• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/09/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 21/02/2008
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 86/2003/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 4 tháng 9 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Tổ chức cán bộ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Điều 16 Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

Vụ Tổ chức cán bộ là cơ quan quản lý tổng hợp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về tổ chức, cán bộ, đào tạo trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Vụ Tổ chức cán bộ được Bộ trưởng giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp về tổ chức bộ máy, cán bộ công chức, đào tạo bồi dưỡng, lao động tiền lương thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cụ thể như sau:

1. Về tổ chức bộ máy:

a) Xây dựng trình Bộ trưởng phương án, đề án tổng thể về tổ chức bộ máy, biên chế của ngành và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; quy hoạch, sắp xếp hệ thống tổ chức quản lý nhà nước, hệ thống khoa học công nghệ, hệ thống đào tạo, các đơn vị sự nghịêp khác; sắp xếp đổi mới, phát triển doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ quản lý.

b) Trình Bộ trưởng ban hành điều kiện và tiêu chuẩn thành lập các đơn vị sự nghiệp; định mức biên chế đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trực thuộc Bộ và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.

d) Trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế, quy chế làm việc của các cục, vụ, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và điều lệ tổ chức hoạt động của các Tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ.

đ) Trình Bộ trưởng thành lập, sáp nhập, hợp nhất, bổ sung nhiệm vụ và xếp hạng đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ theo quy định của pháp luật.

e) Trình Bộ trưởng giao chỉ tiêu biên chế, quỹ tiền lương hàng năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; giao định mức đơn giá tiền lương các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ theo quy định của pháp luật.

g) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của Bộ trưởng về tổ chức bộ máy và biên chế theo quy định.

2. Về công tác cán bộ:

a) Xây dựng trình Bộ trưởng về quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ; kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước.

b) Xây dựng trình Bộ trưởng tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành.

c) Trình Bộ trưởng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc diện Bộ quản lý.

d) Trình Bộ trưởng ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý nhân sự đi nước ngoài theo quy định của pháp luật.

đ) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra công tác quản lý cán bộ, việc thực hiện nhận xét đánh giá chất lượng cán bộ, công chức hàng năm theo phân cấp quản lý của Bộ và quy định của pháp luật.

e) Trình Bộ trưởng ban hành và kiểm tra thực hiện quy chế phân cấp quản lý cán bộ, điều động, thi tuyển, xếp ngạch, nâng ngạch công chức, viên chức theo phân cấp và quy định của pháp luật.

3. Về chính sách:

a) Nghiên cứu xây dựng, trình Bộ trưởng chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước.

b) Trình Bộ trưởng nâng lương, phụ cấp và giải quyết các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc diện Bộ quản lý; hướng dẫn các cơ quan đơn vị thuộc Bộ thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành theo phân cấp quản lý và theo quy định của pháp luật.

c) Trình Bộ trưởng đề nghị Nhà nước xếp lương, nâng lương, giải quyết chế độ chính sách, khen thưởng bậc cao, công nhận cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa theo phân cấp quản lý và quy định của pháp luật.

d) Tham gia giải quyết chế độ tang lễ và bảo hiểm xã hội theo quy chế hiện hành của Bộ.

4. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng:

a) Xây dựng trình Bộ trưởng cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn lực của ngành.

b) Trình Bộ trưởng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, công nhân kỹ thuật và lao động thuộc ngành.

c) Trình Bộ trưởng phân bổ chỉ tiêu đào tạo hàng năm được Nhà nước giao.

d) Hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra các trường thuộc Bộ thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện một số quyền đại diện chủ sở hữu của Bộ đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý:

a) Tham gia thẩm định các dự án đầu tư phát triển các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý.

b) Trình Bộ trưởng thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, sắp xếp, đổi mới, chuyển đổi sở hữu, bổ sung ngành nghề và xếp hạng doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ theo quy định của pháp luật.

c) Trình Bộ trưởng về công tác cán bộ và chính sách cán bộ đối với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ theo phân cấp.

d) Thường trực Hội đồng thẩm định phê duyệt phương án chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng.

6. Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức diện Bộ quản lý; hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện quản lý, khai thác sử dụng, lưu trữ hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

7. Tổng hợp báo cáo, thống kê về tổ chức, cán bộ, lao động, đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

8. Xây dựng trình Bộ trưởng danh mục bí mật nhà nước của ngành, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; thực hiện bảo vệ an ninh chính trị nội bộ; quản lý sử dụng con dấu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo quy định của pháp luật.

9. Thống nhất quản lý các trường, các đơn vị y tế trực thuộc Bộ.

10. Tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác tổ chức, cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn lực của ngành theo quy định của pháp luật.

11. Thống nhất quản lý các hội, tổ chức phi Chính phủ thuộc ngành theo quy định của pháp luật.

12. Chủ trì xây dựng chương trình cải cách hành chính trong toàn ngành theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ; tổ chức thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo chương trình kế hoạch và phân công của Bộ trưởng.

13. Tham gia các hội đồng thẩm định, nghiệm thu các chương trình, đề án, dự án điều tra cơ bản, dự án quy hoạch, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn theo chức năng nhiệm vụ của Vụ và phân công của Bộ trưởng.

14. Thường trực: hội đồng lương; hội đồng kỷ luật; hội đồng thi tuyển công chức; hội đồng xét đề nghị Nhà nước phong tặng các danh hiệu nhà giáo, thầy thuốc, chức danh khoa học của Bộ; thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.

Điều 3. Tổ chức bộ máy

1. Lãnh đạo Vụ: Lãnh đạo Vụ có Vụ trưởng và một số Phó Vụ trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm theo quy định.

Vụ trưởng điều hành hoạt động của Vụ; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về hoạt động của Vụ và thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phó Vụ trưởng giúp việc Vụ trưởng, được Vụ trưởng phân công một số nhiệm vụ cụ thể; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao. Số lượng Phó Vụ trưởng không quá ba người; trường hợp vượt quá phải báo cáo Bộ trưởng.

2. Công chức, viên chức của Vụ chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ được giao; có nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Vụ trưởng xây dựng Quy chế làm việc của Vụ trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện; bố trí công chức, viên chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn và nhiệm vụ được giao.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo Chính phủ; thay thế Quyết định số 14/NN-TCCB/QĐ ngày 06 tháng 01 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Tổ chức cán bộ và các quy định trước đây của Bộ trái với Quyết định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Huy Ngọ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.