Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về việc phê duyệt Đề án Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao 

 sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006 - 2010

___________________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

KHOÁ VII, KỲ HỌP LẦN THỨ 7

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 03 tháng 12 năm 2004;      

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá - thông tin và thể dục - thể thao, dạy nghề;

Căn cứ Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg, ngày 05/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg, ngày 15/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cấp các bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực;

Sau khi xem xét Tờ trình số 28/TTr-UBND, ngày 19 tháng 6 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án "Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và thống nhất, 

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân"  trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010; (kèm theo đề án).

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh sớm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này  được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII, kỳ họp lần thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2006 có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua và được đăng Công báo tỉnh./.

 

 

 

CHỦ TỊCH

Đã ký

Phan Đức Hưởng

 

 

ĐỀ ÁN

BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE

NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

(Ban hành kèm theo nghị quyết số 39/2006/NQ-HĐND, ngày 13/7/2006

kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa VII)

____________________

 

Phần I

THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC CHĂM SÓC

SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRONG NHỮNG NĂM QUA

A. KHÁI QUÁT:

Vĩnh Long là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 1.475,19 km2. Dân số 1.047.965 người, trong đó nữ chiếm 51,50%. Mật độ dân số 704 người/ km2, phân bổ chủ yếu ở nông thôn 85,22%, thành thị 14,77%.

Toàn tỉnh  có 230.379 hộ gia đình, trong đó có 29.661 hộ nghèo, chiếm 12,87%; số phụ nữ độ tuổi 15 - 49 là 163.440 người (14,60%); số trẻ em dưới 01 tuổi trên 15.300; số trẻ em dưới 05 tuổi trên 93.352 trẻ.

Trong những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng về nâng cao sức khỏe, giảm thiểu tác hại của bệnh tật, đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho mỗi gia đình, sức lao động cho xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.       

Vấn đề lớn luôn được đặt ra là làm thế nào để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân, phòng bệnh được tốt hơn, điều trị hiệu quả hơn, củng cố được niềm tin của người dân đối với y tế tỉnh nhà và hạn chế tối đa việc chuyển bệnh lên tuyến trên, giảm chi phí điều trị cho dân, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh cấp tính và tai biến trong điều trị.

B. THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG TRONG NHỮNG NĂM QUA:

1. Tổ chức mạng lưới khám chữa bệnh:

1.1. Tuyến tỉnh:

Có 2 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 600 giường và Bệnh viện Đa khoa khu vực kết hợp Quân - dân y có quy mô 30 giường; Phòng Quản lý sức khỏe cán bộ.

1.2. Tuyến huyện, thị:

Toàn tỉnh có 06 bệnh viện đa khoa huyện và 01 bệnh viện y học dân tộc với tổng số 500 giường.

1.3. Tuyến xã, phường:

Toàn tỉnh có 05 phòng khám đa khoa khu vực với 50 giường bệnh và 102 trạm y tế xã, phường, thị trấn với 510 giường lưu.

2. Mạng lưới y tế dự phòng:

Tuyến tỉnh có 04 trung tâm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Phục hồi chức năng.

Tuyến huyện, thị: có 07 trung tâm Y tế dự phòng.

3. Mạng lưới sản xuất và cung ứng thuốc:

Tỉnh có 01 Công ty Cổ phần dược phẩm, có nhiệm vụ sản xuất và cung ứng thuốc phục vụ toàn tỉnh. Tại 07 huyện, thị đều có Trung tâm Dược phẩm trực thuộc công ty. Ở 107 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đều có đại lý thuốc cung cấp thuốc thiết yếu.

4. Mạng lưới y học cổ truyền dân tộc:

Cả tỉnh có 07 huyện, thị Hội và 103/107 Hội Đông y xã, phường.

Hội Châm cứu triển khai hoạt động từ tỉnh đến 07 huyện, thị.

5. Các cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý Nhà nước về y tế:

Tuyến tỉnh: Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc (Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm).

Tuyến huyện: Các phòng y tế.

6. Mạng lưới y tế ngoài công lập:

Hiện toàn tỉnh có 3 phòng khám đa khoa, 266 phòng khám bệnh ngoài giờ, 55 nhà thuốc, 363 đại lý thuốc tư nhân ở huyện, 284 phòng chẩn trị và cơ sở mua bán, sản xuất  thuốc cổ truyền dân tộc.

7. Đội ngũ cán bộ  y tế toàn tỉnh:

Tổng số cán bộ y tế toàn tỉnh: 2.101 người, bình quân có 22,85 cán bộ y tế/10.000 dân. Trong đó có 397 bác sĩ, (bình quân 3,61 bác sĩ /10.000 dân), 60 dược sĩ đại học (bình quân 0,6 dược sĩ/10.000 dân), trong đó có 02 bác sĩ chuyên khoa II, 06 bác sĩ- thạc sĩ, 72 bác sĩ chuyên khoa I, 06 dược sĩ chuyên khoa I, được phân bổ như sau:

- Cán bộ y tế xã phường 547 người, chiếm tỷ lệ 26,03% (bình quân 5 cán bộ y tế/xã, phường). Trong đó 81 trạm y tế có bác sĩ phục vụ, tỷ lệ 75,7%.

- Cán bộ y tế tuyến huyện, thị: 637, chiếm tỷ lệ 30,32 %. 

- Cán bộ y tế tuyến tỉnh: 917, chiếm tỷ lệ 43,64%.

