Sign In

             Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, thành phố Cần Thơ.

Thực hiên Quyết định 74/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010 (sau đây gọi là Quyết định 74/TTg), trước hết các địa phương phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định trong Quyết định 74/TTg. Ngoài ra, cần thực hiện tốt một số công việc cụ thể sau:

I. Các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án thực hiện Quyết định 74/TTg tại địa phương

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là tỉnh) chỉ đạo việc khảo sát, bình xét, xác định nhu cầu, xây dựng và phê duyệt Đề án của tỉnh mình.

- Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ( sau đây gọi chung là huyện) xây dựng các dự án, kế hoạch chi tiết thực hiện những nhiệm vụ của Đề án và tổ chức triển khai thực hiện. Uỷ ban nhân dân tỉnh phân cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ban, ngành và Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức thực hiện.

- Từng tỉnh phải xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm và cả giai đoạn 2008-2010 trên cơ sở kế hoạch vốn của Trung ương phân bổ, nguồn vốn của địa phương, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác (theo mẫu biểu 1,2,3,4).

Đề án của các địa phương gửi về Uỷ ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội trước ngày 30/11/2008 để tổng hợp chung.

II. Một số hướng dẫn cụ thể khi triển khai thực hiện Quyết định 74/TTg

1. Đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 74/TTg phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

- Hộ dân tộc thiểu số nghèo theo chuẩn nghèo hiện hành của Chính phủ (kể cả hộ chỉ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) thường trú tại địa phương từ 1 năm trở lên, do Uỷ ban nhân dân xã quản lý tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2007.

- Hộ có lao động trong độ tuổi lao động cần vốn để học nghề, chuyển đổi ngành nghề, đi xuất khẩu lao động, cần vốn để sản xuất, kinh doanh thêm ngành nghề, dịch vụ khác.

2. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc bình xét hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở, chưa có đất sản xuất hoặc chưa đủ đất sản xuất, chưa có việc làm ổn định. Việc bình xét phải được tiến hành từ cơ sở xóm, ấp, phun, sóc (hoặc tương đương), công khai, dân chủ, công bằng, có sự tham gia của các tổ chức chính trị -  xã hội; lập biên bản kèm theo danh sách hộ dân tộc thiểu số nghèo từng xã. Danh sách nêu rõ nhu cầu thụ hưởng chính sách của từng hộ, Uỷ ban nhân dân xã rà soát, xem xét, trình Uỷ ban nhân dân huyện xem xét, phê duyệt.

3. Phạm vi áp dụng: hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, thành phố Cần Thơ.

4. Nội dung hỗ trợ

4.1. Về đất ở:

a) Căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể xem xét, quyết định mức đất ở sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán ở địa phương và giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

b) Trường hợp chính quyền các cấp đứng ra tạo quỹ đất, Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp tiền trực tiếp cho đơn vị được giao tạo quỹ đất và cấp đất trực tiếp cho các hộ. Phần chênh lệch chi phí tạo quỹ đất cao hơn so với định mức quy định tại Quyết định 74/TTg do ngân sách địa phương cân đối.

c) Trường hợp hộ dân tự tìm được quỹ đất ở thì Uỷ ban nhân dân xã thay các hộ thanh toán tiền cho người chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

4.2. Về đất sản xuất:

Định mức sản xuất cho mỗi hộ căn cứ theo mức bình quân chung của địa phương và tuỳ thuộc vào khả năng quỹ đất hiện còn tại địa phương, nhưng tối thiểu là 0,25 ha đất ruộng lúa nước 1 vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước 2 vụ hoặc 0,5 ha đất đồi, gò hoặc đất nuôi trồng thuỷ sản.

a) Đối với hộ không có đất sản xuất thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng/ hộ và được vay tín dụng với mức không quá 10 triệu đồng/ hộ theo hình thức vay tín chấp trong thời gian 5 năm với lãi suất bằng 0%.

b) Đối với hộ thiếu một phần đất sản xuất theo định mức quy định tại Quyết định 74/TTg thì mức hỗ trợ ngân sách Trung ương và mức vay Ngân hàng Chính sách xã hội tương ứng với tỷ lệ đất còn thiếu nhưng hộ đó phải có được quỹ đất còn thiếu và được Uỷ ban nhân dân xã xác nhận.

c) Tạo quỹ đất:

* Trường hợp chính quyền các cấp đứng ra tạo quỹ đất sản xuất để cấp cho hộ dân:

- Đối với vốn ngân sách nhà nước (vốn Trung ương và vốn địa phương), Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp cho đơn vị được giao tạo quỹ đất sản xuất. Phần chênh lệch chi phí tạo quỹ đất cao hơn so với định mức quy định tại Quyết định 74/TTg do ngân sách địa phương cân đối.

- Đối với vốn vay: sau khi hộ đã nhận đất thì làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để ngân hàng chuyển trả cho đơn vị tạo quỹ đất.

* Trường hợp hộ tự tìm được quỹ đất sản xuất và được Uỷ ban nhân dân xã xác nhận:

- Đối với vốn ngân sách nhà nước (vốn Trung ương và vốn địa phương), thì Uỷ ban nhân dân xã thay các hộ thanh toán tiền cho người chuyển nhượng quyến sử dụng đất.

- Đối với vốn vay: sau khi hộ đã nhận đất nếu còn thiếu tiền thanh toán cho người chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để ngân hàng chuyển trả cho người chuyển nhượng quyến sử dụng đất.

