NGHỊ QUYẾT
Quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ chính sách đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Thái Bình
__________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHOÁ XVII KỲ HỌP ĐỂ GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC PHÁT SINH ĐỘT XUẤT
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ngày 28 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng11 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 tháng 2014;
Căn cứ Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
Căn cứ Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Căn cứ Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
Căn cứ Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22 tháng 4 năm2024 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở;
Thực hiện Thông báo kết luận số 938-TB/TU ngày 20 tháng 6 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định tiêu chí thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ, chính sách đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Thái Bình;
Xét Tờ trình số 79/TTr-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ chính sách đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Báo cáo thẩm tra số 22 /BC-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự; tiêu chí về số lượng thành viên Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ chính sách đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
2. Đối tượng áp dụng: Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và Tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự
1. Tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự
a) Mỗi thôn, tổ dân phố loại I được thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
b) Cứ 2 thôn, tổ dân phố cùng loại II hoặc cùng loại III hoặc cả loại II và loại III trong cùng địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) được thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
c) Trường hợp sau khi bố trí các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo điểm a, điểm b khoản 1 của điều này còn dư 01 thôn, tổ dân phố loại II hoặc loại III thì ghép với 01 thôn, tổ dân phố loại I hoặc ghép với 2 thôn, tổ dân phố cùng loại II hoặc cùng loại III hoặc cả loại II và loại III để thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
2. Tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự
a) Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này) có 3 thành viên, gồm: 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và 01 Tổ viên.
b) Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn phường, thị trấn và Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được thành lập theo quy định tại điểm c khoản 1 của điều này có 4 thành viên, gồm: 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và 02 Tổ viên.
Điều 3. Mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với thành viên Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự
1. Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng
a) Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/tháng.
b) Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được hỗ trợ 1.400.000 đồng/người/tháng.
c) Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được hỗ trợ 1.300.000 đồng/người/tháng.
d) Đối với trường hợp cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố và các chức danh khác kiêm nhiệm chức danh Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì được hưởng 100% mức hỗ trợ trên.
đ) Kinh phí hỗ trợ do ngân sách cấp tỉnh đảm bảo.
2. Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
a) Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng bằng 10% và ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ thêm 10% trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 14 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
b) Kinh phí hỗ trợ do ngân sách cấp tỉnh đảm bảo.
3. Mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế
Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế bằng 3% mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động (theo sự phân công, kế hoạch của cấp có thẩm quyền hoặc sự điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ) được bồi dưỡng 12.500 đồng/giờ/người, không quá 300 giờ/người/năm.
Kinh phí thực hiện do ngân sách cấp xã đảm bảo.
5. Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ thì được hỗ trợ 50% chi phí khám, chữa bệnh và tiền ăn hằng ngày trong thời gian điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Kinh phí thực hiện do ngân sách cấp xã đảm bảo.
6. Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự chưa tham gia bảo hiểm xã hội bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ thì được hỗ trợ 50% chí phí khám, chữa bệnh và tiền ăn hằng ngày trong thời gian điều trị tai nạn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi ổn định sức khỏe ra viện; nếu tai nạn làm suy giảm 5% khả năng lao động thì được hỗ trợ 7.450.000 đồng, sau đó cứ suy giảm 1% thì được hưởng thêm 745.000 đồng; nếu tai nạn dẫn đến chết khi thực hiện nhiệm vụ thì thân nhân được trợ cấp tiền tuất bằng 32.400.000 đồng, tiền mai táng phí bằng 9.000.000 đồng.
Kinh phí thực hiện do ngân sách cấp xã đảm bảo.
7. Đối với các nội dung hỗ trợ, bồi dưỡng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều này, trong cùng thời điểm có nhiều mức bồi dưỡng, hỗ trợ khác nhau quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh thì các đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ, bồi dưỡng có lợi nhất.
Điều 4. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định pháp luật.
Điều 5. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khoá XVII Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 7 năm 2024
Nghị quyết này bãi bỏ: Nghị quyết số 144/2008/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án mô hình tổ chức và chế độ chính sách của lực lượng Bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn trong tỉnh Thái Bình; Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ cấu tổ chức, chế độ chính sách đối với công an xã theo Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ; Nghị quyết số 23/2012/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi một số điều của Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ cấu tổ chức, chế độ chính sách đối với công an xã theo Nghị định số 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ; khoản 2 điều 6, khoản 3 Điều 6, ý 2, ý 3, ý 4, ý 5 của khoản 1 điều 7 quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với các chức danh Công an viên thôn, Trưởng ban Bảo vệ dân phố, Phó trưởng ban Bảo vệ dân phố, thành viên Tổ bảo vệ dân phố của Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND, ngày 11 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố và những đối tượng khác hưởng phụ cấp theo quy định pháp luật chuyên ngành công tác ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình và Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó dân phòng trên địa bàn tỉnh Thái Bình./.