8. Cơ sở vật chất và trang thiết bị:

8.1. Tuyến tỉnh

Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển về cơ sở mới, hoạt động cuối năm 2002. Về trang thiết bị, hiện tại chưa đáp ứng theo nhu cầu phục vụ trong tình hình mới.

Bệnh viện Đa khoa khu vực kết hợp Quân dân y được xây dựng và đưa vào sử dụng giữa năm 2003 tại xã Tân Thành, huyện Bình Minh, phục vụ nhân dân tại các xã vùng sâu của huyện Bình Minh và vùng lân cận của tỉnh Đồng Tháp.

8.2. Tuyến  huyện, thị:

Có 6 bệnh viện đa khoa và 01 bệnh viện y học dân tộc, trong đó 3/7 bệnh viện (Tam Bình, Mang Thít và Long Hồ) được đầu tư xây dựng kiên cố. Bệnh viện huyện Vũng Liêm xây dựng năm 1979 với 50 giường, Bệnh viện Tam Bình xây dựng năm 1996 với 50 giường. Do nhu cầu khám, chữa bệnh, Bệnh viện Vũng Liêm nâng lên 80 giường và Bệnh viện Tam Bình  nâng lên 130 giường.

Riêng 3 Bệnh viện Bình Minh, Trà Ôn và thị xã Vĩnh Long sử dụng cơ sở cũ đã xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu. Hiện nay, có chủ trương xây dựng mới.

8.3. Tuyến xã, phường:

Từ năm 1990 - 1996 xây dựng được 49 trạm y tế, 4 phòng khám đa khoa khu vực loại nhà cấp 4. Từ năm 1997 -  2003 xây dựng 54 trạm y tế (50 trạm loại nhà cấp 4 và 4 trạm nhà cấp 3).

Về trang thiết bị, các trạm y tế phần lớn được trang bị những dụng cụ y tế thông thường; đến năm 2006 từ nguồn kinh phí khám chữa bệnh trẻ em dưới 6 tuổi, đã trang bị cho một số trạm y tế 50 bộ khám ngũ quan, kính hiển vi để xét nghiệm cơ bản, 4 máy siêu âm và 11 máy điện tim.

9. Hoạt động chuyên môn:

9.1. Khám chữa bệnh:

Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn (nhất là vùng sâu, vùng xa) luôn được chú trọng phát triển và củng cố; mạng lưới khám, chữa bệnh từ tỉnh đến xã, phường hoạt động có nhiều tiến bộ; chất lượng khám chữa bệnh ngày được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân trên các địa bàn (nhất là vùng sâu, vùng xa).

Trạm y tế cơ sở đã đảm bảo chế độ thường trực để phục vụ cấp cứu, đỡ đẻ, khám chữa bệnh và cung cấp thuốc thiết yếu. Y tế khóm ấp từng bước được hình thành giúp người dân biết phòng bệnh và góp phần phát hiện bệnh kịp thời.

Ngoài ra, hệ thống y tế ngoài công lập được hình thành rộng khắp từ tuyến tỉnh đến xã phường, góp phần đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, giảm tải y tế nhà nước.

9.2. Công tác y tế dự phòng:

Liên tục trong những năm qua, 10 mục tiêu chương trình y tế quốc gia và 06 chương trình lồng ghép được triển khai đầy đủ từ tỉnh đến cơ sở; khống chế được dịch bệnh nguy hiểm và đẩy lùi một số bệnh trên địa bàn: Thương hàn, dịch tả,... không để xảy ra dịch bệnh nào lớn. Tất cả các mục tiêu phòng bệnh đều đạt và vượt kế hoạch từ 90% trở lên.

9.3. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe:

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về kiến thức phổ thông phòng, chữa bệnh cho mọi người.

9.4. Hoạt động hệ thống cung cấp thuốc thiết yếu:

Với hệ thống cung ứng thuốc hiện nay, đảm bảo cung ứng thuốc thiết yếu trong tỉnh theo danh mục quy định.

9.5. Hoạt động bảo hiểm y tế:

Đối tượng đăng ký tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng; tính đến nay có 377.205 người tham gia y tế tự nguyện, chiếm 36,22 % dân số tỉnh, bảo hiểm y tế bắt buộc có 146.308 người.

10. Kinh phí cho hoạt động y tế:

Theo quy định chung, hiện tại kinh phí cấp cho mỗi giường bệnh: 26.000.000đ/giường/năm đối với tuyến tỉnh; 17.000.000đ/giường/năm đối với tuyến huyện, thị và 1.800.000đ/giường/năm đối với phòng khám đa khoa liên xã; trạm y tế xã tối thiểu 10 triệu đồng/trạm/năm. Kinh phí cho các hoạt động khác ngoài định mức trên hạn chế.

11. Chế độ chính sách cho cán bộ y tế:

Cán bộ y tế được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách, các khoản phụ cấp khác theo quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức đi học hoặc tăng cường về công tác ở tuyến cơ sở trên địa bàn tỉnh.

C. MỘT SỐ MẶT HẠN CHẾ:

Về kinh phí đầu tư cho toàn ngành y tế còn thấp.

Chính sách khuyến khích cán bộ y tế về cơ sở công tác chưa được thỏa đáng, nên không thu hút được lực lượng phục vụ ở tuyến này.

Hiệu quả khám, chữa bệnh chưa cao, đội ngũ cán bộ y tế tuy được tăng cường về số lượng nhưng chưa bảo đảm về cơ cấu, phân công chưa hợp lý và đồng bộ.

Trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của cán bộ y tế nói chung còn nhiều hạn chế, nhất là tuyến cơ sở. Các bệnh viện còn thiếu cán bộ chuyên khoa sâu và sau đại học.

 Việc đào tạo nâng cao trình độ cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, nhất là khâu đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ chuyên sâu và sau đại học. Mặt khác, một số cán bộ y tế chưa thật sự làm tốt công tác tham mưu cho các cấp uỷ Đảng và Chính quyền, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại địa phương; một số cán bộ y tế tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt gây phiền hà cho người dân và tạo dư luận không tốt đối với ngành y tế.

Việc thực hiện Nghị định số 171/2004/NĐ-CP và Nghị định số 172/2004/NĐ-CP, ngày 29/9/2004 của Chính phủ còn nhiều bất cập nhất là tuyến huyện, thị xã nên phần nào hạn chế sức mạnh từ sự phối hợp trong ngành y tế.

 

Phần II

NHIỆM VỤ BẢO VỆ CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE

NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010.

 

I. MỤC TIÊU CHUNG:

Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị, xác định rõ nhiệm vụ của các ban ngành và địa phương, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

II. CÁC MỤC TIÊU CỤ THỂ:

Các chỉ tiêu sức khỏe, phấn đấu đạt được vào cuối năm 2010 là:

          * Tuổi thọ trung bình 72 tuổi.

          * Tỷ suất chết mẹ giảm xuống còn 70/100.000 trẻ đẻ sống.

          * Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi, hạ xuống dưới 15%o trên trẻ đẻ sống.  

          * Tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi, hạ xuống dưới 25%o.  

          * Tỷ lệ trẻ mới đẻ có trọng lượng dưới 2500gr giảm xuống dưới 6%.  

          * Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống còn 15%.  

          * Tỷ lệ bác sĩ: 06 bác sĩ/10.000 dân.

          * Tỷ lệ dược sĩ đại học: 01dược sĩ/10.000 dân.

Giảm tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Không để dịch lớn xảy ra. Khống chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết do các bệnh tả, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch, viêm gan và viêm não, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Hạn chế tốc độ gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS.

Phòng chống và quản lý các bệnh không nhiễm trùng như bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn và thương tích, đái tháo đường, bệnh nghề nghiệp, tâm thần, ngộ độc, tự tử và các bệnh do lối sống không lành mạnh mang lại (nghiện ma túy, nghiện rượu, béo phì...), an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nâng cao tính công bằng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ khám, chữa bệnh ở vùng nông thôn (đặc biệt là nông thôn sâu) cũng như thành thị.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến y tế trong các lĩnh vực phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa ngành y tế Vĩnh Long phát triển kịp trình độ các tỉnh dẫn đầu trong khu vực.

III. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ:

1. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm:

Tổ chức quán triệt phổ biến sâu rộng Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Tỉnh uỷ, các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp chính quyền, đặc biệt là cơ sở. Xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Nhận thức sâu sắc quan điểm, sức khỏe là vốn quý nhất của con người, mỗi gia đình và toàn xã hội, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đa dạng hóa các loại hình truyền thông để người dân tự giác và tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe như phong trào vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, phòng chống dịch bệnh, phòng chống các tệ nạn xã hội, hạn chế những lối sống và thói quen có hại cho sức khỏe. Xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - sức khỏe.

Nghề y là một nghề đặc biệt cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Mỗi cán bộ nhân viên y tế, không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội.

2. Hoàn thiện mạng lưới y tế ở địa phương theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển:

2.1. Xây dựng và phát triển hệ thống y tế:

2.1.1. Hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị: 

* Tuyến tỉnh:

Bệnh viện đa khoa tỉnh, đảm bảo bố trí đủ các khoa phòng đạt  tiêu chuẩn bệnh viện hạng II. Tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đáp ứng phục vụ nhu cầu chuyên khoa sâu trong giai đoạn mới. Hướng tới tổ chức lại hoạt động của bệnh viện một cách khoa học, hiện đại tương xứng với một Trung tâm khoa học kỹ thuật y tế của tỉnh.

Bệnh viện Quân dân y kết hợp: được nâng cấp lên 50 giường.

Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh: xây dựng với qui mô 150 giường.

Bệnh viện Chuyên khoa lao và bệnh phổi: xây dựng với qui mô 100 giường.

Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần: xây dựng với qui mô 100 giường.

Thành lập mới Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.

Xây dựng, nâng chất Trường Trung học Y tế trở thành Trường Cao đẳng Y tế.

Xây dựng cơ sở làm việc cho 05 trung tâm trực thuộc ngành y tế.

*  Tuyến huyện, thị:

Xây dựng mới 03 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Trà Ôn 100 giường, Bệnh viện huyện Bình Minh 100 giường, Bệnh viện thị xã Vĩnh Long 200 giường).

Xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Ngang 50 giường.

Cải tạo, mở rộng 2 Bệnh viện: Vũng Liêm lên 100 giường, Tam Bình lên 200 giường.

Xây dựng 2 phòng khám đa khoa khu vực: Xã Phú Quới - Long Hồ 30 giường (phục vụ khu công nghiệp) và xã Hòa Bình - huyện Trà Ôn 20 giường.

Cải tạo mở rộng 05 phòng khám đa khoa khu vực hiện có.

