Sign In

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2014/TT-BGTVT ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới

__________________________

           

 Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 30/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vụ vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển;

Căn cứ Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2014/TT-BGTVT ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2014/TT-BGTVT ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới

1. Sửa đổi Điều 3 như sau:       

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tàu khách là phương tiện thủy nội địa có sức chở trên 12 (mười hai) người.

2. Tàu chở người là phương tiện thủy nội địa có sức chở từ 12 (mười hai) người trở xuống.

3. Tàu khách cao tốc (tàu cao tốc chở khách) là tàu khách được cơ quan Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra chứng nhận phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc; tàu khách hoạt động ở chế độ lướt mà thân tàu tách hoàn toàn khỏi mặt nước do lực nâng khí động học tạo ra bởi hiệu ứng bề mặt có tốc độ lớn nhất từ 30 km/giờ trở lên ở trạng thái toàn tải.

4. Hành khách là những người trên tàu không phải là thuyền viên và nhân viên phục vụ.

5. Cảng vụ liên quan là Cảng vụ Đường thủy nội địa hoặc Cảng vụ Hàng hải.”

2. Sửa đổi Điều 5 như sau:

Điều 5. Thủ tục chấp thuận vận tải hành khách, hành lý, bao gửi theo tuyến cố định bằng tàu khách cao tốc

1. Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận vận tải hành khách, hành lý, bao gửi theo tuyến cố định hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền như sau:

a) Tổ chức, cá nhân Việt Nam nộp hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải (trừ trường hợp tàu xuất phát từ cảng, bến thuộc khu vực trách nhiệm do Cảng vụ Hàng hải quản lý) hoặc Cảng vụ Hàng hải (trong trường hợp tàu xuất phát từ cảng, bến thuộc khu vực trách nhiệm do Cảng vụ Hàng hải quản lý);

b) Tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đến Chi cục Đường thủy nội địa khu vực (trong trường hợp tàu xuất phát từ cảng, bến thuộc khu vực trách nhiệm do Chi cục Đường thủy nội địa khu vực quản lý) hoặc Cảng vụ Hàng hải (trong trường hợp tàu xuất phát từ cảng, bến thuộc khu vực trách nhiệm do Cảng vụ Hàng hải quản lý).

2. Hồ sơ bao gồm:

a) Bản đăng ký hoạt động vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu theo tuyến cố định theo mẫu quy định tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Văn bản hoặc hợp đồng với tổ chức, cá nhân khai thác cảng, bến đồng ý cho tàu khách cao tốc vào đón, trả hành khách còn hiệu lực;

c) Bản sao chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu) các giấy tờ sau còn hiệu lực: Giấy chứng nhận đăng ký của tàu; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

d) Bản đăng ký chất lượng dịch vụ theo mẫu quy định tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Bản quy trình khai thác tàu khách cao tốc của tổ chức, cá nhân, trong đó có các nội dung chủ yếu sau: Số lượng tàu khai thác, thời gian khai thác, thời gian bảo dưỡng, sửa chữa, lên đà, số lượng thuyền viên vận hành, quy trình xử lý tình huống trong trường hợp tàu gặp sự cố khi đang khai thác.

3. Thủ tục chấp thuận:

a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ.

b) Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có văn bản gửi tổ chức, cá nhân yêu cầu bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ.

c) Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền gửi văn bản lấy ý kiến như sau:

Sở Giao thông vận tải gửi văn bản lấy ý kiến Cảng vụ Hàng hải (nơi có cảng, bến tiếp nhận tàu hoặc trong trường hợp tàu hành trình qua vùng nước hàng hải liên quan), ý kiến của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (trong trường hợp tàu hành trình trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia).

Chi cục Đường thủy nội địa khu vực gửi văn bản lấy ý kiến Cảng vụ Hàng hải (nơi có cảng, bến tiếp nhận tàu hoặc trong trường hợp tàu hành trình qua vùng nước hàng hải liên quan), ý kiến của Sở Giao thông vận tải (nơi có cảng, bến tiếp nhận tàu hoặc trong trường hợp tàu hành trình trên tuyến đường thủy nội địa địa phương liên quan).

Cảng vụ Hàng hải gửi văn bản lấy ý kiến Sở Giao thông vận tải (nơi có cảng, bến tiếp nhận tàu hoặc trong trường hợp tàu hành trình qua tuyến đường thủy nội địa địa phương), ý kiến của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (trong trường hợp tàu hành trình trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia).

Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản lấy ý kiến, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải liên quan có văn bản trả lời.

d) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn lấy ý kiến các cơ quan liên quan, cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận cho tổ chức, cá nhân vận tải hành khách, hành lý, bao gửi và hàng hóa theo tuyến cố định bằng tàu khách cao tốc.”

3. Sửa đổi Điều 8 như sau:

Điều 8. Thủ tục vào và rời cảng, bến đối với tàu khách cao tốc

1. Chậm nhất 20 (hai mươi) phút trước khi tàu dự kiến cập vào cảng, bến, thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo cho Cảng vụ hoặc Ban Quản lý bến thời gian tàu sẽ cập cảng, bến, số lượng hành khách, hàng hóa trên tàu. Thông báo có thể bằng VHF hoặc thiết bị liên lạc khác.

2. Sau khi tàu cập cảng, bến

a) Thủ tục vào và rời cảng, bến thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về đường thủy nội địa;

b) Thủ tục vào và rời cảng biển thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hải.

3. Sau khi kiểm tra các giấy tờ theo quy định, Cảng vụ hoặc Ban Quản lý bến kiểm tra thực tế tàu. Nếu bảo đảm các điều kiện an toàn, Cảng vụ hoặc Ban Quản lý bến cấp Giấy phép vào cảng bến cho tàu. Trường hợp không bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định, lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật.”

4. Sửa đổi Điều 16 như sau:

Điều 16. Xử lý tai nạn trong vùng nước cảng, bến, đường thủy nội địa

Tổ chức, cá nhân liên quan xử lý tai nạn trong vùng nước cảng, bến, đường thủy nội địa theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014, Quyết định số 51/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa và quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.”

5. Sửa đổi Điều 17 như sau:

“Điều 17. Xử lý tai nạn trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải

Tổ chức, cá nhân liên quan xử lý tai nạn trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải theo Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển, Thông tư số 34/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:

“Điều 18. Đình chỉ hoạt động tạm thời đối với tàu

Sở Giao thông vận tải, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực, Cảng vụ liên quan thực hiện đình chỉ hoạt động khi phát hiện tàu khách cao tốc gặp sự cố, tai nạn có ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật của tàu và chỉ cho phép hoạt động lại khi có ý kiến của tổ chức đăng kiểm liên quan về việc tàu đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để tiếp tục hoạt động.”

Điều 2.

1. Thay cụm từ “trong trường hợp tàu xuất phát từ cảng, bến thuộc khu vực trách nhiệm do Sở Giao thông vận tải quản lý” bằng cụm từ “trừ trường hợp tàu xuất phát từ cảng, bến thuộc khu vực trách nhiệm do Cảng vụ Hàng hải quản lý” tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 11 Thông tư số 66/2014/TT-BGTVT ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới.

2. Thay từ “hành khách” bằng từ “người” tại điểm a khoản 1 Điều 11 và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BGTVT ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới.

3. Bãi bỏ Điều 6, Điều 9 và cụm từ “theo hợp đồng chuyến” tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 66/2014/TT-BGTVT ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2016.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Quang Nghĩa