QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc phê duyệt Chính sách quốc gia về Y Dược học cổ truyền đến năm 2010
____________________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2001 về việc phê duyệt Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001-2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền đến năm 2010, gồm những nội dung chính sau:
1. Mục tiêu chung:
Kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền (YDHCT), kết hợp với y dược học hiện đại (YDHHĐ) trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; xây dựng nền Y Dược Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý YDHCT: Sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có phòng quản lý YDHCT; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có cán bộ chuyên trách theo dõi công tác YDHCT nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, khám chữa bệnh, nuôi trồng cây, con làm thuốc, bào chế và sản xuất thuốc.
b) Về cơ sở khám chữa bệnh: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bệnh viện đa khoa YHCT; bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có khoa YHCT; trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ chức khám chữa bệnh bằng YHCT do một thầy thuốc YHCT (y sĩ YHCT hoặc lương y trở lên) trong biên chế của trạm y tế phụ trách.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập các loại hình khám chữa bệnh bằng YHCT theo quy định của pháp luật.
Bệnh viện YHCT, trường đại học y, dược, trường trung học y, dược và trạm y tế xã, phường, thị trấn có vườn cây thuốc.
c) Chỉ tiêu khám chữa bệnh bằng YHCT hàng năm: Tuyến trung ương bằng 10%, tuyến tỉnh bằng 20%, tuyến huyện bằng 25% và tuyến xã bằng 40% số người được khám và điều trị.
d) Chỉ tiêu sử dụng thuốc YHCT ở các tuyến: 30% số thuốc được sản xuất, lưu hành trong nước là thuốc YHCT; chỉ tiêu sử dụng thuốc YHCT ở tuyến trung ương là 10%, tuyến tỉnh là 20%, tuyến huyện bằng 25% và tuyến xã bằng 40%.
3. Các giải pháp và chính sách chủ yếu:
a) Giải pháp về tổ chức, quản lý:
Hoàn thiện hệ thống quản lý, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, sản xuất thuốc YHCT từ trung ương đến xã, phường.
Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh bằng YHCT.
b) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:
Chuẩn hoá, đa dạng hoá và mở rộng các loại hình đào tạo cán bộ trong lĩnh vực YDHCT. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thực hành (lương y, lương dược, y sĩ YHCT, bác sĩ YHCT) cho các cơ sở điều trị, đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu (nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ YHCT) cho các cơ sở nghiên cứu và các tuyến điều trị.
Thành lập Học viện Y Dược học cổ truyền.
Thành lập khoa hoặc bộ môn YDHCT tại các trường đại học, trung học y, dược thuộc trung ương và địa phương.
Xây dựng và ban hành chương trình đào tạo các loại hình cán bộ YDHCT.
Có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng để chuẩn hoá đội ngũ thầy thuốc YHCT; phân khoa, phân hạng lương y, lương dược để có chính sách sử dụng và đãi ngộ hợp lý.
c) Các giải pháp về cơ chế, chính sách:
Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu và có chế độ khuyến khích các thầy thuốc cống hiến và phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh bằng YHCT có hiệu quả; có chính sách ưu đãi, khuyến khích việc nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp YDHCT với YDHHĐ.
Ban hành chính sách ưu đãi, bảo trợ việc nuôi trồng dược liệu, sản xuất thuốc YHCT và chính sách khai thác dược liệu tự nhiên hợp lý bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn gen dược liệu; thành lập giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông để khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực YDHCT.
Khuyến khích việc tổ chức khám chữa bệnh, sản xuất, sử dụng và xuất khẩu thuốc YHCT; nhập khẩu giống cây thuốc tạo nguồn dược liệu; nghiên cứu, hiện đại hoá YDHCT; kết hợp YDHCT với YDHHĐ.
Xã hội hoá các hoạt động YDHCT để huy động các nguồn lực nhằm kế thừa, bảo tồn và phát triển YDHCT.
Mở rộng hợp tác quốc tế.
d) Bảo đảm, nâng cao chất lượng thuốc y học cổ truyền:
Quy hoạch vùng trồng dược liệu thích hợp bảo đảm đủ dược liệu thiết yếu.
Tăng cường hiện đại hoá thuốc YHCT.
đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác YDHCT.
4. Bảo đảm tài chính:
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp tác song phương và đa phương của các tổ chức phi chính phủ, vốn đầu tư nước ngoài, vốn của các doanh nghiệp trong nước và của cộng đồng.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho nhu cầu nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển tiềm năng dược liệu, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan kiểm nghiệm YDHCT.
Nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào khu vực sản xuất dược phẩm, thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, ưu tiên cho sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu trong nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, căn cứ vào kế hoạch thực hiện Chiến lược của Bộ Y tế, cân đối nguồn vốn vào ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Bộ Y tế:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực YDHCT.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình đào tạo cán bộ YDHCT ở các bậc học theo qui định của nhà nước về đào tạo; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đào tạo cán bộ YDHCT.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong việc mở rộng quan hệ quốc tế về YDHCT.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước, các quy chế chuyên môn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sản xuất kinh doanh thuốc YHCT để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
b) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng giải pháp hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và khám chữa bệnh YHCT; chủ trì phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ ban hành tiêu chuẩn và quy trình xét trao tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông cho tổ chức, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển YDHCT, kết hợp YDHCT với YDHHĐ.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện đề án thành lập Học viện Y dược học cổ truyền và xây dựng chương trình đào tạo lương y, lương dược, y sĩ, bác sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ về YDHCT; hướng dẫn trồng và cách sử dụng một số cây thuốc ở các trường phổ thông có điều kiện.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên triển khai những đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực YDHCT, kết hợp YDHCT vớiYHHĐ, mở rộng quan hệ quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, điều trị, sản xuất thuốc và trang thiết bị trong lĩnh vực YDHCT.
đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương tổ chức nghiên cứu xác định danh mục, sự phân bố và hệ sinh thái cây, con làm thuốc hiện có của nước ta; nghiên cứu xây dựng đề án bảo vệ, tái sinh và tổ chức nuôi trồng dược liệu, đặc biệt là việc thuần hoá, phát triển những dược liệu quý đã di thực được, đồng thời có kế hoạch nuôi trồng tập trung những dược liệu có nhu cầu sử dụng lớn và giá trị kinh tế cao; tạo ra và duy trì nguồn gen cây thuốc, trồng cây thuốc sẵn có ở địa phương phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
e) Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu thuốc YHCT; đồng thời xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu dược liệu và thuốc YHCT của Việt Nam.
g) Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các quy định tại các điều 18, 19, 24 và điều 26 của Luật Di sản văn hoá về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của YDHCT.
h) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo ngành y tế địa phương phối hợp với các ngành, các tổ chức xã hội có liên quan quán triệt và triển khai đầy đủ những nội dung và giải pháp của chính sách quốc gia về YDHCT đến 2010; tạo điều kiện thuận lợi để các Hội Đông y và Hội Châm cứu hoạt động và phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các ban, ngành có liên quan, phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân khôi phục phong trào trồng, sử dụng các "cây thuốc gia đình" và những phương pháp chữa bệnh đơn giản không dùng thuốc để phòng và chữa một số chứng bệnh thông thường tại cộng đồng. Việc trồng "cây thuốc gia đình" cần gắn liền với phát triển kinh tế, cải tạo môi trường và xoá đói giảm nghèo của địa phương.
Điều 2: Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia về YDHCT giai đoạn đến năm 2010, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN Y DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN
GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 222/2003/QĐ-TTg
ngày 03 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)
I . PHẦN THỨ NHẤT
THỰC TRẠNG CỦA CÔNG TÁC Y DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN
1. Những thành tựu cơ bản:
Việt Nam có một nền y dược học cổ truyền (YDHCT) lâu đời. Trước khi nền y dược học hiện đại (YDHHĐ) thâm nhập vào Việt Nam, YDHCT là hệ thống y dược duy nhất, có vai trò và tiềm năng to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã có các Nghị quyết, Chỉ thị chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các ngành, các tổ chức xã hội nghiên cứu kế thừa, bảo tồn và phát triển YDHCT, kết hợp YDHCT với YDHHĐ nhằm xây dựng nền Y Dược học Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn quan tâm chỉ đạo việc "kết hợp thuốc đông y với tây y". Nhà nước đã cho thành lập Hội Đông y, Viện Đông y, Viện Châm cứu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo cụ thể từng lĩnh vực từ thừa kế, nghiên cứu, phát triển dược liệu, đào tạo cán bộ YDHCT, khám chữa bệnh ...
Hơn năm mươi năm qua, kiên trì thực hiện được lối đó của Đảng, ngành y tế đã đạt được một số thành tựu quan trọng:
Đã đưa YDHCT có vị trí trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân; có hệ thống tổ chức từ trung ương đến các địa phương. Cả nước có 5 Viện nghiên cứu; 46 bệnh viện YHCT cấp tỉnh; có khoa hoặc tổ YHCT ở 80% viện, bệnh viện YHHĐ cấp quận, huyện; 30% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT; có trên 10.000 cơ sở YDHCT tư nhân.
