Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về nhiệm vụ năm 2014

___________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

KHÓA VIII, NHIỆM KỲ 2011-2016, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo, tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan hữu quan, thông báo của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. HĐND thành phố cơ bản thống nhất với đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014 được nêu trong báo cáo của UBND thành phố, của các cơ quan hữu quan và thẩm tra của các ban HĐND thành phố; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013:

Năm 2013, kinh tế thế giới và trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai bão, lũ diễn biến phức tạp... ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Trong tình hình đó, thành phố tập trung chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tích cực huy động các nguồn thu và quản lý ngân sách chặt chẽ, hiệu quả; vận động doanh nghiệp, nhân dân kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Kết quả, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đạt và xấp xỉ đạt kế hoạch; tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (giá so sánh 2010) ước tăng 8,1% so với năm 2012; một số lĩnh vực đạt khá như: du lịch, thương mại, vận tải, thông tin truyền thông, công nghiệp, thủy sản - nông - lâm, thu nội địa v.v.. Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi và vượt kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt hơn 1 tỷ USD; giá cả thị trường ổn định; chương trình nông thôn mới được tích cực triển khai; cơ cấu nguồn thu chuyển đổi tích cực theo hướng ổn định và bền vững, thu nội địa từ thuế, phí đạt 100,8% dự toán; nhiều công trình trọng điểm đưa vào sử dụng đúng tiến độ; công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư được tập trung, cơ bản hoàn thành bố trí đất tái định cư thực tế cho các hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng từ năm 2011 về trước. An sinh xã hội, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao, khoa học công nghệ được đảm bảo và phát triển. Đời sống nhân dân được quan tâm chăm lo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đặc biệt, thành phố đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 75-KL/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) tạo cơ sở định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2013 vẫn còn nhiều hạn chế. Kinh tế thành phố phục hồi chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn suy giảm, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản; một số dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng do khó khăn về vốn đã bị tạm ngừng hoặc không triển khai; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt thấp… Thu thuế xuất nhập khẩu không đạt dự toán, ảnh hưởng chỉ tiêu Trung ương giao. Công tác đền bù giải toả, bố trí đất tái định cư thực tế cho dân vẫn còn chậm so với yêu cầu. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tài nguyên, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế, trật tự đô thị vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ di dời giải tỏa, người có thu nhập thấp còn nhiều khó khăn. Cải cách hành chính tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn tình trạng gây phiền hà cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp. Phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, nhất là số người nghiện ma túy và số người chết do tai nạn giao thông vẫn gia tăng gây nhiều bức xúc.

II. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2014:

1. Mục tiêu tổng quát:

Thực hiện “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Đẩy mạnh thực hiện năm đột phá về kinh tế - xã hội, triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế thành phố, gắn với việc cụ thể hóa, triển khai nhanh, có kết quả Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, nâng cao vị thế của thành phố.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

(1) Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GDP, giá so sánh 2010) tăng 9 -9,5% so với ước thực hiện năm 2013;

(2) Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 12 - 13%;

(3) Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 7 - 8%, trong đó công nghiệp tăng 9 - 10%;

(4) Giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm tăng 3 - 4%;

(5) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13 - 14%, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 13,5 - 14%;

(6) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 11.678 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương 12.151 tỷ đồng[1];

(7) Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 27.300 tỷ đồng, tăng 3 - 4%;

(8) Giải quyết việc làm cho 3,1 vạn lao động;

(9) Duy trì mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,2%o;

(10) Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm theo chuẩn mới thành phố (giai đoạn 2013 - 2017) còn 3,8%;

(11) Gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.

III. Một số nhiệm vụ chủ yếu năm 2014:

HĐND thành phố nhất trí với những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong báo cáo của UBND thành phố. Trong quá trình điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 2014, đề nghị UBND thành phố tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm như sau:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành: UBND thành phố tổ chức theo dõi thường xuyên, chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác dự báo, điều hành để chủ động quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định kịp thời những chủ trương và biện pháp phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thành phố, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014. Tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện Hiến pháp và Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013. Quán triệt Chương trình hành động của Thành ủy triển khai Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2020. Tập trung thực hiện chủ trương “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.

2. Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là về thuế, hải quan, đất đai, thành lập doanh nghiệp... tạo thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng đầu tư của nhà nước, các chính sách khuyến công, khuyến nông, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, thông tin kinh doanh, chuyển giao công nghệ, xúc tiến liên kết đầu tư kinh doanh. Triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số PCI của thành phố.

Định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn để phối hợp điều hành lãi suất cho vay phù hợp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai. Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

3. Triển khai Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện năm đột phá về kinh tế - xã hội thành phố:

3.1. Đẩy mạnh và phát triển đa dạng các ngành dịch vụ thành phố:

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, nhất là các nhóm ngành chính như: du lịch, thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - tín dụng, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, công nghệ thông tin, bất động sản, tư vấn, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo chất lượng cao.

- Phát triển dịch vụ thương mại: Tiếp tục thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đôn đốc triển khai các dự án thương mại lớn và các tuyến phố chuyên doanh trên các đường: Lê Duẩn, Trần Phú, Phan Châu Trinh,....; kêu gọi đầu tư nâng cấp chợ Cồn, chợ Hàn thành các trung tâm thương mại hiện đại. Nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đầu cơ nâng giá.

- Phát triển dịch vụ du lịch: Tăng đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; có chính sách, cơ chế thuận lợi, thúc đẩy triển khai các dự án du lịch trọng điểm như: quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, khu phức hợp quốc tế tại Làng Vân, các dự án du lịch ven biển và bán đảo Sơn Trà; rà soát và tổ chức triển khai Khu công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, công viên Châu Á, công viên Đại dương; cầu tàu du lịch, bến du thuyền sông Hàn. Rà soát việc khai thác quỹ đất, khắc phục tình trạng chiếm dụng đất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án ven biển, các khu nghỉ dưỡng cao cấp theo quy hoạch; phát triển điểm du lịch đỉnh đèo Hải Vân. Duy trì và xúc tiến mở các đường bay quốc tế mới; nâng cấp các đường bay thuê chuyến thành các đường bay thường kỳ, nhất là các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm và tổ chức thành công các sự kiện lớn nhằm quảng bá hình ảnh thành phố và thu hút du khách như: Lễ hội âm nhạc sông Hàn Đà Nẵng - Seoul, chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, tiếp tục tổ chức giải marathon quốc tế, hoa hậu Việt Nam 2014. Tăng cường công tác chống chèo kéo khách du lịch; kiểm tra, giám sát, bảo đảm vệ sinh môi trường và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

- Phát triển dịch vụ thông tin - truyền thông: Phát triển hạ tầng viễn thông làm nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.

- Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng: Tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các ngân hàng bám sát các chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp về vay vốn, giảm lãi suất và cơ cấu lại các khoản nợ. Đẩy mạnh huy động nguồn vốn trên địa bàn, tăng cường huy động vốn trung và dài hạn trong dân cư. Đa dạng hóa và hiện đại hóa các dịch vụ tài chính ngân hàng; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ, vàng. Tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai các quy định về việc cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.

3.2. Thúc đẩy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn:

- Phát triển công nghiệp: Tiến hành tổng kết mô hình hoạt động các khu công nghiệp, tập trung phát triển theo hướng ưu tiên công nghệ cao, thân thiện với môi trường; có biện pháp cụ thể thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, vật liệu mới, có chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác; công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, đồ uống. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục đầu tư hạ tầng, phấn đấu hoàn thành một số hạng mục cơ bản của Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin để sớm đưa vào khai thác; chuẩn bị và kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm công nghệ phần mềm (cơ sở 2) và Khu công nghệ thông tin số 2.   

