• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2014
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 19/2014/TT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 1 tháng 7 năm 2014

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP

ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực

tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

___________________

 

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 80/2013/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Các đối tượng khác có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012 (sau đây gọi tắt là Luật xử lý vi phạm hành chính). Mức tiền phạt tối đa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 80/2013/NĐ-CP.

2. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ quy định tại Chương III Nghị định 80/2013/NĐ-CP phải buộc tổ chức, cá nhân chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Việc buộc chấm dứt hành vi vi phạm được thể hiện trong biên bản làm việc hoặc biên bản thanh tra, kiểm tra hoặc biên bản vi phạm hành chính hoặc kết luận thanh tra, kiểm tra.

3. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Nghị định 80/2013/NĐ-CP thực hiện quyền xử phạt theo quy định tại Nghị định này. Người không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt để xem xét xử lý.

Điều 4. Xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm

1. Việc xác định tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định 80/2013/NĐ-CP được tính theo công thức sau:

Tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm = số lượng sản phẩm, hàng hóa vi phạm phát hiện được x giá sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm hành chính.

Căn cứ để xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Tùy từng loại sản phẩm, hàng hóa vi phạm, việc xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;

b) Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính;

c) Giá thành của sản phẩm, hàng hóa nếu là hàng hóa còn lưu kho của cơ sở sản xuất và chưa xuất bán hoặc là giá thị trường của sản phẩm, hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính.

Điều 5. Xác định số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính

1. Việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 5 Điều 8, Điểm b Khoản 7 Điều 10, Khoản 3 Điều 14, Khoản 3 Điều 15, Khoản 3 Điều 16 Nghị định 80/2013/NĐ-CP được thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đo lường (sau đây gọi tắt là Nghị định 86/2012/NĐ-CP).

2. Số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính phải được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không căn cứ theo mức phạt tối đa quy định tại Nghị định 80/2013/NĐ-CP và phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Điều 6. Kết luận về sai số của phương tiện đo và sai số của phép đo

Việc kết luận về sai số của phương tiện đo và sai số của phép đo chỉ bảo đảm tính pháp lý khi được thực hiện bởi một trong các tổ chức, cá nhân sau đây:

1. Kiểm định viên đo lường được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận và cấp thẻ;

2. Thanh tra viên Khoa học và Công nghệ; công chức thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ;

3. Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ;

4. Cơ quan quản lý nhà nước về đo lường.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ ĐO LƯỜNG

Điều 7. Hành vi vi phạm trong sản xuất phương tiện đo quy định tại Điều 6 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo nhưng không ghi, khắc đơn vị đo hoặc ghi, khắc đơn vị đo không theo đơn vị đo pháp định quy định tại Nghị định 86/2012/NĐ-CP.

2. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 6 là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 nhưng phương tiện đo này chưa có quyết định phê duyệt mẫu của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

3. Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 6 là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo có một hoặc nhiều chi tiết bị thay đổi so với hồ sơ của mẫu phương tiện đo nhóm 2 đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phê duyệt.

4. Tước quyền sử dụng quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo quy định tại Khoản 5 Điều 6 là việc người có thẩm quyền quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 31 Nghị định 80/2013/NĐ-CP ra quyết định tước quyền sử dụng quyết định phê duyệt mẫu từ 01 tháng đến 03 tháng để tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện sửa chữa phương tiện đo phù hợp với mẫu phương tiện đo được phê duyệt.

Điều 8. Hành vi vi phạm trong nhập khẩu phương tiện đo quy định tại Điều 7 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 7 là hành vi của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 nhưng không có quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

2. Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 7 là hành vi của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phương tiện đo không đúng với hồ sơ của mẫu phương tiện đo nhóm 2 đã phê duyệt được lưu tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc tại tổ chức, cá nhân nhập khẩu phương tiện đo.

