• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2022
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 42/2021/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 31 tháng 12 năm 2021

Thông tư

Quy định về công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông,
chống va trôi và hạn chế giao thông đường thủy nội địa

______________

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi và hạn chế giao thông đường thủy nội địa.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi và hạn chế giao thông đường thủy nội địa.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi và hạn chế giao thông đường thủy nội địa.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông là việc tổ chức cảnh báo, hướng dẫn phương tiện thủy đi lại, neo đậu trong các tình huống bất lợi nhằm bảo đảm an toàn và hạn chế ùn tắc giao thông đường thủy nội địa.

2. Chống va trôi là việc tổ chức thường trực về phương tiện, thiết bị, nhân lực để thực hiện các biện pháp tổ chức bảo đảm giao thông, hỗ trợ nhằm ngăn ngừa sự cố đâm va vào các công trình và đâm va giữa các phương tiện.

3. Luồng chạy tàu thuyền hạn chế là luồng hoặc đoạn luồng có kích thước về chiều rộng hoặc chiều sâu hoặc bán kính cong hoặc chiều cao tĩnh không hoặc khẩu độ khoang thông thuyền công trình vượt sông nhỏ hơn kích thước cấp kỹ thuật đường thủy nội địa theo phân cấp.

4. Hạn chế giao thông đường thủy nội địa là việc tổ chức giao thông tại khu vực không đảm bảo điều kiện khai thác theo cấp kỹ thuật đường thủy đã công bố, tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên đường thủy nội địa.

5. Lưu lượng vận tải trung bình là số lượt phương tiện vận tải (tàu, thuyền, sà lan chở hàng hóa) có tải trọng trên 10 tấn lưu thông qua khu vực trong 24 giờ (ngày đêm), tính trung bình trong 02 năm thống kê gần nhất.

Điều 3. Các trường hợp điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông

1. Tại các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông ở khu vực luồng chạy tàu thuyền hạn chế. Vị trí và tiêu chí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy nội địa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. 

2. Khi thi công các công trình qua sông, xây dựng, sửa chữa công trình, khai thác tài nguyên, trục vớt, nạo vét, thanh thải vật chướng ngại, lên đà, hạ thủy trên luồng, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy.

3. Khi xuất hiện tình huống đột xuất có một trong các yếu tố bất lợi gây ảnh hưởng tới an toàn của công trình đường thủy và các hoạt động giao thông đường thủy, bao gồm:

a) Xảy ra sự cố tai nạn giao thông đường thủy tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc giao thông;

b) Có vật chướng ngại trên luồng, điểm cạn gây ra cản trở giao thông;

c) Trong các trường hợp phòng, chống thiên tai (khan cạn, bão lũ), cứu nạn, cứu hộ; hoạt động diễn tập, thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí, thực tập đào tạo nghề, họp chợ, làng nghề, hoạt động bảo đảm quốc phòng an ninh.

4. Theo đề nghị, chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 4. Các trường hợp chống va trôi

Triển khai thực hiện công tác thường trực chống va trôi khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Trong mùa lũ, thời gian mùa lũ áp dụng theo quy định tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.

2. Tại các vị trí cầu, cụm cầu cũ, yếu không có trụ chống va hoặc có trụ chống va nhưng không đáp ứng với yêu cầu thực tế và có một trong các yếu tố sau:

a) Chiều rộng khoang thông thuyền hoặc chiều cao tĩnh không hoặc bán kính cong luồng nhỏ hơn quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa theo phân cấp;

b) Trong khu vực có dòng chảy không ổn định với lưu tốc dòng chảy mặt ≥ 5 mét/giây;

c) Trong khu vực có dòng chảy xiên, xoáy vào trụ cầu.

Điều 5. Các biện pháp tổ chức công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông

1. Bằng báo hiệu đường thủy nội địa: áp dụng trong tất cả các trường hợp quy định tại Điều 3 Thông tư này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

2. Bằng 01 trạm điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa, áp dụng trên các tuyến đường thủy nội địa có lưu lượng vận tải trung bình trên 150 lượt phương tiện/ngày đêm, trong trường hợp:

a) Luồng chạy tàu thuyền hạn chế có chiều rộng luồng còn lại ≥ 1/2 chiều rộng luồng theo quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa được phân cấp hiện tại và chiều dài trên 200 mét đến dưới 500 mét;

b) Luồng chạy tàu thuyền hạn chế có chiều rộng luồng còn lại < 1/2 chiều rộng luồng theo quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa được phân cấp hiện tại và chiều dài từ 200 mét trở xuống.

