• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/10/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 73/2011/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 24 tháng 8 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

_______________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 28 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

2. Hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là những hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam do các cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

3. Các hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm:

a) Vi phạm quy định về kiểm toán năng lượng;

b) Vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp;

c) Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm;

d) Vi phạm quy định về nhãn năng lượng;

đ) Vi phạm quy định về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ;

e) Vi phạm, cản trở hoạt động công vụ trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

4. Những hành vi hủy hoại nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia; giả mạo, gian dối để được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vì mục đích vụ lợi và các hành vi vi phạm khác thì bị xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật liên quan.

Điều 2. Đối tượng bị xử phạt

1. Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện công vụ liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà có hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại các Điều 25, 26, 27, 28 Nghị định này.

Điều 4. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng

Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được phát hiện. Riêng đối với các hành vi vi phạm hành chính về sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì thời hiệu xử phạt là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được phát hiện.

Nếu quá các thời hạn nói trên thì không bị xử phạt, nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

2. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thì bị xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án kèm theo hồ sơ vụ vi phạm và đề nghị xử phạt hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính mới về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp nêu trên được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc kể từ thời điểm chấm dứt hành vi cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 6. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nếu sau một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Điều 7. Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Mỗi hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng; giấy chứng nhận đủ điều kiện là cơ sở đào tạo kiểm toán viên năng lượng, quản lý năng lượng; chứng chỉ quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại các khoản 1, 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II Nghị định này.

Điều 8. Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gây ra

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải lập biên bản, đình chỉ ngay hành vi vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo đúng trình tự thủ tục quy định tại Chương VI của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc vi phạm không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm tới người có thẩm quyền xử phạt.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải xử phạt đúng thẩm quyền. Trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vắng mặt thì ủy quyền cho cấp phó trực tiếp thực hiện việc xử phạt theo quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý, giữ lại các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử phạt vi phạm hành chính, chia tách vụ việc vi phạm để giữ lại xử phạt cho phù hợp với thẩm quyền của mình hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Các trường hợp đã ra quyết định xử phạt không đúng thẩm quyền, đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm; áp dụng không đúng hình thức, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; xử phạt không đúng thời hiệu, thời hạn xử phạt thì tùy theo từng trường hợp cụ thể phải sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định không đúng pháp luật.

5. Việc xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật có liên quan.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC XỬ LÝ, MỨC PHẠT

Mục 1

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TOÁN NĂNG LƯỢNG

Điều 10. Vi phạm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về kiểm toán năng lượng

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đầy đủ nội dung của báo cáo kiểm toán theo biểu mẫu quy định.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định.

Điều 11. Vi phạm quy định về đào tạo và cấp chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng

1. Đối với hành vi tổ chức khóa đào tạo cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiểm toán viên năng lượng không bảo đảm điều kiện quy định của Bộ Công Thương:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về đội ngũ giảng viên;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về tài liệu giảng dạy;

c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về cơ sở vật chất;

d) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Đối với hành vi cấp chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng không đúng quy định thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện là cơ sở đào tạo kiểm toán viên năng lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiểm toán viên năng lượng đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều này;

b) Buộc trả lại cho người học các khoản đã thu và chịu mọi chi phí cho việc hoàn trả đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều này;

c) Buộc thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 12. Vi phạm của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm toán năng lượng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng chứng chỉ kiểm toán viên giả mạo;

b) Cho thuê, cho mượn chứng chỉ kiểm toán viên để thực hiện kiểm toán.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 34 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả về kiểm toán năng lượng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng chứng chỉ kiểm toán viên năng lượng đối với vi phạm lần thứ hai hành vi quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này.

Mục 2

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP,

XÂY DỰNG, GIAO THÔNG VẬN TẢI, SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Điều 13. Vi phạm quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp quản lý và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc áp dụng quy định tại Điều 24 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải thực hiện đúng các quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp quản lý và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 14. Vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng

1. Phạt tiền 100.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không loại bỏ các tổ máy phát điện có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.

