CHỈ THỊ
Về việc củng cố tổ chức và tăng cường quản lý hệ thống thương nghiệp hợp tác xã mua bán thành phố.
__________________
Gần đây, công tác kinh doanh phục vụ một số đơn vị thương nghiệp hợp tác xã quận huyện và phường xã có giảm sút, kém hiệu quả, dẫn đến thua lỗ phải đình chỉ hoạt động. Nguyên nhân có nhiều, cần được xem xét, đánh giá để chấn chỉnh và củng cố. Bên cạnh đó, đa số hợp tác xã mua bán phường, xã còn lại hoạt động có lãi, giữ vững và tăng thêm vốn tự có và làm nghĩa vụ với Nhà nước đầy đủ theo chính sách. Việc củng cố, chấn chỉnh, phát triển hoạt động của hợp tác xã mua bán trong tình hình hiện nay là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa trong điều kiện thị trường có nhiều thành phần kinh tế cạnh tranh. Nhưng một số Ủy ban nhân dân quận huyện và phường xã từ sự yếu kém của một số ít đơn vị thua lỗ lại chủ trương giải thể luôn cả số hợp tác xã mua bán đang hoạt động tốt để sát nhập thành lập những đơn vị kinh doanh thương nghiệp dịch vụ tổng hợp mới hoặc thanh lý thu hồi mặt bằng và tài sản. Qua tình hình trên Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1/ Việc giải thể các đơn vị hợp tác xã mua bán phải làm đúng theo điều lệ hợp tác xã mua bán đã được ban hành kèm theo Quyết định 258/QĐ-UB ngày 12/5/1989 và văn bản 4862/UB-TM ngày 23/12/1988 của Ủy ban nhân dân thành phố. Việc giải thể và thanh lý nhất thiết phải được sự nhất trí của cơ quan quản lý hợp tác xã mua bán đúng với tinh thần Quyết định 194/HĐBT ngày 23/12/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng quản lý nội bộ hệ thống hợp tác xã mua bán trên địa bàn.
2/ Với những đơn vị hợp tác xã mua bán đang kinh doanh có hiệu quả (có lãi, không mất vốn và làm nghĩa vụ với Nhà nước đầy đủ theo chính sách), cần tạo điều kiện giúp đỡ, giữ vững và mở rộng hoạt động để cùng với thương nghiệp quốc doanh tăng cường khả năng chiếm lĩnh thị trường. Không can thiệp vào hoạt động kinh doanh, sản xuất, tài sản, mặt bằng, màng lưới v.v… của các đơn vị hợp tác xã mua bán sai với những qui định và chính sách của Nhà nước. Ủy ban nhân dân các cấp cần có sự công trợ có hiệu quả để tạo điều kiện cho các đơn vị này kinh doanh và sản xuất tốt hơn.
3/ Những đơn vị hiện đang gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nhưng xét thấy có khả năng khắc phục và phát triển được, cần chỉ đạo củng cố như : tổ chức đại hội xã viên bất thường nói rõ nguyên nhân, qui trách nhiệm cụ thể, có biện pháp thanh toán nợ và tạo thêm vốn hoạt động, kiện toàn Ban Giám đốc, Ban Chủ nhiệm, xác định lại phương hướng kinh doanh v.v… để giúp đơn vị tiếp tục hoạt động. Những đơn vị thua lỗ quá nặng không có khả năng khôi phục lại thì đưa ra xin ý kiến đại hội xã viên hoặc Ủy ban nhân dân quận huyện xét cho giải thể. Tài sản, hàng hóa của hợp tác xã mua bán phải được chỉ đạo thanh lý, giải quyết theo đúng điều lệ hợp tác xã mua bán và qui định của Nhà nước. Việc giải thể và thanh lý phải được sự chấp thuận của hợp tác xã mua bán cấp trên đúng theo điều lệ và chính sách.
Ở những nơi hợp tác xã mua bán đã giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động (đúng điều lệ hoặc trái điều lệ) trong thời gian nhưng nhân dân địa phương và thị trường cần thiết có yêu cầu thì xem xét chỉ đạo tổ chức xây dựng lại. Ở những nơi không có hợp tác xã mua bán, hoặc có nhưng đã giải thể và không có khả năng tổ chức lại thì hợp tác xã mua bán quận huyện hoặc các hợp tác xã mua bán quận huyện, phường xã lân cận có thể tổ chức mở cửa hàng, điểm bán tại địa phương đó, không bỏ trống thị trường. Tinh thần chỉ đạo này hoàn toàn phù hợp với chỉ thị 446/TN-TC ngày 10/5/1990 của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp.
4/ Với nội dung quyết định 194 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư 01/NT ngày 04/3/1989 của Bộ Nội thương, văn bản 173 của Ban Tổ chức Chính phủ và Chỉ thị 446/TN-TC của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp thì việc sát nhập bộ phận quản lý nội bộ hệ thống hợp tác xã mua bán của quận huyện vào phòng thương nghiệp quận huyện đang làm chức năng quản lý hành chánh Nhà nước là không phù hợp. Liên hiệp hợp tác xã mua bán quận huyện hiện nay đang làm hai chức năng : kinh doanh trực tiếp và quản lý, xây dựng củng cố phong trào hợp tác xã mua bán tại địa phương. Nơi nào Liên hiệp hợp tác xã mua bán kinh doanh bị lỗ mà giải thể thì Ủy ban nhân dân quận huyện đó tổ chức khôi phục lại Ban Quản lý hợp tác xã mua bán quận huyện bố trí đủ cán bộ đảm bảo yêu cầu về phẩm chất, năng lực và sự tín nhiệm trong công tác để làm hai nhiệm vụ : chỉ đạo, quản lý và xây dựng phong trào; và nếu có điều kiện thì tổ chức kinh doanh theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương để hỗ trợ cho các hợp tác xã mua bán phường xã. Việc khôi phục lại Ban Quản lý hợp tác xã mua bán của những quận huyện cụ thể cần có sự thống nhất giữa Ủy ban nhân dân quận huyện và Liên hiệp hợp tác xã mua bán thành phố.
Nhận được chỉ thị này, Ủy ban nhân dân quận huyện và phường xã cùng với Liên hiệp hợp tác xã mua bán thành phố và quận huyện cần rà soát, xem xét tình hình hoạt động kinh doanh sản xuất cụ thể của từng đơn vị để có kế hoạch củng cố, phát triển hoặc quyết định giải thể cho phù hợp với điều lệ hợp tác xã mua bán và chính sách pháp luật của Nhà nước.