QUYẾT ĐỊNH
V/v Thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long
_______________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Quyết định số 852/TTg ngày 28/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập một số tổ chức ở địa phương và công văn số: 09/TCCP-TC ngày 20/01/1996 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về việc triển khai thực hiện quyết định số 852/TTg;
- Xét đề nghị của ông: Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Nay thành lập Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, trên cơ sở sát nhập Sở Thủy lợi và Sở Nông nghiệp tỉnh.
Điều II: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.
a/ Chức năng:
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản về chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành các lĩnh vực nêu trên.
b/ Nhiệm vụ và quyền hạn:
- Xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về các lĩnh vực thuộc chức năng của Sở quản lý trình Ủy ban Nhân dân tỉnh và Trung ương phê duyệt theo thẩm quyền; đồng thời tổ chức thực hiện trên địa bàn tĩnh.
- Căn cứ quy định của Trung ương, và tình hình thực tế địa phương, tham mưu đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực thuộc chức năng của Sở; đồng thời tổ chức thực hiện các chủ trương biện pháp này.
- Thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc chức năng, theo quy định của Trung ương và theo sự ủy quyền và phân cấp của ủy ban Nhân dân tỉnh.
- Tổ chức công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào lĩnh vực chuyên ngành thuộc Sở phụ trách.
- Quản lý về tổ chức, công chức viên chức và tài sản của Sở theo pháp luật và phân cấp của ủy ban Nhân dân tỉnh; đồng thời tổ chức xây dựng và quy hoạch, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành ở địa phương.
- Tổ chức và quản lý các chương trình hợp tác Quốc tế trong các lĩnh vực thuộc chuyên ngành quản lý theo thẩm quyền.
- Tổ chức chỉ đạo công tác phân bổ lao động, dân cư, phát triển vùng kinh tế và định canh - định cư trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức thực hiện chương trình nước và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Lãnh chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với các Phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện, thị xã.
- Thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
- Làm nhiệm vụ thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh.
c/ Cơ cấu, tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
* Lãnh đạo Sở: có 1 Giám đốc và các Phó Giám đốc Sở.
+ Giám đốc sở: là người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh về toàn bộ hoạt động của Sở, do Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, sau khi có sự thỏa thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
+ Phó Giám đốc Sở: là người giúp việc cho Giám đốc Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về lĩnh vực, khối lượng công việc do Giám đốc Sở phân công, Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh bổ nhiệm và miễn nhiệm.
* Các phòng, ban chức năng quản lý Nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở:
- Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh xây dựng tổ chức bộ máy các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh; yêu cầu đảm bảo tinh gọn, bố trí cán bộ đúng tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn đã được qui định, hoạt động có hiệu quả.
+ Các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh huyện - thị xã
- Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Trưởng ban tổ chức Chính quyền tỉnh hướng dẫn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn các huyện - thị xã trên cơ sở có sự trao đổi thống nhất với ủy ban Nhân dân các huyện - thị xã.
Điều III: Các ông, (bà) Chánh Văn phòng ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban tổ chức Chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các Sở ban ngành tỉnh, Chủ tịch ủy ban Nhân dân các huyện - thị xã và ông Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.