Sign In

 

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VIỆC THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT CÁC CẤP

----------------------

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng; chống dịch bệnh động vật các cấp.

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Quyết định này quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, bao gồm:

1. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật ở trung ương (sau đây gọi chung là Ban Chỉ đạo quốc gia).

2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật ở địa phương (sau đây gọi chung là Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương).

Điều 2. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp

1. Khi dịch bệnh động vật được công bố theo quy định tại Điều 26 hoặc Điều 34 của Luật Thú y, Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.

2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 3. Thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp

1. Thành phần Ban Chỉ đạo quốc gia gồm có:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Trưởng ban.

b) Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thứ trưởng Bộ Y tế là Phó trưởng ban.

c) Các ủy viên gồm có:

- Đại diện lãnh đạo các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng;

- Đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam;

- Đại diện lãnh đạo: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

d) Cục Thú y là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật.

2. Thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh:

a) Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là Trưởng ban.

b) Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Y tế là Phó trưởng ban.

c) Các ủy viên:

- Đại diện lãnh đạo các Sở: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan của địa phương;

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh (đối với tỉnh có biên giới);

- Đại diện lãnh đạo: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Hội Nông dân và Hội Chữ thập đỏ.

d) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh.

3. Thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện:

a) Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện là Trưởng ban.

b) Trưởng các phòng quản lý nhà nước về: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế là các Phó trưởng ban.

c) Các ủy viên:

- Đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước: Công an, quản lý thị trường, tài chính, kếhoạch, văn hóa, thông tin, tài nguyên và môi trường, biên phòng (đối với những địa phương có biên giới).

- Đại diện lãnh đạo: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, Hội Nông dân và Hội Chữ thập đỏ.

d) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện.

4. Thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là Trưởng ban.

b) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là Phó trưởng ban.

c) Các ủy viên: Trưởng công an; Chỉ huy trưởng Quân sự; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với xã phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); trạm trưởng trạm y tế xã, phường, nhân viên thú y xã;

d) Đại diện các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương.

5. Căn cứ tình hình dịch bệnh động vật cụ thể, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định thành phần Ban Chỉ đạo cho phù hợp.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp

1. Ban Chỉ đạo quốc gia có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp trên toàn quốc.

b) Giúp Thủ tướng Chính phủ phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh động vật.

c) Tổ chức thực hiện và đôn đốc kiểm tra các Bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp ở địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp trên địa bàn.

b) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp trên địa bàn.

c) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân phối hợp giữa các ban, ngành với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân giao.

Điều 5. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y được giao nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo, các nguồn vốn hỗ trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Chế độ làm việc

1. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp làm việc theo chế độ tập thể.

2. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng ban.

3. Trưởng ban, các Phó trưởng ban được sử dụng con dấu của cơ quan nơi công tác.

4. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp được sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.

5. Trưởng ban quy định chế độ làm việc và nhiệm vụ cụ thể của các thành viên.

Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Quyết định số 13/2004/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc