Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu long

_________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đề nghị của Đoàn công tác của Chính phủ về phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt ở ĐBSCL,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Lũ lớn đã gây thiệt hại đáng kể ở ĐBSCL, diện tích bị ngập lũ mở rộng. Để tích cực phòng chống lũ lụt, hạn chế thiệt hại và nhanh chóng khắc phục hậu quả, chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL và các Bộ ngành liên quan phải khẩn trương tiến hành những công việc cần thiết theo hướng sau đây:

- Tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng chống lũ lụt. Phải đặc biệt quan tâm bảo vệ tính mạng của nhân dân, nhất là người già và trẻ em, phòng chống dịch bệnh, cứu trợ các gia định bị thiếu đói. Tổ chức thu mua thóc còn tồn trong dân, không để hư hại.

- Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, tiến hành các công việc cấp bách để nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống nhân dân ngay sau khi lũ rút. Phối hợp với các đoàn thể quần chúng, vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau khắc phục khó khăn, quan tâm các gia đình thuộc diện chính sách xã hội, các gia đình nghèo ở cùng ngập sâu.

- Kịp thời đưa vào kế hoạch năm 1997 những khối lượng sửa chữa lớn các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội chưa có điều kiện giải quyết được ngay.

Điều 2. Để giúp các tỉnh thực hiện những công việc cấp bách:

1- Trích dự phòng ngân sách trung ương trợ cấp:

- Đồng Tháp: 5 tỉ đồng.

- An Giang: 5 tỉ đồng.

- Long An: 4 tỉ đồng.

- Tiền Giang: 3 tỉ đồng.

- Kiên Giang: 2,5 tỉ đồng.

- Cần Thơ: 1,5 tỉ đồng.

- Vĩnh Long: 1,5 tỉ đồng.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn các tỉnh sử dụng khoản kinh phí trên đây để trợ giúp nhân dân ở các vùng bị ngập sâu, có nguy cơ sạt lở di chuyển đến nơi an toàn, các gia đình nghèo mua xuồng, lưới để có phương tiện làm ăn sinh sống, cứu giúp các gia định bị thiếu đói, các gia đình có người bị chết do lũ lụt.

Ngoài ra, trích 1 tỷ đồng từ nguồn vốn kinh tế mới năm 1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trợ cấp cho tỉnh Long An phòng chống lũ lụt vùng kinh tế mới.

2- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, bàn ngay với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông vận tải để trích nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 1996 của các Bộ và khoản bổ sung vốn xây dựng cơ bản năm 1996 để giúp các tỉnh củng cố các bờ bao, các tuyền đường giao thông chính của huyện, xã, tu sửa các công trình thuỷ lợi kịp phục vụ sản xuất đông xuân.

3- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tạm ứng nguồn vốn chống xuống cấp trường học thuộc kế hoạch năm 1997 để giúp các địa phương tu sửa trường lớp, bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh ngay sau khi lũ rút. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sớm quy định thời gian và chương trình học tập thích hợp cho các vùng thường xuyên bị lũ lụt.

4- Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phòng chống dịch bệnh, trích nguồn quỹ dự trữ để trợ giúp các tỉnh thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế cần thiết...

5- Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn chỉ đạo các tỉnh phòng chống dịch bệnh gia súc, chuẩn bị đủ thuốc thú y để khi cần thiết thì có thể huy động đưa vào sử dụng được ngày.

6- Để giúp nhân dân phục hồi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các hộ bị thiệt hại được hoãn trả nợ, khoanh nợ đối với nợ cũ và được vay mới; bàn với Bộ Tài chính cho các hộ quá khó khăn được vay vốn ưu đãi.

Điều 3.  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Thương mại và chính quyền các tỉnh ĐBSCL chỉ đạo các công ty lương thực của trung ương và địa phương khẩn trương mua thóc còn tồn đọng trong dân, đưa về bảo quản an toàn, trước mắt mua hết 230.000 tấn ở các vùng bị ngập lũ. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các công ty vay vốn mua thóc được thuận lợi.

Bộ Tài chính xem xét việc miễn thuế xuất khẩu gạo trong 3 tháng cuối năm 1996; bàn với Ban Vật giá Chính phủ việc sử dụng quỹ Bình ổn giá để bù lãi xuất vốn vay ngân hàng của các công ty lương thực thực hiện nhiệm vụ mua thóc nói trên.

Điều 4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng các Bộ ngành liên quan, các tỉnh ĐBSCL tiến hành ngay việc khảo sát, nghiên cứu tình hình lũ lụt, đề xuất những giải pháp, chính sách có hiệu quả về sắp xếp dân cư, xây dựng nhà dân, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội... nhằm hạn chế tác hại của lũ lụt, thực hiện thắng lợi Quyết định 99-TTg ngày 9/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương bàn với Bộ Ngoại giao, tổ chức thông báo tình hình lũ lụt ở ĐBSCL cho các Đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế. Chính phủ ta hoan nghênh mọi sự giúp đỡ có thiện chí nhưng không kêu gọi viện trợ khẩn cấp.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngành Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh ĐBSCL có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải