• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2014
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 74/2009/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 7 tháng 5 năm 2009

QUYẾT ĐỊNH

Về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp

______________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Giám định tư pháp ngày 29 tháng 9 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc (sau đây gọi chung là người giám định tư pháp) là người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

2. Người giúp việc cho người giám định tư pháp là người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Người giúp việc cho người giám định tư pháp là người hỗ trợ cho người giám định tư pháp và tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định. Người giúp việc cho người giám định tư pháp bao gồm: trợ lý, kỹ thuật viên, y công và những người khác do Thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định.

3. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.

Điều 2. Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày làm giám định được quy định như sau:

Đối với việc giám định tư pháp trong lĩnh vực: pháp y về độc chất, tổ chức học, sinh học, giám định trên hồ sơ; pháp y tâm thần; kỹ thuật hình sự; tài chính – kế toán; văn hóa; xây dựng; môi trường; nông, lâm, ngư nghiệp và các lĩnh vực khác thì áp dụng chế độ bồi dưỡng theo ngày làm giám định, có các mức cụ thể sau đây:

1. Mức 60.000 đồng/người giám định tư pháp/ngày làm giám định áp dụng đối với việc giám định không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

2. Mức 150.000 đồng/người giám định tư pháp/ngày làm giám định áp dụng đối với việc giám định phức tạp hoặc phải tiếp xúc với đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, C quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc phải thực hiện giám định trong môi trường bị ô nhiễm nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Mức 250.000 đồng/người giám định tư pháp/ngày làm giám định áp dụng đối với việc giám định mà phải tiếp xúc với đối tượng giám định nhiễm HIV/AIDS hoặc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc phải thực hiện giám định trong môi trường bị ô nhiễm bởi các chất nguy hiểm đến sức khỏe như chất phóng xạ, acid, bazơ hoặc trong vùng đang có dịch bệnh nguy hiểm.

Ngày làm giám định được tính là 8 tiếng thực tế thực hiện giám định. Trong trường hợp, việc giám định được thực hiện phân rải trong nhiều ngày nhưng mỗi ngày chỉ thực hiện với một thời lượng nhất định thì ngày làm giám định được tính trên tổng số giờ thực tế thực hiện công việc giám định.

Thời gian, khối lượng công việc cần thiết cho việc thực hiện mỗi loại việc giám định được xác định trên cơ sở quy trình thực hiện giám định chuẩn của từng lĩnh vực giám định.

Khi thực hiện giám định ngoài giờ hành chính, thì ngoài số tiền bồi dưỡng theo ngày công, người giám định tư pháp, người giúp việc cho người giám định tư pháp là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn được hưởng thêm bồi dưỡng làm thêm giờ hoặc phụ cấp làm đêm theo quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các quy định có liên quan hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng làm thêm giờ và phụ cấp làm đêm.

Điều 3. Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được quy định như sau:

Đối với việc giám định trên người sống và trên tử thi trong lĩnh vực pháp y thì áp dụng chế độ bồi dưỡng theo vụ việc với các mức cụ thể như sau:

1. Giám định trên người sống có các mức bồi dưỡng sau đây:

a) Mức bồi dưỡng 80.000 đồng/lần giám định/nội dung yêu cầu giám định/trường hợp/người giám định tư pháp đối với khám chuyên khoa sâu ở các chuyên khoa;

b) Mức bồi dưỡng 100.000 đồng/lần giám định/nội dung yêu cầu giám định/trường hợp/người giám định tư pháp đối với khám tổng quát.

2. Giám định không mổ tử thi mà tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên có các mức bồi dưỡng sau đây:

a) Mức 300.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết trong vòng 48 giờ;

b) Mức 400.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày;

c) Mức 500.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết quá 7 ngày;

3. Giám định mổ tử thi mà tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên có các mức bồi dưỡng sau đây:

a) Mức 1.000.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết trong vòng 48 giờ;

b) Mức 1.500.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày;

c) Mức 2.000.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết quá 7 ngày;

d) Mức 3.000.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp áp dụng đối với người chết quá 7 ngày và phải khai quật.

4. Trong trường hợp tử thi được bảo quản theo đúng quy chuẩn thì người giám định tư pháp được hưởng 75% mức bồi dưỡng giám định tương ứng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

5. Trong trường hợp giám định không mổ tử thi, giám định mổ tử thi mà tử thi nhiễm HIV/AIDS hoặc nhiễm bệnh đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hoặc phải giám định trong môi trường có chất nguy hiểm như chất phóng xạ, acid, bazơ hoặc trong vùng đang có dịch bệnh nguy hiểm thì áp dụng mức bồi dưỡng cao nhất của giám định không mổ tử thi quy định tại khoản 2 hoặc mức bồi dưỡng cao nhất của giám định mổ tử thi quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 4. Chế độ đối với người giúp việc cho người giám định tư pháp, người được cơ quan có thẩm quyền giao có mặt trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi được thực hiện như sau:

1. Người giúp việc cho người giám định tư pháp là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia thực hiện giám định tư pháp được hưởng 70% mức bồi dưỡng mà người giám định tư pháp được hưởng.

2. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi được hưởng 50% mức bồi dưỡng mà người giám định tư pháp được hưởng.

Điều 5. Việc chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp được thực hiện như sau:

1. Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ án hình sự do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Hàng năm, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập dự toán kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp. Việc sử dụng kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp phải được thực hiện đúng mục đích, đúng chế độ và không được sử dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính được tính trong chi phí giám định do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật tố tụng hành chính.

3. Cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm tạm ứng tiền bồi dưỡng giám định khi trưng cầu giám định và phải thanh toán tiền bồi dưỡng giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

Điều 6.

1. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định này.

2. Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng quá 25% so với thời điểm ban hành Quyết định này, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các mức bồi dưỡng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.

Quyết định này thay thế Quyết định số 160/TTg ngày 15 tháng 3 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp và Quyết định số 57/1998/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 160/TTg ngày 15 tháng 3 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp.

Điều 8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.