• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/03/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 18/04/2003
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 299/1998/QĐ-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 1998

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Về việc ban hành Quy tắc, Biểu phí, mức trách nhiệm

bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;

Căn cứ Bộ Luật dân sự ngày 28/10/1995;

Căn cứ Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 74/CP ngày 14/6/1997 sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ Nghị định số 115/1997/NĐ-CP ngày 17/12/1997 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức Tài chính,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc, Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 504/TCBH ngày 20/11/1991 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Quy tắc và Biểu phí bảo hiểm xe cơ giới và Quyết định số 715/TC/BH ngày 19/10/1993 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc điều chỉnh mức trách nhiệm và phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thi hành Quyết định này./.

 

QUY TẮC BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI

(Ban hành theo Quyết định số 299/1998/QĐ-BTC
ngày 16 tháng 3 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới kể cả chủ xe là người nước ngoài sử dụng xe cơ giới trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

2. Phạm vi bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong Quy tắc này bao gồm:

Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xe cơ giới gây ra đối với người thứ ba;

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách.

Điều 2. Trong Quy tắc này các khái niệm dưới đây được hiểu như sau:

1. Người thứ ba: là những người bị thiệt hại về thân thể và tài sản do xe cơ giới gây ra loại trừ người trên xe, lái phụ xe và hành khách trên chính chiếc xe đó.

2. Hành khách: là những hành khách trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ.

3. Mức trách nhiệm bảo hiểm: là số tiền cao nhất mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

4. Hành động cố ý gây thiệt hại: là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Điều 3. Hợp đồng bảo hiểm:

Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp cấp theo yêu cầu của người được bảo hiểm là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 4. Phí bảo hiểm và mức trách nhiệm bảo hiểm:

Doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm theo Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tối thiểu ban hành kèm theo Quyết định số 299/1998/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp bảo hiểm có thể thoả thuận với chủ xe để bảo hiểm theo biểu phí và mức trách nhiệm cao hơn hoặc phạm vi rủi ro bảo hiểm rộng hơn theo Quy tắc bảo hiểm, Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính.

Điều 5. Hiệu lực bảo hiểm:

Hiệu lực bảo hiểm bắt đầu và kết thúc theo quy định ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khi chủ xe cơ giới đã đóng đủ phí bảo hiểm (trừ khi có thoả thuận hợp lệ khác).

Điều 6. Chuyển quyền sở hữu:

Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe mà chủ xe cơ giới không có yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến chiếc xe được bảo hiểm vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.

Điều 7. Huỷ bỏ hợp đồng:

Trường hợp có yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm biết trước 15 ngày. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo huỷ bỏ, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không có ý kiến thì hợp đồng bảo hiểm mặc nhiên được huỷ bỏ, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho chủ xe 80% phí bảo hiểm của thời gian huỷ bỏ, trừ trường hợp trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực đã xảy ra sự kiện bảo hiểm liên quan đến chiếc xe có yêu cầu huỷ bỏ bảo hiểm.

Điều 8. Trách nhiệm của chủ xe cơ giới:

1. Khi yêu cầu bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải kê khai đầy đủ và trung thực những nội dung trong Giấy yêu cầu bảo hiểm.

2. Khi tai nạn giao thông xảy ra, chủ xe cơ giới phải có trách nhiệm:

2.1. Cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn, báo ngay cho cảnh sát giao thông nơi gần nhất để phối hợp giải quyết tai nạn. Trừ khi có lý do chính đáng, trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn, chủ xe cơ giới phải gửi cho doanh nghiệp bảo hiểm thông báo tai nạn;

2.2. Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp làm như vậy là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

2.3. Bảo lưu quyền khiếu nại và chuyển quyền đòi bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm trong phạm vi số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường kèm theo toàn bộ chứng từ cần thiết có liên quan trong trường hợp vụ tai nạn có liên quan tới trách nhiệm của người thứ ba.

3. Chủ xe cơ giới phải trung thực trong việc thu thập và cung cấp các tài liệu, chứng từ trong hồ sơ yêu cầu bồi thường và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh tính chân thực của các tài liệu, chứng từ đó.

4. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng xe, chủ xe cơ giới mới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm biết để điều chỉnh lại tỷ lệ phí bảo hiểm cho phù hợp.

Nếu chủ xe cơ giới không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định trên thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi thường tương ứng với thiệt hại do lỗi của chủ xe cơ giới gây ra.

Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm:

Cung cấp cho chủ xe cơ giới Quy tắc, Biểu phí và mức trách nhiệm liên quan tới bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới;

Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để chủ xe cơ giới tham gia bảo hiểm.

