• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/07/2024
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 04/2024/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 31 tháng 5 năm 2024

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền

song phương Việt Nam - Lào

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam – Lào.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định các nội dung liên quan đến quản lý ngoại hối đối với các hoạt động sau:

a) Thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa hai nước Việt Nam – Lào;

b) Các hoạt động ngoại hối khác phục vụ hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam – Lào.

2. Việc sử dụng tài khoản ngoại tệ (không bao gồm tài khoản đồng Kíp Lào (sau đây viết tắt là LAK)), tài khoản đồng Việt Nam (sau đây viết tắt là VND) của người không cư trú là tổ chức, cá nhân Lào và người cư trú là cá nhân Lào mở tại các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng được phép) được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép.

3. Việc mang VND tiền mặt, LAK tiền mặt và các ngoại tệ khác bằng tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về mang ngoại tệ tiền mặt, VND tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh.

4. Hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho hoạt động đầu tư, vay nợ song phương giữa Việt Nam - Lào được thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, hoạt động vay, trả nợ nước ngoài và hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài.

5. Việc chuyển tiền một chiều từ Việt Nam sang Lào và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài, thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác.

6. Việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở Lào của người cư trú là tổ chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người cư trú là tổ chức, cá nhân và người không cư trú là tổ chức, cá nhân Lào.

2. Ngân hàng được phép.

Điều 3. Đồng tiền và phương thức thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam – Lào

1. Đồng tiền thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam – Lào là VND, LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

2. Phương thức thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam – Lào bao gồm:

a) Thanh toán, chuyển tiền thông qua ngân hàng được phép;

b) Thanh toán bù trừ (thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào thông qua ngân hàng được phép).

Điều 4. Mở và sử dụng tài khoản LAK của người cư trú là tổ chức, cá nhân và người không cư trú là tổ chức, cá nhân Lào

1. Người cư trú là tổ chức, cá nhân và người không cư trú là tổ chức, cá nhân Lào được mở và sử dụng tài khoản LAK tại các ngân hàng được phép để phục vụ cho các mục đích liên quan đến thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam – Lào.

2. Việc sử dụng tài khoản LAK (bao gồm cả việc điều chuyển LAK giữa các tài khoản của một chủ tài khoản) quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo các quy định về sử dụng tài khoản ngoại tệ của người cư trú là tổ chức, cá nhân và người không cư trú là tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 và khoản 1 Điều 8 Thông tư số 16/2014/TT-NHNN ngày 01 tháng 08 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép và các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Điều 5. Mở và sử dụng tài khoản VND tại Lào của người cư trú là tổ chức

Người cư trú là tổ chức được mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng VND tại các ngân hàng ở Lào để phục vụ cho các mục đích liên quan đến thanh toán, chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai, các giao dịch vốn và các giao dịch được phép tại Lào trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật có liên quan của Lào.

Điều 6. Thỏa thuận hợp tác thanh toán giữa ngân hàng được phép với ngân hàng Lào

1. Ngân hàng được phép được mở tài khoản VND hoặc tài khoản LAK cho các ngân hàng Lào để phục vụ hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương cho các tổ chức, cá nhân của Việt Nam và Lào.

2. Phương thức thanh toán, phương thức quản lý tài khoản (trong đó bao gồm nội dung về phương thức nộp VND tiền mặt, LAK tiền mặt vào tài khoản VND, LAK tương ứng của ngân hàng Lào mở tại ngân hàng được phép) và các nội dung khác thực hiện theo thỏa thuận bằng văn bản giữa ngân hàng được phép và ngân hàng Lào trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 7. Xuất khẩu, nhập khẩu VND tiền mặt và LAK tiền mặt

1. Ngân hàng được phép được thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu VND tiền mặt và LAK tiền mặt từ Việt Nam sang Lào và ngược lại để điều hòa lượng tiền mặt phục vụ hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam – Lào của ngân hàng được phép theo các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu VND tiền mặt và LAK tiền mặt của ngân hàng được phép được thực hiện qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Lào và cửa khẩu quốc tế đường hàng không.

3. Các ngân hàng được phép thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu VND tiền mặt và LAK tiền mặt có trách nhiệm:

a) Khai báo Hải quan cửa khẩu theo quy định của pháp luật;

b) Quản lý, giám sát, bảo đảm an toàn trong việc giao nhận, bảo quản và vận chuyển VND tiền mặt và LAK tiền mặt; tự chịu rủi ro liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu VND tiền mặt và LAK tiền mặt; sử dụng số VND tiền mặt và LAK tiền mặt nhập khẩu đúng mục đích theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối;

c) Chấp hành đúng các quy định tại Thông tư này, các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối, các quy định về phòng, chống rửa tiền và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 8. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hàng quý, chậm nhất trước ngày 20 của tháng đầu quý sau quý báo cáo, ngân hàng được phép thực hiện báo cáo tình hình xuất khẩu, nhập khẩu VND tiền mặt và LAK tiền mặt theo quy định tại Điều 7 Thông tư này (theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này). Thời gian chốt số liệu báo cáo được tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo. Báo cáo được gửi theo phương thức điện tử về địa chỉ hộp thư điện tử baocaongoaite@sbv.gov.vn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi ngân hàng được phép thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu VND tiền mặt, LAK tiền mặt.

2. Ngân hàng được phép báo cáo doanh số thanh toán xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với Lào theo quy định về chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố:

a) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan chấp hành đầy đủ quy định tại Thông tư này;

b) Thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động ngoại hối quy định tại Thông tư này;

c) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện quản lý hoạt động ngoại hối trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của ngân hàng được phép:

a) Chấp hành đầy đủ và hướng dẫn khách hàng thực hiện quy định tại Thông tư này;

b) Xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật;

c) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi thỏa thuận hợp tác thanh toán với ngân hàng của Lào.

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan:

a) Xuất trình các giấy tờ, chứng từ theo quy định của ngân hàng được phép khi thực hiện các giao dịch ngoại hối và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình tại ngân hàng được phép;

b) Thực hiện quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 2024.

2. Bãi bỏ Quyết định số 845/2004/QĐ-NHNN ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ đầu tư và viện trợ giữa Việt Nam với Lào.

3. Thông tư này bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 5 Thông tư số 12/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài như sau:

“2a. Trường hợp nhà đầu tư đã chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ sang quốc gia, vùng lãnh thổ quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này và có nhu cầu chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp về nước bằng đồng Việt Nam, ngoài tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ đã mở, nhà đầu tư được mở và sử dụng 01 (một) tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam tại 01 (một) Tổ chức tín dụng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư.

Nguyên tắc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam, việc đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam và trình tự thực hiện thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối được thực hiện theo quy định tại điểm a và d khoản 5 Điều 5, khoản 1 Điều 11 và khoản 1 Điều 13 Thông tư này.”

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng được phép, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Phạm Thanh Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.