QUYẾT ĐỊNH
VỀ TRỢ CẤP MỘT LẦN ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THÀNH TÍCH THAM GIA KHÁNG CHIẾN ĐƯỢC TẶNG BẰNG KHEN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, BẰNG KHEN CỦA BỘ TRƯỞNG, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN NGANG BỘ, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, BẰNG KHEN CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định mức trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định mức trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (gọi chung là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ) hoặc Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là Bằng khen của cấp bộ), Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Bằng khen của cấp tỉnh).
Điều 2. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền chi trả trợ cấp
1. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp (01 bộ) gồm:
a) Bản khai cá nhân (Phụ lục) của người được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của cấp bộ, Bằng khen của cấp tỉnh (gọi chung là người có bằng khen);
Trường hợp người có bằng khen đã từ trần: Bản khai cá nhân của đại diện thân nhân kèm biên bản ủy quyền (theo Mẫu UQ ban hành kèm theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân).
Thân nhân của người có bằng khen từ trần là một trong những người sau: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi của người từ trần.
b) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của cấp bộ, Bằng khen của cấp tỉnh hoặc Quyết định khen thưởng.
2. Trình tự thủ tục:
a) Người có bằng khen hoặc đại diện thân nhân lập bản khai kèm giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người có bằng khen (hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu cuối cùng của người có bằng khen đã từ trần).
b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai và lập danh sách kèm giấy tờ quy định tại điểm a khoản này gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ quy định tại điểm b khoản này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra và ra quyết định trợ cấp một lần.
3. Cơ quan chi trả trợ cấp:
Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương có trách nhiệm chi trả trợ cấp một lần quy định tại Quyết định này.
Điều 3. Mức trợ cấp một lần
1. Mức trợ cấp:
a) Mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 1.815.000 đồng (Bằng chữ: Một triệu tám trăm mười lăm nghìn đồng chẵn).
b) Mức trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen của cấp bộ, Bằng khen của cấp tỉnh là 1.210.000 đồng (Bằng chữ: Một triệu hai trăm mười nghìn đồng chẵn).
2. Người có bằng khen đã từ trần mà chưa được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định này thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Không giải quyết mức trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định này đối với người tham gia kháng chiến được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến.
Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Người được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của cấp bộ: Do ngân sách trung ương bảo đảm và bổ sung có mục tiêu cho địa phương để chi trả.
2. Người được tặng Bằng khen của cấp tỉnh: Do ngân sách địa phương bảo đảm. Ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các địa phương có ngân sách khó khăn theo cơ chế như sau:
a) Hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi;
b) Hỗ trợ 50% nhu cầu kinh phí đối với các địa phương có tỷ lệ điều Tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%;
c) Các địa phương còn lại: Ngân sách địa phương tự bảo đảm.
3. Căn cứ báo cáo của các địa phương, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện chế độ trợ cấp một lần và chi phí chi trả theo quy định.
4. Chi phí chi trả cho công tác xét duyệt, chi trả chế độ trợ cấp một lần quy định tại Quyết định này bằng 1,7% tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách và lập hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định này.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức xét duyệt và thực hiện chế độ trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định này.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong việc lập hồ sơ, xác nhận hồ sơ, xét duyệt và thực hiện mức trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định này.
4. Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo cân đối nguồn kinh phí để thực hiện chế độ trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định này.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2016.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./