2. Phạt tiền 100.000.000 đồng đối với hành vi cố ý xây dựng mới tổ máy phát điện có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp mà Thủ tướng Chính phủ quy định không được xây dựng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước giấy phép xây dựng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc loại bỏ tổ máy phát điện đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 15. Vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng để hệ thống chiếu sáng hoạt động ngoài khung giờ theo mùa, vùng, miền do Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, thay thế thiết bị chiếu sáng sử dụng thiết bị chiếu sáng không đúng quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng do Bộ Xây dựng ban hành.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng thiết bị chiếu sáng không đúng quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng do Bộ Xây dựng ban hành.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc sử dụng thiết bị chiếu sáng đúng quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 16. Vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng các quy định về định mức sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng do Bộ Xây dựng ban hành.

2. Đối với hành vi phê duyệt cấp giấy phép xây dựng cho công trình không tuân thủ các quy định về định mức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng do Bộ Xây dựng ban hành thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc thực hiện đúng các quy định về định mức sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng do Bộ Xây dựng ban hành.

Điều 17. Vi phạm các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận tải thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải.

3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với thiết bị, phương tiện vận tải.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chấm dứt lưu hành hoặc tiêu hủy thiết bị, phương tiện vận tải đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy thiết bị, phương tiện vận tải đã nhập khẩu đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 18. Vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

Đối với hành vi sử dụng phương tiện, thiết bị đánh bắt thủy sản, máy móc nông nghiệp có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ theo lộ trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm lần thứ nhất.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi của cá nhân tiếp tục vi phạm sau thời hạn sáu tháng kể từ ngày bị phạt cảnh cáo.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi của tổ chức tiếp tục vi phạm sau thời hạn sáu tháng kể từ ngày bị phạt cảnh cáo.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc chấm dứt lưu hành phương tiện, thiết bị, máy móc sau sáu tháng kể từ ngày bị phạt tiền.

Mục 3

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG CƠ SỞ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TRỌNG ĐIỂM

Điều 19. Vi phạm quy định về đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý năng lượng

1. Đối với hành vi tổ chức khóa đào tạo cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo quản lý năng lượng không bảo đảm điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về đội ngũ giảng viên;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về tài liệu giảng dạy;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về cơ sở vật chất;

d) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Đối với hành vi cấp chứng chỉ quản lý năng lượng không đúng quy định thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước giấy chứng nhận đủ điều kiện là cơ sở đào tạo quản lý năng lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo quản lý năng lượng đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều này;

b) Buộc trả lại cho người học các khoản đã thu và chịu mọi chi phí cho việc hoàn trả đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều này;

c) Buộc thu hồi chứng chỉ quản lý năng lượng đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 20. Vi phạm quy định về áp dụng mô hình quản lý năng lượng

1. Phạt cảnh cáo người đứng đầu cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm không thực hiện đầy đủ các nội dung của mô hình quản lý năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm quy định tại Điều 8 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chỉ định hoặc chỉ định người không đủ điều kiện đảm nhận chức danh người quản lý năng lượng quy định tại Điều 35 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm, năm năm; không báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm, năm năm.

Mục 4

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NHÃN NĂNG LƯỢNG

Điều 21. Vi phạm quy định về giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và sử dụng nhãn năng lượng

1. Đối với hành vi cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng không tuân thủ các quy định của Bộ Công Thương thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về số lượng, chủng loại phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng được sản xuất, nhập khẩu.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị khi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị đó đã hết hạn.

5. Đối với hành vi không thực hiện dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng:

a) Phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần thứ nhất;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm lần thứ hai;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm lần thứ ba.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp sai thông tin hiệu suất năng lượng trên nhãn năng lượng so với Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị được cơ quan có thẩm quyền cấp.

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đúng với giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng, dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị khi chưa được cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ dán nhãn năng lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, 4 Điều này;

c) Buộc thu hồi nhãn năng lượng đã dán đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này.

