• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/02/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 25/12/2013
BỘ CÔNG NGHIỆP
Số: 39/2005/QĐ-BCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 23 tháng 12 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện

________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn công nghiệp và Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 52/2001/QĐ-BCN ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về trình tự và thủ tục ngừng cấp điện.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Giám đốc Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)
 
Hoàng Trung Hải

 

QUY ĐỊNH

Về điều kiện, trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện

(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2005/QĐ-BCN ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định trình tự, thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện và được áp dụng đối với các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện trong quá trình hoạt động điện lực.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Ngừng, giảm mức cung cấp điện do sự kiện bất khả kháng là ngừng, giảm mức cung cấp điện trong trường hợp sự kiện xảy ra một cách khách quan mà bên bán điện không thể kiểm soát được, không thể lường trước được và không thể tránh được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép.

Giảm mức cung cấp điện là việc giảm cung cấp công suất, sản lượng điện so với mức công suất, sản lượng đã thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện do hệ thống điện thiếu nguồn, sự cố hoặc quá tải.

Khách hàng sử dụng điện quan trọng là khách hàng thuộc diện không phải hạn chế khi thiếu điện được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định căn cứ vào tầm quan trọng về chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Điều 3. Thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện

1. Mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện, trừ trường hợp quy định tại Điều 5 của Quy định này.

2. Nội dung thông báo ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện bao gồm:

a) Địa điểm ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện.

b) Lý do ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện.

c) Thời gian bắt đầu ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện.

d) Thời gian dự kiến đóng điện trở lại hoặc bảo đảm mức cung cấp điện bình thường.

Thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng  bằng một trong các hình thức: văn bản, điện báo, điện thoại, fax, thư điện tử(email) do hai bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng mua bán điện.

Người của đơn vị điện lực ký thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện là người đại diện hoặc người uỷ quyền theo quy định của pháp luật.

Chương II
CÁC TRƯỜNG HỢP NGỪNG, GIẢM MỨC CUNG CẤP ĐIỆN

Điều 4. Ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp

Bên bán điện được ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp trong các trường hợp sau:

1. Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch của bên bán điện khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện, điều hoà, hạn chế phụ tải do thiếu điện và các nhu cầu khác theo kế hoạch.

2. Ngừng cấp điện theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong các trường hợp để đảm bảo an toàn phục vụ thi công các công trình.

3. Ngừng, giảm mức cung cấp điện theo theo yêu cầu của bên mua điện.

Điều 5. Ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp

Bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trong các trường hợp sau:

1. Do có sự cố xảy ra trong hệ thống điện.

2. Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện.

3. Do thiếu công suất dẫn đến đe doạ sự an toàn của hệ thống điện.

4. Do bên thứ ba vi phạm hành lang lưới điện gây nên sự cố mà bên bán điện không kiểm soát được.

5. Do sự kiện bất khả kháng.

Điều 6. Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện

Khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện, bên bán điện được ngừng cấp điện trong những trường hợp sau:

1. Vi phạm khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 7 của Luật Điện lực.

2. Khách hàng không thực hiện đúng các quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 46, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 47 của Luật Điện lực.

3. Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.

Chương III
TRÌNH TỰ NGỪNG, GIẢM MỨC CUNG CẤP ĐIỆN

Điều 7. Trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp

1. Trong trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất năm ngày, bằng hình thức:

a) Gửi văn bản hoặc bằng hình thức thông báo khác đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng cho các khách hàng sử dụng điện trung bình trên 100.000kWh/tháng và các  khách hàng sử dụng điện quan trọng biết;

b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng điện còn lại.

2. Sau khi thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện tiến hành ngừng, giảm mức cung cấp điện theo đúng nội dung đã thông báo.

3. Bên mua điện có yêu cầu thay đổi thời gian ngừng, giảm mức cung cấp điện phải trao đổi với bên bán điện trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 48 giờ. Bên bán điện có trách nhiệm xem xét, giải quyết hợp lý đề nghị của bên mua điện.

Nếu việc ngừng, giảm cung cấp điện không thể trì hoãn, bên bán điện vẫn được ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch nhưng phải thông báo lại cho bên mua điện trước 24 giờ so với thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện đã thông báo.

Trường hợp chấp nhận thay đổi thời gian hoặc hoãn ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện phải báo trước cho bên mua trước 24 giờ so với thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện đã thông báo, trừ trường hợp bất khả kháng.