2. Đối với những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng (tai nạn gây chết người hoặc bị thương nhiều người hoặc thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới và các cơ quan chức năng ngay từ đầu để giải quyết tai nạn. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục một cách tốt nhất hậu quả tai nạn.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an để thu thập các giấy tờ cần thiết có liên quan tới vụ tai nạn thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

4. Khi hồ sơ bồi thường đầy đủ và hợp lệ, doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành xét và giải quyết bồi thường trong thời hạn giải quyết bồi thường quy định tại Điều 16 dưới đây.

Điều 10. Bảo hiểm trùng:

Trường hợp bảo hiểm trùng cho cùng một xe cơ giới, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm biết tên những doanh nghiệp bảo hiểm khác và số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng đó, trừ khi hợp đồng bảo hiểm có quy định khác.

Trường hợp bảo hiểm trùng, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm sẽ căn cứ theo tỷ lệ tương ứng với số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp đã nhận bảo hiểm và tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm ban hành kèm theo Quy tắc này.

 

CHƯƠNG II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 11. Trách nhiệm bảo hiểm:

Trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới phải bồi thường theo Luật Dân sự về những thiệt hại đã xảy ra cho người thứ ba và hành khách chuyên chở trên xe theo hợp đồng vận chuyển do việc sử dụng xe cơ giới gây ra cụ thể:

1. Đối với con người: Được tính trên cơ sở các quy định tại hợp đồng vận chuyển - nếu có (đối với hành khách chuyên chở trên xe theo hợp đồng vận chuyển), chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, bồi dưỡng, chăm sóc người bị hại trước khi chết, mai táng phí hợp lý... và mức độ lỗi của chủ xe. Tổng số tiền bồi thường không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm về người quy định tại Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 299/1998/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

2. Đối với tài sản: được tính theo thiệt hại thực tế và mức độ lỗi của chủ xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm về tài sản quy định tại Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 299/1998/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

3. Chi phí cần thiết và hợp lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất liên quan tới vụ tai nạn mà chủ xe cơ giới đã chi ra;

Tổng các khoản chi nêu trên không vượt quá tổng mức trách nhiệm ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Điều 12. Giám định tổn thất:

Mọi tổn thất về tài sản thuộc trách nhiệm bảo hiểm sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành giám định thiệt hại (trừ khi có thoả thuận khác) với sự chứng kiến của chủ xe cơ giới, người thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên có liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do tai nạn gây ra.

Trường hợp chủ xe cơ giới không thống nhất về mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên sẽ thoả thuận chọn giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp thực hiện việc giám định. Kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp được coi là quyết định cuối cùng. Trường hợp kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp khác với kết luận của giám định viên bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu chi phí giám định. Trường hợp kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp trùng với kết luận của giám định viên bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải chịu chi phí giám định.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không thể thực hiện được việc lập biên bản giám định, thì có thể căn cứ vào các biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các hiện vật thu được (ảnh chụp, lời khai của các bên có liên quan...) để xác định mức độ thiệt hại.

Điều 13. Loại trừ bảo hiểm:

Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra trong các trường hợp sau:

1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, hoặc của người bị thiệt hại;

2. Xe không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường.

3. Lái xe không có bằng hợp lệ (đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe); lái xe có nồng độ cồn, rượu, bia vượt quá quy định của pháp luật hiện hành, khi có kết luận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

4. Xe chở chất cháy, chất nổ trái phép (không có Giấy phép vận chuyển hoặc vận chuyển trái với các quy định trong Giấy phép vận chuyển).

5. Xe sử dụng để tập lái, đua thể thao, đua xe trái phép, chạy thử sau khi sửa chữa (trừ khi có thoả thuận khác);

6. Xe đi vào đường cấm, khu vực cấm; xe đi đêm không có đủ đèn chiếu sáng theo quy định;

7. Chiến tranh và các nguyên nhân tương tự như chiến tranh;

8. Tai nạn xảy ra ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trừ khi có thoả thuận khác);

9. Thiệt hại có tính chất gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại;

10. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn;

11. Xe chở quá trọng tải hoặc quá số lượng hành khách quy định.

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm cũng không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm:

Vàng bạc, đá quý;

Tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền;

Đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm;

Thi hài, hài cốt.

Điều 14. Hồ sơ bồi thường:

Hồ sơ bồi thường bao gồm các giấy tờ sau:

1. Thông báo tai nạn; Giấy yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới;

2. Bản sao các giấy tờ sau:

2.1. Giấy chứng nhận bảo hiểm;

2.2. Giấy phép lái xe (đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có

giấy phép lái xe);

2.3. Giấy chứng nhận đăng ký xe;

2.4. Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường;

2.5. Giấy phép đăng ký kinh doanh vận chuyển hành khách trong trường hợp yêu cầu bồi thường hành khách bị thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ;

3. Bản kết luận điều tra tai nan của công an hoặc bản sao bộ Hồ sơ tai nạn (có xác nhận của công an nơi thụ lý tai nạn) bao gồm:

