CHỈ THỊ
CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
“về nhiệm vụ xử lý bom mìn, vũ khí nổ tồn đọng sau chiến tranh”
Trong những năm gần đây, các huyện, thị đều phát hiện và thu hồi, phá hủy nhiều loại bom mìn địch ném xuống trong hai cuộc chiến tranh chống pháp và chống Mỹ. Thống kê của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, từ năm 1990 đến nay đã thu hồi, phá hủy trên 100 quả bom, đạn cỡ lớn, với nhiều kiểu loại khác nhau: bom phá, bom xuyên, bom từ trường, bom bi...Các loại bom này thường có trọng lượng từ 50 đến 1.000 bảng Anh. Các loại đạn pháo 105 ly, đạn cối 61,81 ly và 106,7 ly. Thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang quản lý 5 quả bom bi, 1đầu đạn pháo 105 ly, 65 đầu đạn, lựu đạn đặc biệt tại địa bàn Vĩnh yên còn 6 quả bom chưa nổ, sơ đồ đánh dấu vị trí bị thất lạc, chưa phá hủy.
Việc xử lý bom mìn thời gian qua nhiều đơn vị làm tốt. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng bom nổ gây chết người, việc tổ chức dò, gỡ bom mìn trước khi triển khai xây dựng các công trình chưa tốt. Có công trình triển khai xây dựng mới phát hiện có bom, mìn, gây ách tắc đến tiến độ thi công và khó khăn trong việc xử lý. Tình hình tồn tại của bom mìn trên địa bàn tỉnh đến nay chưa thống kê một cách đầy đủ, chính xác, hồ sơ quản lý và sơ đồ ghi điểm rơi của bom chưa nổ bị thất lạc và không đầy đủ. Số lượng bom, mìn chưa được thu hồi và phá hủy, vẫn còn một số lượng đáng kể. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, đảm bảo tính vĩnh cửu của các công trình xây dựng, từng bước giải quyết, khắc phục hậu quả do bom đạn địch còn lại sau 2 cuộc kháng chiến.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CHỈ THỊ
1) Bộ chỉ huy quân sự có trách nhiệm sưu tầm, thu hồi tài liệu, vẽ sơ đồ, bản đồ ghi lại các khu vực địa bàn đã bị địch đánh phá và sơ đồ bom đạn còn lại chưa phá hủy báo cáo ủy ban tỉnh, đồng thời thông báo cho các huyện, thị, sở, ngành biết để thống nhất quản lý và chỉ đạo, tổ chức dò, gỡ bom mìn, xử lý an toàn bom mìn được phát hiện trên địa bàn tỉnh.
2) Các huyện, thị, cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh có trách nhiệm điều tra nắm chắc tình hình bom đạn trên địa bàn mình, cung cấp cho cơ quan quân sự huyện, thị. Khi phát hiện bom đạn phải kịp thời khoanh vùng tổ chức canh gác bảo đảm an toàn, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc huy động nhân công vận chuyển vật chất bảo đảm kinh phí cần thiết để xử lý bom đạn, do cơ quan quân sự huyện, thị lập dự toán, ngân sách huyện, thị cân đối bảo đảm.
3) Khi giải phóng mặt bằng xây dựng các khu công nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, công trình dân dụng, các chủ đầu tư phải điều tra nắm tình trạng bom đạn trên khu vực được xây dựng, nếu có thì tổ chức tiến hành dò, gỡ bom mìn đảm bảo an toàn và sự bền vững của công trình.
4) Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch phổ biến tuyên truyền rộng rãi tinh thần chỉ thị đến các tổ chức, cá nhân, để mọi người hiểu rõ tính chất quan trọng của việc xử lý bom mìn, để nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, thủ trưởng các ngành quán triệt chỉ thị này đến cơ sở.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo theo dõi, quản lý hoạt động dò, gỡ bom mìn trên địa bàn tỉnh và báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.