- Nông nghiệp, nông thôn: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững và đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ưu tiên rút ngắn thời gian hoàn thành các dự án giao thông nông thôn, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Có phương án cụ thể phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đầu tư, hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn theo quy hoạch, phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại. Quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng và nâng cao độ che phủ rừng.

3.3. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước:

- Công tác quy hoạch: Triển khai hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, không gian kiến trúc và môi trường đô thị thành phố đến 2020; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Tiếp tục rà soát các dự án quy hoạch để quản lý và triển khai thực hiện hiệu quả hơn. Thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị; chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép, khắc phục quy hoạch treo; giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân tại các vùng có dự án treo hoặc chậm triển khai; bồi thường hoặc hỗ trợ cho các trường hợp đất nông nghiệp không sản xuất được do triển khai các dự án. Ưu tiên bố trí vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, điện chiếu sáng, thoát nước tại các khu dân cư đã hủy bỏ, điều chỉnh quy hoạch. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc trồng, chăm sóc cây xanh đường phố, bảo đảm ứng phó với thiên tai. Tăng cường quản lý nhà nước về đô thị, môi trường, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi buôn bán. Tăng cường công tác quản lý đối với việc xây dựng trạm ăng - ten viễn thông BTS trong khu dân cư. Rà soát lại quy hoạch quảng cáo ngoài trời, nhất là mật độ trên các tuyến đường, nội dung biểu tượng quảng cáo tại các giao lộ; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong việc tổ chức hoạt động quảng cáo và dịch vụ giao thông.

- Đầu tư xây dựng cơ bản, giải tỏa đền bù, tái định cư: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 24/7/2012 của Thành ủy về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đang triển khai, ưu tiên 10 công trình, dự án trọng điểm sau: (1) Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, (2) Khu công nghệ cao, (3) Bãi đỗ xe ngầm Trung tâm Hành chính thành phố, (4) Dự án phát triển bền vững thành phố, (5) Các khu tái định cư trọng điểm, (6) Chung cư thuộc chương trình nhà ở xã hội, (7) Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi, (8) Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu, (9) Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí Châu Á, (10) Nhà khách thành phố. Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án theo Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị. Hoàn thành khớp nối hệ thống cấp nước, thoát nước; rà soát và xử lý các điểm ngập úng, nhất là các điểm ngập sâu và lâu tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các dự án đầu tư công theo thứ tự ưu tiên, giãn tiến độ các công trình chưa cấp bách, cắt giảm các công trình chưa cần thiết. Tập trung vốn để hoàn thành các công trình trọng điểm, các công trình hoàn thành quyết toán và xây dựng xong, các công trình thiết thực phục vụ an sinh xã hội, vốn đối ứng cho các dự án ODA. Đối với các dự án mới, chỉ tập trung những công trình thật sự cấp bách và cần thiết. Thực hiện đúng quy định việc triển khai các dự án BT, BOT, PPP... 

Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án giải tỏa đền bù dở dang, bố trí tái định cư thực tế, tập trung giải quyết trả nợ đất tái định cư cho các hộ dân giải tỏa đã bàn giao mặt bằng, trong đó: cơ bản hoàn thành 100% việc bố trí đất tái định cư thực tế cho các hộ giải toả bàn giao mặt bằng từ năm 2011 về trước; tổng kết công tác giải tỏa, đền bù và chỉnh trang đô thị của thành phố trong hơn 10 năm qua; hạn chế phát sinh di dời, giải tỏa mới trong năm 2014. Quản lý chặt chẽ công tác bố trí và sử dụng chung cư.  

- Vệ sinh môi trường: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, Đề án “Thu gom rác thải theo giờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Giải quyết các điểm nóng về môi trường tại các khu công nghiệp, các bãi biển, các hồ nước, kênh mương, các điểm dân cư ngập úng. Duy trì thường xuyên và thực chất phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp”. Tổ chức phong trào trồng hoa và cây xanh, quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển bền vững về môi trường.