Điều 9. Hành vi vi phạm trong buôn bán phương tiện đo quy định tại Điều 9 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 là hành vi của tổ chức, cá nhân buôn bán phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 không có hoặc không xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giấy chứng nhận kiểm định hoặc tem kiểm định hoặc dấu kiểm định (sau đây gọi tắt là chứng chỉ kiểm định).

2. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 9 là hành vi của tổ chức, cá nhân buôn bán phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 nhưng phương tiện đo này không có quyết định phê duyệt mẫu của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Điều 10. Hành vi vi phạm trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2 quy định tại Điều 10 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 10 là hành vi của tổ chức, cá nhân khi sử dụng phương tiện đo có một trong các vi phạm sau:

a) Không có chứng chỉ kiểm định phù hợp theo quy định tại Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (sau đây gọi tắt là Thông tư 24/2013/TT-BKHCN);

b) Sử dụng chứng chỉ kiểm định đã bị tẩy xóa hoặc sửa chữa nội dung (trừ thời hạn kiểm định).

2. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 10 là hành vi của tổ chức, cá nhân tự ý tháo dỡ chứng chỉ kiểm định, sau đó gắn lại hoặc dán lại chứng chỉ kiểm định lên phương tiện đo mà không có sự chứng kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương.

3. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 10 là hành vi của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo nhóm 2 theo quy định phải được kiểm định định kỳ bằng hình thức kiểm định đối chứng nhưng tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo này không thực hiện kiểm định tại tổ chức kiểm định được chỉ định kiểm định đối chứng.

4. Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 10 là hành vi của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo có một trong các vi phạm sau:

a) Phương tiện đo đang sử dụng không bảo đảm đúng quy định quản lý kỹ thuật đo lường đối với từng loại phương tiện đo cụ thể;

b) Phạm vi đo hoặc cấp chính xác không phù hợp với mục đích sử dụng;

c) Sai số phương tiện đo không phù hợp quy định về kỹ thuật đo lường.

5. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 10 là hành vi sử dụng chứng chỉ kiểm định không do tổ chức kiểm định quy định tại Thông tư 24/2013/TT-BKHCN cấp; tẩy xóa, sửa chữa thời hạn chứng chỉ kiểm định.

6. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 5 Điều 10 là hành vi của tổ chức, cá nhân khi sử dụng phương tiện đo có một trong các vi phạm sau:

a) Phương tiện đo đang sử dụng có chứng chỉ kiểm định còn hiệu lực nhưng tổ chức, cá nhân sử dụng tự sửa chữa hoặc thay thế, lắp thêm, rút bớt chi tiết, thiết bị;

b) Phương tiện đo đang sử dụng có chứng chỉ kiểm định còn hiệu lực nhưng tổ chức, cá nhân tự ý điều chỉnh một hoặc nhiều chi tiết;

c) Phương tiện đo đang sử dụng có chứng chỉ kiểm định còn hiệu lực nhưng tổ chức, cá nhân đã có tác động vào một hoặc nhiều chi tiết của phương tiện đo làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo, không phụ thuộc vào kết quả kiểm tra sai số phương tiện đo.

Ví dụ: Trường hợp phương tiện đo của tổ chức, cá nhân đang hoạt động bình thường khi kiểm tra đột xuất về sai số, kết quả cho sai số lớn hơn sai số cho phép và tại phương tiện đo vừa kiểm tra sai số nêu trên, khi tắt nguồn điện và tiến hành kiểm tra lại sai số thì sai số nằm trong giới hạn cho phép. Việc làm nêu trên chứng tỏ tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo đã có hành vi tác động (thông qua việc đóng, ngắt nguồn điện cung cấp cho phương tiện đo) để làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo (xóa sai số của phương tiện đo đã được phát hiện).

7. Hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Khoản 6 Điều 10 được thực hiện như sau:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 10 là việc người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phương tiện đo đang được tổ chức, cá nhân sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; tịch thu các chi tiết, thiết bị được tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo tự ý điều chỉnh hoặc thay thế chi tiết so với hồ sơ lưu của phương tiện đo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

Thủ tục tịch thu, xử lý tang vật, phương tiện đo vi phạm bị tịch thu thực hiện theo quy định tại Điều 81, Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 10 là việc người có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quyết định tước và ghi trong quyết định xử phạt. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật xử lý vi phạm hành chính.

8. Buộc hủy bỏ chứng chỉ kiểm định quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 10 là việc tổ chức, cá nhân vi phạm tự hủy bỏ dưới sự giám sát, chứng kiến của cơ quan ra quyết định xử phạt. Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không tự hủy bỏ chứng chỉ kiểm định vi phạm thì cơ quan ra quyết định xử phạt tổ chức cưỡng chế tiêu hủy.

9. Một số điểm cần lưu ý khi áp dụng Điều 10 để xử phạt:

a) Giá trị của phương tiện đo để làm căn cứ xác định khung phạt, thẩm quyền xử phạt được tính trên giá trị của 01 phương tiện đo và xử phạt theo hành vi vi phạm. Việc xác định giá trị phương tiện đo dùng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính.

b) Tùy từng loại phương tiện đo vi phạm, việc xác định giá trị phương tiện đo được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

Điều 11. Hành vi vi phạm về đo lường đối với phép đo nhóm 2 quy định tại Điều 14 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 là hành vi của người sử dụng phương tiện đo khi thực hiện phép đo không tuân thủ yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn khi thực hiện phép đo nhóm 2 theo quy định của cơ quan quản lý về đo lường.

Ví dụ: Cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đo lường trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) chưa được đào tạo và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ quản lý đo lường theo quy định tại Khoản 5 Điều 9, Khoản 2 Điều 10 của Thông tư số 12/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

2. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 14 là hành vi của người sử dụng phương tiện đo không bảo đảm điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa, dịch vụ.

Ví dụ 1: Không bảo đảm sự đầy đủ và sẵn sàng các ca đong, bình đong, ống đong chia độ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 11/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi tắt là Thông tư số 11/2010/TT-BKHCN).

Ví dụ 2: Không trang bị và duy trì hoạt động cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ví dụ 3: Không thực hiện tự kiểm tra định kỳ, lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra định kỳ phương tiện đo, hệ thống đo theo quy định tương ứng tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 11/2010/TT-BKHCN hoặc quy định tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

3. Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 14 là hành vi của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo để thực hiện phép đo có một trong các vi phạm sau:

a) Thực hiện phép đo (khối lượng (cân) hoặc phép đo thể tích (đong)) có lượng thiếu vượt quá giới hạn thiếu cho phép theo quy định về đo lường đối với phép đo nhóm 2 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;

b) Sử dụng phương tiện đo để thực hiện phép đo nhóm 2 mà phương tiện đo chưa được kiểm định; giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực; phương tiện đo không bảo đảm về yêu cầu kỹ thuật đo lường thì xử phạt theo Điều 10 Nghị định 80/2013/NĐ-CP.

Điều 12. Hành vi vi phạm đối với lượng của hàng đóng gói sẵn trong sản xuất, nhập khẩu, buôn bán quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 15 và Điểm a Khoản 1 Điều 16 là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên bao bì hoặc nhãn hàng hóa hoặc có ghi nhưng không đúng yêu cầu kỹ thuật về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn; không ghi, khắc hoặc ghi, khắc không đúng quy định về đơn vị đo pháp định quy định tại Nghị định 86/2012/NĐ-CP.

2. Lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp là hàng hóa có lượng thực nhỏ hơn lượng tối thiểu cho phép ghi trên bao bì hoặc giá trị trung bình lượng thực của lô hàng đóng gói sẵn nhỏ hơn lượng danh định.

3. Vi phạm về lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp, có sai số vượt quá mức giới hạn cho phép được hiểu là lô hàng đóng gói sẵn không đạt yêu cầu do vượt quá giới hạn thiếu cho phép hoặc giá trị trung bình lượng thực của lô hàng đóng gói sẵn nhỏ hơn lượng danh định và có số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp vượt quá mức quy định.

