Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị

 

Căn cứ Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng và Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi tắt là dịch vụ sự nghiệp công).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công nêu tại Điều 1.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ sau được hiểu như sau:

1. Dịch vụ chiếu sáng đô thị là dịch vụ sự nghiệp công để thực hiện các công việc đảm bảo cho hệ thống chiếu sáng tại đô thị duy trì trạng thái hoạt động ổn định.

2. Dịch vụ cây xanh đô thị là dịch vụ sự nghiệp công để thực hiện các công việc đảm bảo cho hệ thống cây xanh tại đô thị được duy trì, chăm sóc và phát triển.

Điều 4. Nguyên tắc xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công

1. Chi phí các dịch vụ sự nghiệp công phải được tính đúng, tính đủ phù hợp với quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có), các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền ban hành và điều kiện thực tế của địa phương.

2. Dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công được xác định theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này là cơ sở để thực hiện đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

3. Việc quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công phải tuân thủ các quy định về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 5. Dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công và phương pháp xác định

1. Dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công gồm các khoản mục:

a) Chi phí trực tiếp;

b) Chi phí quản lý chung;

c) Thu nhập chịu thuế tính trước;

d) Thuế giá trị gia tăng (nếu có).

2. Tổng hợp dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.

3. Phương pháp xác định các thành phần chi phí trong dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công theo hướng dẫn tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này và một số quy định cụ thể sau:

a) Chi phí trực tiếp (CPTT) gồm: chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sử dụng xe, máy và thiết bị thi công.

b) Chi phí quản lý chung (C) bao gồm các chi phí có tính chất chung chi cho bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp; các chi phí gián tiếp phục vụ cho công tác quản lý; chi phí phục vụ công nhân (bao gồm cả chi phí bảo hộ lao động, chi phí công cụ lao động; không bao gồm chi phí ăn ca đã tính trong chi phí nhân công trực tiếp); chi trả lãi vay vốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác; các khoản chi phí xã hội mà người sử dụng lao động phải nộp cho nhà nước (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp); các khoản phí, lệ phí; chi phí thuê tài sản, thuê mặt bằng nhà xưởng (nếu có); chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định phục vụ cho bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp, chi phí thuê kiểm toán của doanh nghiệp và các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động chung của doanh nghiệp khi thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Chi phí quản lý chung trong dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) nhân với chi phí nhân công trực tiếp hoặc chi phí ca xe, máy và thiết bị thi công. Định mức tỉ lệ chi phí quản lý chung do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phải phù hợp với điều kiện thực tế thực hiện cung ứng dịch vụ của địa phương (tham khảo định mức tỷ lệ tại khoản 2, Mục I, Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này).

c) Thu nhập chịu thuế tính trước (TN) được tính trên chi phí trực tiếp và chi phí quản lý chung trong dự toán chi phí thực hiện dịch vụ sự nghiệp công (tham khảo định mức tỷ lệ tại khoản 3, Mục I, Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này).

d) Thuế giá trị gia tăng (T) (nếu có): Thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với dịch vụ sự nghiệp công không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, được tính bổ sung thuế giá trị gia tăng của chi phí đầu vào.

Điều 6. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công

1. Định mức kinh tế- kỹ thuật là cơ sở để xác định đơn giá, dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công. Định mức kinh tế - kỹ thuật được xác định theo phương pháp quy định tại Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này.

2. Định mức do Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh vận dụng, tham khảo trong quá trình tổ chức xác định, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật nêu tại khoản 3 Điều này để áp dụng đối với các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

3. Căn cứ phương pháp xác định định mức kinh tế - kỹ thuật tại Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xác định, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công.

4. Kết quả ban hành định mức được gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, đồng thời cập nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước của Ngành và của địa phương.

Điều 7. Quản lý các chi phí liên quan đến dịch vụ sự nghiệp công

1. Việc phân công, phân cấp quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị và các chi phí nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với mô hình tổ chức, quản lý, điều kiện đặc thù tại địa phương và quy định pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan, đơn vị được giao tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, xác định dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để xây dựng, thẩm tra định mức kinh tế - kỹ thuật; lập đơn giá và dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công phục vụ công tác quản lý chi phí. Chi phí thuê tổ chức, cá nhân tư vấn được xác định bằng dự toán chi phí phù hợp với nội dung, yêu cầu của công việc cần thực hiện.

3. Các chi phí khác liên quan đến quá trình quản lý dịch vụ sự nghiệp công (nếu có) (như chi phí dự phòng, chi phí quản lý, giám sát và các chi phí khác) chỉ thực hiện khi được ngân sách đảm bảo và phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan. Việc lập dự toán chi phí giám sát, chi phí quản lý dịch vụ sự nghiệp công tham khảo theo hướng dẫn tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Xử lý chuyển tiếp

1. Dịch vụ sự nghiệp công đã được phê duyệt dự toán chi phí trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng các quy định của Thông tư này trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật vể đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công và pháp luật về hợp đồng, đảm bảo hiệu quả trong quản lý và triển khai thực hiện.

2. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục áp dụng. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc tổ chức xác định định mức thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/ 02 /2025.

2. Bãi bỏ Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị./.

 

Bộ Xây dựng

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Xuân Dũng