Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

“Về việc ban hành quy định quản lý kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đò”

________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Quyết định 1138/QĐ/PC-VT ngày 06/5/1997 của Bộ Giao thông vận tải về việc quản lý và cấp giấy phép cho các bến đò.

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải.

QUYẾT ĐỊNH

 Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy định của UBND tỉnh về quản lý và cấp giấy phép mở bến đò, lái đò và phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đò”.

 Điều 2: Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc quản lý kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đò bằng văn bản và kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện, đồng thời trực tiếp cấp các loại giấy phép cho bến đò, lái đò và phương tiện.

 Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/1997, mọi quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

 Điều 4: Các ông : Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải, các Sở, Ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị; và Chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Bùi Quang Huy

QUY ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Về việc quản lý kinh doanh, cấp giấy phép mở bến đò, lái đò và phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đò”

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1346/QĐ-UB ngày 22/10/1997)

________________________

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1: Ban hành quy định này quy định những vấn đề liên quan tới vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đò (đò ngang, đò màn, đò dọc) thuộc mọi thành phần kinh tế trong tỉnh.

 Điều 2: Các thuật ngữ dùng trong văn bản quy định này được hiểu như sau:

 1- Đò: Là loại phương tiện thủy cỡ nhở, chở hành khách, hàng hóa, chuyển động bằng chèo, buồm, dây kéo hoặc bằng máy, có đặc tính kỹ thuật:

 - LTK  ≤ 15m

 - Chở hàng hóa  ≤ 5 tấn

 - Chở khách ≤ 12 khách

 - Công suất ≤ 15cv

 Được thiết kế và đóng theo tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc theo kinh nghiệm dân gian bằng các vật liệu thông dụng như: Sắt, thép, gỗ, xi măng, nan tre v.v…

1- Bến đò: Là địa điểm được bố trí để đò nhận và trả khách hàng hóa.

3- Chủ đò: Là người sử dụng đò để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa. Chủ đò có thể trực tiếp lái hoặc thuê người lái.

 4- Chủ bến: Là người có quyền sử dụng bến đò, chủ bến đò có thể đồng thời là chủ đò.

 Điều 3:

 - Đò ngang: Đò hoạt động ở hai đầu bến ngang sông hoặc từ bến đến tàu lớn có cự ly không quá 1Km.

 - Đò dọc: Cự ly vận chuyển của đò dọc không quá 10Km. Trường hợp cự ly vận chuyển trên 10Km thì phải thực hiện theo thể lệ vận chuyển hành khách đường thủy nội địa. 

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 Điều 4: Mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế muốn vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đò hoặc mở bến đò phải đủ các điều kiện sau:

 1- Chủ đò: Phải làm thủ tục đăng ký hành chính cho phương tiện và làm thủ tục xin cấp giấy phép cho phương tiện tại Sở Giao thông vận tải.

 2- Chủ bến: Phải có giấy phép sử dụng khoảng sông theo quyết định 2047/QĐ-PC ngày 06 tháng 8 năm 1996 của Bộ Giao thông vận tải. Có giấy phép mở bến do Sở Giao thông vận tải cấp.

 3- Giữa chủ đò và chủ bến: Phải có hợp đồng liên kết kinh tế (trừ trường hợp chủ đò đồng thời là chủ bến).

Điều 5: Người lái đò phải có đủ các điều kiện sau:

 1- Tuổi đời: Nam từ 18 đến 60.

  Nữ từ 18 đến 55.

 2- Có đầy đủ quyền công dân.

 3- Có sức khỏe để lái đò và được cơ quan y tế cấp xã, huyện, thị xã xác nhận (người xác nhận có trình độ Y, Bác sĩ).

 4- Biết bơi lội, có giấy xác nhận của chính quyền địa phương.

 5- Có chứng chỉ chuyên môn về lái đò do Sở Giao thông vận tải cấp.

 Điều 6: Bến đò phải có đủ các điều kiện sau:

 1- Bến phải đặt tại địa điểm có địa hình ổn định, thuận lợi về thủy văn, có đủ độ sâu, rộng để đò ra vào dễ dàng và không làm ảnh hưởng tới luồng chạy tàu, thuyền.