Đầu tư mới trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa tuyến huyện thị, ưu tiên máy móc thiết bị cho khoa cận lâm sàng, phòng mổ, cấp cứu ... đồng bộ.

Trang bị cho mỗi phòng khám đa khoa khu vực bộ xét nghiệm và bộ dụng cụ khám bệnh đầy đủ các chuyên khoa.

* Tuyến xã, phường:

Xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp và trang bị cho tất cả trạm y tế để phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế xã vào năm 2010.

2.1.2. Về nhân lực:  

Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp với khả năng chuyên môn và chuyên khoa. Tổ chức đào tạo lại cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Chú trọng đào tạo cán bộ sau đại học, bồi dưỡng kỹ năng thực hành.

Phấn đấu 100% trạm y tế xã, phường, phòng khám đa khoa khu vực luôn có bác sĩ hoạt động và đảm bảo 4 chức danh.

2.1.3. Hoạt động chuyên môn:

Đưa hoạt động của các cơ sở y tế đáp ứng những nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe ở địa bàn, tiến tới xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tại ấp khóm và tại gia đình.

Tăng cường các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em đi đôi với sức khỏe sinh sản. Chú trọng ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến và vùng có đồng bào dân tộc.

Giải quyết tốt các hậu quả do các tệ nạn xã hội mang lại: cai nghiện ma túy, khám và điều trị các bệnh lây qua đường sinh dục, HIV/AIDS.

Khuyến khích các hoạt động y tế từ thiện góp phần hỗ trợ cho người nghèo, vùng có hoàn cảnh khó khăn, thiên tai... .

2.2. Phát triển và hoàn thiện mạng lưới y tế dự phòng:

Phát triển mạng lưới y tế dự phòng toàn diện, hợp lý, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong lĩnh vực phòng bệnh; bảo đảm cho các cơ sở y tế dự phòng đủ điều kiện và năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn trong tình hình mới.

Củng cố phát triển các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh, xây dựng phòng xét nghiệm đạt chuẩn.

Đến năm 2010, xây dựng 07 trung tâm y tế dự phòng huyện, thị có đầy đủ các khoa dịch tễ, khoa phòng chống HIV/AIDS, khoa phòng chống các bệnh xã hội, khoa an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tập trung thực hiện tốt các công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS, củng cố và phát triển y tế học đường, phát triển hệ thống kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đảm bảo tổ chức có hiệu quả chương trình y tế quốc gia có mục tiêu, thanh toán một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm.

Phát huy vai trò và tính hiệu quả của chương trình kết hợp quân - dân y trong bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2.3. Củng cố hoàn thiện mạng lưới và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh:

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân là thể hiện đạo đức, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của cán bộ và nhân viên y tế.

Nội dung nêu trên cần được quán triệt đối với các bệnh viện tỉnh, huyện, thị xã, các phòng khám đa khoa khu vực và các cơ sở khám chữa bệnh khác, cũng như các bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng mạch ngoài công lập.

Củng cố và xây dựng mạng lưới khám, chữa bệnh với phân cấp quản lý đối với 06 bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện y học dân tộc thị xã cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong tình hình mới. Chuẩn hóa các phương tiện và kỹ thuật thường quy; sử dụng có hiệu quả và khai thác hết công suất các thiết bị y tế trong chẩn đoán và điều trị.

Đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động phục hồi chức năng, phòng ngừa các di chứng, củng cố và ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, bệnh viện kết hợp quân dân y, phòng khám đa khoa khu vực liên xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe có nhu cầu với chất lượng cao.

Tạo điều kiện giúp đỡ các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành, nhằm góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Song song với việc củng cố, chấn chỉnh, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, cần ưu tiên đầu tư phát triển y tế kỹ thuật cao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện có tầm cỡ trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Đặc biệt quan tâm khám, chữa bệnh cho người nghèo, người cao tuổi, đồng bào dân tộc để góp phần bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Thực hiện đạt chỉ tiêu 22,49 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2010 với việc sử dụng đạt công suất cao, chất lượng cao. Phấn đấu không để tình trạng một giường bệnh nằm 2 người.

Tiến tới xây dựng Bệnh viện Đa khoa thị xã, nhằm góp phần chia sẻ gánh nặng của Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Củng cố và sắp xếp lại mạng lưới khám, chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở; phân tuyến lại chuyên môn kỹ thuật và có quy định chuyển tuyến chặt chẽ. Từng bước chuẩn hóa các phương tiện và kỹ thuật thường quy, sử dụng có hiệu quả và khai thác tốt công suất trang thiết bị.

Thống nhất quản lý Nhà nước toàn diện của ngành kể cả y tế Nhà nước, y tế tư nhân, y tế từ thiện, y tế dân lập,... trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong đó y tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

2.4. Phát triển mạng lưới y tế cơ sở:

Tiếp tục chuẩn hóa các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

Duy trì hoạt động 4 chức danh y tế xã và phát triển thêm một số loại hình chăm sóc sức khỏe.

Phấn đấu có đủ 100% nhân viên y tế khóm ấp hoạt động.

3. Nâng cao sức khỏe nhân dân:

Triển khai thực hiện có hiệu quả việc kết hợp Chỉ thị số 01/CT-TU với xây dựng ấp, khóm văn hóa - sức khỏe; phát triển mạnh mẽ các phong trào vệ sinh phòng bệnh; đưa các tiêu chí về sức khỏe vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa sức khỏe ở khu dân cư. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và tầng lớp nhân dân về mục đích và ý nghĩa của phong trào trên. Đến năm 2010 phấn đấu đạt 85 - 90% ấp, khóm văn hóa - sức khỏe.

Đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao. Phát huy tốt vai trò công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao hiểu biết, thái độ và chuyển đổi hành vi của mỗi cá nhân trở thành thói quen phổ biến của người dân trong cộng đồng.

Xây dựng nếp sống có lợi cho sức khỏe, bảo đảm an toàn cộng đồng, trang bị kiến thức để mọi người trong cộng đồng chủ động xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế lối sống và các thói quen gây tác hại đối với sức khỏe: Uống rượu bia, hút thuốc lá, không đảm bảo an toàn lao động.

Tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cho nhân dân tham gia các hoạt động làm lành mạnh môi trường sống và môi trường lao động.

Tăng cường công tác giáo dục, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học đường để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Tăng cường các biện pháp truyền thông để nâng cao nhận thức và huy động cộng đồng tham gia quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2010, có 90% người sản xuất, 80% người kinh doanh thực phẩm, 80% người tiêu dùng hiểu biết và thực hành đúng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

4. Công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền.

Kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc là một trong 5 quan điểm cơ bản của Đảng ta và đã được khẳng định xuyên suốt từ Đại hội đại biểu Đảng lần thứ III toàn quốc đến lần thứ X.

Dưới đây là những vấn đề cụ thể:

Phấn đấu từ nay đến năm 2010, xây dựng xong Bệnh viện Y học dân tộc của tỉnh, đưa vào hoạt động làm tuyến chuyên khoa đầu ngành y học cổ truyền, trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bệnh viện đa khoa tỉnh kiện toàn lại khoa Đông y, nhằm phát huy đúng chức năng và trách nhiệm được giao. Các trạm y tế xã, phường có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm hoặc phối kết hợp với Hội đông y cơ sở cùng tuyến để khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, phục vụ sức khỏe nhân dân tại từng địa bàn dân cư.

Đẩy mạnh việc nuôi trồng vườn thuốc mẫu tại tất cả các xã, phường theo qui định của Bộ Y tế, vừa làm mẫu, vừa làm thuốc chữa bệnh tại chỗ. Tiếp tục phát huy, phát triển hai vườn thuốc nuôi trồng nhiều loài thảo dược quý, có quy mô lớn tại xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm và xã Tân Quới, huyện Bình Minh.

Khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ các nhà sản xuất đông dược trong tỉnh bào chế và sản xuất những mặt hàng thuốc theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân.

Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh phối kết hợp, phấn đấu thực hiện Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách quốc gia và phát triển y dược cổ truyền đến năm 2010, đạt tiêu chí quy định 40% bệnh nhân ở xã, phường được điều trị bằng đông y, 25% bệnh nhân ở tuyến huyện được điều trị bằng đông y, 15% ở tuyến tỉnh được điều trị bằng đông y.

Phát huy thế mạnh hoạt động của Hội Châm cứu tỉnh và các huyện, thị đúng theo chức năng nhằm góp phần cùng Hội đông y và ngành y tế trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

5. Phát triển nguồn nhân lực:

Duy trì hợp lý số lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực y tế sẵn có.

Cân đối lại cơ cấu cán bộ các tuyến, từ tỉnh đến huyện, thị, xã, phường, kể cả cán bộ dược, thầy thuốc và nhân viên kỹ thuật. Tăng cường có thời hạn bác sĩ đủ năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp về phục vụ ở trạm y tế để đảm bảo trạm y tế luôn có bác sĩ phục vụ.

Phân công phù hợp với chuyên môn đào tạo.

Có kế hoạch cụ thể để tiếp tục đào tạo, bổ túc bác sĩ cho vùng sâu, vùng xa.

Nâng cấp Trường Trung học Y tế thành trường cao đẳng; bố trí đủ cán bộ và trang bị phương tiện giảng dạy, đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo y tế địa phương. Trong đó ưu tiên đào tạo chức danh: Nữ hộ sinh trung học, kỹ thuật viên trung học y - dược, điều dưỡng viên trung học và cán bộ quản lý y tế ...

Đào tạo đại học từ nguồn cán bộ trung cấp hiện đang công tác tại các cơ sở y tế. Đề nghị thêm chỉ tiêu đào tạo chính quy riêng của tỉnh hàng năm để bổ sung cán bộ hiện thiếu của tỉnh.

Đào tạo cán bộ sau đại học, các chuyên khoa sâu đáp ứng được mục tiêu đề ra cho năm 2010.

Chú trọng bồi dưỡng lý luận chính trị, pháp luật, công tác quản lý theo đúng đối tượng.

Tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu sinh trong nước hoặc nước ngoài.

6. Sản xuất, cung ứng thuốc:

6.1. Về sản xuất thuốc:

Các cơ sở sản xuất thuốc đến năm 2010 phải đạt tiêu chuẩn GMP theo quy định, đồng thời thực hiện đúng các quy định của Luật Dược liên quan đến khâu sản xuất, quản lý và kiểm tra chất lượng.

Khi Việt Nam gia nhập vào WTO, các cơ sở sản xuất thuốc cần chuẩn bị các điều kiện để đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng cho công tác khám, chữa bệnh.

