Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 01 năm 2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

__________________________

Căn cứ Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (sau đây gọi tắt là Nghị định số 152/2006/NĐ-CP) và Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau đây gọi tắt là Nghị định số 190/2007/NĐ-CP), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số khoản của Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 01 năm 2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH) đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 9 năm 2008 như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản vào Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Mục II chế độ thai sản phần B như sau:

“2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 5 tháng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP áp dụng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả lao động làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ có thời gian làm việc từ đủ 6 tháng trở lên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con”.

2. Sửa đổi khoản 6 Mục II chế độ thai sản phần B như sau:

“6. Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội trong tháng đó nhưng vẫn được tính là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội.”

3. Bổ sung vào cuối khoản 4 Mục III chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phần B như sau:

“Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa”.

4. Bổ sung khoản 12 vào Mục IV chế độ hưu trí phần B như sau:

“12. Tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

a) Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ví dụ 1: Ông A, có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, sau đó có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí của ông A là 10 năm + 15 năm = 25 năm.”

b) Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng BHXH (Mbqtl,tn)

=

Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện

+

Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc

x

Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số tháng đóng BHXH tự nguyện

+

Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó:

Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP và các khoản 4, 5, 6 mục IV Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

b1) Khi tính mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, thì tiền lương, tiền công đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt quy định tại Điều 32 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP và Điều 18 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP.

b2) Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội nêu trên được dùng làm căn cứ tính mức lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp tuất một lần.

Ví dụ 2: Ông A (ở ví dụ 1) có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng là 138.000.000 đồng và có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.200.000 đồng/tháng. Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông A là:

Mbqtl,tn

=

{138.000.000đ + (2.200.000 đ/tháng x 15 năm x 12 tháng)}

{(10 năm x 12 tháng) + (15 năm x 12 tháng)}

= 1.780.000 đồng/tháng.

Ví dụ 3: Ông B đủ điều kiện hưởng lương hưu từ tháng 01/2013, có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội như sau:

- Từ tháng 01/1993 đến tháng 12/2007 (15 năm) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đó bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Từ tháng 01/2008 đến tháng 12/2008 (1 năm) đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng là 8.200.000 đồng, sau đó bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện;

- Từ tháng 01/2009 đến tháng 12/2009 (1 năm) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011 (2 năm) đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng là 25.100.000 đồng, sau đó tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện;

- Từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2012 (1 năm) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, ông B có 17 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 3.000.000 đồng/tháng.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 3 năm, tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng là:

8.200.000 đồng + 25.100.000 đồng = 33.300.000 đồng.

Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng góp bảo hiểm xã hội của ông B được tính như sau:

Mbqtl,tn

=

{33.300.000đ + (3.000.000 đ/tháng x 17 năm x 12 tháng)}

{(1 năm + 2 năm) x 12 tháng + (15 năm + 1 năm + 1 năm) x 12 tháng)}

= 2.688.750 đồng/tháng.

c) Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tích số của tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng với mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản này.

d) Người có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, nếu mức lương hưu hằng tháng sau khi tính theo quy định tại điểm c khoản này mà thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung.

đ) Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản này.

e) Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản này cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng thì mức hưởng bằng 0,75 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; đóng bảo hiểm xã hội từ trên 6 tháng đến đủ 1 năm thì mức hưởng bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.”

5. Sửa đổi khoản 4 Mục V chế độ tử tuất Phần B như sau:

“4. Thân nhân của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 36 nếu bị suy giảm khả năng lao động thì việc giám định mức suy giảm khả năng lao động xét hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP do tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu. Thời hạn giới thiệu giám định mức suy giảm khả năng lao động trong vòng 4 tháng kể từ khi người lao động bị chết.

Trường hợp khi người lao động chết mà con đang trong độ tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng, thì thời hạn giới thiệu giám định mức suy giảm khả năng lao động trong vòng 4 tháng trước và 4 tháng sau thời điểm dừng hưởng trợ cấp theo quy định. Khi có kết luận suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng tiếp trợ cấp kể từ tháng dừng hưởng trợ cấp.”

6. Bổ sung khoản 6 vào Mục V chế độ tử tuất Phần B như sau:

“6. Trợ cấp tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

a) Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ tử tuất là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

b) Người đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 36 và Điều 37 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP.

c) Người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm hoặc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên mà khi chết không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần, mức trợ cấp tuất một lần được tính như sau:

Mức trợ cấp tuất một lần = N x 1,5 x Mbqtl,tn

Trong đó:

- N: số năm đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc).

- Mbqtl,tn : mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 6a mục IV phần B Thông tư này.

Mức trợ cấp tuất một lần thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

d) Người đang hưởng lương hưu mà có dưới 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên nhưng không có thân nhân thuộc diện hưởng tiền tuất hằng tháng thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần, cách tính như quy định tại khoản 2 mục V phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH; mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng trước khi chết.”

7. Bổ sung vào cuối điểm b khoản 5 phần D như sau:

“Thời điểm hưởng lương hưu của đối tượng này tính từ tháng liền kề sau tháng đủ thời gian 20 năm đóng và nộp đủ hồ sơ.

Ví dụ 4: Ông C đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí vào tháng 4/2009, tính đến tháng 4/2009 ông mới có 19 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp ông C được đóng tiếp cho 5 tháng còn thiếu. Tháng 5/2009 ông C đóng một lần cho 5 tháng còn thiếu và nộp đủ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Vậy thời điểm hưởng lương hưu của ông C được tính từ tháng 9/2009.

Ví dụ 5: Trường hợp ông C (ở ví dụ 4), tháng 11/2009 ông C mới đóng đủ tiền cho 5 tháng còn thiếu và nộp đủ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Vậy thời điểm hưởng lương hưu của ông C được tính từ tháng 12/2009.”

8. Bổ sung vào cuối điểm c khoản 5 phần D như sau:

“Thời điểm hưởng tuất hàng tháng của các đối tượng này tính từ tháng liền kề sau tháng người lao động chết”.

9. Bổ sung các khoản 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 và khoản 20 vào Phần D như sau:

“13. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 01/01/2007 thì việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản ban hành trước ngày 01/01/2007.

14. Người đang hưởng trợ cấp bệnh binh, sau đó có thời gian tham gia công tác và đóng bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ bệnh binh còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian công tác tính hưởng chế độ bệnh binh không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

15. Bản sao giấy tờ định cư ở nước ngoài đối với người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp ra nước ngoài để định cư quy định tại khoản 4 Điều 120 Luật Bảo hiểm xã hội là Bản thị thực nhập cảnh được lưu trú dài hạn hoặc Thẻ thường trú hoặc Giấy xác nhận lưu trú dài hạn do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp; các giấy tờ này được dịch và công chứng.

16. Giấy ra viện hoặc phiếu hội chẩn của bệnh viện đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, quy định tại khoản 2 Điều 112 Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó có ghi rõ tên bệnh mà người lao động phải điều trị. Việc thanh toán chế độ ốm đau, được thực hiện theo hồ sơ của từng đợt người lao động nghỉ việc để điều trị (nội trú hoặc ngoại trú).

17. Thời gian là cán bộ xã được tính hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động được coi là thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định để làm cơ sở tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

18. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân.

19. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không được tính hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

20. Người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tạm dừng do mất tích, sau đó tòa án tuyên bố là đã chết thì thời gian từ khi dừng hưởng đến khi tòa án tuyên bố là đã chết không được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng”.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6, 7, 8 và các điểm 13, 14, 15, 17, 18, 19, 20 của khoản 9 Điều 1 Thông tư này áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

Quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.

3. Trong quá trình thực hiện, mọi vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Minh Huân