Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước

bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế

_____________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 26/2008/NĐ-CP ngày 05/03/2008 của Chính phủ Về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (gọi tắt là công tác điều ước quốc tế) và công tác ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế theo quy định của Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế năm 2007 (gọi tắt là công tác thoả thuận quốc tế).

2. Kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế thuộc nhiệm vụ của cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm và được bố trí trong dự toán chi hoạt động thường xuyên của các cơ quan thực hiện công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế, cụ thể:

a) Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế gồm:

- Kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế do các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện;

- Kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế được Nhà nước, Chính phủ phân công cho các cơ quan thuộc địa phương thực hiện;

b) Ngân sách cấp tỉnh bảo đảm kinh phí cho công tác thoả thuận quốc tế của cơ quan cấp tỉnh nhằm thực hiện hợp tác quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cấp tỉnh.

3. Trường hợp công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế được tài trợ từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức khác và cá nhân ở nước ngoài thì việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn tài trợ đó được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/04/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các văn bản hướng dẫn liên quan.

4. Trường hợp thoả thuận quốc tế của cơ quan trung ương của tổ chức nhằm thực hiện hợp tác quốc tế khác không thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2, khoản 3 nêu trên thì kinh phí cho ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế đó được bảo đảm từ nguồn tài chính của cơ quan trung ương của tổ chức đó.

5. Cơ quan được phân công chủ trì thực hiện công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế có trách nhiệm sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, nội dung, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và những quy định tại Thông tư này. 

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi:

a) Nội dung chi thực hiện công tác điều ước quốc tế:

Thực hiện theo các nội dung chi đã quy định tại Điều 4 Chương II Nghị định số 26/2008/NĐ-CP ngày 05/03/2008 của Chính phủ Về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế.

b) Nội dung chi thực hiện công tác thoả thuận quốc tế:

Thực hiện theo các nội dung chi đã quy định tại Điều 5 Chương II Nghị định số 26/2008/NĐ-CP ngày 05/03/2008 của Chính phủ Về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế.

2. Mức chi:

a) Các nội dung chi về tổ chức hội nghị trong nước, công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước; công tác phí cho cán bộ đi công tác ở nước ngoài; chi đón các đoàn nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; chi làm đêm, làm thêm giờ thực hiện theo các chế độ quy định hiện hành;

b) Các khoản chi: Chi phí sao lục, in ấn tài liệu; chi mua, thu thập tài liệu; chi mua văn phòng phẩm phục vụ trực tiếp cho soạn thảo điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế; chi công bố điều ước quốc tế trên niên giám điều ước quốc tế; chi phổ biến điều ước quốc tế, chi công tác rà soát, thống kê điều ước quốc tế; chi xây dựng dữ liệu điều ước quốc tế, thực hiện theo chứng từ chi thực tế hoặc theo hợp đồng của đơn vị cung ứng, đối với trường hợp thu thập tài liệu phải có chứng từ hợp lệ (bảng kê khai ký nhận tiền của người cung cấp tài liệu), các nội dung chi nêu trên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện.

Việc in ấn, mua sắm văn phòng phẩm nếu thuộc diện phải đấu thầu thì thực hiện việc đấu thầu theo quy định hiện hành.

c) Đối với các khoản chi đóng góp tài chính theo điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế thì mức đóng góp tài chính được thực hiện như sau:

- Mức đóng góp tài chính theo điều ước quốc tế (bao gồm đóng góp tài chính, niên liễm cho tổ chức quốc tế được thành lập theo điều ước quốc tế, viện trợ cho chính phủ nước ngoài, hoặc đóng góp tài chính khác theo điều ước quốc tế) được thực hiện căn cứ vào quy định của điều ước quốc tế, tổ chức quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; trong trường hợp có sự thay đổi tăng mức đóng góp tài chính so với quy định của điều ước quốc tế thì cơ quan chủ trì thực hiện điều ước quốc tế lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định làm căn cứ đóng góp;

- Mức đóng góp tài chính theo thoả thuận quốc tế (bao gồm đóng góp tài chính, niên liễm cho tổ chức quốc tế được thành lập theo thoả thuận quốc tế, hoặc đóng góp tài chính khác theo thoả thuận quốc tế) được thực hiện căn cứ vào quy định của thoả thuận quốc tế có liên quan đang có hiệu lực; trong trường hợp có sự thay đổi mức đóng góp tài chính thì cơ quan chủ trì thực hiện thoả thuận quốc tế lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và trình cơ quan đã quyết định việc ký kết thoả thuận quốc tế đó phê duyệt mức đóng góp tài chính theo thoả thuận quốc tế;  

d) Ngoài các quy định trên, Thông tư này quy định một số chế độ, mức chi có tính chất đặc thù phục vụ công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế, cụ thể như sau:

- Chi dịch thuật:

+ Dịch viết: Mức chi từ 50.000 đồng/trang – 70.000 đồng/trang (khoảng 300 từ);

+ Dịch nói:

Dịch nói thông thường: Không quá 80.000 đồng/giờ/người, tương đương không quá 640.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng;

Dịch đuổi: Không quá 200.000 đồng/giờ/người, tương đương 1.600.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng;

Định mức chi dịch thuật nêu trên chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết phải thuê phiên dịch; không áp dụng cho phiên dịch là cán bộ của các cơ quan, đơn vị được cử tham gia dịch phục vụ công tác điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế.