3. Bằng 02 trạm điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông tại thượng lưu và hạ lưu kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa, áp dụng trên các tuyến đường thủy nội địa có lưu lượng vận tải trung bình trên 150 lượt phương tiện/ngày đêm, trong trường hợp:

a) Luồng chạy tàu thuyền hạn chế có chiều rộng luồng còn lại ≥ 1/2 chiều rộng luồng theo quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa được phân cấp hiện tại và chiều dài từ 500 mét trở lên;

b) Luồng chạy tàu thuyền hạn chế có chiều rộng luồng còn lại < 1/2 chiều rộng luồng theo quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa được phân cấp hiện tại và chiều dài trên 200 mét;

c) Đối với công trình vượt đường thủy nội địa có tĩnh không thông thuyền còn lại ≤ 1/2 tĩnh không thông thuyền theo quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa được phân cấp hiện tại.

4. Bằng 02 trạm điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông tại thượng lưu và hạ lưu kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa, áp dụng trong trường hợp:

a) Thi công công trình nằm trong phạm vi luồng chạy tàu có thời gian thi công trên 05 ngày;

b) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Thông tư này mà có thời gian kéo dài trên 05 ngày.

5. Bằng 03 trạm điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông (tại thượng lưu, hạ lưu và tại vị trí trung tâm) kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa: áp dụng trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều này, trên các tuyến đường thủy nội địa có lưu lượng vận tải trung bình trên 150 lượt phương tiện/ngày đêm và có tĩnh không thông thuyền ≤ 1/2 tĩnh không thông thuyền theo quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa được phân cấp hiện tại.

Điều 6. Các biện pháp tổ chức công tác chống va trôi

1. Bằng 01 trạm thường trực chống va trôi tại thượng lưu kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa đối với các vị trí cầu vượt sông đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Bằng 02 trạm thường trực chống va trôi kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa tại các vị trí cụm cầu vượt sông đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư này.

 

Chương II

NỘI DUNG VÀ YÊU CẦU KỸ THUẬT CỦA CÔNG TÁC ĐIỀU TIẾT KHỐNG CHẾ BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ CHỐNG VA TRÔI

Điều 7. Nội dung công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông

1. Điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông bằng báo hiệu đường thủy nội địa

a) Triển khai lắp đặt hệ thống báo hiệu theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt để hướng dẫn phương tiện thủy đi lại bảo đảm an toàn.

b) Quản lý, bảo trì hệ thống báo hiệu điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông theo quy định.

c) Phương tiện đi lại qua khu vực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông phải thực hiện theo chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa được lắp đặt tại khu vực này.

2. Điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông bằng trạm điều tiết khống chế kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa:

a) Triển khai phương tiện, thiết bị, nhân lực và hệ thống báo hiệu theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Quản lý, bảo trì hệ thống báo hiệu điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông theo quy định;

c) Hướng dẫn phương tiện thủy đi, dừng, neo đậu theo đúng quy chế đi lại qua khu vực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông đã công bố;

d) Khống chế, ngăn chặn và xử lý các trường hợp phương tiện giao thông vi phạm quy chế, gây mất trật tự an toàn giao thông trên khu vực điều tiết;

đ) Cứu nạn những trường hợp sự cố, tai nạn và những tình huống rủi ro khác có nguy cơ gây mất an toàn xảy ra trên khu vực điều tiết;

e) Lập quy chế đi lại cho các phương tiện thủy qua khu vực điều tiết trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cùng với biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Nội dung quy chế đi lại bao gồm: điều kiện an toàn của phương tiện, thiết bị; chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện; đội hình phương tiện, kích thước phương tiện; chiều lưu thông của phương tiện; thời gian phương tiện qua lại; các lưu ý khác (nếu có);

g) Ghi chép sổ nghiệp vụ, nhật ký và báo cáo theo quy định gồm:

Sổ phân ca điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

Nhật ký công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

Sổ nhật ký phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

Sổ ghi mực nước theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Sổ theo dõi lưu lượng vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Các yêu cầu kỹ thuật của công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông

1. Quy định chung về báo hiệu:

a) Các báo hiệu được sử dụng gồm:

Báo hiệu thông báo chỉ dẫn (gồm báo hiệu chú ý nguy hiểm bất ngờ, báo hiệu cấm vượt, báo hiệu chiều cao tĩnh không bị hạn chế, báo hiệu chiều sâu bị hạn chế, báo hiệu chiều rộng bị hạn chế, báo hiệu quy định lai dắt, báo hiệu cấm đỗ, báo hiệu cấm quay trở, và báo hiệu phụ) bố trí trên cột đặt trên bờ tại vị trí đặt trạm thượng lưu hoặc hạ lưu;

Báo hiệu được phép đậu đỗ bố trí trên bờ tại điểm giữa vùng nước dành cho phương tiện đậu đỗ chờ mở luồng (nếu không bố trí được báo hiệu trên bờ thì dùng phao giới hạn vùng nước để bố trí);

