THÔNG BÁO
Ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn về các biện pháp chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu và sản xuất, kinh doanh phân bón,thuốc bảo vệ thực vật giả
___________________
Ngày 16 tháng 9 năm 2008 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp cùng các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công an, Tài chính và Văn phòng Chính phủ, bàn các biện pháp chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu và sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả diễn ra trong thời gian qua. Sau khi nghe ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Vừa qua, trước tình trạng xuất hiện hàng loạt vụ việc gian lận về số lượng, chất lượng sản phẩm trong hệ thống phân phối bán lẻ xăng dầu, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng diễn biến gia tăng, các lực lượng thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, công an đã kịp thời phát hiện, công bố và xử phạt các trường hợp vi phạm. Tuy vậy các hành vi vi phạm nêu trên cần được nghiêm trị mạnh mẽ hơn vì chúng gây bất an cho sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng xã hội, gây tổn thất cho người sử dụng, đặc biệt là nông dân.
2. Để khắc phục tình trạng trên, yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện một số công việc sau:
a) Về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu:
- Bộ Công thương làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tiếp tục thực hiện khẩn trương hơn công tác quy hoạch hệ thống phân phối, đại lý, cơ sở bán lẻ và các cơ sở dịch vụ kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước, trước hết là các khu vực kinh tế trọng điểm; tạo lập cơ chế hoạt động để hệ thống này có khả năng tự kiểm soát được chất lượng và số lượng sản phẩm từ khâu nhập khẩu, chế biến, phân phối, đại lý đến khâu bán lẻ cho người tiêu dùng.
- Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Thương mại, Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tư pháp nghiên cứu, hướng dẫn việc xử phạt các hành vi gian lận về chất lượng, số lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng không chỉ xử phạt tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mà còn phải tính đến quy mô, tính chất của hành vi vi phạm có thể đã diễn ra trong một thời gian dài trước đó. Đồng thời, áp dụng các hình thức tạm đình chỉ kinh doanh, đình chỉ kinh doanh đến 12 tháng và đình chỉ kinh doanh không thời hạn trên 12 tháng đối với các hành vi gian lận nêu trên; trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình Chính phủ điều chỉnh các quy định liên quan của luật pháp hiện hành về xử lý vi phạm hành chính.
- Trước mắt, trên cơ sở danh sách các trạm, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi gian lận thương mại (sử dụng IC được cài đặt sẵn hoặc lập bảng vi mạch điện tử gây sai số lượng xăng dầu bán ra quá mức cho phép) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công thương rút giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở này; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì phải lập hồ sơ chuyển cơ quan pháp luật xử lý.
b) Về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón:
- Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát lại quy hoạch các cơ sở sản xuất và các điều kiện sản xuất phân bón, vật tư nông nghiệp để điều chỉnh, nâng cấp các chỉ tiêu, yêu cầu công nghệ, điều kiện bảo đảm sản xuất nhằm loại bỏ các công nghệ sản xuất lạc hậu trong quá trình xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; thực hiện công tác quy hoạch hệ thống phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ phân bón và vật tư nông nghiệp; tạo lập cơ chế hoạt động để bảo đảm hệ thống có khả năng tự kiểm soát chống hàng giả, hàng kém chất lượng thâm nhập vào hệ thống.
- Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra chất lượng, xuất xứ, nhãn mác phân bón, vật tư nông nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu; phối hợp chặt chẽ với ngành hải quan trong công tác kiểm định, thông quan hàng hóa, bảo đảm kiểm soát, ngăn chặn được hàng nhập khẩu kém chất lượng, hàng có xuất xứ, nhãn mác không rõ ràng; hướng dẫn và kiểm soát việc các doanh nghiệp sản xuất tự công bố và tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương tăng cường năng lực cơ sở phân tích chất lượng phân bón; phổ cập, hướng dẫn việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp kỹ thuật canh tác từng loại cây trồng và thổ nhưỡng, bảo vệ được đất đai và môi trường sinh thái; đồng thời phối hợp với Sở Công thương tuyên truyền phổ cập cho nông dân biết các địa chỉ bán lẻ vật tư nông nghiệp đáng tin cậy trong hệ thống phân phối của ngành Nông nghiệp và ngành Công thương, cũng như những tác hại của việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa giả, có xuất xứ nhãn mác không rõ ràng.
3. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chuyên ngành trên địa bàn theo dõi, kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối xăng dầu, phân bón và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2008.
4. Các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, phản ánh kịp thời pháp luật của nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành liên quan, cũng như kết quả về công tác chống gian lận thương mại, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng của các lực lượng chuyên ngành, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.