1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09 tháng 02 năm 2024.
2. Quyết định này thay thế các Quyết định:
a) Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quy định về bồi thường thiệt hại cây trồng và vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;
b) Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang sửa đổi, bổ sung Điều 7 của Quy định về bồi thường thiệt hại cây trồng và vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ban hành kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
3. Đối với những dự án, hạng mục đã có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng thời điểm chi trả kinh phí bồi thường sau thời gian Quyết định này có hiệu lực thi hành thì được bồi thường bổ sung theo Quyết định này.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Về bồi thường thiệt hại cây trồng và vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 22/01/2024
của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về bồi thường thiệt hại cây trồng và vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường.
2. Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 khi Nhà nước thu hồi đất.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại đối với cây trồng và vật nuôi là thủy sản.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Cây hàng năm là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 năm, kể cả cây hàng năm lưu gốc.
2. Cây lâu năm là loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.
3. Cây đầu dòng là cây tốt nhất được bình tuyển và công nhận từ quần thể của một giống cây trồng.
4. Vật nuôi là thủy sản theo hình thức nuôi ao, bể là hình thức nuôi thương phẩm các loài thuỷ sản có giá trị với mục đích kinh tế.
5. Vật nuôi là thủy sản theo hình thức nuôi trên bãi triều (bao gồm nghêu, sò, hàu) là hình thức nuôi quảng canh cải tiến, nguồn thức ăn và chế độ chăm sóc quản lý phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của khu vực cồn, bãi ven biển.
6. Vật nuôi là thủy sản được nuôi trong lồng/bè trên sông là hình thức nuôi thủy sản thương phẩm, bè đóng bằng vật liệu thích hợp, neo đậu tại một vị trí theo quy định.
7. Vật nuôi là thủy sản theo hình thức nuôi quảng canh cải tiến (nuôi tôm sú và một số loài thuỷ sản khác) là hình thức nuôi chủ yếu dựa vào tự nhiên cả về giống lẫn thức ăn nhưng có thả thêm giống ở mật độ thấp hoặc bổ sung thức ăn không thường xuyên.
8. Vật nuôi là thủy sản theo hình thức nuôi cá ao truyền thống là hình thức sử dụng diện tích mặt nước ao để cải thiện cuộc sống gia đình có năng suất bình quân 10 tấn/ha/vụ nuôi.
Chương II
NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH BỒI THƯỜNG
Điều 4. Đối với cây trồng
1. Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất.
2. Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất.
3. Đối với cây trồng chưa thu hoạch (kể cả cây làm kiểng, làm cảnh) nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.
4. Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Điều 5. Đối với vật nuôi là thủy sản
1. Vật nuôi là thủy sản tại thời điểm thu hồi đất mà chưa đến thời kỳ thu hoạch trong điều kiện không thể di chuyển sang nơi khác để tiếp tục nuôi cho đến thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm.
2. Vật nuôi là thủy sản tại thời điểm thu hồi đất mà có thể di chuyển được đến nơi khác để tiếp tục nuôi cho đến thu hoạch thì được bồi thường, hỗ trợ chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra.
Điều 6. Trường hợp không được bồi thường về cây trồng, vật nuôi là thủy sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất
1. Cây trồng, vật nuôi là thủy sản được tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
2. Vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường.
3. Cây trồng, vật nuôi là thủy sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i khoản 1 Điều 64 và điểm b, d khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai năm 2013.
Điều 7. Đơn giá bồi thường
1. Đơn giá bồi thường cây trồng trên địa bàn tỉnh: theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.
2. Đơn giá bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này là cơ sở để thực
hiện bồi thường thiệt hại cho từng dự án cụ thể (có xem xét, điều chỉnh đơn giá
bồi thường cho phù hợp với tình hình biến động giá thực tế).
3. Đơn giá bồi thường các loại cây trồng khác (không có trong Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này), đơn giá di chuyển (nếu có): Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện căn cứ tình trạng sinh trưởng của từng loại cây để xem xét, quyết định đơn giá bồi thường cho từng loại cây trồng cụ thể (việc xác định đơn giá bồi thường có thể dựa trên sự tương đồng về giá trị với các loại cây trồng đã được quy định đơn giá bồi thường) của dự án tại thời điểm thu hồi đất.
Chương III
PHÂN LOẠI CÂY TRỒNG LÂU NĂM
Điều 8. Đối với loại cây lâu năm thu hoạch nhiều lần
Việc phân loại cây căn cứ vào hiện trạng và thời gian sinh trưởng, khả năng cho trái của cây, được phân thành 05 loại:
1. Loại A: cây phát triển tốt, cho trái nhiều, trong thời kỳ cho năng suất cao và ổn định (đã cho trái từ 03 năm trở lên);
2. Loại B1: cây tốt, đã có trái nhưng chưa ổn định;
3. Loại B2: cây sắp cho trái;
4. Loại C: cây mới trồng, còn nhỏ;
5. Loại D: cây già lão, năng suất thấp.
Đối với vườn cây trồng nhiều chủng loại cây, nhiều tầng thì những loại cây chưa cho trái được xác định là cây loại C.
Trường hợp không thể phân loại cây, có thể áp dụng Bảng 2, Phụ lục I để xác định.
Điều 9. Đối với cây lâu năm thu hoạch 01 lần
Cây đang ở chu kỳ đầu tư hoặc đang thời kỳ thu hoạch: phân loại theo đường kính của cây hoặc thời kỳ sinh trưởng.