- Thu hút đầu tư trong, ngoài nước: Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố. Củng cố và tăng cường hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Ban quản lý khu công nghệ cao, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất. Ưu tiên giải ngân tích cực nguồn ODA vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Có chính sách và biện pháp mới, phù hợp để đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, chú trọng vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn, các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, thân thiện môi trường. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nhất là hỗ trợ cho các chương trình PPP, các dự án Trung ương cam kết hỗ trợ vốn nhưng chưa bố trí đủ; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các dự án đầu tư trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi về đất đai, các chính sách hỗ trợ khác để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo định hướng của thành phố.

3.4. Phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội:

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, chủ động phòng chống, không để xảy ra dịch lớn. Tăng chỉ tiêu giường bệnh đối với các bệnh viện quá tải; củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế quận, huyện, phường, xã. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng một số lĩnh vực y tế chuyên sâu, hiện đại. Xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng Bệnh viện Quốc tế, mở rộng Bệnh viện Phụ Sản - Nhi từ nguồn vốn Trung ương. Tăng cường quản lý và có chính sách hỗ trợ phát triển đối với các cơ sở y tế ngoài công lập. Triển khai cơ chế, chính sách về đào tạo và thu hút cán bộ y tế giỏi, chuyên gia đầu ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động của các cơ sở y tế để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm.

Tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Nâng cao chất lượng Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thống nhất xây dựng Bộ tiêu chí gia đình văn hóa, tổ, thôn văn hóa. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ và các sự kiện lớn. Quy hoạch xây dựng Công viên 29/3 trở thành điểm văn hóa, vui chơi lớn của thành phố. Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn thành phố. Đánh giá hiệu quả sử dụng các nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn để có giải pháp quản lý phù hợp. Quản lý hiệu quả các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, lễ hội; hoạt động cung cấp và khai thác dịch vụ internet, game online. Quản lý chặt chẽ các loại hình kinh doanh quán bar, karaoke. Đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Tổ chức Đại hội Thể dục thể thao thành phố, tham gia thi đấu tốt, phấn đấu giữ một trong năm vị trí đứng đầu tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII tại Nam Định.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; duy trì 100% gia đình chính sách của thành phố có nhà ở ổn định, có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình so với dân cư địa phương nơi cư trú; nâng cấp 900 căn nhà cho các đối tượng chính sách. Thực hiện tốt Đề án “Giảm nghèo”, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, gắn với Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tập trung, công tác quản lý sau cai để hạn chế tình trạng tái nghiện. Nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề, hiệu quả hoạt động các sàn giao dịch việc làm. Nắm bắt tình hình sử dụng lao động và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động phát sinh. Quản lý chặt chẽ lao động người nước ngoài trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu triển khai chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân và xây dựng thí điểm nhà trẻ, mẫu giáo tại các khu công nghiệp.  

3.5. Phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:

Phát triển mạng lưới trường, lớp theo cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học. Chú trọng giáo dục hướng nghiệp, tập trung phát triển đào tạo nghề, gắn đào tạo với sử dụng. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng ngân hàng đề thi ở các cấp học. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia.

Để đảm bảo sĩ số học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo học sinh tiểu học của thành phố được học 2 buổi/ngày tại trường; đồng thời, căn cứ điều kiện cơ sở vật chất hiện có của các trường học, trước mắt, từ năm học 2014 -2015, các trường tiểu học: Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu), Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) và Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) không được tuyển sinh đầu cấp và tiếp nhận chuyển trường trong năm học đối với học sinh trái tuyến và học sinh có hộ khẩu nhưng không thường trú tại địa bàn tuyển sinh của trường. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm tuyển sinh theo đúng quy định, trường hợp sai phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc. UBND các quận, huyện có trách nhiệm điều tiết quy mô tuyển sinh trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng quá tải cục bộ ở các trường.  

