• Hiệu lực:
UBND TỈNH VĨNH PHÚC
Số: 1925/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 30 tháng 12 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

"V/v ban hành quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa

các cấp, các ngành trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc"

***

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

 

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Luật bảo vệ sức khoẻ Nhân dân ban hành ngày 11/09/1989;

- Căn cứ Điều lệ vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);

- Căn cứ Nghị định 86/CP ngày 08/12/1995 của Chính phủ về việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại tờ trình số: 696/YT-TTr ngày 28/10/1997,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Bản quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm" trên địa bàn tỉnh.

Điều 2: Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các ông Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

Trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1925/QĐ-UB ngày 30/12/1997

 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

I - QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:

1- Quy định này quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành về “An toàn vệ sinh thực phẩm" trên địa bàn tỉnh. Các nội dung khác, thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định của Bộ Y tế và Chính phủ:

- Về đăng ký chất lượng thực phẩm, thực hiện theo quyết định số 2481/BYT-QĐ ngày 18/12/1996 của Bộ Y tế.

- Về "cấp giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm"  thực hiện theo quyết định 2482/BYT-QĐ ngày 18/12/1996.

- Danh mục hàng hoá, thực phẩm phải đăng ký chất lượng, thực hiện theo công bố hàng năm của Bộ Y tế (quy định tại Nghị định 86/CP ngày 08/12/1995 của Chính phủ về quản lý chất lượng hàng hoá ).

2- Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và quy định này; Đối tượng nào có hành vi vi phạm, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 2: Trong quy định này, một số thuật ngữ được hiểu như sau:

1- Thực phẩm: Là tất cả các chất đã hoặc chưa được chế biến nhằm sử dụng cho con người bao gồm đồ ăn, uống, nhai, ngậm, hút và các chất được sử dụng để sản xuất, chế biến hoặc xử lý thực phẩm nhưng không bao gồm mỹ phẩm hoặc những chất chỉ được dùng như dược phẩm.

2- Cơ sở thực phẩm: Là các đơn vị kinh tế sở hữu của các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh có tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, chế biến, lưu thông, tồn trữ, sử dụng thực phẩm vào mục đích kinh doanh.

3- Giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm: Là chứng chỉ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp cho những cơ sở thực phẩm có đủ điều kiện vệ sinh về cơ sở hạ tầng, về trang thiết bị và người lao động trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm để sản xuất kinh doanh và là điều kiện bắt buộc để mọi cơ sở thực phẩm đăng ký hành nghề.

4- Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm: Là các chỉ tiêu quy định về dinh dưỡng, vi sinh vật, nấm mốc, độc tố vi nấm, kim loại nặng, chất bảo quản, dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, phóng xạ, bao gói, nhãn, mẫu mã của hàng hoá, thực phẩm.

5- Hàng hoá, thực phẩm phải đăng ký chất lượng: Được Bộ Y tế công bố theo danh mục hàng năm theo quy định của pháp luật (quy định tại Nghị định 86/CP ngày 08/12/1995 của Chính phủ về quản lý chất lượng hàng hoá).

II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ.

Điều 3: Sở Y tế có trách nhiệm:

1- Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

2- Thẩm định, xét duyệt, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký chất lượng thực phẩm thuộc thẩm quyền và đề nghị Bộ Y tế xét cấp hoặc thu hồi bản đăng ký chất lượng sản phẩm cho các cơ sở thực phẩm của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ sở xuất nhập khẩu thực phẩm của địa phương theo quy định của pháp luật.

3- Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành y tế và giải quyết các khiếu nại tố cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Kết luận của Sở Y tế về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng ký chất lượng thực phẩm đối với các cơ sở thực phẩm là cơ sở giải quyết những khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

4- Chủ trì phối hợp với cơ quan Nhà nước các cấp, các ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến, tồn trữ thực phẩm.

5- Kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của pháp luật.

6- Thực hiện và chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc chủ động và phối hợp với các ngành tư pháp, Văn hoá thông tin, Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan chức năng khác ở địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, học tập và thực hiện tốt các quy định về quản lý vệ sinh an toàn ở địa phương.

7- Có kế hoạch và chủ động phối hợp với Đài phát thanh truyền hình, các ngành chức năng liên quan: Nông nghiệp và PTNT, Văn hoá TT-TT, Khoa học công nghệ môi trường, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định của luật pháp về bảo hộ người tiêu dùng.