Báo hiệu điều khiển sự đi lại và đèn tín hiệu được bố trí trên cột đặt tại trạm thượng và hạ lưu. Nếu không có trạm điều tiết thì bố trí chung tại khu vực bố trí báo hiệu thông báo;

Phao báo hiệu được bố trí trên luồng để giới hạn vùng nước hoặc luồng tàu chạy.

b) Thứ tự lắp đặt báo hiệu thông báo chỉ dẫn như sau: báo hiệu chú ý nguy hiểm bất ngờ, báo hiệu quy định lai dắt, báo hiệu cấm đỗ, báo hiệu cấm vượt, báo hiệu chiều cao tĩnh không bị hạn chế, báo hiệu chiều sâu bị hạn chế, báo hiệu chiều rộng bị hạn chế; báo hiệu đầu tiên cách vị trí điều tiết bảo đảm an toàn giao thông ít nhất 500 mét về thượng và hạ lưu.

c) Khoảng cách giữa các cột mang báo hiệu thông báo chỉ dẫn tối thiểu là 05mét.

d) Trên tuyến vận tải hoạt động 24/24 giờ, các báo hiệu phải có đèn tín hiệu theo quy định.

đ) Báo hiệu được thiết lập phải tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa.

2. Điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông bằng báo hiệu đường thủy nội địa:

a) Hệ thống báo hiệu phải được lắp đặt tại nơi có tầm nhìn bao quát, không bị che khuất và đặt tại các vị trí quy định như sau: tại thượng lưu đặt cách khu vực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông không quá 800 mét; tại hạ lưu đặt cách khu vực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông không quá 500 mét; tại trung tâm, đặt cách khu vực thi công công trình về phía thượng lưu không quá 200 mét;

b) Báo hiệu trên bờ: tại mỗi vị trí điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông bố trí 02 cụm báo hiệu tại thượng và hạ lưu công trình bao gồm: 01 bộ báo hiệu cấm đỗ; 01 bộ báo hiệu chú ý nguy hiểm; 01 bộ báo hiệu cấm vượt; 01 bộ báo hiệu cấm tàu thuyền quay trở; 01 bộ báo hiệu quy định lai dắt (bao gồm một hoặc các loại báo hiệu: báo hiệu thông báo đoàn lai dắt bị hạn chế; báo hiệu thông báo chiều rộng đoàn lai dắt bị hạn chế; báo hiệu thông báo chiều dài đoàn lai dắt bị hạn chế); 01 bộ báo hiệu báo chiều cao tĩnh không bị hạn chế; 01 bộ báo hiệu báo chiều sâu luồng bị hạn chế; 01 bộ báo hiệu báo chiều rộng luồng bị hạn chế;

c) Báo hiệu dưới nước: bố trí về phía thượng, hạ lưu mỗi phía tối thiểu 02 cặp phao dẫn luồng; đối với khu vực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông hoàn toàn trong phạm vi luồng thì phải bố trí tối thiểu 04 phao giới hạn luồng tàu chạy; đối với khu vực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông trong phạm vi một bên luồng phải bố trí tối thiểu 02 phao giới hạn vùng nước hoặc 02 phao giới hạn luồng tàu chạy.

3. Điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông bằng trạm điều tiết khống chế kết hợp báo hiệu đường thủy nội địa:

a) Trạm điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông phải thuận tiện khi điều hành, dễ bao quát, không bị che khuất, tầm nhìn thuận lợi cho công tác cảnh giới và đặt tại các vị trí quy định như sau: trạm điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông phía thượng lưu đặt cách khu vực điều tiết không quá 800 mét; trạm điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông phía hạ lưu đặt cách khu vực điều tiết không quá 500 mét; trạm trung tâm điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông đặt cách khu vực thi công công trình về phía thượng lưu không quá 200 mét;

b) Báo hiệu trên bờ: bố trí theo quy định tại khoản 2 Điều này và bổ sung 01 bộ báo hiệu điều khiển sự đi lại;

c) Báo hiệu dưới nước: nếu khu vực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông hoàn toàn trong phạm vi luồng thì phải bố trí tối thiểu 04 phao giới hạn luồng tàu chạy; nếu khu vực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông trong phạm vi một bên luồng phải bố trí tối thiểu 02 phao giới hạn vùng nước hoặc 02 phao giới hạn luồng tàu chạy.

4. Việc bố trí các báo hiệu quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này cần căn cứ vào điều kiện thực tế để điều chỉnh cho phù hợp, không trùng lặp với các báo hiệu đã có trong khu vực.