 2- Bến phải được đặt báo hiệu chỉ dẫn “Có bến đò” ở hai đầu bến theo quy tắc báo hiệu đường sông.

 3- Bến phải có bậc hoặc cầu để hành khách lên xuống, bốc dỡ hàng hóa an toàn.

 4- Bến phải có đủ thiết bị để đò neo, buộc.

5- Có đèn đủ độ sáng để hành khách lên xuống, bốc dỡ hàng hóa dễ dàng vào ban đêm.

 6- Có nhà chờ cho hành khách, có bảng niêm yết giá vé và nội quy bến.

 Điều 7: Khi vận hành, người lái đò phải tuân thủ những nội dung cần thiết của quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên sông và quy tắc báo hiệu trên sông.

 Điều 8: Đối với đò chở khách, trước khi khởi hành lái đò phải hướng dẫn cho hành khách những điều cần thiết để đảm bảo an toàn và cách sử dụng các thiết bị cứu sinh khi có sự cố xảy ra.

 Điều 9: Khi có nước lũ từ báo động số 1 trở lên, đò phải được giảm tải.

- Đò dọc giảm tối thiểu 10%

- Đò ngang giảm tối thiểu 25%

 Điều 10: Nghiêm cấm đò hoạt động khi:

 - Chưa có đủ giấy tờ hợp lệ.

 - Không đúng tuyến, luồng đăng ký.

 - Chưa có đủ trang thiết bị an toàn theo quy định.

 - Khi có giông, bão.

 - CHở hành khách, hàng hóa quá trọng tải cho phép, chở hàng cồng kềnh ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái, xếp hàng không đúng quy cách làm mất tính ổn định của đò.

 - Bám vào các phương tiện khác khi đang hành trình.

 - Chở hàng hoặc hành lý dễ nổ, dễ cháy, chất độc hại, hàng quốc cấm.

Chương III

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ CẤP CÁC LOẠI GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA BẰNG ĐÒ

 Điều 11: Sở GTVT căn cứ vào các quy định này thu hồi các loại giấy tờ không hợp lệ, cấp mới cho chủ phương tiện các giấy tờ sau:

 - Cấp giấy phép cho đò hoạt động.

 - Cấp giấy phép mở bến đò.

 - Giấy chứng chỉ chuyên môn cho lái đò.

 - Đăng ký hành chính cho các đò.

 Điều 12: Trước khi đưa đò vào khai thác, chủ đò phải báo cho Phòng kỹ thuật đăng kiểm Sở GTVT kiểm tra tình trạng kỹ thuật của đò.

 Điều 13: Sau khi nhận đủ hồ sơ của chủ đò và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của đò, thì cơ quan cấp Giấy phép cho đò hoạt động.

 Điều 14: Việc cấp chứng chỉ chuyên môn cho lái đò, cơ quan cấp giấy căn cứ vào tiêu chuẩn của người lái đò (Điều 5 của quy định này) đã qua đào tạo theo chương trình đào tạo của Cục đường sông Việt Nam quy định.

 Điều 15: Khi làm thủ tục xin mở bến, chủ bến có đơn, và có xác nhận của UBND phường (xã) nơi mở bến. Cơ quan cấp Giấy phép căn cứ vào Điều 4, Điều 6 của quy định này và kiểm tra hiện trạng bến, nếu có đủ điều kiện quy định thì cấp Giấy phép mở bến.

 Điều 16: Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong 15 ngày cơ quan cấp giấy phép phải hoàn thành việc cấp giấy tờ, trường hợp không cấp được thì phải trả lời rõ lý do và hướng dẫn tiếp cho chủ đò, chủ bến biết.

 Điều 17: Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để kiểm tra sự hoạt động của chủ đò, chủ bến trong địa phương mình quản lý.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 Điều 18: UBND các huyện, thị xã, Sở GTVT, các chủ đò, chủ bến, những người lái đò, các tổ chức, cá nhân có liên quan tới quản lý, vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đò có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh quy định này.

 Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc phản ảnh kịp thời về Sở GTVT để trình UBND tỉnh giải quyết ./.