3.1. Sơ đồ hiện trường tai nạn giao thông;

3.2. Biên bản khám nghiệm hiện trường;

3.3. Biên bản khám nghiệm xe liên quan tới tai nạn giao thông;

3.4. Biên bản giải quyết tai nạn giao thông;

4. Quyết định của Toà án (nếu có);

5. Các giấy tờ liên quan tới trách nhiệm của người thứ ba (nếu có);

6. Biên bản giám định thiệt hại (nếu có);

Điều 15. Thủ tục yêu cầu bồi thường:

Khi yêu cầu bồi thường, chủ xe cơ giới có trách nhiệm chuyển cho doanh nghiệp bảo hiểm hồ sơ bồi thường theo quy định tại Điều 14 và các giấy tờ sau:

1. Đối với thiệt hại về người:

1.1. Trường hợp bị thương: Các giấy tờ của cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận tình trạng thương tật của nạn nhân do tai nạn giao thông gây ra như giấy chứng thương của nạn nhân, Giấy ra viện, Phiếu mổ và các giấy tờ liên quan đến các chi phí chăm sóc, cứu chữa...

1.2. Trường hợp chết: Giấy chứng tử của nạn nhân;

2. Đối với thiệt hại về tài sản: Các bằng chứng chứng minh thiệt hại như hoá đơn sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn;

3. Các giấy tờ chứng minh các chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

 

CHƯƠNG III

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Điều 16. Thời hạn yêu cầu, thanh toán và khiếu nại bồi thường:

1. Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới: sáu (6) tháng kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

2. Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm: mười lăm (15) ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường đầy đủ và hợp lệ và không kéo dài quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.

Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo cho chủ xe cơ giới biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn nói trên.

3. Thời hạn khiếu nại bồi thường của chủ xe cơ giới: ba (3) tháng kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường. Quá thời hạn trên mọi khiếu nại không còn giá trị.

4. Trường hợp người thứ ba hay hành khách theo hợp đồng vận chuyển bị thiệt hại về người và tài sản do xe cơ giới đã tham gia bảo hiểm gây ra khiếu nại trực tiếp đòi doanh nghiệp bảo hiểm đó bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm liên hệ với chủ xe cơ giới để giải quyết bồi thường thoả đáng theo đúng các quy định tại Quy tắc này.

Điều 17. Giải quyết tranh chấp:

Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, nếu không giải quyết được bằng thương lượng giữa các bên liên quan sẽ được đưa ra Toà án tại Việt Nam giải quyết./.

 

BIỂU PHÍ VÀ MỨC TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI
(
Ban hành theo Quyết định số 299/1998/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

1. Mức trách nhiệm bảo hiểm:

1.1. Về người: 12 triệu đồng/người (đối với người thứ ba và hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách)

1.2. Về tài sản: 30 triệu đồng/vụ (đối với người thứ ba).

2. Phí bảo hiểm (đối với người thứ ba và hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách)

Số TT

Loại xe

Phí năm (đồng)

1

Mô tô 02 bánh:

 

 

- Từ 50CC trở xuống

37.000

 

- Trên 50 CC

44.000

2

Xe lam, mô tô ba bánh, xích lô máy, xe lôi

113.000

3

Xe chở người

 

 

- Từ 05 chỗ ngồi trở xuống

160.000

 

- Từ 06 đến 15 chỗ ngồi

380.000

 

- Từ 16 đến 24 chỗ ngồi

620.000

 

- Trên 24 chỗ ngồi

900.000

4

Xe tải

 

 

- Dưới 03 tấn

240.000

 

- Từ 03 đến 08 tấn

370.000

 

- Trên 08 tấn

510.000

5

Xe vừa chở người vừa chở hàng

320.000

6

Đầu kéo các loại

Tính theo sức kéo quy định theo trọng tải như xe tải mục 4

7

Rơ moóc

30% phí của xe tải mục 4

8

Xe có thiết bị đặc biệt chuyên dùng như thiết bị nâng, bốc hàng, làm vệ sinh, trộn Peton.... xe chở xăng, dầu....

Tính bằng 120% so với xe cùng trọng tải

3. Quy định khác:

3.1. Đối với xe có giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách liên tỉnh thì phí cộng thêm 30% so với mức phí quy định; đối với xe buýt nội tỉnh cộng thêm 15% so với mức phí quy định.

3.2. Đối với xe tắc xi thì phí cộng thêm 30% so với mức phí quy định.

3.3. Các chủ xe có từ 50 xe trở lên được bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm thì được giảm 15% tổng số phí phải nộp.

3.4. Phí bảo hiểm ngắn hạn: Dưới 3 tháng: 30% phí năm

Từ 3 dến 6 tháng: 60% phí năm

Trên 6 tháng đến 9 tháng: 90% phí năm Trên 9 tháng: 100% phí năm./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Thị Băng Tâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.