• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/11/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/1995
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 366/HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 7 tháng 11 năm 1991

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định về chế độ thẩm định các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Nhằm quản lý tốt các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ thẩm định các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Điều 2.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Mọi quy định trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Điều 3.

Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ THẨM ĐỊNH CÁC DỰ ÁN CÓ VỐN ĐẦU TƯ

TRỰC TIẾP CỦA NƯỚC NGOÀI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 366-HĐBT ngày 7-11-1991

của Hội đồng Bộ trưởng.)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Chế độ thẩm định các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài quy định việc thẩm định các dự án đầu tư cho cả 3 hình thức: hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng, xí nghiệp hoặc công ty liên doanh (gọi chung là xí nghiệp liên doanh), xí nghiệp 100 % vốn nước ngoài.

Điều 2.

Nội dung thẩm định dự án bao gồm những điểm chủ yếu sau đây:

1. Tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của chủ đầu tư nước ngoài và Việt Nam.

2. Mức độ phù hợp của mục tiêu dự án với phương hướng phát triển kinh tế xã hội.

3. Tính hợp lý của phương án sản phẩm; sự thích hợp về kỹ thuật và công nghệ.

4. Mức độ phù hợp của thị trường tiêu thụ sản phẩm với chính sách của Nhà nước.

5. Các mức thuế và thời hạn miễn, giảm thuế. Tiền thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển.

6. Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; lợi ích của bên Việt nam và Nhà nước Việt nam.

7. Khả năng tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có trong nước để đáp ứng yêu cầu của dự án.

8. Tính hợp lý về địa điểm, tuyến công trình, diện tích chiếm mặt đất, mặt nước, mặt biển; việc áp dụng các quy trình quy phạm xây dựng.

9. Sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuỳ theo loại hình và tính chất của từng dự án mà cụ thể hoá nội dung thẩm định cho phù hợp.

Điều 3.

Những vấn đề chủ yếu mà các Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh; thành phố cần xem xét trước khi thông qua dự án để có kiến nghị cụ thể là:

1. Mức độ phù hợp của mục tiêu dự án với phương hướng phát triển của ngành và địa phương; sự cần thiết phải hợp tác đầu tư với nước ngoài.

2. Tư cách pháp nhân và năng lực tài chính, sản xuất kinh doanh của tổ chức kinh tế nước ngoài và tổ chức kinh tế Việt Nam.

3. Khả năng đáp ứng nhu cầu của dự án về lao động, nguyên liệu, điện, nước, vận tải...

4. Định giá tài sản của bên Việt Nam góp vào vốn của xí nghiệp liên doanh.

5. Sự phù hợp của địa điểm dự án đối với quy hoạch lãnh thổ của ngành và địa phương. Các kiến nghị mức tiền thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển.

 

CHƯƠNG II

PHÂN CẤP XÉT DUYỆT DỰ ÁN

Điều 4.

Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài, phân cấp xét duyệt như sau:

1. Dự án do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định:

  1. Các dự án không kể mức vốn đầu tư thuộc các ngành kinh tế - kỹ thuật sau đây:
 

Khai thác, chế biến các loại khoáng sản quý, hiếm.

Viễn thông, truyền thanh, truyền hình, xuất bản.

Vận tải viễn dương, hàng không, đường sắt, xây dựng cảng biển, sân bay, đường sắt và đường quốc lộ.

Sản xuất, lưu thông thuốc chữa bệnh, các chất độc, hại, chất nổ.

Kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng.

Có liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Chuyên doanh xuất nhập khẩu, du lịch quốc tế.

b) Dự án về công nghiệp nặng có mức vốn đầu tư trên 30 triệu USD.

c) Dự án về các ngành khác có mức vốn đầu tư trên 20 triệu USD.

d) Các dự án có diện tích chiếm đất lớn, có ảnh hưởng đến môi trường.

2. Việc phê duyệt các dự án do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định được phân thành 2 loại:

a) Những dự án cần thông qua Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm tra và trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định (dưới đây gọi là dự án nhóm A) gồm:

Những dự án quy định tại mục a, điểm 1 của điều này có quy mô đầu tư từ 20 triệu USD trở lên.

Những dự án quy định tại mục b, điểm 1 của điều này có quy mô từ 40 triệu USD trở lên.

Những dự án quy định tại mục c, điểm 1 của điều này có quy mô từ 30 triệu USD trở lên.

Những dự án quy định tại mục d.

b) Đối với những dự án còn lại (dưới đây gọi là dự án nhóm B), Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước phối hợp với các Bộ có liên quan xem xét và thẩm định trên cơ sở kiến nghị của Bộ, địa phương và trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

3. Đối với các dự án ngoài danh mục quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (dưới đây gọi là dự án nhóm C), Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư trao đổi ý kiến với các Bộ có liên quan, xem xét và quyết định việc cấp hoặc không cấp giấy phép.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THẨM ĐỊNH DỰ ÁN

I - Đối với dự án nhóm A.

Điều 5.

Sau khi nhận được hồ sơ dự án, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư đề nghị Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước họp Hội đồng để thẩm tra dự án.

Việc cấp hoặc không cấp giấy phép đầu tư được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Điều 6.

1. Thành phần của Hội đồng thẩm định Nhà nước bao gồm:

Chủ tịch Hội đồng: Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.

Thành viên thường trực của Hội đồng: Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng các Bộ: Tài chính, Thương mại và Du lịch, Xây dựng, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.

Các thành viên khác của Hội đồng: Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ngành kinh tế - kỹ thuật và các ngành hoặc địa phương có liên quan tới dự án.

2. Các bộ phận chức năng có liên quan của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm giúp hội đồng vạch chương trình làm việc, tổ chức các phiên họp, tổng hợp ý kiến thành văn bản để Chủ tịch Hội đồng thẩm định trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

3. Hội đồng thẩm định Nhà nước có thể mời các chuyên gia trong nước hoặc nước ngoài có trình độ và kinh nghiệm trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, kinh tế, luật pháp... để góp ý kiến cho Hội đồng.

Điều 7.

Chế độ làm việc của Hội đồng thẩm định Nhà nước quy định như sau:

Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cùng với các thành viên Hội đồng tiến hành thẩm định dự án theo nội dung quy định tại Điều 2.

Các thành viên Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định toàn diện dự án, nhưng trước hết những nội dung thuộc chức năng quản lý của ngành mà thành viên đó là đại diện.

Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng. Thành viên vắng mặt có thể gửi ý kiến bằng văn bản.

Điều 8.

Hội đồng thẩm định Nhà nước làm việc theo nguyên tắc đa số trong số thành viên có mặt trong phiên họp hội đồng. Trong trường hợp còn ý kiến quan trọng khác nhau, Chủ tịch Hội đồng thẩm định trình các loại ý kiến lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét và quyết định.

Điều 9.

Thời gian thẩm định dự án:

Trong 25 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước thông báo bằng văn bản cho Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư ý kiến chất vấn, gợi ý đối với chủ đầu tư, để yêu cầu các chủ đầu tư giải trình hoặc sửa đổi, bổ sung những điểm cần thiết trong hồ sơ dự án. ý kiến đánh giá dự án của các thành viên Hội đồng cần gửi đến chậm nhất trước 40 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án.

Chậm nhất là 2 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án, hội đồng thẩm định Nhà nước phải hoàn thành toàn bộ công tác thẩm định để trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét các kiến nghị của Hội đồng thẩm định Nhà nước và có quyết định chính thức trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Căn cứ vào quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư soạn thảo văn bản trả lời cho các chủ đầu tư.

II - Đối với dự án nhóm B.

Điều 10.

Việc cấp hoặc không cấp giấy phép cho các dự án nhóm B được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở kiến nghị của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Điều 11.

Thời gian thẩm định dự án:

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ dự án, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư gửi hồ sơ dự án đến Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Du lịch, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật và những Bộ khác có liên quan.

Trong vòng 25 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ dự án, các cơ quan nói trên thông báo bằng văn bản cho Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư ý kiến chất vấn và gợi ý chủ đầu tư và trong vòng 40 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, gửi ý kiến đánh giá của mình về nội dung dự án, trước hết về những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình.

Chậm nhất trong thời hạn 50 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ dự án, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước trình kiến nghị lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định chính thức trong vòng 15 ngày, kể từ khi nhận được văn bản tờ trình của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Sau khi có quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư soạn thảo văn bản trả lời cho các chủ đầu tư.

III - Đối với dự án nhóm C.

Điều 12.

Việc xem xét cấp giấy phép cho các dự án nhóm C thuộc quyền quyết định của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.

Điều 13.

Khi xem xét dự án thuộc nhóm này, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cần lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan: Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ Thương mại và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ quản lý ngành. Việc góp ý kiến được thực hiện trong thời gian 40 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ dự án; quá thời hạn đó mà các ngành không có văn bản góp ý kiến thì coi như không có ý kiến về dự án của chủ đầu tư. Nếu có những ý kiến khác nhau quan trọng, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cần xin ý kiến Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 14.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 15.

Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để thi hành Quy định này./.

 

 

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.