Đã đào tạo được đội ngũ thầy thuốc YHCT và kết hợp YDHCT với YDHHĐ gồm 35 tiến sĩ, 100 thạc sĩ, 100 bác sĩ chuyên khoa cấp 2, 500 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 2000 bác sĩ y học cổ truyền; 5000 cán bộ trung học YDHCT.
Tổ chức kế thừa được nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý của các lương y trên mọi miền đất nước. Nhiều địa phương như Lạng Sơn, Thanh Hoá, Sóc Trăng, Thái Nguyên,... đã sưu tầm và lưu lại hàng ngàn cây thuốc, bài thuốc kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc ít người; tổ chức nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp, từng bước phát huy được tiềm năng của YDHCT phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Dược liệu nói chung và thuốc YHCT nói riêng đã có trong danh mục thuốc thiết yếu. Đã điều tra khảo sát có 3850 loài thực vật được sử dụng làm thuốc thuộc 309 họ, trong đó tuyệt đại đa số là cây mọc tư nhiên. Về động vật, có 406 loài thuộc 22 lớp, 6 ngành được sử dụng làm thuốc. Về khoáng vật, thống kê được 70 loại khoáng vật có ở Việt Nam được sử dụng làm thuốc.
Các cơ sở sản xuất thuốc YHCT ngày càng được nâng lên cả về chất lượng và số lượng. Hiện nay, cả nước có trên 450 cơ sở, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc YHCT (Nhà nước, dân lập, tư nhân, cổ phần). Bộ Y tế đã cấp số đăng ký cho trên 2000 chế phẩm thuốc YHCT được sản xuất lưu hành trên thị trường. Thuốc YHCT đã đa dạng về chủng loại với giá cả phù hợp đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân. Thuốc YHCT Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Cộng hoà Liên bang Nga, Cộng hoà Ucraina, Cu Ba, Lào, Thái Lan, Cămpuchia,...
Hàng năm tuy số cơ sở YDHCT còn ít, nhưng số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày một nhiều. Có khoảng 30% số bệnh nhân trong cả nước được khám và điều trị bằng YHCT, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. YHCT đã góp phần thực hiện chính sách xã hội và công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Công tác xã hội hoá về YDHCT cũng được đẩy mạnh. Ngành y tế đã phối hợp với Hội Đông y tổ chức tuyên truyền và vận động nhân dân trồng, sử dụng những cây thuốc sẵn có ở địa phương, những bài thuốc đơn giản để tự phòng và chữa một số bệnh thông thường, không những đã góp phần tích cực thực hiện chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân mà còn góp phần thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo và cải thiện môi trường.
Hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, uy tín của các phương pháp chữa bệnh của YHCT Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Hiện tại, Việt Nam có quan hệ hợp tác về YDHCT với hơn 40 nước.
Nhìn lại chặng đường phát triển của nền Y dược Việt Nam nói chung và nền YDHCT nói riêng từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhất là sau hơn mười lăm năm đổi mới, có thể khẳng định rằng sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân đã đạt được những thành tựu to lớn. Đường lối kế thừa, bảo tồn và phát triển YDHCT, kết hợp YDHCT với YDHHĐ mà Đảng và Nhà nước ta đã vạch ra là hoàn toàn đúng đắn. Nền y dược học xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã thể hiện được tính ưu việt của chế độ tốt đẹp do Đảng Cộng sản Việt Nam mang lại.
2. Những tồn tại chính:
Tuy đạt được một số thành tựu quan trọng như đã trình bầy ở trên, song việc thực hiện đường lối YDHCT của chúng ta trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại:
Hệ thống tổ chức YDHCT chưa phát triển đồng bộ; cơ sở vât chất, trang thiết bị kỹ thuật quá nghèo nàn và lạc hậu, tụt hậu ngày càng xa so với các ngành trong nước và so với các nước trong khu vực; chất lượng chẩn đoán và điều trị của thày thuốc YHCT còn thấp nên chưa hấp dẫn với bệnh nhân trong và ngoài nước. Bệnh nhân đến khám và điều trị bằng YHCT chưa nhiều, có người, kể cả cán bộ y tế còn chưa tin tưởng về hiệu quả của thuốc YHCT.
Đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu về YHCT đang mỏng dần, trong khi đó việc sử dụng chưa hợp lý. Nhiều địa phương bố trí bác sỹ YHCT làm chuyên khoa khác, ngược lại có địa phương lại bố trí cán bộ không có trình độ chuyên môn YDHCT theo dõi và hoạt động trong lĩnh vực YDHCT. Hệ thống đào tạo, quy mô đào tạo chưa phù hợp, trường lớp đào tạo cán bộ YDHCT thiếu, hàng năm chỉ tiêu chiêu sinh quá ít ,nên số ra trường không bù đáp đủ số cán bộ đã đến tuổi nghỉ hưu. Chương trình, nội dung và loại hình đào tạo cán bộ YDHCT chưa thống nhất nên trình độ chuyên môn của cán bộ YDHCT còn hạn chế.
Công tác nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp tiến hành còn chậm và kém hiệu quả. Nhiều bài thuốc hay, nhiều cây thuốc quý nhất là của đồng bào các dân tộc ít người còn chưa được đầu tư để thu thập sưu tầm, đang có nguy cơ thất truyền. Việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực YDHCT chưa được quan tâm đúng mức, phương pháp nghiên cứu còn lúng túng, thiếu phương pháp nghiên cứu thích hợp mang tính đặc thù cho YDHCT, chưa gắn liền với nhu cầu sử dụng, kết quả nghiên cứu thiếu tính thuyết phục nên vừa tốn kém về tiền của, lãng phí về thời gian. Việc hiện đại hoá YDHCT tiến hành chậm nên có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.
Chưa đẩy mạnh công tác kết hợp YDHCT với YDHHĐ. Quan điểm về kết hợp YDHCT với YDHHĐ chưa được thực hiện thống nhất mà mỗi nơi tiến hành theo nhận thức riêng của mình. Chưa có một tổ chức đủ mạnh để triển khai công tác này một cách có kế hoạch, toàn diện và hiệu quả.
Vấn đề hiện đại hoá YDHCT đã có những tiến bộ, song còn chậm và, chưa được tổng kết cũng như chưa được đầu tư phù hợp.
Về nuôi trồng, phát triển dược liệu còn nhiều bất cập, chủ yếu là tự phát, chưa có kế hoạch và quy vùng sản xuất. Dược liệu sử dụng chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên và nhập khẩu, chưa có kế hoạch tái sinh và nuôi trồng, nên chất lượng, giá cả thường xuyên bị biến động và nguồn dược liệu đang có khuynh hướng phụ thuộc vào nước ngoài. Dạng thuốc còn thô sơ, chậm được cải tiến, hiện đại hoá, sử dụng chưa thuận tiện, hạn sử dụng ngắn ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Công tác quản lý thuốc YHCT còn nhiều yếu kém, tỷ lệ thuốc YHCT không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu còn nhiều, không những không quản lý được chất lượng thuốc mà còn ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, sản xuất thuốc trong nước.
Việc quản lý hành nghề YDHCT còn chưa chặt chẽ, đã để cho một số người tự cho mình là lương y để hành nghề không đúng y đức truyền thống và quy định của pháp luật. Di sản văn hoá do nền YDHCT sáng tạo nên có nguy cơ mai một dần.
3. Một số nguyên nhân chủ yếu:
Chưa có một quy hoạch chiến lược phát triển YDHCT một cách đồng bộ và toàn diện.
Cơ chế chính sách chưa đầy đủ và chậm đổi mới, chưa khuyến khích YDHCT phát triển.
Nhận thức về YDHCT của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả cán bộ của ngành y tế còn chưa đúng, chưa quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác YDHCT. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc triển khai các mặt công tác YDHCT.
Thiếu sự kiểm tra đôn đốc và phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện các mặt công tác YDHCT; thiếu việc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Chưa quan tâm đầu tư ngân sách thoả đáng cho các mặt công tác YDHCT.
Đội ngũ cán bộ YDHCT thiếu, nhất là cán bộ đầu đàn, cán bộ chuyên sâu cũng như cán bộ YDHCT phục vụ tại y tế cơ sở và cộng đồng
II. PHẦN THỨ HAI
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
Y DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN ĐẾN NĂM 2010.
1. Quan điểm chỉ đạo:
a) Y dược học cổ truyền là một di sản văn hoá của dân tộc có vai trò và tiềm năng to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, do đó cần phải tập trung kế thừa, bảo tồn và phát triển.
b) Hiện đại hoá YDHCT những phải giữ được bản sắc của nó. Kết hợp YDHCT với YDHHĐ xây dựng nền y dược Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng .
c) Củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức khám chữa bệnh bằng YHCT đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh bằng YHCT với chất lượng ngày càng cao của nhân dân.
d) Đẩy mạnh công tác đào tạo đáp ứng đủ nhu cầu cán bộ YDHCT cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
đ) Tiếp tục nghiên cứu thừa kế, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp, xác định những bệnh ưu tiên chữa bằng YHCT, những bệnh cần kết hợp YHCT với YHHĐ, tìm ra mũi nhọn để phát huy thế mạnh của YDHCT Việt Nam.
e) Phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu và thuốc YHCT, đẩy mạnh công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến dược liệu, xây dựng ngành công nghiệp bào chế thuốc YHCT trở thành mũi nhọn của ngành Dược Việt Nam; từng bước tăng dần tỷ trọng xuất khẩu thuốc thành phẩm YHCT thay thế xuất khẩu dược liệu thô trên thị trường thế giới hiện nay.
g) Phát huy nội lực và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực YDHCT, khuyến khích đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn và kỹ thuật, công nghệ của nước ngoài đặc biệt các nước trong khu vực, bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước, thực hiện công bằng giữa các thành phần kinh tế trong lĩnh vực khám chữa bệnh và sản xuất, kinh doanh thuốc YHCT.
h) Chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực YDHCT nhằm huy động vốn, kỹ thuật và công nghệ của các nước, phát huy nội lực giữ vững bản sắc của YDHCT.
2. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
Kế thừa, bảo tồn và phát triển YDHCT, kết hợp YDHCT với YDHHĐ trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; xây dựng nền Y dược Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng.
b) Mục tiêu cụ thể đạt được vào năm 2010:
Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý YDHCT: Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có phòng quản lý YDHCT; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có cán bộ chuyên trách theo dõi công tác YDHCT.
Về cơ sở khám chữa bệnh: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bệnh viện đa khoa YHCT; bệnh viện đa khoa tỉnh, khu vực và bệnh viện trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có khoa YHCT; trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ chức khám chữa bệnh bằng YHCT do một thầy thuốc YHCT (có trình độ y sỹ YHCT hoặc lương y trở lên) phụ trách.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư thành lập các cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT theo quy định của pháp luật.
Bệnh viện YHCT; trường đại học y, dược; trường trung học y, dược và trạm y tế xã, phường, thị trấn có vườn cây thuốc.
Chỉ tiêu khám chữa bệnh bằngYHCT:
Tuyến trung ương bằng 10% so với tổng số người bệnh.
Tuyến tỉnh bằng 20% so với tổng số người bệnh.
Tuyến huyện bằng 25% so với tổng số người bệnh.
Tuyến xã bằng 40% so với tổng số người bệnh.
Chỉ tiêu sử dụng thuốc YHCT:
30% chế phẩm thuốc được sản xuất lưu hành trên thị trường là thuốc YHCT.
Chỉ tiêu sử dụng thuốc YHCT ở tuyến trung ương là 10%.
Chỉ tiêu sử dụng thuốc YHCT ở tuyến tỉnh là 20%.
Chỉ tiêu sử dụng thuốc YHCT ở tuyến huyện là 25%.
Chỉ tiêu sử dụng thuốc YHCT ở tuyễn xã, phường, thị trấn là 40%.
3. Các giải pháp và chính sách chủ yếu:
a) Giải pháp về cơ chế chính sách:
Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu và có chế độ khuyến khích các thầy thuốc cống hiến những bài thuốc hay, cây thuốc quý và những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh bằng YHCT; có chính sách ưu đãi, khuyến khích việc nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp YDHCT với YDHHĐ.
Ban hành chính sách ưu đãi, bảo trợ việc nuôi trồng dược liệu, sản xuất thuốc YHCT và chính sách khai thác tự nhiên hợp lý bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn gen dược liệu; tổ chức giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông dể khuyến khích các tổ chức và cá nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực YDHCT.
Khuyến khích việc tổ chức khám chữa bệnh, sản xuất, sử dụng và xuất khẩu thuốc YHCT; nhập khẩu giống cây thuốc tạo nguồn dược liệu; nghiên cứu hiện đại hoá YDHCT, kết hợp YDHCT với YDHHĐ.
Xã hội hoá, đa dạng hoá các hoạt động YDHCT, huy động các nguồn lực nhằm kế thừa, bảo tồn và phát triển nền YDHCT.
Mở rộng hợp tác quốc tế
b) Giải pháp về tổ chức, quản lý:
Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý:
Củng cố và tăng cường cán bộ lãnh đạo, chuyên viên với trình độ chuyên môn cao cho Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế để làm tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc xây dựng chủ trương chính sách và chỉ đạo đạo triển khai các mặt công tácYDHCT.