Mục 2

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 13. Hành vi vi phạm về công bố tiêu chuẩn áp dụng quy định tại Điều 17 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 17 là hành vi của tổ chức, cá nhân khi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và thông báo về tiêu chuẩn áp dụng, số hiệu tiêu chuẩn hoặc các đặc tính cơ bản của sản phẩm, hàng hóa trên nhãn hoặc bao gói sản phẩm, hàng hóa hoặc trong các tài liệu giao dịch, giới thiệu sản phẩm hoặc tài liệu thích hợp kèm theo sản phẩm, hàng hóa.

2. Đối với sản phẩm, hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra thì Đoàn thanh tra, kiểm tra yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm thu hồi sản phẩm, hàng hóa nói trên để thực hiện công bố tiêu chuẩn trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Điều 14. Hành vi vi phạm về hợp chuẩn quy định tại Điều 18 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Công bố hợp chuẩn là thủ tục không bắt buộc, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã công bố hợp chuẩn phải tuân thủ quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây gọi tắt là Thông tư 28/2012/TT-BKHCN)

2. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 18 là hành vi của tổ chức, cá nhân đã công bố hợp chuẩn nhưng không duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ theo quy định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Điều 15. Hành vi vi phạm về hợp quy quy định tại Điều 19 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 19 là hành vi của tổ chức, cá nhân bán hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy có vi phạm về công bố hợp quy, dấu hợp quy theo quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN.

2. Khi áp dụng Điểm d Khoản 4 Điều 19 cần lưu ý: hành vi không gắn dấu hợp quy theo quy định khi đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường chỉ áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy mà quy chuẩn kỹ thuật quy định phải gắn dấu hợp quy.

Điều 16. Hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường quy định tại Điều 20 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa theo quy định tại Điều 16 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn được công bố hoặc hàng hóa vi phạm về công bố hợp chuẩn, dấu hợp chuẩn thì người có thẩm quyền xử phạt áp dụng Khoản 1 Điều 18 để xử phạt;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân bán hàng hóa vi phạm quy định về công bố hợp quy, dấu hợp quy thì người có thẩm quyền xử phạt áp dụng Khoản 1 Điều 19 để xử phạt.

2. Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 20 là hành vi của tổ chức, cá nhân bán hàng hóa chưa được nhà sản xuất, nhập khẩu công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.

Điều 17. Hành vi giả mạo liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tại Điều 24 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 24 là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán sản phẩm, hàng hóa có một trong các vi phạm sau đây:

1. Thông tin trên nhãn hàng hóa không phù hợp với chất lượng thực tế của sản phẩm, hàng hóa.

2. Cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc cơ quan có thẩm quyền.

3. Sản phẩm, hàng hóa không thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy nhưng trên giấy tờ giao dịch, biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoặc các đại lý bán sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân đó có thông tin nhằm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hiểu là sản phẩm, hàng hóa đó đã được công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

4. Thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mục 3

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ NHÃN HÀNG HÓA VÀ MÃ SỐ MÃ VẠCH

Điều 18. Hành vi vi phạm về ghi nhãn trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa quy định tại Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm về ghi nhãn trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa được hiểu là hành vi của tổ chức, cá nhân khi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán sản phẩm, hàng hóa không thực hiện ghi nhãn theo quy định của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (sau đây gọi tắt là Nghị định 89/2006/NĐ-CP).