Thực hiện xã hội hóa giáo dục theo đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Đôn đốc việc triển khai xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Văn hóa tại Đà Nẵng, xây dựng trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đạt đẳng cấp quốc tế, xây dựng trường Đại học Việt - Anh theo đúng tiến độ. Đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thu hút nhân tài, đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm, các khoản thu trong trường học, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.  

Chú trọng đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, tiên tiến, tạo đột phá trên một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, chế biến, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường... Triển khai hiệu quả các đề tài, dự án khoa học - công nghệ trên địa bàn thành phố. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trình độ công nghệ và điều tra khảo sát doanh nghiệp, làm nền tảng cho việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp.

4. Về công tác thu chi và điều hành ngân sách nhà nước: Tăng cường quản lý và điều hành thu, chi ngân sách đảm bảo cân đối, hiệu quả. Tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính cho thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để bổ sung nguồn vốn đầu tư các công trình bức xúc và trọng điểm. Huy động tối đa các nguồn thu, chống thất thu, tiếp tục khuyến khích phát triển quỹ đất, làm tăng giá trị đất đai để tạo nguồn thu, có giải pháp cụ thể trong việc thu hồi nợ đối với những dự án đã hết thời gian gia hạn nợ nhưng không nộp tiền vào ngân sách. Điều hành chi ngân sách hiệu quả, thiết thực, tập trung ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng yếu.

5 . Về công tác xây dựng chính quyền: Triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố”. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của sở, ban, ngành thành phố theo hướng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ; từng bước sắp xếp lại bộ máy, tổ chức các ban giải toả đền bù, tái định cư, các ban quản lý dự án và một số đơn vị sự nghiệp. Bố trí bộ phận pháp chế, cán bộ pháp chế tại các sở, ban, ngành. Tiếp tục theo dõi việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 21-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ về tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động tổ dân phố, thôn. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, tổ chức mô hình “một cửa“ chung tại Trung tâm Hành chính thành phố.

Triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: đầu tư xây dựng, đất đai, thu ngân sách, mua sắm tài sản công. Thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp dân, tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

6. Về quốc phòng - an ninh: Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp thành phố và huyện Hòa Vang theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và 25% xã, phường diễn tập tác chiến trị an. Tích cực chuẩn bị các phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy, nổ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Tập trung nắm tình hình, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, không để nảy sinh những vấn đề mới, phức tạp về an ninh trật tự, tạo thành điểm nóng. Tập trung trấn áp mạnh các loại tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài, sử dụng công nghệ cao, chống người thi hành công vụ, sử dụng “vũ khí nóng” gây án, giết người, cướp tài sản, cướp giật... Thường xuyên tuần tra kiểm soát, giữ gìn trật tự an toàn giao thông đô thị. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm, không để xảy ra ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông.

IV. Thông qua các Báo cáo, Tờ trình của UBND thành phố:

- Thông qua Báo cáo số 227/BC-UBND ngày 25/11/2013 về tình hình thực hiện Kế hoạch sử dụng đất năm 2013 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2014; Báo cáo số 230/BC-UBND ngày 27/11/2013 về đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014;

- Thông qua Tờ trình số 10258/TTr-UBND ngày 19/11/2013 về một số chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn thành phố; Tờ trình số 10361/TTr-UBND ngày 22/11/2013 về quy định giá các loại đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (trong quá trình thực hiện nếu có sự điều chỉnh, UBND thành phố trình Thường trực HĐND thành phố xem xét, cho ý kiến thực hiện và báo cáo tại kỳ họp HĐND thành phố gần nhất); Tờ trình số 10490/TTr-UBND ngày 26/11/2013 về việc thành lập tổ dân phố mới trên địa bàn quận Thanh Khê và quận Sơn Trà; Tờ trình số 10487/TTr-UBND ngày 26/11/2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính tạm thời tại một số địa phương; Tờ trình số 10489/TTr-UBND ngày 26/11/2013 về chức danh, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã và dưới phường, xã; Tờ trình số 10570/TTr-UBND ngày 28/11/2013 về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng; Tờ trình số 10633/TTr-UBND ngày 02/12/2013 về điều chỉnh một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đối tượng thu hút là bác sỹ công tác tại các trạm y tế xã miền núi.

