Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

V/v triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân

Trong thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chủ động hội nhập kinh tế - quốc tế. Tuy nhiên việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua về chất lượng chưa cao; một số sở, ngành chưa chủ động đề xuất chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm; lúng túng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định; một số văn bản được ban hành chưa đúng hình thức hoặc có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi.

Để kịp thời triển khai, thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân đã được Quốc hội Khoá XI kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3/12/2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2005, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật ở địa phương. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ thị:

1. Uỷ ban Nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên triển khai, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân và thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức và thành viên của mình, bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật của địa phương ban hành đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và khả thi.

2. Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải chủ động lập, thông qua và điều chỉnh chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm; khi ban hành văn bản phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, hình thức, đánh số thứ tự, ký hiệu, đưa tin, gửi và lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh sau khi ban hành còn phải đưa lên mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh và đăng công báo cấp tỉnh.

Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, uỷ ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện), của Hội đồng Nhân dân, uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) còn phải niêm yết tại trụ sở của cơ quan ban hành và những địa điểm khác do Chủ tịch uỷ ban Nhân dân cùng cấp quyết định.

3. Cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành mình, chậm nhất ngày 15/10 hàng năm trình Hội đồng Nhân dân, uỷ ban Nhân dân xem xét, quyết định.

Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan chuyên môn đề nghị ban hành hoặc tổ chức, cá nhân được phân công soạn thảo, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm dự thảo, tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu chỉnh lý, gửi cơ quan thẩm định theo quy định và trình Hội đồng Nhân dân hoặc Uỷ ban Nhân dân cùng cấp ban hành.

4. Uỷ ban Nhân dân các cấp phải tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác và nhân dân giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân theo quy định của pháp luật.

5. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân cấp nào ban hành phải được cấp đó thường xuyên rà soát và định kỳ hệ thống hoá theo thời gian, theo cơ quan có thẩm quyền ban hành và theo lĩnh vực điều chỉnh.

Uỷ ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm thành lập bộ phận thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật của mình và của Hội đồng Nhân dân cùng cấp.

Các cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm giúp Hội đồng Nhân dân và uỷ ban Nhân dân cấp mình thực hiện việc rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành mình để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

6. Trách nhiệm của Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Hàng năm chủ trì phối hợp với Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh và Sở Tư Pháp tổng hợp dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh để trình Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh lập, thông qua và điều chỉnh chương trình xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, quyết định và chỉ thị của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh quản lý văn bản quy phạm pháp luật gửi đi và đến, quản lý hoạt động in ấn, phát hành công báo cấp tỉnh, đưa tin, gửi và lưu trữ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

7. Trách nhiệm của Sở Tư Pháp.

Phối hợp với Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh tổng hợp việc lập, thông qua và điều chỉnh chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định.

Thẩm định về sự cần thiết ban hành; Đối tượng, phạm vi điều chỉnh; Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi cũng như ngôn ngữ văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành hàng năm để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

Hàng năm tổ chức việc in ấn, cấp phát tập hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân ban hành.

8. Trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân, uỷ ban Nhân dân cấp huyện:

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban Nhân dân cấp huyện thực hiện xây dựng Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm và thực hiện đúng trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

Chỉ đạo Phòng Tư pháp thẩm định nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của uỷ ban nhân dân do các cơ quan chuyển đến và phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và uỷ ban Nhân dân làm đầu mối giúp uỷ ban Nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của cấp mình ban hành để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

9. Sở Tài chính có trách nhiệm bảo đảm cân đối kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định, trình Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định và hướng dẫn lập dự toán hàng năm theo quy định của pháp luật.

10. Uỷ ban Nhân dân tỉnh yêu cầu uỷ ban Nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện chỉ thị này.

Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này và định kỳ 6 tháng báo cáo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh./.

UBND tỉnh Lâm Đồng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Đức Hòa