2. Một số điểm cần lưu ý khi áp dụng Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP để xử phạt:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất (bao gồm cả chế biến, lắp ráp, đóng gói, gia công) sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhưng không ghi nhãn theo quy định hoặc không có nhãn hoặc có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được toàn bộ hoặc một phần các nội dung trên nhãn hàng hóa hoặc có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệnh thông tin về hàng hóa;

b) Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, nhãn hàng hóa ghi theo hợp đồng xuất khẩu hoặc ghi theo quy định của nước nhập khẩu hàng hóa nhưng có hoạt động buôn bán tại thị trường Việt Nam mà trên sản phẩm, hàng hóa không thực hiện ghi nhãn theo quy định của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

Điều 19. Hành vi vi phạm về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa theo tính chất hàng hóa quy định tại Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26 là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa mà nhãn hàng hóa không ghi một trong các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa và nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn tùy theo tính chất hàng hóa theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

Trường hợp hàng hóa là hàng đóng gói sẵn nhóm 2 có vi phạm về lượng của hàng đóng gói sẵn ghi trên nhãn thì áp dụng quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 80/2013/NĐ-CP để xử phạt.

2. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 26 là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa có nhãn hàng hóa giả mạo nội dung quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Trường hợp phát hiện nhãn hàng hóa giả mạo nội dung quy định tại Điều 11 Nghị định 89/2006/NĐ-CP thì người có thẩm quyền xử phạt áp dụng quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử phạt;

b) Trường hợp phát hiện nhãn hàng hóa giả mạo nội dung quy định tại Điều 12 Nghị định 89/2006/NĐ-CP thì người có thẩm quyền xử phạt áp dụng quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP để xử phạt.

3. Đối với hành vi gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 26 thì áp dụng mức phạt gấp đôi tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm:

a) Đối với hàng hóa sản xuất trong nước thì áp dụng mức phạt quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 26 để xử phạt;

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu thì áp dụng mức phạt quy định tại Khoản 4 Điều 26 để xử phạt;

c) Đối với trường hợp tẩy xóa, sửa chữa hạn sử dụng của hàng hóa thì áp dụng mức phạt quy định tại Khoản 3 Điều 26 để xử phạt.

Điều 20. Hành vi vi phạm về sử dụng giấy chứng nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch quy định tại Điều 28 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 28 là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa không có giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch nhưng đã giả mạo hoặc đưa thông tin nhằm đánh lừa người tiêu dùng hiểu nhầm tổ chức, cá nhân đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp.

2. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 28 là hành vi tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch không phải do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp.

Mục 4

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VÀ ÁP DỤNG BIỂU MẪU

ĐỂ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 21. Thẩm quyền, thủ tục xử phạt của thanh tra trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quy định tại Điều 29 và Điều 32 Nghị định 80/2013/NĐ-CP

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng quy định tại Khoản 1 Điều 29 bao gồm: Thanh tra viên đang công tác tại Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

2. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Khoa học và Công nghệ được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban hành văn bản để áp dụng các biện pháp thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

3. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính:

a) Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được thực hiện theo quy định tại Điều 32.

b) Trường hợp Trưởng đoàn kiểm tra chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; công chức, viên chức đang thi hành công vụ khi phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thì được quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Cơ quan ban hành quyết định kiểm tra hoặc cơ quan quản lý công chức, viên chức đã lập biên bản vi phạm hành chính phải kịp thời hoàn thiện hồ sơ chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ chuyển vụ việc vi phạm hành chính gồm: công văn của cơ quan chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính; quyết định kiểm tra hoặc văn bản cử công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ; biên bản kiểm tra; biên bản vi phạm hành chính (nếu có); các chứng cứ vi phạm hành chính, các văn bản nghiệp vụ khác.

Điều 22. Áp dụng biểu mẫu để xử lý vi phạm hành chính

1. Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thì áp dụng biểu mẫu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra do Thanh tra Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

2. Những biểu mẫu khác trong xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng theo quy định tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2014 và thay thế Thông tư số 24/2009/TT-BKHCN ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 24. Trách nhiệm thực hiện

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Thanh tra viên và các chức danh khác có thẩm quyền xử phạt quy định tại Nghị định 80/2013/NĐ-CP chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Quân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.