Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế về quản lý trong quan hệ vận động,

tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

_____________________________________

 ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân nhân và Ủy ban nhân dân của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 1994;

- Căn cứ Quyết định số: 340/TTg ngày 24/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ V/v ban hành quy chế về hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và Quyết định số 28/1999/QĐ-TTg ngày 23/02/ 1999 V/v ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài ;

Để tăng cường công tác quản lý trong quan hệ vận động, tiếp nhận và sử dụng viện trợ PCPNN, tập trung đầu mối công tác vận động, từng bước đưa công tác quản lý các nguồn viện trợ phi Chính phủ đi vào nề nếp.

Xét đề nghị của Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Ban Ngoại vụ và Ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Bản Quy chế về quản lý trong quan hệ vận động, tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (gọi tắt là PCPNN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều II: Quyết định này có hiệu lực thi hành trong 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 136/QĐ-UBT ngày 09/03/1994 của UBND tỉnh Vĩnh Long

Điều III: Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

TM.UBND TỈNH VĨNH LONG

(Đã ký)


Trương Văn Sáu


QUY CHẾ

Về quản lý trong quan hệ, vận động, tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
(Ban hành kèm theo QĐ số: 1250/2000/QĐ-UBT, ngày 30 tháng 5 năm 2000)

______________________________

Chương I

CÁC QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Các tổ chức phi Chính phủ, cá nhân nước ngoài, các tổ chức người Việt Nam và cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi tắt PCPNN) vào Tỉnh hoạt động: - Hỗ trợ cho phát triển và phúc lợi xã hội , viện trợ không hoàn lại vì mục đích nhân đạo , không vì mục đích lợi nhuận và mục đích khác bao gồm các hình thức:

- Viện trợ thông qua các chương trình, dự án

- Viện trợ không dự án (bao gồm tiền, các loại hàng hoá) phục vụ cho mục đích nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp .v.v.

Điều 2: Các tổ chức PCPNN vào Tỉnh hoạt động cần giới thiệu tôn chỉ mục đích của tổ chức, xác lập chương trình dự án, đàm phán thoả thuận ký kết lập thủ tục xin giấy phép hoạt động ( nếu tổ chức mới), các tổ chức đã có giấy phép hoạt động ở Việt Nam cần xác lập hồ sơ bổ sung thêm nội dung hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 3: Viện trợ của các tổ PCPNN được xem là một nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh, phải được ghi thu vào ngân sách và được ghi chi sử dụng cho các lĩnh vực ưu tiên hoạt động của các tổ chức PCPNN.

Chương II

VẬN ĐỘNG, ĐÀM PHÁN, PHÊ DUYỆT VÀ KÝ KẾT

Điều 4: Vận động các tổ chức PCPNN viện trợ cho tỉnh được xem là một công tác thường xuyên theo định hướng, có tổ chức:

1. Việc vận động viện trợ nhân đạo phải có định hướng chương trình, dự án phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ được UBND tỉnh phê duyệt.

2. Trường hợp địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn tùy vào mức độ thiệt hại cụ thể, Liên Hiệp các tổ chức (CTC) hữu nghị tỉnh đề nghị Liên hiệp CTC hữu nghị Việt Nam và Bộ Ngoại Giao kêu gọi cứu trợ hoặc trình Thủ Tướng Chính phủ quyết định mức độ kêu gọi viện trợ khẩn cấp của các tổ chức PCPNN.

Điều 5: Đàm phán và ký kết thỏa thuận với các tổ chức PCPNN.

1. Các khoản viện trợ cho chương trình, dự án phải có văn kiện nếu rõ mục tiêu, nội dung cần quan tâm, các kết quả cần đạt được; nguồn đầu vào (kinh phí viện trợ và vốn đối ứng) để thực hiện các chưong trình dự án. Nếu thời gian thực hiện trên 1 năm thì phải xây dựng kế hoạch hoạt động, dự án nguồn kinh phí cần thiết cho năm, cần phân định rõ nguồn kinh phí của tổ chức PCPNN đã có sẳn nguồn cần huy động cho những năm tiếp theo và nêu rõ kinh phí đối ứng của địa phương nếu có.

2. Việc đàm phán ký kết các chương trình dự án với các tổ chức PCPNN cần xác định rõ lĩnh vực viện trợ như phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội hoặc cứu trợ khẩn cấp , đối tượng tiếp nhận và hưởng lợi ( nếu là hàng hóa phải có danh mục và ước tính tổng giá trị, nếu bằng tiền phải ghi tổng giá trị). Trong đàm phán các tổ chức PCPNN phải cân nhắc kỹ các vấn đề thỏa thuận vừa phải tôn trọng ký kiến của phía đối tác vừa đảm bảo các định chế của luật pháp Việt Nam ; Nếu phía đối tác có những ý kiến không phù hợp mà không thể dung hòa được thì cơ quan chủ trì đàm phán lấy ý kiến đó bằng văn bằng trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

Điều 6: Thẩm quyền phê duyệt các khoản viện trợ của các tổ chức PCPNN:

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác các chương trình dự án viện trợ với các tổ chức PCPNN được nhanh chóng kịp thời, Chủ Tịch UBND tỉnh phê duyệt các chướng trìng dự án do các tổ chức PCPNN viện trợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo khoản 2 điều 5 của quy chế ban hành kèm theo quyết định số 28/1999/QĐ.TTg ngày 23/02/1999 của Thủ Tướng Chính Phủ.

Chương III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CÁC NGUỒN VIỆN TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC PCPNN.

Điều 7: UBND tỉnh Vĩnh Long thống nhất quản lý Nhà nước nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN từ khâu vận động, đàm phán, thỏa thuận ký kết đến khâu quản lý trong quan hệ, giám sát việc thực hiện, đánh giá hiệu quả sử dụng các khoản viện trợ của các tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức PCPNN do các cơ quan chức năng của UBND tỉnh thực hiện được quy định theo các điều dưới đây:

Điều 8: Liên Hiệp các tổ chức Hữu Nghị và Ban Ngoại Vụ tỉnh Vĩnh Long làm đầu mối trong quan hệ vận động viện trợ PCPNN. Liên Hiệp CTC Hữu Nghị tỉnh chịu trách nhiệm chính:

- Hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và UBND các Huyện, Thị xã ( gọi chung là các đơn vị) xây dựng các chương trình, lập các dự án vận động viện trợ của các tổ chức PCPNN.

- Quan hệ vận động, tranh thủ các tổ chức PCPNN vào tỉnh viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ các lĩnh vực phát triển nông thôn, phúc lợi xã hội trên cơ sở định hướng ưu tiên phát triển của tỉnh và cứu trợ khẩn cấp.

- Phối hợp với Ban Ngoại Vụ để hướng dẫn lập các thủ tục về giấy phép hoạt động của các tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh theo đúng quy chế ban hành kèm theo quyết định số 340/TTg, ngày 24/5/1996 của Thủ Tướng Chính Phủ.

- Tham gia công tác thẩm định các chương trình dự án, đồng thời giám sát kết quả, đánh giá hiệu quả thực hiện của các chương trình dự án.

Điều 9: Ban Ngoại Vụ chịu trách nhiệm chính:

1. Thừa ủy quyền của UBND tỉnh Vĩnh Long thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các tổ chức PCPNN có chương trình dự án viện trợ không hoàn lại thực hiện trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn họ thực hiện đúng quyết định số 340/TTg ngày 24/5/1996 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc ban hành quy chế hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Nghiên cứu trước nội dung đăng ký hoạt động của các tổ chức PCPNN trình Ủy Ban công tác về các tổ chức PCP xem xét bổ sung nội dung hoặc cấp giấy phép cho các tổ chức PCPNN hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Xem xét xác nhận hàng viện trợ theo chương trình dự án của tỉnh để được miễn thuế nhập khẩu hàng viện trợ nhân đạo.

2. Tham gia với Liên Hiệp CTC Hữu Nghị tỉnh và các cơ quan liên quan trong công tác hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND các Huyện,Thị xã lập các chương trình, dự án vận động viện trợ của các tổ chức PCPNN.

3. Phối hợp với Sở Kế Hoạch & Đầu Tư, Sở Tài Chánh-Vật Giá, văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan thẩm định xem xét tính chất và giá trị của từng chương trình dự án trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt theo điều 6 của quy chế này; kiến nghị chính sách cơ chế đối với các chương trình dự án vượt thẩm quyền.

4. Tham gia ý kiến với Sở Kế Hoạch & Đầu Tư , Sở Tài Chánh- Vật Giá trong việc bố trí kinh phí lập dự án vận động viện trợ và vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách hằng năm của tỉnh cho các chương trình dự án đã cam kết với các tổ chức PCPNN theo qui định của luật ngân sách.

5. Phối hợp với Sở Tài Chánh- Vật Giá và các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra tình hình tiếp nhận, quản lý thực hiện; phân tích đánh giá hiệu quả các khoản viện trợ của các tổ chức Phi Chính Phủ.

Điều 10: Sở Kế Hoạch & Đầu Tư có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Ban Ngoại Vụ, Liên Hiệp CTC Hữu Nghị tỉnh, Sở Tài Chánh và các cơ quan có liên quan thẩm định các chương trình dự án vận động viện trợ các tổ chức PCPNN.

2. Phối hợp với Sở Tài Chánh- Vật Giá trong việc bố trí kinh phí lập chương trình dự án vận động viện trợ và cân đối vốn đối ứng theo cam kết với các tổ chức PCPNN trong kế hoạch hằng năm; dự trù một khoản kinh phí để linh hoạt giải quyết tạm ứng khi có yêu cầu của nhóm xây dựng dự án hoặc đơn vị chủ dự án để xây dựng chương trình dự án vận động viện trợ PCPNN; các đơn vị chủ dự án sẽ được cấp kinh phí để thanh quyết toán cụ thể cho từng chương trình, dự án khi được UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 11: Sở Tài Chánh- Vật Giá là cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý tài chánh viện trợ của các tổ chức PCPNN trong địa bàn tỉnh, Sở Tài Chánh- Vật Giá chịu trách nhiệm:

- Xây dựng chế độ quản lý tài chánh đối với các khoản viện trợ của các tổ chức PCPNN theo thẩm quyền, đồng thời hướng dẫn cho các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND các Huyện, Thị xã và các đơn vị có tiếp nhận viện trợ thực hiện tốt chế độ quản lý tài chánh viện trợ của các tổ chức PCPNN.

- Bố trí kinh phí lập dự án ( thiết kế, dự toán) và vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách Nhà nước hằng năm như nêu tại khoản 2 điều 10 của quy chế này.

- Tham gia công tác kiểm tra, theo dõi, tiếp nhận, quản lý và thực hiện các khoản viện trợ của các tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh.

- Tham gia với Sở Kế Hoạch & Đầu Tư, VP. UBND tỉnh, Liên Hiệp CTC Hữu Nghị tỉnh, Ban Ngoại Vụ và các cơ quan liên quan thẩm định các chương trình, dự án do các tổ chức PCPNN tài trợ cho tỉnh.

- Tổng hợp quyết toán tài chánh viện trợ của các tổ chức PCPNN, phân tích đánh giá hiệu quả thực hiện các khoản viện trợ PCPNN để báo cáo UBND tỉnh.

- Đề xuất phương án quản lý việc tiếp nhận và phân phối các khoản viện trợ khẩn cấp trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Điều 12: Công an tỉnh có trách nhiệm:

Hướng dẫn và hỗ trợ việc thực hiện các qui định về bảo vệ an ninh kinh tế, chính trị cho các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức tiếp xúc và làm việc với các tổ chức PCPNN.

Điều 13: Ban Tôn Giáo tỉnh có trách nhiệm:

Hướng dẫn các cơ quan có quan hệ tiếp nhận viện trợ của các tổ chức PCPNN thuộc tôn giáo thực hiện đúng đường lối chính sách tôn giáo của Nhà nước vá đối sách trong quan hệ đối ngoại.

Điều 14: Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm:

1. Giúp thường trực UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc các Sở, Ban, Ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và UBND các Huyện, Thị xã trong việc thực hiện quy chế này.

2. Tham gia với Ban Ngoại Vụ, Sở Kế Hoạch & Đầu Tư thẩm định và đề xuất, kiến nghị về chính sách và cơ chế đối với các chương trình dự án thuộc thẩm quyền hoặc vượt quyền quyết định của UBND tỉnh do các tổ chức PCPNN tài trợ trước khi trrình UBND tỉnh.

Chương IV

THỰC HIỆN CÁC KHOẢN VIỆN TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC PCPNN.

Điều 15: Các đơn vị có nhu cầu tranh thủ nguồn viện trợ PCPNN hỗ trợ thêm nguồn lực phát triển cho đơn vị mình, có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

1. Chuẩn bị văn bản, cần nêu rõ nội dung chương trình dự án vận động viện trợ nhân đạo thuộc lĩnh vực hỗ trợ phát triển nông thôn, phúc lợi xã hội... hoặc viện trợ khẩn cấp thông qua cơ quan chức năng trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi đưa ra vận động viện trợ.

2. Cần phối hợp với các cơ quan liên quan tranh thủ sự hỡ trợ để chuẩn bị nội dung đàm phán, thỏa thuận, ký kết với các tổ chức PCPNN vừa phối hợp với mục tiêu và yêu cầu của tổ chức tài trợ vừa đúng với các quy định hiện hành của Chính Phủ về công tác quản lý trong quan hệ tiếp nhận, sử dụng tiền, hàng viện trợ và thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan cấp trên nêu tại khoản 6 điều 14 của quy chế kèm theo quyết định số 28/1999/QĐ.TTg ngày 23/02/1999 của Thủ Tướng Chính Phủ.

3. Báo cáo định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm, kết thúc dự án và đột xuất (nếu có) về tình hình tiếp nhận, thực hiện, sử dụng ( bao gồm tài chánh, hàng hóa) viện trợ của các tổ chức PCPNN của đơn vị mình gởi đến cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp tổng hợp báo cáo các ngành chức năng nêu ở khoản 2 điều 16 của quy chế này.

Điều 16: Chế độ báo cáo thực hiện các chương trình dự án viện trợ của các tổ chức PCPNN được tiến hành định kỳ 3 tháng (1 quý), hằng năm và sau khi kết thúc dự án:

1. Các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND các Huyện, Thị xã có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các chưong trình, dự án, báo cáo tài chánh và các khoản viện trợ PCPNN tại Sở,Ban,Ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương mình.

2. Chậm nhất 2 tuần sau khi hết tháng cuối mỗi quý (tháng 3, 6, 9,12), một tháng sau khi hết năm thực hiện và 3 tháng sau khi kết thúc thực hiện các chương trình dự án viện trợ PCPNN. Các báo cáo gởi đến Sở Kế Hoạch & Đầu Tư, Sở Tài Chánh, Liên hiệp CTC hữu nghị tỉnh, Ban Ngoại Vụ theo dõi và tổng hợp trình UBND tỉnh để báo cáo Thủ Tướng Chính Phủ.

3. Nội dung báo cáo:

Báo cáo thực hiện các chương trình dự án viện trợ PCPNN theo chế độ quy định, về nội dung báo cáo, tình hình hoạt động, tiến độ thực hiện, tình hình tiếp nhận tài chánh và hàng hoá viện trợ, hiệu quả sử dụng hoặc theo mẫu hướng dẫn của Sở Tài Chánh-Vật Giá.

Các khoản cứu trợ khẩn cấp và viện trợ phi dự án thực hiện theo yêu cầu và hướng dẫn của Sở Tài Chánh-Vật Giá tỉnh.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Để khuyến khích công tác vận động thu hút ngày càng nhiều nguồn tiền, hàng hóa viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức PCPNN góp phần cho nội lực phát triển, đồng thời để hạn chế tối đa những phần tử cố tình làm sai trái các quy định quản lý trong quan hệ vận động, tiếp nhận, sử dụng viện trợ PCPNN, UBND tỉnh khen thưởng và xử lý vi phạm, cụ thể như sau:

Điều 17: Khen thưởng

Các cá nhân hoặc tổ chức đoàn thể có công vận động được nguồn tiền, hàng viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức PCPNN về cho ngân sách địa phương bằng chính tài lực của mình sẽ được khen thưởng với các mức sau:

1/. Về khen: UBND tỉnh cấp bằng khen đối với các khoản vận động được có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.

2/. Về thưởng:

a/. Nguồn để chi thưởng: Nguồn tiền để chi thưởng được sử dụng theo chỉ tiêu sự nghiệp kinh tế khác của cấp ngân sách thụ hưởng dự án đầu tư, viện trợ không dự án (gồm tiền hàng) phục vụ cho mục đích nhân đạo (trừ cứu trợ khẩn cấp)

b/. Mức thưởng:

- Giá trị dưới 20.000 USD mức thưởng 5%.

- Từ 20.000 USD đến dưới 30.000 USD thưởng 4%.

- Từ 30.000 USD đến dưới 40.000 USD thưởng 3%.

- Từ 40.000 USD đến dưới 50.000 USD thưởng 2%.

- Từ 50.000 USD trở lên thưởng 1%.

Điều 18: Xử lý vi phạm

Các Sở, Ban, Ngành, các đoàn thể cấp tỉnh, UBND các Huyện, Thị xã trực thuộc tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các phòng chức năng theo dõi hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc tiếp nhận và sử dụng viện trợ PCPNN được nêu trong quy chế này đề nghị thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra và xử lý nghiêm theo mức độ vi phạm.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể, UBND các Huyện, Thị xã và đơn vị thực hiện chương trình dự án cần phản ánh kịp thời đến Ban Ngoại Vụ tỉnh để nghiên cứu trình UBND tỉnh giải quyết.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Trương Văn Sáu