Sign In

CHỈ THỊ

Về việc phát động phong trào thi đua

“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

____________________

Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, nông thôn tỉnh ta đã từng bước được đầu tư xây dựng, diện mạo có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn có một số hạn chế: Công tác quy hoạch, hạ tầng xây dựng còn chắp vá, thiếu đồng bộ, tốc độ phát triển kinh tế xã hội chưa đồng đều, ô nhiễm môi trường có xu hướng ngày càng tăng, tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi.

Nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2011), ngày 08 tháng 6 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và ngày 20 tháng 9 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Đây là phong trào thi đua lớn, có quy mô rộng và thời gian dài, nhằm thúc đẩy thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VII, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời để thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 10/5/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVII về chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020, định hướng 2030. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Phát động phong trào thi đua với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2011 đến 2015, giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020.

2. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong tỉnh cần có những việc làm cụ thể, thiết thực để góp phần xây dựng nông thôn mới.

3. UBND và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp với chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai đồng bộ các nội dung và giải pháp về xây dựng nông thôn mới với các đề án, lộ trình, giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm, địa bàn và dân cư xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể xã hội ở địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước tập trung vào thực hiện tốt 11 nội dung và 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tạo cơ sở và bước đi vững chắc trong việc triển khai trong từng giai đoạn, phù hợp với mỗi địa phương. Đồng thời làm tốt công tác huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả, tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng, tiến độ và đúng quy định của pháp luật. Xây dựng nông thôn mới gắn với việc xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; đời sống vật chất tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao.

Phấn đấu đến năm 2012 hoàn thành việc lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới cho 100% số xã; đến năm 2013 hoàn thành xây dựng 20 xã điểm đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; đến năm 2015 xây dựng 25% số xã trong toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020 có 60% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.  

4. Các ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chính sách pháp luật của Nhà nước về nội dung xây dựng nông thôn mới và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới từ các cấp chính quyền cho tới người dân.

5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, thực hiện tốt công tác vận động đoàn viên, hội viên phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, hưởng ứng và tích cực thực hiện các phong trào thi đua; gắn phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao và có sức sống mới.

6. Giao Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tham mưu với UBND tỉnh tiến hành sơ kết hai năm một lần, tổng kết giai đoạn, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu về xây dựng nông thôn mới để làm cơ sở triển khai tiếp giai đoạn 2 và tổng kết vào năm 2020.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) và các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí bình xét, đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền: Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới.

 Với những kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua yêu nước được rút ra từ Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh lần thứ VII vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố tiếp tục phát huy nội lực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, năng động, sáng tạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và có kết quả Chỉ thị này.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Thông