4.3. Đối với những hộ, lao động chuyển đổi ngành nghề:

Đối với những hộ không có đất sản xuất nhưng địa phương không còn quỹ đất để cấp và hộ dân không tự tìm được quỹ đất hoặc hộ đó không có nhu cầu đất sản xuất thì được hỗ trợ học nghề và được vay vốn để chuyển đổi ngành nghề, đi xuất khẩu lao động, sản xuất và kinh doanh thêm ngành nghề, dịch vụ khác, cụ thể như sau:

a) Nếu hộ có lao động và có nhu cầu học nghề, đào tạo nghề để chuyển đổi ngành nghề hoặc đi xuất khẩu lao động, thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí học nghề (đào tạo nghề) cho mỗi lao động tối đa là 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ tuỳ thuộc vào từng ngành nghề và thời gian học nghề thực tế. Ngoài mức hỗ trợ trên, từng địa phương tuỳ thuộc theo khả năng ngân sách của mình mà quyết định mức hỗ trợ thêm cho đồng bào.

Việc hỗ trợ đào tạo nghề được thực hiện trực tiếp bằng tiền cho từng đối tượng được hưởng thông qua việc ký kết hợp đồng giữa người đại diện cho người được hưởng lợi (chính quyền, đoàn thể cấp xã) và cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo nghề theo định mức quy định tại Quyết định 74/TTg.

Những hộ, lao động chuyển đổi ngành nghề ngoài việc được hưởng chính sách nêu trên còn được hưởng các chính sách ưu đãi liên quan về dạy nghề theo quy định hiện hành.

Trường hợp lao động đã được hỗ trợ vốn để đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhưng sau khi được đào tạo, không tham gia lao động sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ vay vốn tìm việc làm, hỗ trợ ổn dịnh cuộc sống được quy định tại Quyết định 74/TTg.

b) Đối với những hộ có lao động sau khi đã được học nghề, đào tạo nghề mà cần vốn để chuyển đổi nghề thì được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa không quá 10 triệu đồng/ hộ với lãi suất bằng 0% trong thời gian 3 năm kể từ ngày được vay vốn.

c) Nếu hộ có lao động đi xuất khẩu, ngoài mức hỗ trợ để học nghề nêu trên, trước khi đi còn được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 20 triệu đồng cho 1 người đi xuất khẩu lao động với lãi suất bằng 0%. Mức vay, thời gian vay cụ thể căn cứ vào khả năng và yêu cầu thực tế của từng đối tượng. Ngoài ra, nếu hộ cần thêm vốn để chi phí cho việc đi xuất khẩu lao động thì được vay thêm từ Ngân hành Chính sách xã hội theo chính sách vay vốn đi lao động xuất khẩu hiện hành.

d) Đối với những hộ có lao động nhưng không có nhu cầu học nghề mà có nhu cầu vay vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng hoặc cần vốn để sản xuất kinh doanh hoặc làm thêm các ngành nghề khác. Từng hộ xây dựng phương án chuyển đổi nghề nêu rõ mục đích, nội dung, nhu cầu vốn cho việc chuyển đổi nghề, được Uỷ ban nhân dân xã xác nhận thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/ hộ và được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 10 triệu đồng/hộ với lãi suất bằng 0% trong thời gian 3 năm kể từ ngày vay.

đ) Đối với đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách được quy định tại Quyết định 74/TTg mà có nhu cầu được vay thêm vốn để sản xuất, chuyển đổi nghề, kinh doanh thêm ngành nghề, dịch vụ khác thì vẫn được vay thêm vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội theo các chính sách cho vay hiện hành. Tuỳ vào đối tượng, nhu cầu và điều kiện cụ thể của từng hộ, Ngân hàng Chính sách xã hội có thể quyết định cho vay theo các quy định hiện hành.

5. Quy trình và thủ tục cho vay: thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay và có thể uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cho vay vốn và thu hồi nợ.

6. Lập kế hoạch

- Quy trình xây dựng, tổng hợp, giao kế hoạch hàng năm của địa phương tiến hành đồng thời với quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng hợp kế hoạch nhu cầu vốn thực hiện Quyết định 74/TTg (bao gồm vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn lồng ghép, vốn huy động và vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội) gửi Uỷ ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (cùng thời gian lập dự toán ngân sách hàng năm).

7. Việc lập dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí thực hiện theo quy định của luật ngân sách nhà nước và các văn bản hiện hành.

8. Tổ chức thực hiện

Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh:

a) Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm và toàn diện trong việc chỉ đạo hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, chú trọng việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề, nhất là đối với các các đối tượng đã được đào tạo nghề. Công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng được thụ hưởng chính sách. Lập và phê duyệt Đề án thực hiện Quyết định 74/TTg của Thủ tướng Chính phủ của địa phương mình.

b) Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo việc thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng; không để xẩy ra thất thoát, tiêu cực.

c) Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho cơ quan thường trực Quyết định 134/TTg làm cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, thực hiện Quyết định 74/TTg.

d) Định kỳ 6 tháng và hàng năm (trước 20/6, 15/8 và trước 20/12) Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện gửi Uỷ ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Căn cứ Quyết định 74/TTg và văn bản này, Uỷ ban nhân dân các tỉnh xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương để thực hiện có hiệu quả Chính sách. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Uỷ ban Dân tộc để xem xét, giải quyết.

Uỷ ban Dân tộc

Phó Chủ nhiệm

(Đã ký)

 

Hà Hùng