Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về công tác cho vay xóa đói giảm nghèo

______________________

Sau ngày tái lập tỉnh đến nay, công tác cho vay xóa đói giảm nghèo đã được đẩy mạnh và đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đầu năm 1997, tổng nguồn vốn cho vay của Ngân hàng phục vụ người nghèo mới có 19 tỷ đồng và có 22.423 lượt hộ được vay vốn, với mức bình quân 1 hộ là 850 ngàn đồng. Đến nay tổng nguồn vốn cho vay đã lên tới 110 tỷ đồng, số lượt hộ được vay vốn là 58.329 hộ và bình quân mỗi hộ được vay 1,7 triệu đồng. Nhờ được vay vốn với lãi suất ưu đãi của Nhà nước, nhiều hộ nông dân và dân nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, tận dụng đất đai, sức lao động để sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập do đó từng bước cải thiện đời sống, hòa nhập với quá trình phát triển của xã hội. Trong đó đã có hàng ngàn hộ thoát khỏi đói nghèo. Các đoàn thể xã hội như hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh đã đứng ra làm tín chấp cho hộ nghèo vay vốn của Ngân hàng đã thực hiện nhiều chương trình lồng ghép để chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, trao đổi kinh nghiệm hạch toán kinh tế do đó vừa giúp hội viên nghèo vay vốn phát triển sản xuất vừa làm cho các hoạt động của hộ có nội dung thiết thực, sinh hoạt của Hội ngày càng sôi nổi sinh động.

Bên cạnh những kết quả đó cũng còn có những sai sót như: Việc bình bầu, xét duyệt hộ nghèo thiếu vốn sản xuất tại cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc, không chính xác, không đúng đối tượng. Khi thu nợ, thu lãi người thu không thực hiện đúng quy định cá biệt có tổ trưởng Tổ vay vốn lợi dụng để xam tiêu. Ở nhiều nơi tự ý thu thêm phí khi hộ nghèo được nhận vốn vay. Những sai phạm trên đã vi phạm chính sách cho vay xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Để kịp thời khắc phục những sai sót trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã các ngành có liên quan tập trung làm tốt những việc sau đây:

1. Về nhận thức phải xác định rõ: Công tác cho vay xóa đói giảm nghèo là một chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước: “Cùng với quá trình đổi mới, tăng trưởng kinh tế phải tiến hành công tác xóa đói giảm nghèo thực hiện công bằng xã hội tránh sự phân hóa giàu nghèo quá mức cho phép”. Xóa đói giảm nghèo là một trong 11 chương trình kinh tế xã hội của cả nước.

Tại Quyết định số 133/1998/QĐ-TTg ngày 23-7-1998 về “Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 1998 – 2000”. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt gồm 9 dự án, trong đó có dự án “Tín dụng đối với người nghèo”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành Quyết định số 170/1998/QĐ-UB ngày 31-8-1998 về việc thành lập Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo tỉnh và Công văn số 448/1998/CV-UB ngày 22-9-1998 hướng dẫn thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo cấp huyện và cấp xã.

Yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và Ủy ban nhân dân xã, phường, tổ chức việc bình bầu, xét duyệt danh sách hộ nghèo theo đúng tinh thần Quyết định 525/QĐ-TTg ngày 31-8-1995 của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn mực đói nghèo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố. Những hộ nghèo là hộ gia đình có mức sống dưới mức bình quân của cộng đồng có sức lao động, có khả năng tổ chức sản xuất nhưng thiếu vốn và chưa được vay vốn ở các tổ chức tín dụng thì được vay vốn của Ngân hàng phục vụ người nghèo.

Danh sách hộ nghèo vay vốn sau khi được các tổ chức đoàn thể bình bầu phải được Ban xóa đói giảm nghèo xã, phường soát xét kỹ để đảm bảo chính xác, công bằng mới trình Ban xóa đói giảm nghèo cấp huyện xét duyệt để Ngân hành cho vay.

2. Danh sách hộ nghèo vay vốn sau khi được Ban xóa đói giảm nghèo huyện xét duyệt được chuyển cho Ngân hàng để giải ngân và chuyển cho Ủy ban nhân dân xã để thông báo công khai cho nhân dân.

Việc giải ngân được thực hiện trực tiếp đến từng hộ theo đúng số tiền và danh sách được Ban xóa đói giảm nghèo huyện phê duyệt.

Nghiêm cấm các hiện tượng sau: Thu lại vốn vay của hộ nghèo để sử dụng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc việc khác của địa phương. Thu lại một phần vốn vay để cho các hộ khác ngoài danh sách được duyệt vay lại. Tự đặt ra các khoản chi phí để thu tiền khi người nghèo nhận tiền vay.

3. Ngân hàng phục vụ người nghèo phối hợp với các đoàn thể hội Nông dân, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh tiến hành sắp xếp lại củng cố các tổ vay vốn theo đúng quy định của Nhà nước và hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên ban quản lý của các tổ vay vốn. Đảm bảo hoạt động đúng quy chế. Các tổ chức được Ngân hàng ủy nhiệm thu lãi, thu tiền tiết kiệm phải làm đủ trách nhiệm như khi thu tiền phải ký vào sổ vay vốn và nộp kịp thời, đầy đủ cho Ngân hàng.

Nghiêm cấm việc lợi dụng quyền hạn được giao để xâm tiêu nguồn vốn xóa đói giảm nghèo.

Đề nghị các cấp hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm khắc với những người có liên quan đến việc xâm tiêu quỹ xóa đói giảm nghèo. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần kiên quyết đưa ra xử lý theo pháp luật.

4. Hàng năm các địa phương và các đoàn thể xã hội cần theo dõi xác định chính xác số lượng hộ vay vốn đã thoát nghèo và biểu dương những hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả và tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm để mở rộng công tác cho vay xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay nguồn vốn cho vay xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang được tăng khá, số hộ vay vốn cũng tăng thêm. Triển vọng có thể cung cấp vốn tín dụng cho 80 – 85% số hộ nghèo như mục tiêu đã đặt ra. Đề nghị cấp ủy địa phương tăng cường quan tâm chỉ đạo để công tác cho vay xóa đói giảm nghèo thực hiện tốt mục tiêu, chương trình của Nhà nước, giúp cho vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo để tận dụng các nguồn lực đất đai, sức lao động, mở rộng ngành nghề, phát triển sản xuất, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Quang Huy