Duy trì sản xuất các mặt hàng truyền thống của Công ty cổ phần Dược phẩm (capsule, bơm kim tiêm). Đưa nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh vào hoạt động.

6.2. Cung ứng thuốc và Vacxin, sinh phẩm y tế:

Các cơ sở điều trị nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định về cung ứng, đấu thầu thuốc và sử dụng thuốc các chương trình y tế quốc gia.

Các đơn vị y tế dự phòng tuân thủ đúng các quy định hiện hành về bảo quản, sử dụng đối với Văcxin, sinh phẩm y tế.

Có kế hoạch dự trữ thuốc thiết yếu hàng năm, đáp ứng nhu cầu phục vụ.

Đảm bảo, giám sát chặt chẽ đối với thuốc lưu hành trên thị trường.

7. Trang thiết bị và nghiên cứu ứng dụng khoa học:

Đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn để ứng dụng và khai thác các trang thiết bị hiện đại, cũng như bảo trì các trang thiết bị.

Xây dựng đề án hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ quản lý tin học trong bệnh viện đa khoa và áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào điều trị. Ưu tiên đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa của ngành.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới để ứng dụng trong công tác khám chữa bệnh, dự phòng, phát hiện ngăn ngừa các tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý ngành, quản lý sức khỏe nhân dân từ tuyến tỉnh xuống cơ sở một cách hợp lý.

8. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác y tế:

8.1. Đổi mới cơ chế chính sách:

Tăng dần tỷ trọng các nguồn tài chính công cho y tế: Ngân sách Nhà nước, bảo hiểm y tế giảm dần hình thức thanh toán viện phí trực tiếp; ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở vùng nghèo, vùng sâu, y tế dự phòng và chú trọng phát triển y tế kỹ thuật cao.

Từng bước thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế có thu.

Khuyến khích các cơ sở y tế huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị và cung cấp các loại hình dịch vụ y tế phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đảm bảo ngân sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội... .

Thực hiện tốt lộ trình về chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước.

8.2. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước:

Kiện toàn hệ thống thanh tra y tế, nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện tốt quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở y tế kể cả công lập và ngoài công lập. Đổi mới cơ chế quản lý, điều hành về tài chính, nhân lực tại các cơ sở y tế theo sự chỉ đạo chung. Thực hiện quản lý theo ngành đối với các đơn vị chuyên môn về y tế. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập.

9. Hợp tác quốc tế:

Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Quản lý, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế trên địa bàn.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Giải pháp về quản lý, chỉ đạo và điều hành:

Nâng cao năng lực quản lý, lập kế hoạch ngắn hạn trong các lĩnh vực hoạt động của ngành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt

Triển khai thực hiện Đề án đã được phê duyệt, đảm bảo về nội dung yêu cầu và tiến độ.

Kiểm tra, giám sát các hoạt động thực hiện Đề án theo thời gian, tham mưu đề xuất các vấn đề phát sinh đến cấp có thẩm quyền để tìm các phương án tháo gỡ.

Tích cực tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Y tế và các Viện Chuyên khoa đầu ngành Trung ương. Các cơ quan Ban, ngành, chính quyền các cấp trong tỉnh có sự phối kết hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về y tế bằng pháp luật đi đôi với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trong và ngoài công lập. Thực hiện cải cách hành chính và thiết chế dân chủ ở tất cả các cơ sở y tế, giảm phiền hà cho người bệnh và thân nhân. Kiện toàn hệ thống tổ chức thanh tra y tế đủ năng lực thực hiện chức năng nhiệm vụ được quy định.

Trong quản lý về kinh tế:

- Tăng cường năng lực quản lý kinh tế của cán bộ quản lý các cấp, đảm bảo chi đúng mục tiêu của Đề án, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Cấp trên thường xuyên kiểm tra giám sát cấp dưới về hoạt động thu, chi tại đơn vị mình quản lý.

- Có biện pháp kinh tế ràng buộc trong công tác đào tạo và bố trí nhân lực. Đào tạo phải đảm bảo đi đôi với nhu cầu sử dụng và thời gian phục vụ.

Tiếp tục triển khai "Chính sách Quốc gia về thuốc và trang thiết bị". Củng cố và tăng cường hệ thống tổ chức về quản lý công tác dược từ tỉnh xuống cơ sở nhằm đảm bảo cho người dân được sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.

2. Giải pháp về kiện toàn tổ chức và nhân lực y tế:

Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý ngành, phân cấp rõ ràng từ tỉnh xuống cơ sở. Cần thiết có kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cơ chế quản lý cho phù hợp.

Tiêu chuẩn hóa cán bộ y tế theo từng tuyến, lập đề án quy hoạch đào tạo cán bộ y tế đảm bảo số lượng, cân đối chuyên ngành, đặc biệt là đào tạo cán bộ chuyên sâu sau đại học, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật của bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyên khoa.

Nâng cao năng lực và tạo điều kiện thuận lợi đối với cán bộ y tế công tác ở xã, phường, nhất là vai trò trách nhiệm của các bác sĩ.

Thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ ở tất cả các tuyến y tế được tiếp cận với thông tin và kiến thức mới, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ thông qua các hình thức đào tạo lại. Đặc biệt tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về y học, về quản lý sử dụng thuốc an toàn hợp lý.

Thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế; quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên y tế khóm, ấp và nhân viên sức khỏe cộng đồng về kiến thức cơ bản để đảm trách việc hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng; đào tạo cho đội ngũ hộ lý nắm được các nguyên tắc cơ bản về vệ sinh, chống nhiễm khuẩn.

