• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/11/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 19/03/2004
BỘ NỘI VỤ
Số: 848/1997/QĐ-BNV(A11)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 23 tháng 10 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH

Quy định về biện pháp và trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động Internet ở Việt Nam
_________

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

- Căn cứ Nghị định số 250/CP ngày 12/6/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ;

- Căn cứ Nghị định số 21/CP ngày 05/3/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam;

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 08/TTLT ngày 24/5/1997 của Tổng cục Bưu điện, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn cấp phép việc kết nối, cung cấp và sử dụng Internet ở Việt Nam;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1- Ban hành kèm theo Quy định này "Quy định về biện pháp và trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động Internet ở Việt Nam".

Điều 2- Các đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ và các chủ thể tham gia hoạt động Internet ở Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Điều 3- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

 

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

VỀ BIỆN PHÁP VÀ TRANG THIẾT BỊ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT ĐẢM BẢO AN NINH QUỐC GIA TRONG HOẠT ĐỘNG INTERNET Ở VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 848/1997/QĐ-BNV(A11) ngày 23 tháng 10 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

 

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Các chủ thể tham gia hoạt động Internet ở Việt Nam được quy định tại mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 08/TTLT ngày 24/5/1997 của Tổng cục Bưu điện, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá - Thông tin có nhiệm vụ trực tiếp bảo đảm an ninh quốc gia trong hoạt động Internet ở Việt Nam. Thông qua các biện pháp quản lý hoạt động Internet và các thiết bị kiểm tra, kiểm soát thông tin trên mạng Internet, các chủ thể phải đảm bảo để nội dung của mọi thông tin đưa vào, truyền đi và nhận đến trên mạng Internet theo đúng quy định tại Điều 3 của "Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam" ban hành kèm theo Nghị định 21/CP ngày 05/3/1997 của Chính phủ.

Điều 2: Quy định về các biện pháp và trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động Internet ở Việt Nam được áp dụng đối với tất cả các chủ thể tham gia hoạt động Internet ở Việt Nam.

Điều 3: Bộ Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc các chủ thể thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động Internet; Tổng cục Bưu điện, Bộ Văn hoá - Thông tin và các chủ thể có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ này. Các chủ thể tham gia hoạt động Internet ở Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo an ninh thông tin theo Quy Chế tạm thời ban hành theo Nghị định 21/CP ngày 05/3/1997 của Chính phủ, thông tư số 08/TTLT ngày 24/5/1997 của Tổng cục Bưu điện, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá - Thông tin về Internet và quy định này.

 

CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IAP), nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng và nhà cung cấp nội dung thông tin (ICP) có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn bằng văn bản cho các thành viên sử dụng dịch vụ Internet của mình thực hiện các quy định của "Quy chế tạm thời của Chính phủ". Thông tư liên tịch số 08/TTLT ngày 24/5/1997 về Internet ở Việt Nam; "Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước" ban hành ngày 08/11/1991 của Hội đồng Nhà nước và các quy định hiện hành về công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong lĩnh vực thông tin - viễn thông - tin học;

2. Tiến hành các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao trách nhiệm và ý thức cảnh giác cho người sử dụng dịch vụ Internet về bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ an ninh quốc gia trong hoạt động Internet;

3. Đối với nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IAP), nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng cần:

3.1. Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép hợp đồng thuê bao, sử dụng các dịch vụ Internet; cung cấp kịp thời những thay đổi trong danh sách người sử dụng và địa điểm đặt máy của họ cho cơ quan Công an cấp tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc Trung ương) nơi đặt trụ sở của mình và nơi diễn ra sự thay đổi.

3.2. Báo cáo bằng văn bản cho Bộ Nội vụ khi có thay đổi về cấu trúc mạng và về loại hình dịch vụ; cung cấp cho Bộ Nội vụ các phần mềm giải nén mà người sử dụng đăng ký;

3.3. Phát hiện, ngăn chặn, thông báo cho Bộ Nội vụ về các tổ chức, cá nhân đã hoặc đang có ý đồ, hành vi phổ biến trên mạng Internet những thông tin vi phạm Điều 3 "Quy chế tạm thời của Chính phủ" về Internet ở Việt Nam.