4. Sau khi tiến hành ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện phải ghi đầy đủ thời gian, nội dung, trình tự thao tác ngừng, giảm mức cung cấp điện vào sổ nhật ký công tác hoặc nhật ký vận hành.

5. Bên bán phải cấp điện trở lại theo đúng thời hạn đã thông báo. Trường hợp thời hạn cấp điện trở lại bị chậm so với thời hạn đã thông báo từ 01 giờ trở lên, bên bán phải thông báo bằng điện thoại cho khách hàng sử dụng điện trung bình trên 100.000kWh/tháng và khách hàng sử dụng điện quan trọng biết thời gian cấp điện trở lại.

6. Việc ngừng hoặc cấp điện trở lại đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 của Quy định này chỉ tiến hành sau khi bên yêu cầu ngừng cấp điện đã thanh toán đủ cho bên bán điện các chi phí liên quan đến việc ngừng và cấp điện trở lại.

Điều 8. Ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp

Khi xảy ra một trong các trường hợp quy định tại Điều 5 của Quy định này, bên bán điện có quyền ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp, sau đó thực hiện các công việc sau:

1. Xác định nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, thời gian dự kiến cấp điện trở lại.

2. Trong thời hạn 24 giờ, thông báo cho khách hàng theo hình thức thông báo đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng về nội dung quy định tại khoản 1 Điều này cho khách hàng sử dụng điện biết.

3. Ghi đầy đủ thời gian, nguyên nhân sự cố, trình tự thao tác ngừng cấp điện vào nhật ký công tác hoặc nhật ký vận hành.

4. Phối hợp với các bên có liên quan khẩn trương khắc phục sự cố để cấp điện trở lại trong thời gian nhanh nhất.

Điều 9. Trình tự, thủ tục ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật và hoạt động điện lực và sử dụng điện

Khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm một trong các quy định tại Điều 6 của Quy định này, bên bán điện lập biên bản (trừ trường hợp vi phạm điểm a khoản 2 Điều 46 Luật Điện lực) và thực hiện việc ngừng cấp điện theo các trình tự sau:

1. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này:

a) Vi phạm khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 7 và khoản 8 Điều 7 Luật Điện lực nếu chưa tới mức phải ngừng cấp điện khẩn cấp thì bên bán điện gửi thông báo ngừng cấp điện cho khách hàng trước 24 giờ so với thời điểm ngừng cấp điện. Nếu quá thời hạn trên mà khách hàng không thực hiện các yêu cầu ghi trong biên bản thì bên bán điện được ngừng cấp điện như thời điểm đã ghi trong thông báo ngừng cấp điện.

b) Trường hợp khách hàng cố tình trì hoãn việc thực hiện yêu cầu đã ghi trong biên bản thì sau khi ngừng cấp điện, bên bán điện chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Vi phạm khoản 6 Điều 7 Luật Điện lực (hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức), bên bán điện thực hiện ngừng cấp điện ngay, sau đó báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương biết.

2. Trường hợp vi phạm quy định về thanh toán tiền điện tại khoản 6 Điều 23 của Luật Điện lực:

a) Khách hàng chưa thanh toán tiền điện và không có thoả thuận lùi ngày trả, đã được bên bán điện thông báo 3 lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện.

b) Khách hàng có yêu cầu thoả thuận và được bên bán điện chấp thuận lùi ngày trả nếu quá thời hạn thoả thuận lùi ngày trả mà bên mua điện vẫn chưa thanh toán đủ các khoản tiền nợ, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện.

c) Khi thực hiện ngừng cấp điện bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.

3. Trường hợp bên mua điện vi phạm quy định tại khoản 2 (trừ vi phạm thanh toán tiền điện) và khoản 3 Điều 6 của Quy định này, bên bán điện thông báo ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ so với thời điểm ngừng cấp điện; Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý nhà nước về điện tại địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Việc cấp điện trở lại chỉ tiến hành sau khi bên mua điện đã thực hiện đầy đủ quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền và đã thanh toán đủ các chi phí ngừng và cấp điện trở lại cho bên bán điện.

Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của bên bán điện

1. Khi ngừng, giảm mức cung cấp điện và đóng điện trở lại, bên bán điện phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục được quy định trong các quy trình, quy phạm, kỹ thật an toàn điện hiện hành và tại Quy định này.

2. Bên bán điện có hành vi vi phạm Quy định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định

Các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện thuộc Bộ Công nghiệp và các địa phương có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

Bên bán điện và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Công nghiệp để xem xét, giải quyết./.

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.