thẩm định để hội đồng họp thẩm định lại.

5. Hội đồng thẩm định tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 10. Trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng thẩm định

1. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch hội đồng:

a) Quyết định triệu tập cuộc họp hội đồng thẩm định;

b) Điều hành cuộc họp hội đồng thẩm định;

c) Xử lý các ý kiến được nêu trong cuộc họp hội đồng thẩm định; kết luận cuộc họp hội đồng và chịu trách nhiệm về các kết luận của hội đồng thẩm định;

d) Ký biên bản cuộc họp hội đồng thẩm định và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực của các nội dung ghi trong biên bản họp hội đồng thẩm định theo Mẫu số 3.3 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của thành viên hội đồng thẩm định quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trách nhiệm và quyền hạn của thành viên hội đồng thẩm định:

a) Xem xét nghiên cứu, đánh giá, góp ý hoàn thiện nội dung hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước;

b) Tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định, trường hợp không tham dự cuộc họp hội đồng, có trách nhiệm gửi bản nhận xét đối với hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cho cơ quan tổ chức thẩm định trước khi cuộc họp hội đồng thẩm định được tiến hành ít nhất 01 ngày làm việc;

c) Viết bản nhận xét về hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước theo Mẫu số 3.1 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và trình bày bản nhận xét tại cuộc họp hội đồng thẩm định;

d) Điền phiếu thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước theo Mẫu số 3.2 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Có ý kiến tại cuộc họp hội đồng thẩm định; bảo lưu ý kiến trong trường hợp có ý kiến khác với kết luận của hội đồng thẩm định;

e) Viết nhận xét về hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước đã được chỉnh sửa, bổ sung sau cuộc họp hội đồng thẩm định khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan tổ chức thẩm định;

g) Tham gia các hoạt động có liên quan đến thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước khi Chủ tịch hội đồng hoặc cơ quan tổ chức thẩm định yêu cầu;

h) Có trách nhiệm trước cơ quan tổ chức thẩm định về các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và những nội dung công việc được phân công trong quá trình thẩm định; đảm bảo các quy định về bảo mật thông tin có trong hồ sơ, quá trình thẩm định theo quy định của pháp luật và nộp lại các tài liệu này khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức thẩm định sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

 

Chương IV

TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC, VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC QUAN TRỌNG NẰM NGOÀI KHU BẢO TỒN

Điều 11. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước

1. Căn cứ vào quy mô diện tích, giá trị đa dạng sinh học, môi trường, quyền sử dụng đất của khu vực thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và điều kiện thực tiễn, cơ quan có thẩm quyền thành lập khu bảo tồn quyết định tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước đảm bảo các điều kiện phù hợp để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; thực hiện kế hoạch quản lý khu bảo tồn đất ngập nước được phê duyệt theo Mẫu đề cương quy định tại Phụ lục IV và quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước được phê duyệt theo Mẫu đề cương quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Tổ chức quản lý vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn

1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;

b) Các nhiệm vụ quy định tại Điều 32 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động trên các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn có trách nhiệm thực hiện Quy chế phối hợp quản lý quy định tại khoản 2 Điều 13 của Thông tư này.

Điều 13. Quy chế phối hợp quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn

1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh xây dựng quy chế phối hợp quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Nội dung quy chế phối hợp quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn được xây dựng và thực hiện theo Mẫu đề cương quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  16  tháng  11  năm 2020.

2. Thông tư số 18/2004/TT-BTNMT ngày 23 tháng 8 năm 2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Tuấn Nhân