Điều 22. Vi phạm quy định về cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng

1. Đối với hành vi cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, kết quả thử nghiệm đạt tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đạt tiêu chuẩn thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm lần thứ nhất;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm lần thứ hai;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm lần thứ ba.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi giấy chứng nhận, kết quả thử nghiệm đã cấp đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Xóa tên khỏi Danh mục các phòng thử nghiệm đạt chuẩn được thực hiện thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Mục 5

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ LOẠI BỎ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ

Điều 23. Vi phạm các quy định về sản xuất, nhập khẩu các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy đối với phương tiện, thiết bị nhập khẩu;

b) Cấm lưu thông trên thị trường đối với phương tiện, thiết bị sản xuất trong nước.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm chịu toàn bộ chi phí để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều này.

Mục 6

HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ TRONG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

Điều 24. Xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động công vụ của người có thẩm quyền

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Có hành động cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động công vụ của người có thẩm quyền;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc kê khai, khai báo hoặc kê khai, khai báo không trung thực, không đúng thời hạn theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thi hành công vụ hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng từ, tài liệu liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thi hành công vụ hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện, thiết bị vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ hoặc tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính;

b) Tẩu tán, làm thay đổi, đánh tráo tang vật, phương tiện, thiết bị đang bị thanh tra, kiểm tra hoặc tạm giữ;

c) Tàng trữ, chứa chấp, tiêu thụ tang vật, phương tiện, thiết bị đang bị thanh tra, kiểm tra, tạm giữ bị tẩu tán.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi trì hoãn, trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu các tang vật, phương tiện, thiết bị bị tẩu tán đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c khoản 3 Điều này.

Chương III

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT

Điều 25. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính

Điều 26. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải và cơ quan quản lý thị trường

1. Thanh tra viên chuyên ngành công thương đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng.

2. Chánh Thanh tra Sở Công Thương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các chứng nhận, chứng chỉ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này;

e) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a và b khoản 4 Điều 11, khoản 2 Điều 13, khoản 4 Điều 15, điểm a khoản 4 Điều 17, khoản 4 Điều 18, điểm a và b khoản 4 Điều 19, điểm b khoản 8 Điều 21, điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định này và các biện pháp khắc phục hậu quả khác theo quy định của pháp luật.

3. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng có quyền:

a) Xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng quy định tại các Điều 15, 16, 24 Nghị định này;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 15, khoản 3 Điều 16 Nghị định này.

4. Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải có quyền:

a) Xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải quy định tại khoản 1 Điều 17, Điều 24 Nghị định này;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 4 Điều 17 Nghị định này.

5. Chánh Thanh tra Bộ Công Thương có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các giấy phép, chứng nhận, chứng chỉ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng tất cả các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

6. Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng có quyền:

Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng quy định tại các Điều 15, 16, 24 Nghị định này.

7. Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải có quyền:

Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải quy định tại Điều 17, 24 Nghị định này.

8. Người có thẩm quyền của cơ quan Quản lý thị trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 37 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật khác có liên quan có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm:

a) Quy định về sản xuất, nhập khẩu, lưu thông các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ;

b) Quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 21, Điều 24 Nghị định này.

Điều 27. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện, thiết bị được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các giấy phép, chứng nhận, chứng chỉ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng tất cả các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 28. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác

Các cơ quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định tại Nghị định này.

Điều 29. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt

1. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Các mẫu biên bản và quyết định để sử dụng trong việc xử phạt được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Các vụ vi phạm hành chính bị xử phạt đều phải lập thành hồ sơ và lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định.

Việc lập biên bản, quyết định xử phạt phải tuân theo thủ tục quy định tại các Điều 54, 55, 56 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Việc phạt tiền và nộp tiền phạt phải tuân theo thủ tục quy định tại các Điều 57, 58 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

4. Thủ tục tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các chứng nhận, chứng chỉ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

5. Thủ tục tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực hiện theo quy định tại các Điều 60, 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 30. Chấp hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

1. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Quá thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều này mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không tự nguyện chấp hành hoặc cố ý trốn tránh chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành phải chịu mọi chi phí cho việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thực hiện theo quy định tại các Điều 66, 67 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Điều 32. Thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phạt

1. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bị phạt tiền thì phải nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật.

2. Việc thu, nộp tiền xử phạt thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính được nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản của mình tại ngân hàng.

3. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này thì phải nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước và được sử dụng toàn bộ cho công tác xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thu được từ việc xử phạt theo Nghị định này.

Điều 33. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2011.

Điều 34. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.