5. Phương tiện, nhân lực tại trạm điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông:

a) Mỗi trạm bố trí tối thiểu một tàu có công suất từ 33 CV đến 90 CV và tối thiểu một xuồng cao tốc (ca nô cao tốc) có công suất từ 25 CV đến 90 CV (tùy theo khu vực điều tiết để bố trí phương tiện cho phù hợp). Trường hợp khu vực cửa sông ra biển, tuyến luồng từ bờ ra đảo, tuyến luồng nối các đảo, tuyến luồng quy định cấp kỹ thuật đặc biệt có thể bố trí phương tiện có công suất lớn hơn nhưng không quá 150 CV đối với tàu và 200 CV đối với xuồng cao tốc;

b) Định biên thuyền viên trên phương tiện được bố trí theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Nhân lực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông được bố trí tối thiểu như sau: chỉ huy điều tiết (nhân công bậc 4 trở lên hoặc nhân công có bằng cao đẳng công trình thủy, thủy lợi, giao thông trở lên) bố trí 01 người/ca; nhân viên trực tại mỗi trạm (nhân công bậc 3 trở lên hoặc có chứng chỉ nghiệp vụ quản lý đường thủy hoặc nhân công có bằng trung cấp công trình thủy, thủy lợi, giao thông trở lên) bố trí 02 người/ca; lực lượng phối hợp tại mỗi trạm (khi cần thiết) bố trí 01 người/ca;

c) Quy định về số giờ nổ máy của các phương tiện để thực hiện điều tiết tại hiện trường:

Đối với tuyến vận tải chính có phân cấp kỹ thuật cấp đặc biệt, cấp I và cấp II, số giờ nổ máy của phương tiện là 2,0 giờ/ngày;

Đối với tuyến vận tải chính có phân cấp kỹ thuật cấp III và cấp IV, số giờ nổ máy của phương tiện là 1,5 giờ/ngày;

Tuyến đường thủy không thuộc các trường hợp trên, số giờ nổ máy của phương tiện là 1,0 giờ/ngày.

d) Các dụng cụ, thiết bị khác tối thiểu cho 01 trạm bao gồm: 01 bảng hiệu (ghi tên trạm, tên công trình, đơn vị thực hiện, điện thoại liên lạc…); 01 bộ loa nén; 01 cờ hiệu; 01 tủ thuốc cứu sinh; 01 bộ đàm (điện thoại); 02 đèn pin; 01 thước đọc mực nước; 01 ống nhòm và dụng cụ cứu sinh theo quy định. Các dụng cụ, trang thiết bị này phải còn hoạt động.

Điều 9. Nội dung công tác chống va trôi

1. Triển khai phương tiện, thiết bị, nhân lực thường trực chống va trôi, cứu nạn theo phương án được duyệt.

2. Thực hiện các nội dung quy định tại điểm c, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 7 của Thông tư này; tổ chức hỗ trợ phương tiện đi qua khu vực nếu có nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố; tổ chức cứu nạn hoặc phối hợp với các lực lượng khác cứu nạn khi có sự cố, tai nạn xảy ra.

3. Thông báo đến các cơ quan, tổ chức liên quan, các phương tiện giao thông qua lại biết địa điểm thường trực, hình thức, địa chỉ liên lạc và chức năng nhiệm vụ của trạm thường trực chống va trôi, cứu nạn.

4. Ghi chép sổ nghiệp vụ, nhật ký và báo cáo theo quy định gồm:

a) Sổ phân ca thường trực chống va trôi theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nhật ký công tác thường trực chống va trôi theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Sổ nhật ký phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Sổ ghi mực nước theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Sổ theo dõi lưu lượng vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Biên bản xác nhận hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn phương tiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Các yêu cầu kỹ thuật của công tác chống va trôi

1. Trạm thường trực chống va trôi

Trạm thường trực chống va trôi được đặt ở thượng lưu khu vực công trình không quá 300 mét.

2. Báo hiệu thường trực chống va trôi

Việc bố trí báo hiệu thường trực chống va trôi theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 8 của Thông tư này.

3. Phương tiện, nhân lực tại các trạm thường trực chống va trôi

a) Mỗi trạm thường trực bố trí tối thiểu một tàu có công suất từ 150 CV đến 250 CV và tối thiểu một xuồng cao tốc (ca nô cao tốc) có công suất từ 40 CV đến 90 CV (tùy theo khu vực chống va trôi để bố trí phương tiện cho phù hợp). Trường hợp khu vực cửa sông ra biển, tuyến luồng nối các đảo, tuyến luồng quy định cấp kỹ thuật đặc biệt có thể bố trí phương tiện có công suất lớn hơn nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định;

b) Định biên thuyền viên trên phương tiện được bố trí theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Nhân lực thường trực chống va trôi, hỗ trợ, cứu nạn được bố trí tối thiểu như sau: chỉ huy thường trực chống va trôi (nhân công bậc 4 trở lên hoặc nhân công có bằng cao đẳng công trình thủy, thủy lợi, giao thông trở lên) bố trí 01 người/ca; nhân viên thường trực chống va trôi (nhân công bậc 3 trở lên hoặc có chứng chỉ quản lý đường thủy hoặc nhân công có bằng trung cấp công trình thủy, thủy lợi, giao thông trở lên) bố trí 7 người/ca;

c) Quy định về số giờ nổ máy của các phương tiện để thực hiện chống va trôi tại hiện trường:

