• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/1996
BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Số: 61/TT-ĐA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 1 tháng 10 năm 1996

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 48/CP

ngày 17/7/1995 về tổ chức và hoạt động điện ảnh

___________________________

Căn cứ Nghị định 48/CP ngày 17/7/1995 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động điện ảnh, Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn chi tiết về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của các cơ sở điện ảnh; thẩm quyền, thủ tục xét duyệt và cho phép lưu hành tác phẩm điện ảnh; điều kiện và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề; sự phân cấp quản lý, trách nhiệm giữa Bộ Văn hoá - Thông tin và các địa phương đối với hoạt động điện ảnh như sau:

I- TÍNH CHẤT HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ ĐIỆN ẢNH

Điều 1. Tính chất công ích của các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động điện ảnh.

Các doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý hoạt động sản xuất phim, phát hành phim, chiếu phim, xuất, nhập khẩu phim là loại doanh nghiệp hoạt động công ích.

Căn cứ Luật doanh nghiệp Nhà nước công bố ngày 30/4/1995, doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực trên được quyền:

1. Hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi hoạt động công ích hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước mà không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của doanh nghiệp;

2. Được Nhà nước cấp kinh phí theo dự toán hàng năm hoặc theo đơn đặt hàng của Nhà nước do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duyệt, phù hợp với nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước giao cho doanh nghiệp.

3. Thực hiện các nhiệm vụ và được hưởng các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước quy định tại Luật doanh nghiệp Nhà nước và những quy định cụ thể khác của pháp luật hiện hành về hoạt động công ích.

II- ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ ĐIỆN ẢNH

Điều 2. Đối với các cơ sở sản xuất phim.

1. Điều kiện:

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội cấp Trung ương, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương muốn thành lập các cơ sở sản xuất phim phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có vốn và các điều kiện vật chất - kỹ thuật cần thiết khác đảm bảo hoạt động sản xuất phim với tổng trị giá không dưới 1.000.000.000 đ (một tỷ) đồng.

Vốn phải được cơ quan tài chính có thẩm quyền xác nhận và ký quỹ tại ngân hàng theo quy định về quản lý tài chính;

b) Có trụ sở với diện tích từ 24 m2 trở lên được cơ quan quản lý nhà đất xác nhận về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng và có các phương tiện đảm bảo thông tin liên lạc;

c) Có người đảm nhiệm các chức danh giám đốc, kế toán trưởng, người phụ trách nghệ thuật, đạo diễn.

Đạo diễn phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Người phụ trách nghệ thuật phải:

- Có trình độ đại học hoặc tương đương về các chuyên khoa nghệ thuật điện ảnh.

- Là tác giả ít nhất 02 tác phẩm điện ảnh được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới chiếu phim hoặc truyền hình.

2. Thủ tục:

a) Cơ quan, tổ chức có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 điều này muốn thành lập cơ sở sản xuất phim phải có đơn gửi Bộ Văn hoá và Thông tin (Cục điện ảnh) do Thủ trưởng cơ quan ký đóng dấu. Kèm theo đơn phải có các văn bản xác nhận về vốn, trụ sở và các chức danh của cơ sở sản xuất phim quy định tại điểm c, khoản 1 điều này. Giám đốc, người phụ trách nghệ thuật phải có bản khai lý lịch kèm theo ảnh, văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tên tác phẩm đã sáng tác; đạo diễn phải có bản sao chứng chỉ hành nghề hoặc văn bằng tốt nghiệp.

Người làm hợp đồng phải có văn bản hợp đồng lao động thời hạn ít nhất từ 01 năm trở lên với cơ quan, tổ chức xin thành lập.

Cơ quan, tổ chức cấp tổ chức cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương xin thành lập cơ sở sản xuất phim phải có thêm ý kiến đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sở tại;

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cục Điện ảnh thẩm định và trình Bộ Văn hoá - Thông tin xét ra quyết định thành lập cơ sở sản xuất phim, trường hợp từ chối sẽ được trả lời bằng văn bản.

3. Hoạt động:

a) Sau khi có quyết định thành lập của Bộ Văn hoá - Thông tin cơ sở sản xuất phim phải thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Mọi hoạt động sản xuất và phổ biến phim, băng đĩa hình của sơ sở phải tuân thủ các quy định của Chính phủ và của Bộ Văn hoá - Thông tin về quản lý hoạt động điện ảnh, các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất phổ biến phim, băng đĩa hình; c) Bộ Văn hoá - Thông tin sẽ thu hồi giấy phép thành lập cơ sở sản xuất phim và thông báo cho các cơ quan liên quan trong các trường hợp sau:

- Sau một năm kể từ ngày cấp giấy phép thành lập mà cơ sở sản xuất phim không có tác phẩm trình duyệt.

- Sau 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập mà cơ sở sản xuất phim không có ít nhất 02 phim truyện nhựa hoặc 3 phim truyện video trình duyệt.

