Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ

nhân dân trong tình hình mới

_______________

 

Trong hơn 10 năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng; nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng; việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế đã có nhiều cố gắng hơn trước. Bảo hiểm y tế được hình thành và bước đầu phát huy tác dụng. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn; phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khoẻ của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Đạt được những thành tựu trên là nhờ có sự phấn đấu nỗ lực của đại đa số cán bộ, nhân viên ngành y tế; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể, tổ chức xã hội và đông đảo nhân dân.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Hệ thống y tế chậm đổi mới, chưa thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của y tế dự phòng còn nhiều bất cập. Một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ. Vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ y tế chậm được khắc phục.

Nguyên nhân chính của những yếu kém trên là do quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế còn nhiều bất cập, một số chính sách về y tế không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi hoặc bổ sung; việc quản lý hoạt động khám, chữa bệnh và hành nghề y dược tư nhân chưa chặt chẽ; đầu tư của Nhà nước cho y tế còn thấp, phân bổ và sử dụng nguồn lực chưa hợp lý, kém hiệu quả. Chưa có những giải pháp hữu hiệu để huy động các nguồn lực từ cộng đồng và xã hội cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu và yếu, cơ cấu chưa hợp lý, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Một số cấp uỷ đảng và chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhiều nơi còn trông chờ vào bao cấp của Nhà nước.

Cùng với những yếu kém trên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở nước ta đang đứng trước những thách thức to lớn:

- Nhiều vấn đề xã hội mới phát sinh như ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân; chênh lệch về thu nhập trong nhân dân đang đặt ra những thách thức lớn về bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh; mặt trái của kinh tế thị trường có nguy cơ làm phai mờ giá trị đạo đức cao quí của người thầy thuốc.

- Quy mô dân số của nước ta những năm tới vẫn tiếp tục tăng, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao và đa dạng, trong khi khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế.

- Chi phí cho chăm sóc sức khoẻ ngày càng lớn, trong khi về cơ bản nước ta vẫn còn là một nước nghèo, đầu tư cho công tác chăm sóc sức khoẻ còn thấp.

- Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vừa đem lại những cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt nước ta trước những nguy cơ bị lây truyền các bệnh dịch nguy hiểm và những thách thức trong lĩnh vực sản xuất thuốc và ứng dụng công nghệ cao trong y tế.

I- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU

1- Quan điểm chỉ đạo

1.1- Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.

1.2- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giầu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già; công bằng trong đãi ngộ đối với cán bộ y tế.

1.3- Thực hiện chăm sóc sức khoẻ toàn diện: gắn phòng bệnh với chữa bệnh, phục hồi chức năng và tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khoẻ. Phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu; kết hợp đông y và tây y.

1.4- Xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước; thực hiện tốt việc trợ giúp cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

1.5- Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền”.

2- Mục tiêu

Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1- Phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch phát triển hệ thống y tế đến năm 2010 và trong những năm tiếp theo.

- Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng. Mở rộng và triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và nâng cao sức khỏe. Phát triển các phong trào vệ sinh, phòng bệnh và thể dục thể thao. Triển khai mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm. Kịp thời dự báo và có biện pháp ngăn ngừa để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ do thay đổi lối sống, môi trường và điều kiện lao động trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh, đặc biệt là HIV/AIDS và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh phòng chống các bệnh nghề nghiệp. Củng cố và phát triển y tế học đường. Chú trọng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và các hoạt động phục hồi chức năng.

- Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ. Xây dựng và nâng cấp các bệnh viện, nhất là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và huyện để có đủ khả năng giải quyết một cách cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngay tại địa phương. Từng bước phát triển mạng lưới các khoa và bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng. Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh theo địa bàn dân cư. Tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu quả các trung tâm y tế chuyên sâu hiện có, xây dựng thêm một số trung tâm y tế chuyên sâu mới.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền thành một chuyên ngành khoa học. Thành lập Học viện Y học cổ truyền, củng cố và phát triển bộ môn y học cổ truyền tại các trường đại học, cao đẳng và trung học y tế. Nâng cấp các bệnh viện y học cổ truyền và các khoa đông y tại các bệnh viện đa khoa. Vận động, khuyến khích và hướng dẫn nhân dân nuôi, trồng và sử dụng các cây, con làm thuốc.

- Kết hợp quân y và dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và các lực lượng vũ trang,nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thảm họa, thiên tai... Đưa chương trình kết hợp quân, dân y thành một nội dung của chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

- Phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn. Phát triển mạnh công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước, ưu tiên các dạng bào chế công nghệ cao. Quy hoạch và phát triển các vùng dược liệu, các cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược. Củng cố mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc để ổn định thị trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế. Phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế theo hướng hiện đại.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng những thành tựu về khoa học và công nghệ hiện đại,đặc biệt là công nghệ sinh học và công nghệ thông tin; từng bước đưa nền y học nước ta đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.