Chú trọng chế độ khen thưởng, kỷ luật kịp thời nghiêm minh, tạo động lực để cán bộ y tế hoàn thành nhiệm vụ.

3. Giải pháp về đầu tư:

Phát huy tối đa các nguồn lực hiện có như kinh phí trung ương và địa phương, huy động sự đóng góp của cộng đồng.

Tìm kiếm các nguồn đầu tư không thường xuyên như vốn vay ODA, vốn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Hợp tác đầu tư với các tổ chức và các nước trên cơ sở đảm bảo bình đẳng đôi bên cùng có lợi, đặc biệt  là lợi ích đối với sức khỏe nhân dân.

Thực hiện xã hội hóa công tác y tế theo chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18/4/2005 nhằm thu hút đầu tư và sự tham gia của cộng đồng trong việc lồng ghép các hoạt động của ngành y tế.

Đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực phải phù hợp với khả năng quản lý, điều hành và nhiệm vụ của các cơ sở y tế, tính toán đến hướng phát triển lâu dài và hiệu quả của đầu tư.

4. Giải pháp về vốn cho đầu tư phát triển:

4.1. Nguồn kinh phí:

          - Nguồn ngân sách địa phương.

          - Nguồn Trung ương cấp.

          - Nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế.

          - Nguồn vốn huy động từ cộng đồng.

4.2. Nội dung và cơ cấu đầu tư:

          - 58,15% xây dựng cơ sở.

          - 36,10% trang thiết bị y tế.

          - 5,75% cho đào tạo cán bộ.

V. TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN:

Tổng hợp kinh phí chung: 603.447,815 triệu đồng (Phụ lục chi tiết kèm theo).

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các cấp chính quyền địa phương và toàn xã hội:

 Cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tình hình mới, từ đó quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư thỏa đáng để củng cố và phát triển mạng lưới y tế trong toàn tỉnh.

2. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp: 

2.1. Sở Y tế:

Triển khai thực hiện đề án, trực tiếp điều hành, phối kết hợp với các ban ngành hữu quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị đảm bảo tiến độ thực hiện đề án nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong từng giai đoạn cụ thể. Hàng năm lập kế hoạch cho từng hoạt động của đề án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở y tế, các đơn vị trực thuộc quản lý sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ quy định. Đảm bảo việc lãnh đạo và kiểm tra các hoạt động chuyên môn theo quy định của Nhà nước.

Đẩy mạnh việc phân công, phân cấp quản lý cho các tuyến, đơn vị trực thuộc nhằm thực hiện tốt theo tinh thần và nội dung đề án.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tranh thủ nguồn vốn phân bổ của Trung ương. Đưa các nhu cầu trong đề án vào kế hoạch đầu tư của tỉnh, cân đối các nguồn vốn để đảm bảo tiến độ thực hiện.

2.3. Sở Nội vụ:

Nghiên cứu giải quyết  biên  chế,  cán  bộ  cho  ngành  y  tế, quy hoạch đào tạo và tuyển dụng hợp lý, đề xuất một số chế độ chính sách thích hợp nhằm thu hút cán bộ đến công tác lâu dài, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

2.4. Sở Tài chính:

Có trách nhiệm đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách cho các nội dung hoạt động của đề án, hàng năm bố trí ngân sách cho y tế để thực hiện đề án đúng tiến độ.

2.5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

Cung cấp số lượng và danh sách các hộ nghèo, đối tượng diện hưởng chính sách xã hội để ngành y tế thực hiện khám, chữa bệnh theo chế độ quy định.

2.6. Các Ban, ngành có liên quan:

Tùy theo chức năng có xây dựng kế hoạch thực hiện.

2.7. Uỷ Ban nhân dân các cấp:

Có nhiệm vụ thực hiện các nội dung và chỉ tiêu của Đề án. Hàng năm phải đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội việc đầu tư, xây dựng và nâng cấp các trạm y tế để đạt "chuẩn quốc gia về y tế xã" thông qua cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân cùng cấp, nhằm đáp ứng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới tại địa phương.

2.8. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể: có kế hoạch phối hợp thực hiện.

 

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe./.  

 

 

Phụ lục 1

KINH PHÍ ĐẦU TƯ TRONG ĐỀ ÁN 603.447,815 TRIỆU ĐỒNG, TRONG ĐÓ:

_______________________

 

+ Nhu cầu kinh phí cho xây dựng cơ bản: 350.892 triệu đồng.

+ Nhu cầu kinh phí mua trang thiết bị y tế đến năm 2010:

217.902,745 triệu đồng.

+ Nhu cầu kinh phí đào tạo đến năm 2010: 34.653,070 triệu đồng.

I. NỘI DUNG VÀ CƠ CẤU ĐẦU TƯ:

          - 58,15% xây dựng cơ sở.

          - 36,10% trang thiết bị y tế.

          - 5,75% cho đào tạo cán bộ.

II. PHÂN RA:

1. Giai đoạn 2006 - 2008:

a) Đầu tư xây dựng cơ sở:

- Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi; Bệnh viện Tâm thần có tổng mức đầu tư là: 79.562 triệu đồng, 50% từ trung ương hỗ trợ, 50% từ nguồn ngân sách địa phương.

