Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về việc tăng cường công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước yêu cầu của hội nhập khu vực, quốc tế

________________________

Những năm gần đây, hoạt động đo lường, chất lượng bước đầu đã được các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong toàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện và thu được những kết quả đáng khích lệ; góp phần đảm bảo đo lường trong các lĩnh vực liên quan đến mua bán, giao nhận vật tư, lương thực, xăng dầu, điện năng, an toàn trong sản xuất và hiệu quả trong khám chữa bệnh; đảm bảo chất lượng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như thực phẩm chế biến, hạt giống lúa, phân hóa học , thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Một số doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000 để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Tuy nhiên, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở các cấp, các ngành và cơ sở còn bộc lộ một số mặt hạn chế, tồn tại cần nhanh chóng khắc phục là: Việc cháp hành pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chưa nghiêm túc ở một số đơn vị thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân; việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đối với các doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý còn chưa mạnh mẽ; sự phối kết hợp giữa các ngành được phân công quản lý chất lượng với cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) ở địa phương còn hạn chế; tổ chức cán bộ và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác TCĐLCL chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Để thực hiện tốt pháp lệnh về đo lường, pháp lệnh về chất lượng hàng hóa, pháp lệnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định số 69/2001/NĐ-CP quy định chi tiết việc thi hành pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 06/2002/NĐ-CP quy định chi tiết về việc thi hành  pháp lệnh đo lường và nhằm tăng cường công tác quản lý TCĐLCL, bảo vệ quyền lợi người tiêu dụng (BVQLNTD) trong phạm vi toàn tỉnh trước yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt một số việc sau đây:

1. Tổ chức thực hiện tốt việc phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp lệnh đo lường, pháp lệnh chất lượng hàng hóa, pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các Nghị định của Chính phủ một cách rộng rãi và thiết thực; nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên lĩnh vực này.

2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:

- Công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định của Nhà nước đối với hành hóa do cơ sở mình sản xuất.

- Công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước đối với hàng hóa do cơ sở sản xuất liên quan đến thực phẩm an toàn vệ sinh, sức khỏe con người, môi trường và các đối tượng khác được pháp luật quy định.

- Thực hiện chứng nhận an toàn đối với sản phẩm hàng hóa do cơ sở sản xuất thuộc diện phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về an toàn theo quy định của Nhà nước.

- Thực hiện kiểm định theo quy định của Nhà nước đối với các phương tiện đo lường của cơ sở thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định nhà nước sử dụng vào việc định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán và thanh toán; đảm bảo vệ sinh an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường.

- Chỉ tổ chức buôn bán phương tiện đo đã được kiểm định, đối với các phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định Nhà nước. Đảm bảo đo lường hàng hóa đóng gói sẵn.

- Thường xuyên duy trì các hoạt động đo lường - chất lượng hàng hóa và chịu trách nhiệm về tình trạng đo lường, chất lượng hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh; thông tin quảng cáo trung thực, chính xác về đo lường - chất lượng hàng hóa, hướng dẫn khách hàng lựa chọn, sử dụng và bảo quản hàng hóa. Giải thích rõ ràng và chỉ dẫn cách sử dụng hàng hóa cùng các biện pháp phòng tránh tác hại có thể xảy ra.

- Chủ động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, hệ thống phân tích các điểm nguy hại trọng yếu cần kiểm soát theo tiêu chuẩn HACCP hệ thống điều kiện thực hành sản xuất tốt tiêu chuẩn GMP, hệ thống trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA 8000 và tham gia giải thưởng chất lượng  Việt Nam nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trên thị trường trong và ngoài nước, chủ động hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế.

3. Các sở, ngành tỉnh có nhiệm vụ:

- Giao Sở Tài chính - Vật giá chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường cân đối bố trí nguồn kinh phí hàng năm để tăng cường đầu tư tiềm lực cho các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và giải thưởng chất lượng Việt Nam. Căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế của các cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ và hình thức khen thưởng trình UBND tỉnh quyết định.

- Các sở: Khoa học CN&MT, Công nghiệp, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, Văn hóa Thông tin, Thương mại & Du lịch tổ chức thực hiện tốt việc quản lý chất lượng hàng hóa chuyên ngành đã được phân công trong Quyết định 225/QĐ-UB ngày 27/3/1997 của UBND tỉnh. Hàng năm, ngoài kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành mình, cần chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm ra liên ngành đối với các cơ sở có liên quan nhiều lĩnh vực quản lý. Tổ chức hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị cơ sở chấn chỉnh công tác quản lý đo lường chất lượng. Quản lý, kiểm tra giám sát các hoạt động đo lường chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đúng quy định của các pháp lệnh và của Nghị định của Chính phủ. Tăng cường cán bộ có năng lực chuyên môn giúp thủ trưởng ngành theo dõi và chỉ đạo, triển khai công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng một cách toàn diện.

- Căn cứ chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế và kế hoạch của tỉnh thực hiện chương trình này, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường lập kế hoạch triển khai thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước mắt, phối hợp với Sở Tư pháp, Báo Hưng Yên, Đài phát thanh truyền hình tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sâu rộng trong toàn tỉnh; lập tổ công tác liên ngành, xúc tiến thành lập Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hình thành mạng lưới giải quyết tố cáo, khiếu nại BVQLNTD tại địa phương. Củng cố tổ chức bộ máy, tăng cường tiềm lực cho Chi cục TCĐLCL đảm bảo chức năng quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường và BVQLNTD trong tình hình mới.

4. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tập trung phổ biến các quy định về TCĐLCL và BVQLNTD đến các cơ sở thuộc địa bàn quản lý; chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quyền hạn được giao và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh, đảm bảo hoạt động TCĐLCL đạt hiệu quả cao trên địa bàn.

5. Giao giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện chỉ thị này. Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện và các khó khăn vướng mắc về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Phách