Thành lập Phòng quản lý YDHCT tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác YDHCT tại trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ cán bộ chuyên môn để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu trong lĩnh vực YDHCT của các Viện, Bệnh viện.
Hoàn thiện hệ thống khám chữa bệnh bằng YHCT:
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có bệnh viện đa khoa YHCT có đủ trang thiết bị hiện đại cho công tác nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và chẩn đoán nâng cao chất lượng điều trị bằng YHCT.
Các bệnh viện y học hiện đại có khoa YHCT với đôi ngũ cán bộ có trình độ tương đương các khoa của YHHĐ để thực hiện tốt chức năng khám chữa bệnh và nghiên cứu kết hợp YDHCT với YDHHĐ.
Các trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ chức khám chữa bệnh bằngYHCT do một y sỹ YHCT hoặc một lương y là cán bộ của trạm phụ trách.
Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thầy thuốc YHCT có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tham gia hoạt động chuyên môn trong các cơ sở dịch vụ YHCT dân lập, tập thể, tư nhân.
Không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần và thái độ phục vụ. Phấn đấu đạt chỉ tiêu khám chữa bệnh bằng YHCT đã đề ra cho từng tuyến điều trị.
Thường xuyên trao dồi đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, quản lý, kiến thức pháp luật cho cán bộ YDHCT.
c) Giải pháp về nguồn nhân lực:
Thành lập Học viện YDHCT; củng cố trường trung học YHCT Tuệ Tĩnh Hà Nội; củng cố khoa hoặc bộ môn YHCT trong các trường đại học và trung học y, dược của trung ương; xây dựng bộ môn YHCT và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ YDHCT của các trường trung học y tế địa phương.
Khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước đầu tư thành lập trường đại học, trung học YDHCT theo quy định của pháp luật.
Soạn thảo và ban hành thống nhất nội dung, chương trình đào tạo các loại hình cán bộ YDHCT, gồm nội dung chương trình đào tạo lương y; chương trình đạo tạo lương dược; chương trình đào tạo y sĩ YDHCT; chương trình đào tạo bác sĩ YDHCT; chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ YDHCT.
Mở rộng về số lượng, hình thức đào tạo, loại hình đào tạo trong lĩnh vực đào tạo thầy thuốc YDHCT với nhiều trình độ khác nhau như lương y, lương dược, y sĩ YHCT, bác sĩ chuyên khoa YHCT, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ YDHCT.
Chuẩn hoá đội ngũ lương y, lương dược hiện có, tổ chức phân khoa, phân hạng lương y, lương dược để có chính sách đãi ngộ và tuyển dụng hợp lý.
Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các thầy thuốc YHCT.
d) Giải pháp về phát triển dược liệu và thuốc y học cổ truyền:
Hình thành các trung tâm dược liệu tại các vùng dược liệu miền núi phía bắc, vùng trung du, vùng dược liệu miền trung và Tây nguyên, vùng dược liệu Đồng bằng sông Hồng, vùng dược liệu duyên hải miền trung, vùng dược liệu đồng bằng sông Cưu long...
Xây dựng và bảo vệ nguồn quỹ gen về dược liệu.
Xác định nhu cầu sử dụng dược liệu phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và xuất khẩu hàng năm.
Tổ chức khảo sát nghiên cứu điều tra sưu tầm thống kê các loại cây, con làm thuốc; sự phân bố, hệ sinh thái và trữ lượng cây, con làm thuốc hiện có trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức bảo vệ, tổ chức khai thác và tái sinh một cách hợp lý tránh khai thác bừa bãi làm mất cân bằng sinh thái và tiệt chủng nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm.
Phát triển công tác nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, sản xuất thuốc từ dược liệu, công nghệ sinh học để bảo vệ nguồn quỹ gen dược liệu quý hiếm và tạo nguồn giống cây thuốc với năng suất chất lượng cao phục vụ cho công tác sản xuất thuốc.
Đẩy mạnh việc trồng cây làm thuốc ở các cơ sở của ngành y tế, các địa phương và từng gia đình để tăng nguồn thuốc tự túc phục vụ phòng chữa bệnh đồng thời phát triển nuôi trồng tập trung với quy mô lớn.
Quy hoạch vùng chuyên canh, xen canh cây con làm thuốc, ưu tiên các loại cây có giá trị kinh tế cao, hiệu quả điều trị tốt, có nhu cầu sử dụng lớn. Việc nuôi trồng phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi trồng.
