Sign In

THÔNG TƯ

Quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ

thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô

_________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô trong phạm vi cả nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống thông tin: là tập hợp các thiết bị phần cứng, phần mềm và đường truyền dùng để thu nhận, quản lý, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

2. Đơn vị kinh doanh vận tải: là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có phương tiện thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

3. Đơn vị cung cấp dịch vụ: là đơn vị tổ chức thực hiện việc cung cấp dịch vụ quản lý, khai thác, tổng hợp, phân tích và lưu trữ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô theo hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải.

Chương II

CUNG CẤP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG DỮ LIỆU TỪ THIẾT BỊ

GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH CỦA XE Ô TÔ

Điều 4. Quy định về cung cấp dữ liệu

1. Yêu cầu về cung cấp dữ liệu: dữ liệu cung cấp được chia thành hai loại, bao gồm các thông tin nhận dạng mặc định và các thông tin cập nhật liên tục về hoạt động của xe và lái xe:

a) Các thông tin nhận dạng mặc định bao gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải; tên Sở Giao thông vận tải (nơi trực tiếp quản lý đơn vị kinh doanh vận tải); biển kiểm soát xe; trọng tải xe (số hành khách hoặc tấn tải trọng cho phép); loại hình kinh doanh; họ tên lái xe; số giấy phép lái xe. Các thông tin mặc định này phải được gắn kết với các thông tin cập nhật liên tục về hoạt động của từng xe và lái xe.

b) Các thông tin cập nhật liên tục về hoạt động của xe và lái xe bao gồm: thông tin về hành trình của xe; tốc độ vận hành của xe; số lần và thời gian xe dừng đỗ; số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày.

2. Thông tin, dữ liệu cung cấp phải đảm bảo đầy đủ theo cấu trúc quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

3. Nội dung các thông tin, dữ liệu cập nhật liên tục về hoạt động của xe và lái xe tại điểm b khoản 1 Điều này phải được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam với tần suất 01 (một) phút/bản tin.

4. Thông tin, dữ liệu cung cấp phải bảo đảm kịp thời, chính xác, không được sửa chữa hoặc làm sai lệch trước và trong khi truyền.

Điều 5. Quy định sử dụng dữ liệu

1. Nguyên tắc khai thác, sử dụng dữ liệu:

a) Việc khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thực hiện theo quy định của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

b) Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện được khai thác, sử dụng để phục vụ cho công tác quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải và công tác điều tra tai nạn giao thông của các cơ quan có thẩm quyền;

c) Thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên môi trường mạng được bảo mật theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin.

2. Mục đích sử dụng dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước:

a) Phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải trong phạm vi địa phương và trên toàn quốc;

b) Theo dõi, chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương và của các Sở Giao thông vận tải;

c) Phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu;

d) Phục vụ công tác xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục, đào tạo đội ngũ lái xe;

đ) Phục vụ công tác đánh giá, xếp hạng các đơn vị kinh doanh vận tải và các Sở Giao thông vận tải trong việc chấp hành các quy định về quản lý vận tải trong phạm vi toàn quốc.

3. Mục đích sử dụng dữ liệu tại đơn vị kinh doanh vận tải:

a) Phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị;

b) Quản lý và cảnh báo lái xe khi vi phạm; theo dõi, chấn chỉnh hoạt động của lái xe;

c) Phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo đội ngũ lái xe tại đơn vị;

d) Phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lái xe tại đơn vị;

đ) Cung cấp các thông tin phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Điều 6. Các hình thức khai thác dữ liệu

1. Khai thác trực tiếp

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tại Trang thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định về cấp độ bảo mật và phân quyền sử dụng.

2. Khai thác gián tiếp

Tùy theo mức độ bảo mật, mức phân quyền sử dụng và mục đích sử dụng, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình sẽ được Tổng cục Đường bộ Việt Nam/Sở Giao thông vận tải cung cấp cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân khi có đề nghị bằng văn bản.

Chương III

PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA

CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 7. Phân cấp quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý hệ thống thông tin thống nhất trong phạm vi cả nước, tổng hợp dữ liệu đầu vào được truyền về từ đơn vị kinh doanh vận tải hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ để phân tích theo các chỉ tiêu: tổng số lần và hành vi vi phạm của từng xe theo ngày, tháng, năm; tổng số lần vi phạm của xe theo từng hành vi vi phạm; tổng số lần vi phạm/1.000 km của từng xe. Các dữ liệu phân tích trên được tổng hợp theo từng đơn vị kinh doanh vận tải và từng Sở Giao thông vận tải; tổng hợp tình hình vi phạm theo từng tuyến đường và theo các thời điểm khác nhau.

2. Sở Giao thông vận tải thực hiện việc khai thác, quản lý thông tin về biển kiểm soát xe, trọng tải xe (số lượng hành khách hoặc tấn trọng tải cho phép), tên đơn vị kinh doanh vận tải và các thông tin vi phạm về hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày của từng đơn vị kinh doanh vận tải thuộc Sở trực tiếp quản lý thông qua tài khoản đăng nhập và mật khẩu được cung cấp để truy cập vào hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

3. Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện quản lý các dữ liệu về biển kiểm soát xe, trọng tải xe (số lượng hành khách hoặc tấn trọng tải cho phép), tên lái xe, số giấy phép lái xe và các thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày đối với toàn bộ phương tiện thuộc đơn vị quản lý.

Điều 8. Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam

1. Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, quản lý, nâng cấp, bảo trì trang thiết bị phần cứng, phần mềm và đường truyền dữ liệu của hệ thống thông tin, khai thác, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

2. Xây dựng phần mềm để tiếp nhận, tổng hợp, phân tích dữ liệu được truyền từ các đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp dịch vụ theo mẫu quy định tại các Phụ lục từ 2 đến 11 của Thông tư này.