Đối với tuyến vận tải chính có phân cấp kỹ thuật cấp đặc biệt, cấp I và cấp II: số giờ nổ máy của phương tiện là 1,5 giờ/ca; trường hợp có 3 yếu tố trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, số giờ nổ máy của phương tiện là 2,5 giờ/ca;

Đối với tuyến vận tải chính có phân cấp kỹ thuật cấp III và cấp IV: số giờ nổ máy của phương tiện là 1,0 giờ/ca; trường hợp có 3 yếu tố trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, số giờ nổ máy của phương tiện là 2,0 giờ/ca;

Tuyến đường thủy không thuộc các trường hợp trên: số giờ nổ máy của phương tiện là 0,5 giờ/ca; trường hợp có 3 yếu tố trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, số giờ nổ máy của phương tiện là 1,0 giờ/ca;

d) Các dụng cụ, trang thiết bị tối thiểu cho 01 trạm bao gồm: 01 bảng hiệu trạm thường trực (ghi tên trạm, tên công trình, đơn vị thực hiện, điện thoại liên lạc…); 01 bộ loa nén/phương tiện; 01 cờ hiệu/phương tiện; 01 tủ thuốc cứu sinh; 01 bộ đàm (điện thoại)/phương tiện; 02 đèn pin; 01 ống nhòm và dụng cụ cứu sinh theo quy định, các trang thiết bị còn hoạt động tốt.

 

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ LẬP, TRÌNH, PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH VÀ NGUỒN KINH PHÍ ĐIỀU TIẾT KHỐNG CHẾ BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG, CHỐNG VA TRÔI TRÊN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 11. Lập, phê duyệt kế hoạch điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông

1. Đối với đường thủy nội địa quốc gia:

a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập kế hoạch và kinh phí công tác điều tiết khống chế bảo đảm giao thông trên đường thủy nội địa hàng năm hoặc đột xuất để trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

b) Kế hoạch điều tiết khống chế bảo đảm giao thông đường thủy nội địa dựa trên việc tổng hợp và thẩm định các số liệu, báo cáo, đề xuất từ đơn vị cơ sở, phù hợp các yêu cầu thực tế;

c) Kế hoạch điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa hàng năm bao gồm các thông tin cơ bản sau: vị trí điều tiết, dự kiến kinh phí thực hiện; thời gian thực hiện; phương thức thực hiện. Kế hoạch điều tiết, khống chế bảo đảm an toàn giao thông theo mẫu tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Trình tự lập, phê duyệt kế hoạch điều tiết, khống chế bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa hàng năm.

Hàng năm, căn cứ tình trạng yêu cầu về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát, tổng hợp, lập kế hoạch và dự toán kinh phí nhu cầu thực hiện điều tiết bảo đảm an toàn giao thông của năm sau trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt;

Căn cứ danh mục điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông trên đường thủy nội địa theo kế hoạch đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.

đ) Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông đột xuất, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương, danh mục bổ sung và tổng hợp kế hoạch điều chỉnh, bổ sung trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt để tổ chức thực hiện;

e) Đối với trường hợp thi công, sửa chữa công trình, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực được ủy quyền xem xét chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

2. Đối với đường thủy nội địa địa phương:

Sở Giao thông vận tải hoặc các cơ quan của địa phương được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp xem xét phê duyệt phương án điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông và tổ chức thực hiện theo quy định công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông trên đường thủy nội địa địa phương (bao gồm cả trường hợp thường xuyên, trường hợp đột xuất phòng chống thiên tai, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trường hợp thi công, sửa chữa công trình).

Điều 12. Lập, phê duyệt kế hoạch chống va trôi

1. Đối với đường thủy nội địa quốc gia:

a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập kế hoạch và kinh phí công tác thường trực chống va trôi trên đường thủy nội địa hàng năm trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt để thực hiện;

b) Kế hoạch chống va trôi đường thủy nội địa dựa trên việc tổng hợp và thẩm định các số liệu, báo cáo, đề xuất từ đơn vị cơ sở, phù hợp với yêu cầu thực tiễn;

c) Kế hoạch chống va trôi bao gồm các thông tin cơ bản sau: vị trí chống va trôi, phương tiện, nhân lực, thời gian thực hiện, dự kiến kinh phí thực hiện, phương thức thực hiện. Kế hoạch thường trực chống va trôi theo mẫu quy định tại Phụ lục số XXII ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Trình tự lập, phê duyệt kế hoạch thường trực chống va trôi hàng năm.