- Chi bồi dưỡng soạn thảo điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế (sản phẩm cuối cùng):

+ Mức chi từ: 1.500.000 đồng – 2.500.000 đồng/dự thảo điều ước quốc tế;

+ Mức chi từ: 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng/dự thảo thoả thuận quốc tế;

- Chi cho các cá nhân tham gia cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo điều ước quốc tế và dự thảo thoả thuận quốc tế; hội thảo về kế hoạch đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt gia nhập điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế:

+ Người chủ trì cuộc họp: 150.000 đ/người/buổi

+ Các thành viên tham dự: 70.000 đ/người/buổi

- Chi bồi dưỡng cho công tác thẩm định; thẩm tra điều ước quốc tế:

Mức chi tối đa không quá: 400.000 đồng/ báo cáo thẩm định, thẩm tra.

- Chi bồi dưỡng cho các thành viên trực tiếp tham gia trong những ngày đàm phán, họp với phía đối tác về điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế được tổ chức ở trong nước: 70.000 đ/người/buổi.

đ) Các khoản chi phí khác phát sinh phục vụ trực tiếp công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế: Thanh toán theo hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế hợp pháp theo quy định của Luật Kế toán và nằm trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao của cơ quan chủ trì thực hiện điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế.

Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa, căn cứ vào khả năng ngân sách và tính chất phức tạp của mỗi dự thảo điều ước quốc tế và dự thảo thoả thuận quốc tế, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế quyết định mức chi cụ thể nhưng không được vượt mức chi quy định hoặc khung mức chi tối đa quy định tại Thông tư này.

3. Lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế:

Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm cho phù hợp với đặc thù của công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế, cụ thể như sau:

a) Lập dự toán và phân bổ kinh phí:

- Lập dự toán:

+ Đối với các Bộ, cơ quan trung ương: Hàng năm, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế căn cứ vào nội dung chi và mức chi quy định tại Thông tư này và các văn bản liên quan khác lập dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế gửi cơ quan chủ quản cấp trên. Cơ quan chủ quản tổng hợp dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế của cơ quan, đơn vị trực thuộc gửi Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội để tổng hợp, theo dõi; đồng thời tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi Bộ Tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn.

+ Đối với địa phương:

Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ thực hiện công tác thoả thuận quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cấp tỉnh, cơ quan cấp tỉnh lập dự toán kinh phí bảo đảm từ ngân sách địa phương tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan gửi Sở Tài chính tỉnh tổng hợp chung vào dự toán chi của địa phương báo cáo UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn.

Riêng đối với nhiệm vụ thực hiện công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế được Nhà nước, Chính phủ phân công thực hiện (do ngân sách trung ương bảo đảm), cơ quan cấp tỉnh lập dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế gửi Sở Tài chính tỉnh tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của địa phương (phần dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương) để gửi  Bộ Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn; đồng gửi Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội để theo dõi, tổng hợp.

- Phân bổ dự toán, chấp hành dự toán ngân sách:

+ Sau khi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính thực hiện giao dự toán cho các Bộ, ngành, các cơ quan trung ương trong kinh phí chi thường xuyên hàng năm và thực hiện cấp kinh phí cho các địa phương theo hình thức bổ sung có mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế theo kế hoạch đã được phê duyệt;

+ Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện giao kinh phí cho các cơ quan đơn vị trực thuộc thực hiện công tác điều ước quốc tế và công tác thoả thuận quốc tế thực hiện (sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan tài chính cùng cấp) theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn, đồng gửi cơ quan tài chính và kho bạc nhà nước nơi  đơn vị mở tài khoản giao dịch để phối hợp thực hiện;

- Trường hợp cần tiến hành gấp các hoạt động ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế, hoặc ký kết, thực hiện thoả thuận quốc tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà hoạt động đó chưa có trong kế hoạch công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế, thì cơ quan được phân công chủ trì thực hiện công tác điều ước quốc tế, công tác thoả thuận quốc tế lập dự toán chi tiết gửi cơ quan tài chính để xem xét trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để ứng trước dự toán chi ngân sách của năm sau.

b) Sử dụng và quyết toán kinh phí:

- Kinh phí cho công tác điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế được sử dụng và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và văn bản hướng dẫn. 

- Việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế phải bảo đảm đủ chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành.

- Kinh phí thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế được hạch toán vào phần kinh phí không thực hiện tự chủ và theo chương, loại, khoản, mục của mục lục ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Sỹ Danh