QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VĨNH PHÚC
V/v ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND và
Hội Nông dân các cấp tỉnh Vĩnh Phúc
________________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
- Căn cứ Điều 125 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ban hành ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam;
- Sau khi thống nhất với Hội Nông dân tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND với Hội Nông dân các cấp tỉnh Vĩnh Phúc kèm theo Quyết định này.
Điều 2: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị căn cứ Quyết định thực hiện./.
TM. UBND TỈNH VĨNH PHÚC
CHỦ TỊCH
Đã ký
Nguyễn Minh Đăng
QUY CHẾ
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA UBND
VÀ HỘI NÔNG DÂN CÁC CẤP TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1794/1998/QĐ-UB ngày 15/7/1998
của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
___________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: UBND và Hội Nông dân hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Luật tổ chức HĐND-UBND và điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Quan hệ phối hợp hoạt động giữa UBND và Hội Nông dân các cấp phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị ở địa phương, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Điều 2: Phối hợp hoạt động giữa UBND và Hội Nông dân các cấp nhằm xây dựng, củng cố chính quyền vững mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân. Động viên nông dân phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết, Quyết định và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do HĐND và UBND đề ra.
CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3: Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách hoặc bổ xung, sửa đổi quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nông nghiệp hàng năm, dài hạn, các ngành hoặc UBND các cấp lấy ý kiến tham gia của Hội Nông dân cùng cấp trước khi quyết định.
Hội Nông dân các cấp chủ động phát động Hội viên và Nông dân tham gia ý kiến xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách liên quan đến nông dân, nông thôn và nông nghiệp. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến, phát động phong trào nông dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách đó sau khi đã ban hành.
Điều 4: Đại diện Hội Nông dân các cấp được mời dự các cuộc họp của UBND cùng cấp bàn những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân, chính sách nông thôn, nông nghiệp.
- Đại diện UBND các cấp được mời dự hội nghị Ban chấp hành Hội Nông dân cùng cấp về những nội dung có liên quan.
Các cuộc họp chuyên đề cần thiết, Hội Nông dân mời đại diện UBND dự để phối hợp hoạt động.
- Cơ quan mời họp cần thông báo rõ nội dung và gửi tài liệu trước ít nhất 3 ngày để bên được mời họp có thời gian chuẩn bị ý kiến.
Điều 5: Hội Nông dân cử đại diện tham gia là thành viên trong các Hội đồng, các Ban chỉ đạo các cấp thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, các chính sách liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân do UBND quyết định thành lập.
Điều 6: UBND và Hội Nông dân phối hợp chặt chẽ trong việc thông tin kịp thời những chủ trương, nhiệm vụ, chính sách, pháp luật mới; tổ chức phong trào nông dân thi đua thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
- Hàng năm, Hội Nông dân tổ chức và phát động phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong nông dân, sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả, trình Hội đồng Thi đua xét đề nghị khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích theo quy định hiện hành.
Điều 7: Hội Nông dân các cấp giám sát các cơ quan đơn vị thực hiện các chính sách liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn và được UBND mời đại diện tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra do UBND quyết định thành lập.
Khi phát hiện những vụ, việc vi phạm chế độ chính sách của Nhà nước đối với nông dân, Hội Nông dân kiến nghị UBND và cơ quan có thẩm quyền cùng cấp nghiên cứu, xử lý người và tổ chức vi phạm và thông báo lại cho Hội Nông dân biết kết quả xử lý trong thời hạn pháp luật quy định. Nếu chưa nhất trí với kết quả xử lý và những kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp trên thì nhanh chóng đề nghị cấp trên giải quyết và thông báo lại cho Hội Nông dân cùng cấp biết.
Điều 8: Hàng năm các ngành chức năng của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành, thị có kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp đẩy mạnh các hoạt động thi đua sản xuất, làm giàu, xóa đói giảm nghèo, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh quốc phòng, UBND tạo điều kiện để các hoạt động này có hiệu quả.
Điều 9: UBND các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân cùng cấp hoạt động có hiệu quả trong việc tổ chức phong trào nông dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội nông dân xây dựng quỹ Hội.
Điều 10: Sáu tháng một lần đối với cấp tỉnh, 3 tháng 1 lần đối với cấp huyện và cơ sở UBND chủ trì họp với Hội Nông dân cùng cấp để đánh giá, kiểm điểm sự phối hợp và định ra phương hướng công tác trong thời gian tới.
CHƯƠNG III : TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các Sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các cấp căn cứ vào nội dung quy chế này phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp để triển khai thực hiện.
Điều 12: Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo với UBND tỉnh để phối hợp với tỉnh Hội Nông dân xem xét sửa đổi, bổ sung./.