Tổ chức cung cấp đủ giống bảo đảm chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cho các cơ sở nuôi trồng dược liệu, tư vấn về cách phòng và chữa bệnh cho cây thuốc, tư vấn và hướng dẫn cách thu hoạch, kỹ thuật sơ chế, và kỹ thuật bảo quản.
Tổ chức ký hợp đồng sản xuất và thu mua kịp thời các sản phẩm do các cơ sở và hộ gia đình nuôi trồng. Giá cả thu mua phải hợp lý có tác dụng khuyến khích việc nuôi trồng dược liệu, tránh để người nuôi trồng bị thiệt thòi do trồng cây thuốc trong vùng chuyên canh và xen canh, tổ chức cơ sở sơ chế, bào chế với quy mô công nghiệp. Xây dựng kho tàng bảo quản và mạng lưới phân phối đến các cơ sở sử dụng một cách kịp thời và thuận tiện đảm bảo chất lượng quy định.
Xây dựng khu công nghệ chuyên sơ chế, bào chế, sản xuất thuốc YHCT với công nghệ và kỹ thuật hiện đại tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua dược liệu và sản xuất đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Mở rộng mạng lưới cung cấp dược liệu đã bào chế với chất lượng cao cho các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước.
Kết hợp chặt chẽ nguồn lực về con người và trang thiết bị của ngành YDHCT với các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu khoa học để nghiên cứu phát triển dược liệu và thuốc YHCT. Gắn quá trình nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu kết hợp với sản xuất.
đ) Xã hội hoá, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực y dược học cổ truyền.
Phối hợp với các Hội Đông y, Hội Châm cứu, Hội dược liệu tổ chức tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm vận động, khuyến khích nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam sẵn có ở địa phương để tự phòng và chữa một bệnh thông thường tại cộng đồng, thực hiện thày tại chỗ thuốc tại vườn.
Hướng dẫn cách trồng, sử dụng một số cây thuốc nam sẵn có ở địa phương để phòng và chữa một số bệnh thông thường tại gia đình cho các em học sinh phổ thông. Có kế hoạch bồi dưỡng các em thành những tuyên truyền viên cho công tác xã hội hoá việc ứng dụng YHCT trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy thuốc YHCT có đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề YDHCT thành lập hoặc tham gia hoạt động trong các cơ sở YDHCT của nhà nước, dân lập, tư nhân nhằm huy động mọi nguồn lực của YDHCT phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo về sức khoẻ nhân dân.
Kết hợp chặt chẽ giữa trạm y tế xã với các cơ sở hành nghề YDHCT tư nhân; coi y tế tư nhân nói chung và các cơ sở hành nghề YDHCT tư nhân nói riêng là lực lượng của ngành y tế; khuyến khích động viên họ đóng góp tích cực vào sự nghiệp kế thừa, bảo tồn và phát triển, làm giàu thêm cho nền YDHCT nước nhà.
e) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế:
Mở rộng hợp tác với các nước đặc biệt là các nước trong khu vực, các tổ chức xã hội, đa phương cũng như song phương trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền và độc lập dân tộc, hai bên cùng có lợi hiện đại hoá YDHCT nhưng không làm mất đi bản sắc của YDHCT Việt Nam.
Tăng cường tuyên truyền về tiềm năng và khả năng của YDHCT Việt Nam trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, nuôi trồng và sản xuất thuốc trên cơ sở đó:
Việt Nam tiếp nhận sinh viên, học sinh nước ngoài đến học và trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chính sách và quản lý YDHCT; tiếp nhận học sinh, sinh viên nước ngoài học về YDHCT với các trình độ bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ YDHCT; tiếp nhận các nhà nghiên cứu nước ngoài sang cùng phối hợp nghiên cứu về YDHCT.
Tăng cường giới thiệu nguồn dược liệu phong phú của Việt Nam qua đó tìm kiếm thị trường để xuất khẩu dược liệu và thuốc thành phẩm YHCT.
Khuyến khích hợp tác liên doanh, liên kết hay đầu tư 100% vốn nước ngoài thành lập các cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ và sản xuất kinh doanh thuốc YHCT tại Việt Nam.
Củng cố các cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT để đủ điều kiện tiếp nhận bệnh nhân nước ngoài có nhu cầu đến Việt Nam khám và điều trị bằng YHCT.
Mời chuyên gia là những thầy thuốc YHCT giỏi của các nước sang trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực của YDHCT như nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, đào tạo, quản lý, nuôi trồng dược liệu, bào chế sản xuất thuốcYHCT.