Điều 10. Kiểm đếm cây trồng để thực hiện bồi thường
1. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện kiểm đếm, kê biên toàn bộ số lượng cây trồng bị thiệt hại khi thu hồi đất để tiến hành bồi thường.
2. Trong trường hợp diện tích, số lượng cây trồng bồi thường lớn, thì có thể thực hiện kiểm đếm số lượng cây trồng ở một số ô mang tính đại diện, thể hiện mật độ cây trồng chung của diện tích thu hồi, làm cơ sở để xác định số lượng cây trồng cần được bồi thường. Số lượng cây trồng bồi thường được tính như sau:
Số lượng cây trồng bồi thường bằng (=) tổng số lượng cây của các ô đại diện nhân (x) [Diện tích cây trồng cần bồi thường chia (/) tổng diện tích các ô đại diện].
Chương IV
PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH BỒI THƯỜNG
Điều 11. Bồi thường thiệt hại đối với cây trồng
1. Căn cứ loại cây được quy định tại Điều 8, Điều 9 của Quy định này và đơn giá bồi thường để tính toán, xác định mức bồi thường thiệt hại cho từng dự án cụ thể:
a) Nếu giá thực tế không có biến động, thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư áp theo đơn giá bồi thường tại Phụ lục I.
b) Nếu giá thực tế có biến động, thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được phép áp giá trong phạm vi ± 20% so với đơn giá bồi thường tại Phụ lục I.
c) Nếu giá thực tế có biến động vượt ngoài phạm vi ± 20% so với đơn giá bồi thường tại Phụ lục I, thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện trình Sở Tài nguyên và Môi trường (Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tỉnh) xem xét, quyết định.
d) Đối với vườn cây lâu năm có trồng cây loại C thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện căn cứ vào khung giá cây loại C ban hành tại Phụ lục I để xác định đơn giá cho phù hợp với tình trạng sinh trưởng của cây tại thời điểm thu hồi đất.
2. Đối với cây đầu dòng, cây mẹ được cơ quan có thẩm quyền công nhận có thể tính tăng thêm nhưng mức tăng tối đa chỉ bằng 200% so với mức bồi thường.
Điều 12. Bồi thường thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản
1. Mức bồi thường đối với vật nuôi là thủy sản theo hình thức nuôi ao, bãi triều hoặc nuôi lồng/bè.
Mức bồi thường bằng (=) Chi phí thực tế đến thời điểm kiểm kê nhân (x) với hiệu suất sử dụng một đồng chi phí trừ (-) giá trị tận thu (nếu có). Trong đó:
a) Chi phí thực tế đến thời điểm kiểm kê được xác định căn cứ vào thời gian nuôi thực tế tính đến thời điểm kiểm kê (bao gồm chi phí cải tạo ao, mua con giống, thức ăn cho vật nuôi; vật tư, thuốc thú y và công lao động chăm sóc).
b) Hiệu suất sử dụng một đồng chi phí bằng (=) Giá trị tăng thêm so với chi phí sản xuất bỏ ra chia (/) cho chi phí sản xuất (áp dụng theo nội dung Bảng 1, Phụ lục II của Quy định này).
c) Giá trị tận thu bằng (=) Sản lượng tận thu nhân (x) với đơn giá bán tận thu. Đơn giá bán sản phẩm tận thu (bán tại ao) lấy tại thời điểm kiểm kê.
Đối với trường hợp nuôi cá ao truyền thống: nếu không thực hiện được theo phương pháp nêu trên thì áp dụng Bảng 2, Phụ lục II để xác định mức bồi thường cho từng dự án cụ thể.
2. Mức bồi thường đối với vật nuôi là thủy sản theo hình thức nuôi quảng canh cải tiến
Mức bồi thường = Năng suất theo loài x Diện tích x Giá bán tại thời điểm thu hồi.
Trong đó: Năng suất theo loài = Năng suất của vụ nuôi cao nhất trong 03 năm liền kề (kg/ha).
3. Mức bồi thường khi di chuyển đối với vật nuôi là thủy sản theo hình thức nuôi ao, bãi triều hoặc nuôi lồng/bè trên sông
Trường hợp di chuyển đến nơi khác trong tỉnh để tiếp tục nuôi thì được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại thực tế do phải di chuyển, nuôi tiếp tục.
Mức bồi thường = 100% chi phí di chuyển + Chi phí cải tạo nơi nuôi mới + Mức thiệt hại do phải di chuyển gây ra nhưng không quá 30% (nếu có).
Trong đó:
a) Chi phí di chuyển: thu hoạch thủy sản, thuê phương tiện di chuyển, bao chứa thủy sản, can rãi (đối với nghêu, sò).
b) Chi phí cải tạo nơi nuôi mới trước khi di chuyển: cấp nước, vôi, hoá chất khử trùng; dây neo, đóng cọc neo, lưới chắn.
c) Mức thiệt hại: thiệt hại do quá trình thu hoạch (kéo lưới, cào nghêu), vận chuyển đến nơi khác mà thuỷ sản ở trong lồng/bè.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của số liệu trong việc kiểm kê, phân loại và xác định mức bồi thường cụ thể tại thời điểm kiểm kê (nếu cần thiết, thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mời công chức, viên chức có chuyên môn về trồng trọt và thủy sản trên địa bàn tham gia kiểm kê, phân loại).
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai Quy định này.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xem xét, giải quyết./.