• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/02/2015
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP
Số: 66/2007/TTLT-BTC-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp

luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng

__________________

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật luật sư;

Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26/2/2007 của Chính phủ như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Luật sư khi được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu tham gia tố tụng trong vụ án được thanh toán tiền thù lao và các khoản chi phí theo quy định của Luật luật sư, Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26/2/2007 của Chính phủ và quy định tại Thông tư này. Thời gian để thực hiện chế độ thù lao cho luật sư được tính từ ngày Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26/2/2007 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.

2. Ngoài khoản thù lao và chi phí do cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán, luật sư không được nhận thêm bất cứ khoản tiền nào từ bị can, bị cáo hoặc thân nhân của họ.

3. Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thanh toán cho luật sư được yêu cầu tham gia tố tụng tiền thù lao và các khoản chi phí đúng quy định, thực hiện báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng với cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định của pháp luật.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Mức thù lao chi trả cho luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 120.000 đồng/1 ngày làm việc của luật sư. Ngày làm việc của luật sư được tính thành 2 buổi. Trường hợp chỉ làm việc một buổi thì mức thù lao cho mỗi buổi làm việc của luật sư là 60.000 đồng/1 buổi.

2. Thời gian làm việc của luật sư được tính bao gồm:

a) Thời gian gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo: Được xác định theo lịch cho phép gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo tại trại giam của cơ quan tiến hành tố tụng.

b) Thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa: Được xác định căn cứ theo văn bản thoả thuận về số ngày thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa giữa cơ quan tiến hành tố tụng với luật sư tuỳ theo tính chất phức tạp của từng vụ án.

c) Thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng: Được xác định theo bảng chấm công có xác nhận của nơi luật sư đến nghiên cứu hồ sơ.

d) Thời gian tham gia phiên tòa: Được xác định theo thời gian diễn ra phiên toà xét xử; trong trường hợp phiên toà hoãn xử không phải do yêu cầu của luật sư và luật sư không được báo trước, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thanh toán tiền thù lao cho luật sư bằng một buổi làm việc của luật sư.

đ) Thời gian hợp lý khác theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện việc tham gia tố tụng.

Thời gian làm việc của luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án xác nhận trên cơ sở tổng hợp thời gian làm việc tại điểm a, b, c, d, đ mục này, làm căn cứ chi trả thù lao cho luật sư.

3. Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên toà, luật sư được thanh toán chi phí tiền tàu, xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.

Thời gian đi công tác của luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng xác nhận.

4. Nguồn kinh phí, thủ tục chi trả:

a) Nguồn kinh phí: Kinh phí để chi trả thù lao và các khoản chi phí cho luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Riêng kinh phí chi trả cho luật sư trong năm 2007 do các cơ quan tiến hành tố tụng sắp xếp trong dự toán được giao để thực hiện.

b) Thủ tục chi trả: Cơ quan tố tụng nào yêu cầu luật sư bào chữa thì lập dự toán và trực tiếp chi trả cho luật sư, cụ thể: Cơ quan điều tra yêu cầu cử luật sư tham gia vụ án ở giai đoạn điều tra, thì cơ quan điều tra có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư trong giai đoạn điều tra; Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư ở giai đoạn truy tố; Toà án nhân dân có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư ở giai đoạn xét xử.

5. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí:

Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả cho luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 108/2002/TTLT-BTC-BTP ngày 06/12/2002 của Liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tư pháp
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Hoàng Thế Liên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.