Thống nhất thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng trên địa bàn 5 phường: Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) trong năm 2014 theo Tờ trình số 10764/TTr-UBND ngày 04/12/2013 và Tờ trình số 10970/TTr-UBND ngày 10/12/2013 của UBND thành phố.

- Nhất trí với Báo cáo số 192/BC-ĐGS ngày 09/12/2013 của Ban Kinh tế và Ngân sách về kết quả giám sát chuyên đề về tình hình xử lý ngập úng của thành phố. Giao UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện những kiến nghị có liên quan tại báo cáo trên.  

V. Về thực hiện các cam kết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn:

1. Cuối tháng 12 năm 2013, hoàn thành Khu dân cư Nam sông Quá Giáng để bố trí đất cho đối tượng có công Cách mạng.

2. Trước Tết Nguyên đán 2014, hoàn thành Khu dân cư Bàu Chính Gián, đảm bảo cơ sở hạ tầng đường, điện để người dân ổn định cuộc sống.

3. Trong quý I năm 2014, tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Sơn Trà.

4. Cuối quý II năm 2014, hoàn thành dứt điểm việc di dời mồ mả ra khỏi địa bàn quận Thanh Khê; đồng thời xử lý việc sử dụng đất đối với các lô đất trống sau khi di dời mồ mả tại quận Thanh Khê và quận Hải Châu.

5. Cuối quý III năm 2014, hoàn thành việc sửa chữa tuyến kênh Phong Bắc, (kênh hở 16m) phường Hòa Thọ Tây đảm bảo thoát nước tốt.

6. Bổ sung kế hoạch xây dựng cơ bản 6 tháng cuối năm 2014 để đầu tư xây dựng trường THCS trên địa bàn phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu.

7. Năm 2014, bố trí đủ vốn để hoàn thành đường Nguyễn Đức Trung thuộc dự án khu C, Khu dân cư Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê.

8. Năm 2014, bố trí vốn để xây dựng đường vào cơ quan Trung tâm hành chính quận Sơn Trà.

9. Cân đối, bố trí vốn bê tông hóa các đường nội bộ, cống thoát nước tại khu vực tổ 36, 37, 38, 39 phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.

10. Hoàn thành việc đánh giá tác động đến môi trường, đời sống xã hội của dự án Thủy điện sông Nam - sông Bắc và báo cáo tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố khóa VIII.

11. Đề nghị UBND thành phố có báo cáo cụ thể về tăng đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố khóa VIII để có cơ sở đầu tư cho những năm tiếp theo.

12. Những công trình ở khu dân cư đã bố trí vốn năm 2013 nhưng chưa có vốn để thực hiện thì tiếp tục chuyển sang năm 2014 để thực hiện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Giao UBND thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này.

Giao Thường trực, các ban HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố phối hợp hoạt động, tăng cường giám sát, kịp thời đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên và các cơ quan báo chí thành phố tuyên truyền, phổ biến, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện Nghị quyết; kịp thời phát hiện, phản ánh những vấn đề cần điều chỉnh bổ sung với các cơ quan có thẩm quyền.

Nghị quyết này đã được HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2013./.


[1] Trong đó: thu thuế xuất, nhập khẩu 2.250 tỷ đồng, thu nội địa 8.500 tỷ đồng (thu từ thuế, phí, thu khác 6.900 tỷ đồng và thu tiền sử dụng đất 1.600 tỷ đồng); chi đầu tư phát triển 5.255,9 tỷ đồng.

 

HĐND thành phố Đà Nẵng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Thọ