NGHỊ QUYẾT
Về chuẩn nghèo và chương trình giảm nghèo bền vững
của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015
____________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4796/TTr-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2010 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc quy định chuẩn nghèo và mục tiêu, giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và tổng hợp ý kiến thảo luận của Đại biểu HĐND tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình số 4796/TTr-UBND ngày 17/6/2010 của UBND tỉnh về chuẩn nghèo và chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 (kèm theo Tờ trình 4796/TTr-UBND), với một số nội dung chủ yếu như sau:
1. Về chuẩn nghèo:
- Khu vực nông thôn: 650.000đ/người/tháng trở xuống.
- Khu vực thành thị: 850.000đ/người/tháng trở xuống.
2. Mục tiêu giảm nghèo: Tiếp tục nâng cao thu nhập và mức sống cho hộ nghèo, người nghèo; đầu tư hạ tầng thiết yếu, cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt; nâng cao dân trí cho vùng nghèo. Giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo gắn với giảm nghèo bền vững; trong 05 năm giảm ít nhất 35.000 hộ nghèo, hạ tỷ lệ xuống dưới 2% vào cuối năm 2015.
3. Nguồn lực và giải pháp thực hiện chương trình:
a) Nguồn lực: Tổng nguồn lực để thực hiện các dự án, chính sách, hoạt động thuộc chương trình khoảng: 972,4 tỷ đồng (trong đó: Đề nghị NSTW hỗ trợ 19 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội bổ sung 250 tỷ đồng; ngân sách địa phương đầu tư trực tiếp 431,8 tỷ đồng; lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách khác 180 tỷ đồng; huy động cộng đồng 60 tỷ đồng; miễn giảm các loại 31,6 tỷ đồng). Trong đó, năm 2011 là: 231 tỷ đồng, năm 2012 là: 221 tỷ đồng, năm 2013 là: 191 tỷ đồng, năm 2014 là: 171 tỷ đồng, năm 2015 là: 158,4 tỷ đồng.
b) Cơ chế huy động nguồn lực:
Thực hiện theo cơ chế đa nguồn, bao gồm:
- Nguồn lực của chính người nghèo;
- Ngân sách TW, ngân sách địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã);
- Huy động cộng đồng.
c) Phân bổ nguồn lực:
- Tập trung ưu tiên cho các xã miền núi, xã thuộc vùng khó khăn, xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và đảm bảo công bằng giữa các xã, huyện (TX, TP) có điều kiện như nhau. Đồng thời căn cứ số lượng đối tượng của từng địa phương để phân bổ nguồn lực khi triển khai thực hiện các chính sách, dự án.
- Các hộ mới vượt nghèo tiếp tục được thụ hưởng thêm 02 năm như hộ nghèo các chính sách: Tín dụng; bảo hiểm y tế; giáo dục; dạy nghề; khuyến nông - khuyến công.
d) Các giải pháp tổ chức thực hiện:
- Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã căn cứ Nghị quyết này xây dựng nghị quyết về CTGN bền vững của cấp mình.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo và bộ phận giúp việc các cấp.
- Thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh xây dựng phương án khảo sát, điều tra, xác định hộ nghèo.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Giao UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể 05 năm và hàng năm để tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo kết quả tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trên 20%/năm làm cho chuẩn nghèo không còn đúng giá trị ban đầu thì Chủ tịch UBND tỉnh quyết định điều chỉnh chuẩn nghèo tăng tương đương và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.
- Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này bằng tổ chức kiểm tra giám sát triển khai việc thực Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII, kỳ họp thứ 19 thông qua.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua./.