Hàng năm, căn cứ vào diễn biến của khí tượng, thủy văn, dòng chảy, diễn biến của thiên tai, bão lũ, tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, mật độ giao thông trên tuyến hoặc yêu cầu của cấp có thẩm quyền nhằm mục đích ứng phó với sự cố, thiên tai có thể xảy ra, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm giao thông đường bộ, đường sắt, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát, tổng hợp, lập kế hoạch nhu cầu và dự kiến kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường trực chống va trôi của năm sau trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận.

Căn cứ vào kế hoạch nhu cầu được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát danh mục các vị trí, lập kế hoạch cho nhiệm vụ thường trực chống va trôi (trong kế hoạch nêu rõ: vị trí, phương tiện, nhân lực; thời gian thực hiện; dự kiến kinh phí thực hiện, phương thức thực hiện) trình Bộ Giao thông vận tải.

Căn cứ vào đề nghị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc đề nghị của các cơ quan có liên quan hoặc chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải xem xét, giao nhiệm vụ và phê duyệt phương án thường trực chống va trôi trong mùa lũ năm sau trước ngày 20/12 hàng năm.

Căn cứ nhiệm vụ đã được Bộ Giao thông vận tải giao, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện theo quy định.

đ) Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung công tác thường trực chống va trôi đột xuất, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương, danh mục bổ sung và tổng hợp kế hoạch điều chỉnh, bổ sung trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt để tổ chức thực hiện;

e) Đối với trường hợp thi công, sửa chữa công trình, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực được ủy quyền xem xét chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông theo quy định.

2. Đối với đường thủy nội địa địa phương:

Sở Giao thông vận tải hoặc các cơ quan của địa phương được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp xem xét phê duyệt phương án thường trực chống va trôi và tổ chức thực hiện theo quy định công tác chống va trôi trên đường thủy nội địa địa phương, bao gồm cả trường hợp đột xuất phòng chống thiên tai, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trường hợp thi công, sửa chữa công trình.

Điều 13. Nguồn kinh phí đảm bảo công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi

1. Đối với công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông và thường trực chống va trôi:

a) Điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, thường trực chống va trôi trên đường thủy nội địa quốc gia, sử dụng nguồn chi thường xuyên hoạt động kinh tế đường thủy nội địa quốc gia, do ngân sách trung ương đảm bảo và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông và thường trực chống va trôi trên đường thủy nội địa địa phương, sử dụng nguồn chi do ngân sách địa phương đảm bảo và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, thường trực chống va trôi trường hợp thi công, sửa chữa công trình: tổ chức, cá nhân thi công công trình hoặc gây ra vật chướng ngại trên đường thủy nội địa chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí cho tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông và thường trực chống va trôi.

3. Đối với công trình trên đường thủy nội địa xây dựng sau khi Thông tư này có hiệu lực có kích thước khoang thông thuyền không bảo đảm theo quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa thì tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình phải chịu trách nhiệm tổ chức và chi phí thực hiện biện pháp theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này.

 

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ GIÁM SÁT, KIỂM TRA, NGHIỆM THU

Điều 14. Giám sát công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi

1. Yêu cầu đối với công tác giám sát:

a) Thực hiện công tác giám sát suốt quá trình điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu hoàn thành công trình;

b) Giám sát quá trình thực hiện điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi đúng hồ sơ dự thầu được duyệt, chỉ dẫn kỹ thuật và quy định của hợp đồng;

c) Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thực hiện điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi so với hồ sơ dự thầu được duyệt và hợp đồng, bao gồm: nhân lực, phương tiện, thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường;

d) Kiểm tra, giám sát tại hiện trường thông qua hệ thống giám sát quy định tại khoản 2 Điều này trong công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi và tổ chức quản lý dữ liệu, để đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm tra giám sát, tra cứu dữ liệu.