Điều 5: Nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IAP), nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng phải:

1. Lưu giữ các nội dung thông tin truyền tải trên phạm vi mạng của mình ít nhất 30 ngày;

2. Đảm bảo tại mạng và máy chủ của mình khả năng kết nối hệ thống thiết bị phục vụ bảo vệ an ninh thông tin của Bộ Nội vụ; thông báo và cung cấp kịp thời các thông số kỹ thuật và các thông tin liên quan đến các đối tượng xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cho Bộ Nội vụ;

3. Trang bị các thiết bị kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động Internet tương xứng với quy mô thiết kế mạng và loại hình dịch vụ xin cấp giấy phép; đủ điều kiện để quản lý nội dung thông tin theo quy định tại Điều 3 "Quy chế tạm thời của Chính phủ" về Internet ở Việt Nam, cụ thể là:

3.1. Có thiết bị và phần mềm đảm bảo để ngăn chặn có hiệu quả việc truy nhập đến các địa chỉ trên Internet lưu giữ những thông tin có nội dung phương hại đến an ninh quốc gia; và ngăn chặn có hiệu quả việc truy nhập vào mạng của mình để phá hoại hoặc tìm kiếm thông tin trái phép;

3.2. Có thiết bị và phần mềm đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả nội dung thông tin đối với tất cả các loại hình dịch vụ Internet đã được cấp phép; và việc quản lý hoạt động của các thành viên kết nối với mạng của mình (đối với các IAP là các ISP và các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng; đối với các ISP là các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng và người sử dụng; đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng là người sử dụng).

Điều 6: Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ Internet:

1. Phải kịp thời báo cáo cho cơ quan gần nhất khi phát hiện những vấn đề nghi vấn về an ninh quốc gia trong hoạt động Internet;

2. Phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Nhà nước về việc cung cấp thông tin lên Internet;

3. Không được truy nhập khai thác, truyền bá thông tin của các tổ chức, cá nhân trên Internet có nội dung vi phạm Điều 3 "Quy chế tạm thời của Chính phủ" về Internet ở Việt Nam;

4. Không được tự ý tổ chức và tham gia hội thảo về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội liên quan đến Việt Nam trên mạng Internet; nếu muốn tổ chức diễn đàn và tham gia hội thảo trên Internet phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của Nhà nước về vấn đề hội thảo quốc tế.

5. Không được lưu truyền các thông tin, dữ liệu đã được mã hoá trên Internet. Trường hợp có nhu cầu, phải đăng ký và được phép của Ban Cơ yếu Chính phủ.

6. Phải kèm phần mềm giải nén đã đăng ký với Ban điều hành mạng chủ quản khi lưu chuyển những thông tin, dữ liệu được nén;

7. Không được lưu giữ trên máy tính có kết nối với Internet các thông tin, tư liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước của tất cả các ngành, các địa phương.

 

CHƯƠNG II
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7: - Tổng cục Bưu điện phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc cấp giấy phép cho các chủ thể theo Điều 15 của "Quy chế tạm thời của Chính phủ" và khoản 2 mục II của Thông tư liên tịch số 08/TTLT ngày 24/5/1997 về Internet ở vIệt Nam, đồng thời cung cấp cho Bộ Nội vụ danh sách các chủ thể đã được cấp giấy phép hoạt động Internet ở Việt Nam.

- Bộ Văn hoá - Thông tin cung cấp cho Bộ Nội vụ danh sách các nhà cung cấp nội dung thông tin lên Internet (ICP).

- Chủ thể tham gia hoạt động Internet ở Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ trong việc đảm bảo an ninh thông tin trong hoạt động Internet.

- Tổng cục Bưu điện, Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Bộ Nội vụ kiểm tra thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động Internet và xử lý các vi phạm trên lĩnh vực này theo Pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Điều 8: Các chủ thể tham gia hoạt động Internet ở Việt Nam vi phạm các quy định này tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị đình chỉ hoạt động, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 9: Trong quá trình thực hiện nếu có điều gì chưa hợp lý hoặc phát sinh, các chủ thể phản ảnh lên các cơ quan chức năng và Bộ Nội vụ để xem xét giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Khánh Toàn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.