QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho công tác y tế - dân số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Viên chức, người lao động làm việc tại cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và Trạm y tế xã, phường, thị trấn.
2. Nhân viên y tế khóm, ấp, khu.
3. Cộng tác viên dân số khóm, ấp, khu.
4. Người được thuê mướn phun, tẩm hóa chất diệt muỗi xử lý ổ dịch sốt xuất huyết.
5. Nhân viên tiếp cận cộng đồng.
6. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn ngân sách nhà nước triển khai thực hiện công tác y tế - dân số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lao kháng thuốc: Là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn và bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc cho cộng đồng.
2. Lao tiềm ẩn: Là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của trực khuẩn gây bệnh lao ở người (MTB) nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng - cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động
3. Điểm kính hiển vi: Được đặt tại các cơ sở y tế có trang bị kính hiển vi trực tiếp xét nghiệm các lam máu phục vụ chương trình phòng chống sốt rét cho cộng đồng trong vùng phụ trách. Nhiệm vụ của các điểm kính này là tham gia xét nghiệm để phục vụ cho chẩn đoán sớm tại y tế cơ sở, quản lý bệnh nhân và tham gia vào công tác chống dịch cũng như giám sát dịch tễ.
4. Nhân viên tiếp cận cộng đồng: Là những người trực tiếp tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được cấp thẻ theo quy định của pháp luật, bao gồm tuyên truyền viên đồng đẳng và những người tình nguyện khác.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nội dung và mức chi hoạt động phòng, chống lao
1. Chi hỗ trợ cho người làm công tác khám, phát hiện nguồn lây chính (lao phổi AFB+) tại cộng đồng: 100.000 đồng/người/ngày.
2. Chi hỗ trợ cho người trực tiếp cấp phát thuốc, kiểm tra, giám sát bệnh nhân lao không kháng thuốc điều trị đủ thời gian theo phác đồ điều trị: 120.000 đồng/bệnh nhân.
3. Chi hỗ trợ cho người trực tiếp cấp phát thuốc, kiểm tra, giám sát bệnh nhân lao kháng thuốc điều trị đủ thời gian theo phác đồ điều trị: 150.000 đồng/bệnh nhân.
4. Chi hỗ trợ cho người trực tiếp cấp phát thuốc, kiểm tra, giám sát bệnh nhân lao tiềm ẩn điều trị đủ thời gian theo phác đồ điều trị: 100.000 đồng/bệnh nhân.
Điều 5. Nội dung và mức chi hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết
1. Chi hỗ trợ cho người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi xử lý ổ dịch sốt xuất huyết: 150.000 đồng/người/ngày.
2. Chi hỗ trợ cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch (không kể thành viên của hộ gia đình): 3.000 đồng/hộ/lần, mức chi hỗ trợ một ngày tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày, địa điểm và số lần thực hiện tùy vào tình hình thực tế, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện theo quy định.
3. Chi hỗ trợ người trực tiếp thực hiện xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sốt xuất huyết: 40.000 đồng/mẫu.
Điều 6. Nội dung và mức chi hoạt động phòng, chống sốt rét
Chi hỗ trợ cho người thực hiện tìm ký sinh trùng sốt rét tại điểm kính hiển vi: 150.000 đồng/điểm/tháng.
Điều 7. Nội dung và mức chi hoạt động tiêm chủng mở rộng
1. Chi hỗ trợ cho người trực tiếp tiêm vắc xin hoặc cho trẻ uống vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng: 2.000 đồng/liều.
2. Chi giám sát, điều tra bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (liệt mềm cấp, uốn ván sơ sinh, sởi, sốt phát ban, rubella, viêm não Nhật Bản B, bạch hầu, chết sơ sinh) từ ngày phát hiện ca bệnh, điều tra và hoàn thành phiếu điều tra: 100.000 đồng/ca.
Điều 8. Nội dung và mức chi hoạt động phòng, chống phong
1. Chi hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia công tác khám sàng lọc phát hiện bệnh phong tại cộng đồng: 100.000 đồng/người/ngày.
2. Chi hỗ trợ cho người trực tiếp cấp phát thuốc và theo dõi bệnh nhân phong đa hóa trị liệu tại nhà: 200.000 đồng/bệnh nhân.
Điều 9. Nội dung và mức chi hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Chi hỗ trợ cho nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 500.000 đồng/người/tháng.
Điều 10. Nội dung và mức chi hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm
1. Chi hỗ trợ người trực tiếp công tác khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản qua các chiến dịch tại cộng đồng: 100.000 đồng/người/ngày.
2. Chi hỗ trợ người trực tiếp xét nghiệm sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản: 40.000 đồng/người/ngày.
Điều 11. Nội dung và mức chi hoạt động dân số - phát triển
1. Chi hỗ trợ cộng tác viên dân số trực tiếp tham gia các đợt tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi; chiến dịch truyền thông dân số; theo dõi quản lý đối tượng có nguy cơ cao về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tai biến trong thực hiện thủ thuật dịch vụ kế hoạch hóa gia đình theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt: 40.000 đồng/người/ngày nhưng tối đa không quá 04 ngày/năm.
2. Chi hỗ trợ cập nhật thông tin về dân số - kế hoạch hóa gia đình của hộ gia đình vào sổ ghi chép ban đầu về dân số - kế hoạch hóa gia đình của cộng tác viên dân số: 5.000 đồng/phiếu thu tin của ít nhất 5 hộ gia đình đã có thông tin tại sổ ghi chép hoặc của một hộ gia đình mới, trừ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Kinh phí thực hiện
Nguồn ngân sách tỉnh.
Điều 13. Thanh, quyết toán kinh phí
1. Các nội dung của các hoạt động công tác y tế - dân số quy định tại Quy định này được thực hiện theo kế hoạch, quyết định do cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.
2. Việc chi hỗ trợ được thực hiện theo số ngày làm việc thực tế theo các kế hoạch, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này và theo quy định của Luật Kế toán và Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 14. Trách nhiệm thực hiện
Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu có phát sinh vướng mắc, Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.