2. Yêu cầu đối với hệ thống giám sát

a) Thiết bị giám sát: trang bị tối thiểu 01 camera IP gắn trên 01 phương tiện thủy thường trực;

b) Thông số kỹ thuật tối thiểu: camera IP; các camera giám sát đạt tiêu chuẩn IP68, phải hiển thị thời gian trên khung ghi hình và vị trí GPS;

c) Lắp đặt thiết bị giám sát: thiết bị giám sát được lắp cố định trên phương tiện thủy. Vị trí lắp đặt thiết bị đảm bảo góc quay của máy được lớn nhất, ghi hình ảnh đầy đủ, liên tục và rõ nét các nội dung công việc thực hiện trong công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi;

d) Lưu giữ dữ liệu và hình ảnh: dữ liệu và hình ảnh ghi lại bởi thiết bị camera được lưu giữ trong quá trình thực hiện điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi, cứu hộ, cứu nạn; dữ liệu video, hình ảnh phải rõ nét, phân biệt được quá trình thực hiện; thời gian lưu giữ dữ liệu tối thiểu 01 tháng hoặc khi kết thúc của tháng được nghiệm thu đó.

3. Thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát

a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ủy quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất và giám sát công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi trên đường thủy nội địa quốc gia;

b) Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất và giám sát công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi trên tuyến đường thủy nội địa địa phương.

Điều 15. Kiểm tra, nghiệm thu công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi

1. Căn cứ kiểm tra, nghiệm thu

a) Quyết định phê duyệt phương án, dự toán công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi;

b) Hợp đồng thực hiện công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi;

c) Hồ sơ dự thầu, mời thầu;

d) Sổ nghiệp vụ, sổ nhật ký quy định tại điểm g khoản 2 Điều 7 và khoản 4 Điều 9 của Thông tư này;

đ) Quy chế đi lại cho các phương tiện thủy qua lại khu vực điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi;

e) Báo cáo kết quả thực hiện công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi (báo cáo hàng tháng, hàng quý và báo cáo hoàn thành) trong đó nêu rõ số lượt phương tiện qua trạm, số lượt phương tiện được hướng dẫn, hỗ trợ, những phương tiện gây cản trở, không theo hướng dẫn gây ảnh hưởng mất an toàn giao thông, mất an toàn công trình cầu;

g) Biên bản kiểm tra, giám sát (nếu có);

h) Các biên bản nghiệm thu thực hiện điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi (nếu có).

2. Nội dung kiểm tra và nghiệm thu

a) Kiểm tra, nghiệm thu hệ thống báo hiệu phục vụ công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi;

b) Kiểm tra, nghiệm thu nhân lực, phương tiện, thiết bị và giờ nổ máy thực hiện điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi;

c) Kiểm tra hệ thống giám sát công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi quy định tại khoản 2 Điều 14 của Thông tư này;

d) Đánh giá chất lượng thực hiện công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi (căn cứ vào các biên bản kiểm tra, hệ thống sổ, báo cáo, dữ liệu và hình ảnh, báo hiệu, phương tiện, thiết bị và an toàn giao thông trên tuyến);

đ) Sổ nghiệp vụ, sổ nhật ký và báo cáo theo quy định;

e) Phương tiện, thiết bị, nhân lực theo phương án được duyệt;

g) Hệ thống báo hiệu phục vụ điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông theo phương án được duyệt;

h) Kết quả thực hiện phương án điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi;

i) Kiểm tra đột xuất thực hiện điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi.

3. Thành phần và quy cách hồ sơ nghiệm thu

a) Bàn giao mặt bằng thực hiện (bao gồm cả các nội dung khác liên quan đến công việc thực hiện điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi (nếu có)). Kết quả bàn giao mặt bằng được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Kiểm tra, nghiệm thu công tác triển khai phương tiện, thiết bị, nhân sự. Kết quả nghiệm thu công tác triển khai phương tiện, thiết bị, nhân lực được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Nghiệm thu công việc (nội bộ nhà thầu). Kết quả nghiệm thu công việc được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Nghiệm thu tháng. Kết quả nghiệm thu tháng được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục XV, XVI ban hành kèm theo Thông tư này.

đ) Nghiệm thu quý là tổng hợp kết quả nghiệm thu các tháng trong quý. Kết quả nghiệm thu quý được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục XVII, XVIII ban hành kèm theo Thông tư này.

e) Nghiệm thu hoàn thành là tổng hợp kết quả nghiệm thu các tháng hoặc các quý trong năm. Kết quả nghiệm thu hoàn thành được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX, XX ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Thời gian nghiệm thu

Theo từng giai đoạn và ngay sau khi kết thúc thời gian thực hiện điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi.