- Mở rộng hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ và đầu tư nguồn lực của các nước, các tổ chức quốc tế; tiếp thu các thành tựu về khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

2- Đổi mới chính sách tài chính y tế

Đổi mới và hoàn thiện chính sách tài chính y tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các nguồn tài chính công (bao gồm ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế), giảm dần hình thức thanh toán viện phí trực tiếp từ người bệnh.

- Từ nay đến năm 2010, Nhà nước cần đầu tư mạnh, tạo bước bứt phá để nâng cấp các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; các trung tâm y tế khu vực, nhất là ở Tây nguyên, miền núi phía Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Nhà nước bảo đảm cung cấp kinh phí khám chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội.

- Xây dựng và thực hiện tốt lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010. Tuyên truyền, giáo dục, để mọi người dân đều tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế. Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế, chú ý các loại hình dựa vào cộng đồng; tạo nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, viện trợ, các quỹ từ thiện, quỹ cộng đồng, quỹ xoá đói giảm nghèo... để trợ giúp cho người nghèo, người sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tham gia các loại hình bảo hiểm y tế phù hợp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, củng cố tổ chức và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hệ thống bảo hiểm y tế. Có phương thức thanh toán phù hợp để người tham gia bảo hiểm y tế được chăm sóc với chất lượng tốt, không bị phân biệt đối xử trong khám chữa bệnh.

- Xây dựng và thực hiện chính sách viện phí phù hợp trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân. Nhà nước có chính sách trợ giúp đối với những người có thu nhập thấp và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công khai minh bạch việc thu, chi viện phí cho người dân biết.

3- Phát triển nguồn nhân lực

Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Sắp xếp lại mạng lưới,mở rộng và nâng cấp các cơ sở đào tạo,đáp ứng nhu cầu về cán bộ y tế phù hợp với quy hoạch phát triển ngành; xây dựng một số trung tâm đào tạo cán bộ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Tăng cường đào tạo cán bộ y tế theo hình thức cử tuyển cho miền núi và đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng đào tạo cán bộ quản lý y tế, nhất là cán bộ quản lý bệnh viện. Coi trọng việc đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân tài về y tế. Mở rộng việc đưa cán bộ có trình độ cao đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí nhà nước, khuyến khích du học tự túc theo các chuyên ngành đang có nhu cầu.

Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lí đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo. Có chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đối với những người công tác tại trạm y tế xã. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ; khuyến khích thầy thuốc về công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.

4- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền

Nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng và mỗi người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ. Các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân phải được đưa vào các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và ở từng địa phương.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đặc biệt là ở cơ sở, phải xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng; quy định rõ trách nhiệm và kiểm tra hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ở địa phương. Triển khai rộng rãi phong trào xây dựng làng văn hoá - sức khoẻ ở mọi thôn bản.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ y tế ở địa phương và cơ sở. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế, chấn chỉnh và khắc phục những biểu hiện tiêu cực tại các cơ sở y tế.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng, làm tốt công tác phát triển Đảng, nhất là đối với cán bộ y tế trẻ. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn ngành y tế.

5- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật về y tế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Nghiên cứu và bổ sung luật pháp để bảo vệ sinh mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của người bệnh và của cán bộ y tế trong lúc làm nhiệm vụ; thực hiện bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp đối với cán bộ y tế. Kiện toàn hệ thống thanh tra y tế, nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra để thực hiện tốt quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, điều hành, tài chính, nhân lực tại các bệnh viện, nhà trường, viện nghiên cứu… trong ngành Y tế để phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở trong việc huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Việc thực hiện tự chủ về tài chính của các cơ sở khám chữa bệnh công lập cần được tiến hành từng bước, cùng với tiến trình mở rộng bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Các đơn vị chuyên môn về y tế ở địa phương được quản lý theo ngành.

Đổi mới và kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về dược và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

6- Đẩy mạnh xã hội hoá

Đổi mới và tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Các loại hình y dược tư nhân hoạt động theo pháp luật là bộ phận cấu thành của hệ thống y tế. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư; có chính sách khuyến khích về thuế, đất đai... để phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập. Khuyến khích các hoạt động nhân đạo vì sức khoẻ.

7- Nâng cao hiệu quả thông tin - giáo dục - truyền thông

Tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trang bị kiến thức và kỹ năng để mỗi ng­ười, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói quen có hại đối với sức khoẻ, tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng. Nghiêm cấm quảng cáo thuốc lá, rượu mạnh, các chất kích thích có hại cho sức khoẻ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các cấp uỷ đảng, các ban cán sự đảng và đảng đoàn các bộ, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến Nghị quyết này đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; lãnh đạo xây dựng và triển khai chương trình hành động, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.

Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với việc đổi mới cơ chế chính sách hoạt động của ngành Y tế trong tình hình mới.

Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng chương trình hành động, phát động các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ.

Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết này./.

Ban Chấp hành Trung ương

Tổng Bí thư

(Đã ký)

 

Nông Đức Mạnh