Điều 4: Sở Thương mại và du lịch có trách nhiệm:

1- Khi cấp chứng chỉ hành nghề cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ngoài các điều kèm theo quy định của Nhà nước phải có thêm những điều kiện sau:

- Có giấy chứng nhận: cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực  phẩm.

- Bản cam kết thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở với cơ quan y tế có thẩm quyền.

2- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và chính quyền các cấp hướng dẫn các cơ sở chế biến, buôn bán thực phẩm trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ chỉ được phép sử dụng và đưa ra thị trường thịt gia súc đã được kiểm soát giết mổ theo quy định của Nhà nước và phải bán ở các địa điểm đã được quy định.

3- Chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường các cấp thực hiện chức năng nhiệm vụ theo thẩm quyền, quản lý chặt chẽ thị trường thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra kiểm soát thị trường theo quy định của pháp luật, chống kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng và thực phẩm không đủ đảm bảo an toàn vệ sinh.

Điều 5: Sở Khoa học công nghệ môi trường có trách nhiệm:

- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đo lường chất lượng hàng hoá, vệ sinh môi trường, nhãn hiệu hàng hoá. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thương mại và du lịch và các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát ở các ngành, các cấp chống sản xuất, buôn bán thực phẩm kém phẩm chất, hàng giả, kinh doanh trái phép hàng hoá thực phẩm.

Điều 6: Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm:

1- Hướng dẫn khuyến khích nhân dân thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất, sử dụng rau, quả sạch và các thực phẩm sạch.

2- Chỉ đạo Chi cục thú y tăng cường giám sát quản lý giết mổ gia súc. Tổ chức tốt kế hoạch tiêm phòng gia súc theo định kỳ. Kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở, địa điểm giết mổ, đảm bảo chất lượng thịt gia súc, sản phẩm chế biến từ thịt, trước khi đưa ra thị trường phải có đóng dấu kiểm soát trên thực phẩm và có giấy xác nhận số lượng, chủng loại, thời gian kiểm nghiệm.

3- Chỉ đạo chi cục bảo vệ thực vật hướng dẫn nhân dân sử dụng, quản lý thuốc, hoá chất trong sản xuất nông nghiệp đúng quy trình kỹ thuật, tránh ô nhiễm môi trường và để lại dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.

Điều 7: Công an tỉnh có trách nhiệm:

Chỉ đạo lực lượng công an  phối hợp với Sở Y tế, Chi cục quản lý thị trường, Chi cục thú y, Chi cục bảo vệ thực vật và các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi: sản xuất, lưu thông tồn trữ thực phẩm trái phép không an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điều 8: Sở Công nghiệp có trách nhiệm:

Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, thực hiện đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh công nghiệp trong sản xuất, chế biến sản phẩm, đúng quy trình sản xuất đã đăng ký và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Phối hợp với Sở Y tế, Sở Khoa học và công nghệ môi trường tổ chức kiểm tra quy trình kỹ thuật sản xuất chế biến thực phẩm đảm bảo chất lượng hàng hoá và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điều 9: Thanh tra Nhà nước tỉnh có trách nhiệm:

Chỉ đạo Thanh tra Nhà nước các cấp, thanh tra chuyên ngành thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo các biện pháp tổ chức phối hợp đồng bộ trong hoạt động thanh tra dự phòng, thanh tra vi phạm và xử lý các vi phạm.

Điều 10: Đối với các ngành khác:

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành mình có trách nhiệm thực hiện tốt và phối hợp với các cơ quan hữu quan khác trong thực hiện quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Điều 11: UBND các huyện, thị có trách nhiệm:

1- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm theo thẩm quyền ở địa phương.

2- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường thực phẩm và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

3- Tổ chức quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc và tiêm phòng triệt để cho các loại gia súc theo định kỳ.

4- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục học tập sâu rộng cho nhân dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.

5- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Điều 12: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật và bản quy định này. Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Điều 13: Khen thưởng và kỷ luật:

1- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp thông tin, phát hiện và giúp đỡ cơ quan chức năng trong công tác điều tra, bắt giữ và xử lý các vi phạm về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước và quy định của tỉnh.

2- Những cơ sở thực phẩm, cá nhân có hành vi vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3- Công chức, Viên chức và người có trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật và của bản quy định này; tổ chức hoặc cá nhân cản trở người thi hành công vụ hoặc cố tình bao che, dung túng các vi phạm về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thì tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Đăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.