• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/12/2014
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 58/2014/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 22 tháng 10 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của

Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

__________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Tổng cục Thủy lợi là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai và nước sạch nông thôn trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai và nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật.

2. Tổng cục Thủy lợi có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, tài khoản riêng, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp.

3. Trụ sở của Tổng cục Thủy lợi đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế, chính sách và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các chương trình, dự án, đề án và công trình quan trọng quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

c) Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy phạm kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

2. Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

3. Thẩm định và công bố tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành.

4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

5. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

6. Về quy hoạch thủy lợi:

a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trương lập quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi theo lưu vực sông, theo vùng và hệ thống thủy lợi liên quan từ hai tỉnh trở lên;

Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi theo lưu vực sông, theo vùng và hệ thống thủy lợi liên quan từ hai tỉnh trở lên; ý kiến tham gia về quy hoạch thủy lợi và quy hoạch có liên quan do các Bộ, ngành, địa phương quản lý theo quy định của pháp luật.

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc lập quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi trên cơ sở quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

c) Hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung lập và quản lý quy hoạch thủy lợi.

7. Về quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi:

a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Biện pháp đảm bảo an toàn và xử lý sự cố công trình thủy lợi liên tỉnh, công trình thủy lợi quan trọng quốc gia do Bộ quản lý theo quy định của pháp luật;

Quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quy trình điều tiết hồ chứa nước, phương án đảm bảo an toàn đập, phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du; kiểm định an toàn đập;

Phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và các mục tiêu khác;

Việc tổ chức quản lý hệ thống công trình thủy lợi; định mức trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; chế độ sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi.

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi; công tác bảo đảm an toàn và xử lý sự cố công trình thủy lợi.

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc khai thác tổng hợp công trình thủy lợi, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi.

d) Hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ giao kế hoạch, đặt hàng, đấu thầu đối với sản phẩm, dịch vụ công ích trong quản lý khai thác công trình thủy lợi.

đ) Cấp, thu hồi, gia hạn các giấy phép quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.

8. Về đê điều:

a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong phạm vi cả nước; quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều theo quy định;

Công bố công khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong phạm vi cả nước;

Chấp thuận việc cấp giấy phép cho những hoạt động đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III; việc xây dựng, cải tạo công trình giao thông có liên quan đến đê điều đối với công trình ảnh hưởng đến hai tỉnh, thành phố trở lên theo quy định của pháp luật;

Quy định về phân cấp đê, tải trọng cho phép và việc cấp phép đối với xe cơ giới đi trên đê; hướng dẫn việc cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép một số hoạt động liên quan tới đê điều theo quy định; hướng dẫn trình tự, thủ tục lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đê điều;

Công tác hộ đê và huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để cứu hộ đê điều theo quy định.

b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quản lý đê điều theo quy định của Luật Đê điều và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

9. Về phòng, chống thiên tai:

a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Quy hoạch phòng chống thiên tai;

Biện pháp huy động nguồn lực, vật tư, phương tiện để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đối với đê điều và công trình thủy lợi;

Báo cáo tổng hợp, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trong phạm vi cả nước theo quy định.

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tình huống khẩn cấp cần phân lũ, chậm lũ, các biện pháp di dân, trợ cấp, bảo đảm sản xuất và đời sống của nhân dân; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đối với đê điều và công trình thủy lợi.

c) Tổ chức theo dõi, cập nhật về tình hình thiên tai trong phạm vi cả nước; phối hợp với các ngành, các tổ chức, các địa phương đề xuất phương án xử lý sự cố các công trình thủy lợi, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

d) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

đ) Giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ thường trực công tác phòng, chống thiên tai; giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.

10. Về nước sạch nông thôn:

Hướng dẫn, kiểm tra việc lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng, quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ các công trình cấp, thoát nước, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn.

11. Quản lý các dự án quy hoạch, điều tra cơ bản thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

12. Tổ chức công tác thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

13. Tổ chức nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khuyến nông theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

14. Thực hiện hợp tác quốc tế theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

15. Thực hiện cải cách hành chính theo chương trình cải cách hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

16. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, vị trí việc làm, số lượng viên chức và người lao động; thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ, thi đua, khen thưởng, kỷ luật; tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của Tổng cục theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

17. Hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt động của các hội và tổ chức phi chính phủ theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

18. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền.

19. Quản lý tài chính, tài sản và nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật.

20. Quản lý đầu tư xây dựng theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của pháp luật.

21. Thực hiện nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

22. Thực hiện nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Vụ Kế hoạch, Tài chính.

2. Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế.

3. Vụ Pháp chế, Thanh tra.

4. Vụ Quản lý xây dựng cơ bản.

5. Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn.

6. Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập.

7. Vụ Quản lý đê điều.

8. Văn phòng Tổng cục (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh).

9. Cục Phòng, chống thiên tai (có Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên và Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Nam).

10. Trung tâm Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

11. Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi.

Tại Điều này, các tổ chức quy định từ Khoản 1 đến Khoản 9 là các tổ chức giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức từ Khoản 10 đến Khoản 11 là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục.

Điều 4. Lãnh đạo Tổng cục

1. Tổng cục Thủy lợi có Tổng cục trưởng và không quá 03 Phó Tổng cục trưởng.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục.

Các Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định, bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục; trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Phòng, chống thiên tai; ban hành Quy chế làm việc của Tổng cục; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Tổng cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2014 và thay thế Quyết định số 03/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.