3. Hướng dẫn cụ thể đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp dịch vụ về phương thức và quy trình thực hiện việc truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

4. Khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam phục vụ quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải:

a) Quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải trên phạm vi toàn quốc;

b) Theo dõi, chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải của các Sở Giao thông vận tải;

c) Phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu;

d) Phục vụ công tác xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ lái xe;

đ) Phục vụ công tác đánh giá, xếp hạng các đơn vị kinh doanh vận tải và các Sở Giao thông vận tải trong việc chấp hành các quy định về quản lý vận tải trên phạm vi toàn quốc.

5. Hướng dẫn sử dụng, cập nhật, khai thác và quản lý hệ thống thông tin từ thiết bị giám sát hành trình cho cán bộ các Sở Giao thông vận tải; cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

6. Bố trí cán bộ theo dõi, vận hành hệ thống thông tin, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục trong quá trình khai thác, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

7. Lưu trữ trên hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về dữ liệu tổng hợp lỗi vi phạm của các xe tối thiểu là 3 (ba) năm; bảo mật, đảm bảo an toàn dữ liệu cho hệ thống thông tin.

8. Yêu cầu các Sở Giao thông vận tải xử lý vi phạm của lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; theo dõi, đôn đốc Sở Giao thông vận tải báo cáo kết quả xử lý.

9. Xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với các Sở Giao thông vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải và các cá nhân, tổ chức liên quan theo quy định.

10. Định kỳ hàng tháng, cung cấp dữ liệu đã phân tích, tổng hợp trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải về tình hình vi phạm và kết quả xử lý của các cơ quan, đơn vị trong phạm vi trong toàn quốc.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của đơn vị kinh doanh vận tải tại địa phương trên hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác quản lý vận tải:

a) Phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải;

b) Theo dõi, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải;

c) Phục vụ công tác xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ lái xe;

d) Phục vụ công tác đánh giá, xếp hạng đơn vị kinh doanh vận tải tại địa phương trong việc chấp hành các quy định về quản lý vận tải;

đ) Phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

2. Kiểm tra, cập nhật, đảm bảo tính chính xác của các dữ liệu do các đơn vị kinh doanh vận tải truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, bao gồm: tên Sở Giao thông vận tải; tên đơn vị kinh doanh vận tải; biển kiểm soát xe; trọng tải xe (số lượng hành khách hoặc tấn trọng tải cho phép); loại hình kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải và số lượng phương tiện vận tải thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn địa phương.

3. Bố trí cán bộ theo dõi, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện thuộc đơn vị kinh doanh vận tải do Sở quản lý.

4. Bảo mật tên đăng nhập và mật khẩu truy cập hệ thống thông tin, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

5. Yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải thuộc địa phương quản lý tiến hành xử lý các hành vi vi phạm của lái xe; theo dõi, đôn đốc các đơn vị báo cáo kết quả xử lý.

6. Xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn theo quy định.

7. Xử lý trách nhiệm quản lý, theo dõi, khai thác, sử dụng dữ liệu của các cá nhân, tổ chức liên quan theo quy định.

8. Báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về tình hình vi phạm và kết quả xử lý vi phạm của địa phương và đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn.

Điều 10. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải

1. Đầu tư, bảo trì thiết bị phần cứng, phần mềm và đường truyền dữ liệu đặt tại đơn vị (nếu có) đảm bảo tương thích với phần mềm tiếp nhận dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; bố trí cán bộ theo dõi, khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải của đơn vị.

2. Truyền dẫn chính xác, đầy đủ và liên tục các dữ liệu theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện thuộc đơn vị quản lý trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải.

3. Bảo đảm tính khách quan, chính xác, kịp thời trong việc cung cấp dữ liệu, không được sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

4. Theo dõi, kiểm tra tính chính xác các thông tin về biển kiểm soát xe, trọng tải xe (số ghế hoặc tấn), loại hình kinh doanh, họ tên lái xe, số giấy phép lái xe thuộc đơn vị quản lý.

5. Lưu trữ có hệ thống các thông tin bắt buộc trong thời hạn tối thiểu 01 (một) năm.

6. Bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo mật cho hệ thống thông tin từ thiết bị giám sát hành trình tại đơn vị.

7. Xử lý trách nhiệm quản lý, theo dõi, khai thác, sử dụng dữ liệu đối với các cá nhân, bộ phận liên quan theo quy định; xử lý kịp thời lái xe vi phạm theo nội quy, quy chế của đơn vị.

8. Báo cáo định kỳ hàng tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải về kết quả xử lý vi phạm tại đơn vị; cập nhật kết quả xử lý vi phạm vào phần mềm quản lý hoạt động vận tải theo quy định.

9. Đơn vị kinh doanh vận tải có thể trực tiếp thực hiện các quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này hoặc ủy thác cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua hợp đồng có hiệu lực pháp lý.

Điều 11. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ

1. Đầu tư, bảo trì trang thiết bị, phần mềm cung cấp và truyền dữ liệu theo hợp đồng đã ký với các đơn vị kinh doanh vận tải để đảm bảo tương thích với phần mềm tiếp nhận dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

2. Bảo đảm tính khách quan, chính xác, kịp thời trong việc cung cấp dữ liệu, không được sửa chữa hoặc làm sai lệch các thông tin, dữ liệu truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu của các đơn vị kinh doanh vận tải do mình cung cấp.

3. Cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, dữ liệu cung cấp và truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Chương IV

HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2013.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện Thông tư này tới Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị kinh doanh vận tải trên phạm vi cả nước.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng