• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/1999
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 14/1999/TT-BTM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 7 tháng 7 năm 1999

THÔNG TƯ

Hướng dẫn điều kiện kinh doanh xăng dầu

 

Thi hành Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/03/1999 của Chính phủ về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, Bộ Thương mại hướng dẫn các điều kiện kinh doanh xăng dầu trên thị trường Việt Nam, như sau:

 

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Xăng dầu quy định trong Thông tư này là sản phẩm lọc dầu, bao gồm các loại: xăng ôtô, xăng dung môi, xăng pha sơn, diesel, mazut, dầu hỏa, Jet A-1 và TC-1, sau đây gọi chung là xăng dầu.

2. Kinh doanh xăng dầu quy định trong Thông tư này gồm các hoạt động sau:

2.1. Bán buôn xăng dầu: bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xây dựng cố định trên đất liền hoặc sử dụng các phương tiện vận tải thủy chuyên dùng làm cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên sông, trên biển.

2.2. Dịch vụ giao nhận, bảo quản xăng dầu tại các kho, cảng xăng dầu chuyên dùng hoặc sử dụng các phương tiện vận tải thủy chuyên dùng làm kho nổi trên sông, trên biển.

2.3. Dịch vụ vận tải xăng dầu bằng các phương tiện vận tải chuyên dùng đường bộ, đường sông và đường biển.

3. Các điểm bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong Thông tư này được gọi chung là cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

4. Thương nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định tại Thông tư này.

5. Đối với việc bán lẻ xăng dầu tại các địa bàn miền núi cao, hải đảo Sở Thương mại căn cứ vào các quy định của Thông tư này hướng dẫn các điều kiện kinh doanh phù hợp với đặc điểm cụ thể của các địa bàn nói trên.

6. Cơ sở sản xuất, lực lượng vũ trang có nhu cầu dự trữ, tồn chứa xăng dầu, xây dựng cơ sở kho tàng, bể chứa xăng dầu, đầu tư phương tiện vận tải... không dùng vào mục đích kinh doanh xăng dầu trên thị trường mà để phục vụ trực tiếp sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

7. Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo quy định riêng.

8. Thương nhân làm đại lý mua bán xăng dầu, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Thông tư này còn phải thực hiện các quy định về đại lý mua bán hàng hóa tại Mục 6 Chương II Luật Thương mại ngày 10/5/1997.

II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XĂNG DẦU

Thương nhân kinh doanh bán buôn, bán lẻ xăng dầu; kinh doanh các dịch vụ kho, cảng, vận tải xăng dầu phải bảo đảm 5 điều kiện sau đây:

1. Điều kiện về chủ thể kinh doanh.

Phải là thương nhân được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ghi rõ kinh doanh mặt hàng xăng dầu.

Riêng đối với thương nhân kinh doanh bán buôn, kho, cảng thì chủ thể kinh doanh phải là doanh nghiệp.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị.

2.1. Yêu cầu về thiết kế.

a) Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên đất liền: yêu cầu về thiết kế phải theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4530:1998 (Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này).

b) Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các phương tiện trên sông, trên biển:

- Trường hợp cửa hàng xây dựng cố định trên đất liền để bán xăng dầu cho tàu, thuyền, ghe, xuồng... trên sông, trên biển: ngoài việc thiết kế cửa hàng phải thực hiện theo quy định tại điểm a trên đây, còn phải có thiết kế xây dựng cầu tàu cố định cho tàu, thuyền, ghe, xuồng... cặp vào để đảm bảo an toàn khi bơm rót xăng dầu.

- Trường hợp sử dụng phương tiện vận tải đường bộ (ôtô xi-téc) để bán xăng dầu cho tàu, thuyền, ghe, xuồng... trên sông, trên biển thì phải có bãi đỗ xe được thiết kế, xây dựng đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn về mặt bằng: có thiết kế, xây dựng cầu tàu cố định cho tàu, thuyền, ghe, xuồng... cặp vào để đảm bảo an toàn khi bơm rót xăng dầu.

- Trường hợp sử dụng phương tiện vận tải thủy chuyên dùng làm cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên sông, trên biển: phải được thiết kế trên các phương tiện được phép lưu hành, bảo đảm các quy định về phòng cháy chữa cháy, phòng chống tràn vãi xăng dầu và bảo vệ môi trường.

c) Việc thiết kế phải do một tổ chức có tư cách pháp nhân được phép hoạt động thiết kế theo quy định của Nhà nước.

2.2. Về địa điểm kinh doanh xăng dầu:

a) Cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên đất liền: phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng.

b) Cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kho nổi trên sông, trên biển:

- Cửa hàng, kho nổi cố định: phải được neo đậu tại các điểm theo quy định của địa phương và được cơ quan có thẩm quyền quản lý đường sông hoặc quản lý đường biển chấp thuận.

- Cửa hàng, kho nổi di động: khi neo đậu để bán hàng không làm ảnh hưởng đến luồng tuyến giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên sông, trên biển.

- Phải cách xa khu dân cư, khu vực tập trung tàu thuyền, bến đò, bến phà, cảng, khu vực nuôi trồng thủy hải sản ít nhất 100 mét.

c) Địa điểm xây dựng kho xăng dầu trên đất liền: phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

d) Địa điểm xây dựng cảng xăng dầu: phải phù hợp với quy hoạch địa phương được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường.

2.3. Về dụng cụ đo lường:

Phải có đủ phương tiện đo lường theo quy định, các phương tiện này phải được cơ quan quản lý Nhà nước về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc đơn vị được ủy quyền kiểm định, kẹp chì (niêm phong) và cho phép sử dụng.

2.4. Đối với các phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dùng (như ôtô xi-téc, tầu dầu đường sông, xà lan, tầu dầu đường biển...):

Phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền kiểm định cho phép sử dụng để vận tải xăng dầu.

3. Điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên:

3.1. Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu:

Cán bộ, nhân viên phải có kiến thức về xăng dầu, bảo vệ môi trường; được học tập huấn luyện về an toàn phòng chống cháy nổ, phòng độc và phải biết sử dụng thành thạo các phương tiện thiết bị phòng cháy chữa cháy được trang bị tại cửa hàng, do cơ quan phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố kiểm tra cấp Giấy chứng nhận.

3.2. Đối với kho, cảng xăng dầu:

a) Người phụ trách kho và các cơ sở giao nhận xăng dầu phải có trình độ trung cấp quản lý kinh tế hoặc tương đương trở lên, có kiến thức về xăng dầu, được học tập, huấn luyện về phòng cháy chữa cháy, an toàn về môi trường và an toàn lao động.

b) Công nhân vận hành thiết bị công nghệ kho bể, đường ống, giao nhận phải qua trường lớp của Nhà nước đào tạo về kỹ thuật xăng dầu và phòng cháy chữa cháy.

c) Nhân viên làm việc tại kho xăng dầu phải có kiến thức về xăng dầu, được học tập, huấn luyện về phòng cháy chữa cháy, phòng độc được cơ quan PCCC cấp tỉnh kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận.

3.3. Đối với phương tiện vận tải xăng dầu:

Nhân viên điều khiển các phương tiện vận tải xăng dầu phải có kiến thức về an toàn phòng chống cháy nổ đối với mặt hàng xăng dầu; tuân thủ các quy định trong việc giao nhận, bơm rót và vận chuyển xăng dầu do cơ quan PCCC cấp tỉnh quy định.

4. Điều kiện về sức khỏe cán bộ, nhân viên:

Cán bộ, nhân viên làm việc tại cửa hàng, kho, cảng, phương tiện vận tải xăng dầu phải đảm bảo có đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc được giao, có giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế quận, huyện hoặc cấp tương đương trở lên kiểm tra và xác nhận đủ sức khỏe để làm việc. Định kỳ hàng năm thương nhân phải tổ chức khám sức khỏe cho cán bộ nhân viên.

5. Điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ:

5.1. Về bảo vệ môi trường.

a) Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải chấp hành các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường, cụ thể:

- Các cửa hàng trên đất liền phải có hệ thống tiêu thoát nước thải theo quy định.

- Các cửa hàng trên sông, trên biển trong quá trình hoạt động kinh doanh không để xăng dầu rơi rớt trên sông, trên biển, phải có dụng cụ chứa đựng nước thải (nước dầm Balat, nước trong la canh...); việc tiêu thoát nước thải phải đúng nơi quy định không làm ô nhiễm môi trường và cảnh quan xung quanh.

- Có báo cáo tác động môi trường do Sở Khoa học Công nghệ - Môi trường kiểm tra, xác nhận.

b) Kho, cảng xăng dầu:

- Phải có trang thiết bị thích hợp ứng cứu sự cố dầu tràn. Cảng có trọng tải 1.000 tấn trở lên phải trang bị phao quây, thiết bị hút dầu tràn, giấy thấm dầu, chất phân tán và phải có phương án phòng cháy chữa cháy, ứng cứu sự cố dầu tràn do Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường phê duyệt, cấp Giấy chứng nhận.

- Phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường:

+ Đối với kho có dung tích trên 3.000 m3 báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường phê duyệt.

+ Đối với kho có dung tích nhỏ hơn hoặc bằng 3.000 m3 báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường phê duyệt.

5.2. Về phòng cháy chữa cháy:

a) Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất từng loại hình cửa hàng theo quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này; các phương tiện thiết bị đó phải luôn ở trạng thái hoạt động tốt; phải có phương án phòng cháy chữa cháy được cơ quan phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) kiểm tra, phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận.

b) Kho, cảng và phương tiện vận tải xăng dầu (kể cả việc xuất xăng dầu từ tàu, xà lan sang tàu, xà lan):

Được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng chống cháy nổ, chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất của công trình và phương tiện vận tải theo quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này, được cơ quan PCCC cấp tỉnh kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận.

c) Có phương án phòng chống cháy nổ, có nội quy về an toàn phòng cháy chữa cháy được cơ quan PCCC cấp tỉnh kiểm tra, phê duyệt.

III. THỦ TỤC, TRÌNH TỰ VÀ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XĂNG DẦU

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu gồm:

1.1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo mẫu đính kèm Thông tư này.

1.2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có đăng ký kinh doanh mặt hàng xăng dầu.

1.3. Văn bản về địa điểm xây dựng công trình xăng dầu theo từng trường hợp sau đây:

- Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu xây dựng trên đất liền: phải có Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh cấp.

- Đối với kho xăng dầu xây dựng trên đất liền: phải có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

- Đối với cảng xăng dầu: phải có các văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, của Bộ Giao thông vận tải và của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường.

1.4. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận an toàn về phòng chống cháy nổ do cơ quan PCCC cấp tỉnh cấp.

1.5. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường do Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường cấp.

2. Thẩm quyền, trình tự và thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu:

2.1. Sở Thương mại là cơ quan quản lý Nhà nước được thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, có trách nhiệm:

a) Niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ về nội dung các điều kiện kinh doanh xăng dầu, hồ sơ, trình tự, thời hạn cấp, mức lệ phí (theo quy định của Bộ Tài chính) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

b) Kiểm tra tính hợp lệ, tiếp nhận hồ sơ của thương nhân.

c) Kiểm tra thực tế các điều kiện kinh doanh theo quy định và lập biên bản tại chỗ để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Cán bộ được giao nhiệm vụ đi kiểm tra chịu trách nhiệm về những nội dung đã ghi tại biên bản.

d) Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho những cửa hàng, kho, phương tiện vận tải kinh doanh xăng dầu đã đảm bảo các điều kiện kinh doanh quy định tại Thông tư này.

đ) Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

e) Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu tối đa 15 ngày tính từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ của thương nhân.

2.2. Khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, thương nhân phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

2.3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo mẫu quy định tại Thông tư này và cấp cho từng cửa hàng bán lẻ xăng dầu, từng kho, cảng và từng phương tiện kinh doanh vận tải xăng dầu.

3. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu:

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thời hạn hiệu lực là 3 năm kể từ ngày ký.

IV. NHỮNG QUY ĐỊNH PHẢI THỰC HIỆN TRONG QUÁ TRÌNH KINH DOANH XĂNG DẦU.

Trong quá trình kinh doanh xăng dầu thương nhân phải chấp hành những quy định sau đây:

1. Niêm yết công khai tại các cơ sở kinh doanh: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; Giấy chứng nhận kiểm định các phương tiện, thiết bị đo lường; Nội quy về phòng cháy chữa cháy của cơ quan PCCC cấp tỉnh phê duyệt.

2. Thường xuyên thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh quy định của Thông tư này.

3. Phải bảo quản, sử dụng phương tiện đo lường theo đúng quy trình kỹ thuật quy định và chịu trách nhiệm về tính nguyên vẹn của niêm phong.

4. Nghiêm cấm sử dụng phương tiện đo lường chưa qua kiểm định, hết thời hạn được phép sử dụng hoặc hư hỏng. Khi phát hiện các phương tiện đo lường bị hư hỏng thương nhân phải ngừng ngay việc sử dụng và báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để sửa chữa và kiểm định lại.

5. Nghiêm cấm việc xuất, nhập xăng dầu trực tiếp từ tàu, xà lan sang ôtô.

6. Đối với thương nhân thuê mướn phương tiện vận tải, cơ sở vật chất trang thiết bị để kinh doanh bán buôn xăng dầu:

6.1. Phải là doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ghi rõ kinh doanh mặt hàng xăng dầu.

6.2. Khi thuê mướn các phương tiện vận tải, cơ sở vật chất trang thiết bị... để phục vụ cho hoạt động bán buôn phải là những phương tiện vận tải, cơ sở vật chất trang thiết bị đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu quy định tại Thông tư này.

6.3. Trong quá trình hoạt động kinh doanh phải chấp hành đầy đủ các điều kiện, quy định hiện hành của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu.

V. KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và cơ quan PCCC tiến hành kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần (trừ trường hợp kiểm tra đột xuất) đối với tất cả các cơ sở, phương tiện kinh doanh xăng dầu về: bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, các dụng cụ đo lường, chất lượng xăng dầu và việc chấp hành các quy định tại Thông tư này.

2. Thương nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này tùy theo mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức Nhà nước có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định tại Thông tư này tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 1999 và thay thế Thông tư số 11/TM-KD ngày 22/6/1996 của Bộ Thương mại.

2. Tổ chức thực hiện.

2.1. Kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1999 các cửa hàng bán lẻ xăng dầu (kể cả các cửa hàng bán xăng dầu trên sông, trên biển), kho, cảng và phương tiện vận tải xăng dầu của thương nhân phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Thông tư này mới được phép hoạt động kinh doanh.

2.2. Trường hợp thương nhân đang kinh doanh xăng dầu trước thời điểm ban hành Thông tư này thì thực hiện như sau:

a) Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kho, cảng, phương tiện vận tải xăng dầu của thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Thông tư số 11/TM-KD ngày 22/6/1996 của Bộ Thương mại, nếu đủ các điều kiện quy định tại Thông tư này thì chỉ cần có công văn đề nghị Sở Thương mại đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo mẫu quy định tại Thông tư này.

Trường hợp chưa đảm bảo đủ các điều kiện kinh doanh quy định tại Thông tư này thì thương nhân phải bổ sung, hoàn thiện các điều kiện và lập hồ sơ gửi Sở Thương mại đề nghị xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu mới.

b) Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; kho, cảng, phương tiện vận tải xăng dầu của thương nhân không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Thông tư số 11/TM-KD ngày 22/6/1996 là vi phạm pháp luật, Sở Thương mại có trách nhiệm xử lý vi phạm theo quy định.

Nếu muốn tiếp tục kinh doanh xăng dầu thì thương nhân phải lập hồ sơ để được Sở Thương mại xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định của Thông tư này.

3. Sở Thương mại có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này. Báo cáo tình hình tổ chức thực hiện theo quy định và phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc để Bộ Thương mại xem xét bổ sung, sửa đổi./. 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Danh Vĩnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.