Hàng năm Bộ Y tế cử các đoàn đi nước ngoài để học tập và trao đổi kinh nghiệm; hợp tác trong lĩnh vực quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, khám chữa bệnh; giới thiệu và tăng cường xuất khẩu thuốc YHCT sang các nước.
g) Bảo đảm tài chính:
Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp tác song phương và đa phương của các tổ chức phi chính phủ, vốn vay, vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trong nước và từ cộng đồng. Tập trung nguồn vốn đầu tư cho những dự án trọng điểm như củng cố hoàn thiện hệ thống tổ chức, thành lập Học viện y dược học cổ truyền, tăng cường công tác đào tạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hiện đại hoá và phát triển sản xuất thuốc YHCT từ nguồn dược liệu trong nước.
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước được chi cho nhu cầu quản lý, củng cố mạng lưới khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ và phát triển bào chế sản xuất thuốc y học cổ truyền từ nguồn dược liệu trong nước. Căn cứ vào nhiệm vụ được giaothực hiện chính sách phát triểnYDHCT..
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài tập trung thành lập cơ sở khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc y học cổ truyền với công nghệ kỹ thuật cao.
Nhu cầu về đầu tư cho phát triển nuôi trồng dược liệu và sản xuất thuốc y học cổ truyền cũng như đa dạng hoá các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của các các nhân, tổ chức thuốc các thành phần kinh tế khác được huy động từ nguồn vốn vay, vốn tự có, cổ phần hoá,...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, căn cứ vào kế hoạch thực hiện Chiến lược của Bộ Y tế, cân đối nguồn vốn vào ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách.
4. Tổ chức thực hiện:
a) Bộ Y tế:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực YDHCT.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình đào tạo cán bộ YDHCT ở các bậc học theo qui định của nhà nước về đào tạo; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đào tạo cán bộ YDHCT.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong việc mở rộng quan hệ quốc tế về YDHCT.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước, các quy chế chuyên môn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sản xuất kinh doanh thuốc cổ truyền để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
b) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng giải pháp hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và khám chữa bệnh YHCT; chủ trì phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ ban hành tiêu chuẩn và quy trình xét trao tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông cho tổ chức, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác kế thừa, phát huy, phát triển YDHCT, kết hợp YDHCT với YDHHĐ.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện đề án thành lập Học viện Y dược học cổ truyền và xây dựng chương trình đào tạo lương y, lương dược, y sĩ, bác sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về YDHCT; hướng dẫn trồng và cách sử dụng một số cây thuốc ở các trường phổ thông có điều kiện.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên triển khai những đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực YDHCT, kết hợp YDHCT vớiYHHĐ, mở rộng quan hệ quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, điều trị, sản xuất thuốc và trang thiết bị trong lĩnh vực YDHCT.
đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương tổ chức nghiên cứu xác định danh mục, sự phân bố và hệ sinh thái cây, con làm thuốc hiện có của nước ta; nghiên cứu xây dựng đề án bảo vệ, tái sinh và tổ chức nuôi trồng dược liệu, đặc biệt là việc thuần hoá, phát triển những dược liệu quý đã di thực được, đồng thời có kế hoạch nuôi trồng tập trung những dược liệu có nhu cầu sử dụng lớn và giá trị kinh tế cao và nhu cầu sử dụng lớn; tạo ra và duy trì nguồn gen cây thuốc, trồng cây thuốc sẵn có ở địa phương phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
e) Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu thuốc YHCT, đồng thời xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu dược liệu và thuốc YHCT của Việt Nam.
g) Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các quy định tại các điều 18, 19, 24 và điều 26 của Luật Di sản văn hoá về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của YDHCT.
h) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo ngành y tế địa phương phối hợp với các ngành, các tổ chức xã hội có liên quan quán triệt và triển khai đầy đủ những nội dung và giải pháp của chính sách quốc gia về YDHCT đến 2010; tạo điều kiện thuận lợi để các Hội Đông y và Hội Châm cứu hoạt động và phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các ban, ngành có liên quan, phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân khôi phục phong trào trồng, sử dụng các "cây thuốc gia đình" và những phương pháp chữa bệnh đơn giản không dùng thuốc để phòng và chữa một số chứng bệnh thông thường tại cộng đồng. Việc trồng "cây thuốc gia đình" cần gắn liền với phát triển kinh tế, cải tạo môi trường và xoá đói giảm nghèo của địa phương./.