- Dự án đầu tư nâng cấp bệnh viện huyện: Trà Ôn, Bình Minh, Vũng Liêm, có tổng kinh phí đầu tư là: 95.370 triệu đồng, từ nguồn ngân sách địa phương.

 - Dự án xây dựng Phòng khám đa khoa xã Phú Quới huyện Long Hồ, ước tổng kinh phí đầu tư là 2.600 triệu đồng.

b) Đầu tư trang thiết bị:

- Dự án đầu tư trang thiết bị cho Bệnh viện đa khoa tỉnh là 63.084 triệu đồng từ chương trình trái phiếu chính phủ.

- Dự án đầu tư trang thiết bị các bệnh viện huyện và bệnh viện khu vực là: 78.366 triệu đồng, từ nguồn kinh phí trung ương theo Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đầu tư trang thiết bị 70% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia là 7 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương.

c) Đào tạo cán bộ: 19.059,19 triệu đồng.

- Nghiên cứu sinh: 320 triệu đồng.

- Đại học và sau đại học là: 15.518,39 triệu đồng (trong đó có tiền hỗ trợ cho sinh viên dài hạn).

- Trung học là: 3.220,8 triệu đồng.

2. Giai đoạn 2008 - 2010:

a) Đầu tư xây dựng cơ sở:

- Xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền với tổng kinh phí là: 48.000 triệu đồng từ nguồn kinh phí ngân sách địa phương.

- Xây dựng Bệnh viện thị xã Vĩnh Long là: 65.350 triệu đồng từ nguồn kinh phí viện trợ phi Chính phủ.

- Cải tạo nâng cấp Bệnh viện huyện Tam Bình là: 5.200 triệu đồng từ nguồn kinh phí của địa phương.

- Dự án nâng cấp các Trạm y tế xã, phường là 89.562 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương.

b) Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh là 34.353 triệu đồng từ nguồn kinh phí viện trợ của Ngân hàng Thế giới (Dự án y tế vùng sông MeKong).

c) Đào tạo cán bộ: 15.593,88

- Nghiên cứu sinh với kinh phí: 320 triệu đồng.

- Đại học và sau đại học với kinh phí là 12.283,88 triệu đồng.

- Trung học với kinh phí: 2.990 triệu đồng.

 

 

Phụ lục 2

PHÂN KỲ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN

______________________

Đơn vị: triệu đồng

 

STT

Tên dự án

Địa điểm

Tổng mức đầu tư

Thời gian đầu tư

Ghi chú

2006

2007

2008

01

BVK Thị xã Vĩnh Long

P9 – TXVL

 65.350

 

30.000

35.350

Dự án đã đã được phê duyệt

02

BVĐK huyện Trà Ôn

TT - Trà Ôn

16.870

5.000

11.870

 

Đang thi công

03

BVĐK huyện Bình Minh

Thuận an – B. Minh

43.500

 

20.000

23.500

Đang lập dự án

04

BVĐK huyện Vũng Liêm

TT – Vũng Liêm

35.000

 

17.000

18.000

Đang lập dự án

05

BVĐK huyện Tam Bình

TT – Tam Bình

26.000

 

10.000

16.000

Theo quy hoạch ngành

06

BVĐK huyện Mang Thít

TT-Mang Thít

2.600

 

 

2.600

Theo quy hoạch ngành

07

BVĐK huyện Long Hồ

TT – Long Hồ

1.300

 

 

1.300

Theo quy hoạch ngành

08

BVĐK KH QDY Tân Thành

Xã Tân Thành - BM

6.500

 

 

6.500

Đang xin chủ trương xây dựng

09

BVĐK Cái ngang – Tam Bình

Cái ngang – Tam Bình

6.500

 

 

6.500

Theo quy hoạch ngành

10

PKĐK Phú Quới – Long Hồ.

Phú Quới – Long Hồ

2.600

 

2.600

 

Theo quy hoạch ngành

Tổng cộng

206.220

5.000

91.470

109.750

 

 

 

 

Phụ lục 3

PHÂN KỲ ĐẦU TƯ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

__________________

Đơn vị:  triệu đồng

STT

Đơn vị

Địa điểm

Tổng mức đầu tư

Thời gian đầu tư

Ghi chú

2006

2007

2008

01

BVĐK Thị xã Vĩnh Long

P9 – TXVL

14.360

 

 

14.360

 

02

BVĐK huyện Trà Ôn

TT – Trà Ôn

6.981

 

 

6.981

 

03

BVĐK huyện Bình Minh

Thuận an –

B. Minh

7.494

 

 

7.494

 

04

BVĐK huyện Vũng Liêm

TT – Vũng Liêm

7.486

 

7.486

 

 

05

BVĐK huyện Tam Bình

TT – Tam Bình

13.919

3.000

 

10.919

 

06

BVĐK huyện Mang Thít

TT-Mang Thít

6.313

 

6.313

 

 

07

BVĐK huyện Long Hồ

TT – Long Hồ

5.623

1.000

4.623

 

 

08

BVĐK KH QDY Tân Thành

Xã Tân Thành - BM

6.537

 

 

6.537

 

09

BVĐK Cái ngang – Tam Bình

Cái ngang – Tam Bình

5.623

 

 

5.623

 

10

PKĐK Phú Quới – Long Hồ.

Phú Quới – Long Hồ

4.000

 

 

4.000

 

Tổng cộng

78.336

4.000

18.422

55.914

 

 

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Long

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phan Đức Hưởng