Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

V/v đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ

________________________

Ngày 07 tháng 01 năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 712/1998/QĐ-UB ngày 18/4/1998 kèm kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh để triển khai thực hiện nhiệm vụ trên.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một công việc thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ nhưng cũng là công tác có tính thời sự, bức xúc, phải thực hiện. Trong những năm qua, đặc biệt từ sau ngày tái lập tỉnh, các cấp các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật và đã thu được những kết quả tốt. Tuy nhiên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa được đặt ngang tầm với yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật; chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ, rộng khắp; chưa có trọng tâm, trọng điểm; còn thiếu cơ chế, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Vì vậy nhu cầu thông tin về pháp luật của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thời gian qua còn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Để làm tốt việc triển khai thực hiện Chỉ thị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay ở tỉnh, UBND tỉnh Chỉ thị các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã:

1- Tổ chức tốt việc học tập quán triệt chỉ thị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tầm quan trọng, sự cần thiết phải đổi mới và đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ thị và quyết định để triển khai công tác này, coi đó là công tác thường xuyên, phải nhằm trong phương hướng công tác của ngành, đơn vị, địa phương mình; phải xác định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong việc học tập, nghiên cứu để hiểu biết pháp luật, thi hành nghiêm chỉnh pháp luật và góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

2- Tiến hành tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở ngành, địa phương, đơn vị mình trong thời gian vừa qua theo nội dung tinh thần Điều 43 Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1994; đồng thời xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này sát với điều kiện hoàn cảnh của mỗi cấp, ngành, đơn vị, địa phương, với từng đối tượng, đảm bảo cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thường xuyên, nề nếp, có hiệu quả.

3- Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã trực tiếp

Có trách nhiệm kịp thời chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở ngành, địa phương mình. Trước mắt sớm kiện toàn tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, lấy tổ chức pháp chế ngành và cơ quan Tư pháp làm nòng cốt; bố trí cán bộ có đủ trình độ, năng lực làm công tác này; có biện pháp cụ thể chỉ đạo việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của ngành, địa phương, đơn vị cơ sở hình thành sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng tủ sách pháp lý, cập nhật đều đặn và lưu giữ có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ để áp dụng, xử lý trong quá trình quản lý, điều hành của Chính quyền cơ sở và của các cơ quan, đơn vị.

4- Giao các cơ quan được phân công chủ trì và phối hợp thực hiện kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (ban hành kèm theo Quyết định số 712/1998/QĐ-UB ngày 18/4/1998 của UBND tỉnh), các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Đài phát thanh truyền hình tỉnh; đồng thời đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Báo Hưng Yên, các đoàn thể nhân dân sớm có chương trình kế hoạch phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, những văn bản pháp luật quan trọng liên quan trực tiếp thường xuyên đến đời sống của cộng đồng dân cư; bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho giáo viên giảng dạy bộ môn giáo dục công dân; tổ chức các hình thức học tập sinh hoạt tìm hiểu pháp luật cho các đối tượng học sinh, thanh thiếu niên; tăng thời lượng và trang bài trên sóng phát thanh - truyền hình và Báo Hưng Yên, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, viên chức thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc của dân, quản lý kinh tế và cán bộ chính quyền cơ sở…

5- Sở Tư pháp có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, hướng dẫn chính quyền địa phương các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đưa công tác này vào nề nếp; tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng hoàn thiện quy chế hoạt động của Hội đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác và chỉ đạo hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của toàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính dự trù và hướng dẫn sử dụng kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật.

6- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp thống nhất chỉ đạo nội dung, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lực lượng vũ trang nhân dân.

7- Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh; thực hiện chế độ khen thưởng theo quy định của nhà nước đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đình Phú