 

Chương V

QUY ĐỊNH VỀ CÔNG BỐ VÀ XỬ LÝ ĐỐI VỚI HẠN CHẾ
GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 16. Các trường hợp hạn chế, thẩm quyền công bố hạn chế và thủ tục công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa

Các trường hợp hạn chế giao thông đường thủy nội địa, thẩm quyền công bố hạn chế giao thông và thủ tục công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

Điều 17. Nội dung, yêu cầu về hạn chế giao thông đường thủy nội địa

1. Nội dung về hạn chế giao thông đường thủy nội địa

a) Hạn chế với phương tiện thủy: hạn chế chủng loại kích thước, phương tiện thủy qua khu vực luồng hẹp, có vật chướng ngại hoặc hạn chế về kích thước luồng chạy tàu;

b) Hạn chế chuẩn tắc luồng đã công bố: hạn chế một phần chiều dài, chiều rộng, tĩnh không, bán kính cong nhỏ hơn cấp kỹ thuật của luồng chạy tàu hoặc cho lưu thông một chiều khi có chướng ngại vật phát sinh, thi công công trình hoặc diễn tập, thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí, thực tập, đào tạo nghề, họp chợ, làng nghề;

c) Cấm luồng: cấm các phương tiện thủy lưu thông trong một khoảng thời gian nhất định khi có vật chướng ngại phát sinh (chìm đắm phương tiện, sự cố tai nạn giao thông, vật chướng ngại phát sinh trên luồng phải trục vớt), thi công công trình hoặc hoạt động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng, khi xảy ra ùn tắc ảnh hưởng đến toàn bộ phạm vi luồng chạy tàu.

2. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện công bố nội dung, thời gian, phạm vi hạn chế giao thông đường thủy nội địa trên phương tiện thông tin đại chúng và trang web của cơ quan ngay sau khi xác định nội dung hạn chế giao thông theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Công tác bảo đảm an toàn giao thông đối với vị trí hạn chế giao thông đường thủy nội địa theo các biện pháp quy định tại Điều 5 của Thông tư này được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Trường hợp hạn chế giao thông đột xuất trong tình huống khẩn cấp (khi trên luồng xảy ra sự cố tai nạn, vật chướng ngại gây nguy hiểm đến giao thông thủy, hoạt động khẩn cấp phục vụ quốc phòng, an ninh) thì tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về chỉ định thầu.

b) Trường hợp hạn chế theo kế hoạch là các trường hợp khác với điểm a khoản này thì tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được duyệt theo quy định.

Điều 18. Quy định về công tác phối hợp giải quyết khắc phục hậu quả trong trường hợp xảy ra chìm đắm phương tiện hoặc sự cố hạ tầng giao thông

1. Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải chủ động tích cực cùng phối hợp khắc phục hậu quả khi phương tiện bị chìm đắm hoặc có sự cố hạ tầng giao thông nhằm giảm nhẹ hậu quả của tai nạn và nhanh chóng khôi phục giao thông đường thủy nội địa.

2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục hậu quả khi phương tiện bị chìm đắm hoặc có sự cố hạ tầng giao thông trên đường thủy nội địa quốc gia.

3. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục hậu quả khi phương tiện bị chìm đắm hoặc có sự cố hạ tầng giao thông trên đường thủy nội địa địa phương.

4. Tổ chức, cá nhân có phương tiện bị chìm đắm hoặc gây ra sự cố hạ tầng giao thông, chịu trách nhiệm trục vớt phương tiện, thanh thải vật chướng ngại do phương tiện chìm đắm, khắc phục sự cố trong thời hạn do đơn vị quản lý đường thủy nội địa quyết định. Trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện việc trục vớt phương tiện, thanh thải vật chướng ngại hoặc không khắc phục sự cố trong thời hạn quy định thì đơn vị quản lý đường thủy nội địa thực hiện việc trục vớt và thanh thải vật chướng ngại.

5. Tổ chức, cá nhân có phương tiện bị chìm đắm hoặc hoặc gây ra sự cố hạ tầng giao thông phải áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, phải chịu toàn bộ chi phí trục vớt, thanh thải vật chướng ngại do phương tiện chìm đắm và chi phí để khắc phục sự cố.

6. Trong trường hợp phương tiện bị chìm đắm gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy hoặc gây ra sự cố hạ tầng giao thông mà chưa hoặc không xác định được chủ phương tiện, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo phân cấp) có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn, trục vớt, thanh thải để bảo đảm an toàn giao thông bằng nguồn ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Sau khi có phán quyết của Tòa án cấp có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tại nạn, sự cố hoàn trả ngân sách nhà nước.

7. Trong quá trình giải quyết khắc phục hậu quả khi phương tiện bị chìm đắm hoặc có sự cố hạ tầng giao thông, đơn vị quản lý đường thủy nội địa có trách nhiệm thường xuyên báo cáo trực tiếp cơ quan quản lý cấp trên.

 

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2022.

2. Bãi bỏ Thông tư số 40/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác điều tiết khống chế đảm bảo giao thông và chống va trôi trên đường thủy nội địa và Thông tư số 30/2017/TT-BGTVT ngày 07 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2010/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2010.

Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với các hợp đồng công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi và hạn chế giao thông đường thủy nội địa đã được cơ quan, người có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định đến hết thời hạn của hợp đồng. Trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng, Chánh thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Sang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.