- Cơ sở sản xuất phim có vi phạm pháp luật đến mức phải thu hồi giấy phép.

Điều 3. Đối với các cơ sở xuất khẩu phim.

1. Điều kiện:

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoặc cá nhân muốn thành lập cơ sở kinh doanh xuất khẩu phim, ngoài các quy định chung của pháp luật về kinh doanh xuất, nhập khẩu phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có vốn và các điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết khác đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu phim với tổng giá trị không dưới 1.000.000.000 (một tỷ) đồng, được cơ quan tài chính có thẩm quyền xác nhận và được Bộ thương mại chấp thuận;

b) Có trụ sở với diện tích từ 24 m2 trở lên, nhà kho với diện tích 20 m2 trở lên, được cơ quan nhà đất có thẩm quyền xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng;

c) Có người đảm nhiệm các chức danh giám đốc, kế toán trưởng, người phụ trách kinh doanh xuất nhập khẩu.

2. Thủ tục:

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn thành lập cơ sở xuất khẩu phim phải có hồ sơ gửi Bộ Văn hoá - Thông tin (Cục điện ảnh). Hồ sơ gồm có:

- Đơn xin phép thành lập.

- Các văn bản chứng minh về vốn, trụ sở, nhà kho và đội ngũ của cơ sở.

- Lý lịch (kèm theo ảnh) của giám đốc, kế toán trưởng của cơ sở kèm theo văn bản xác nhận trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Văn hoá - Thông tin xem xét và ra quyết định thành lập cơ sở xuất khẩu phim. Trường hợp từ chối sẽ được trả lời bằng văn bản;

c) Các cơ sở sản xuất phim muốn tự xuất khẩu phim không phải làm thủ tục đăng ký thành lập cơ sở xuất khẩu phim, nhưng phải có văn bản đề nghị Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép. Sau khi được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép phải làm thủ tục bổ sung đăng ký kinh doanh về xuất khẩu phim tại Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh nơi cơ sở đóng trụ sở chính (điều 16 Nghị định 48/CP).

Điều 4. Đối chiếu với cơ sở phát hành phim.

1. Điều kiện:

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoặc cá nhân muốn thành lập cơ sở kinh doanh phát hành phim phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có vốn và các điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết khác đảm bảo cho hoạt động phát hành phim với tổng trị giá không dưới 1.000.000.000 (một tỷ) đồng, được cơ quan tài chính có thẩm quyền xác nhận;

b) Có trụ sở với diện tích từ 24 m2 trở lên, nhà kho với diện tích 20 m2 trở lên, được cơ quan nhà đất có thẩm quyền xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng;

c) Có người đảm nhiệm các chức danh giám đốc, kế toán trưởng, người phụ trách về phát hành phim có trình độ từ trung cấp trở lên.

2. Thủ tục:

a) Cơ quan, tổ chức cấp trung ương muốn thành lập cơ sở phát hành phim phải có đủ hồ sơ gửi Bộ Văn hoá - Thông tin (Cục điện ảnh).

Cơ quan, tổ chức cấp tỉnh và cá nhân muốn thành lập cơ sở phát hành phim ở địa phương phải có hồ sơ gửi UBND cấp tỉnh (Sở Văn hoá - Thông tin).

Hồ sơ gồm có:

- Đơn xin phép thành lập.

- Các văn bản chứng minh về vốn, trụ sở, nhà kho và đội ngũ của có sở.

- Lý lịch (kèm theo ảnh) của giám đốc, kế toán trưởng của có sở kèm theo văn bản xác nhận trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Bản sao chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp của người phụ trách phát hành phim có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền;

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xét ra quyết định thành lập cơ sở phát hành phim, trường hợp từ chối sẽ được trả lời bằng văn bản; c) Các cơ sở sản xuất phim muốn tự phát hành phim không phải làm thủ tục đăng ký thành lập cơ sở phát hành phim, nhưng phải bổ sung đăng ký kinh doanh về phát hành phim tại Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh, thành phố nơi cơ sở đóng trụ sở chính (Điều 16 Nghị định 48/CP).

Điều 5. Đối với các cơ sở chiếu phim.

1. Điều kiện:

Đối với tổ chức, cá nhân muốn thành lập cơ sở chiếu phim có vốn thấp hơn vốn pháp định để thành lập công ty, doanh nghiệp:

a) Đối với cơ sở chiếu phim cố định.

- Có phòng chiếu phim đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin.

- Có máy chiếu phim đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng về hình ảnh và âm thanh theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin.

- Có người đảm nhiệm các chức danh giám đốc, kế toán trưởng, người điều khiển máy chiếu, có trình độ chuyên môn (được cấp chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp);

b) Đối với cơ sở chiếu phim lưu động:

- Phải có máy chiếu phim đảm bảo chất lượng kỹ thuật về hình ảnh và âm thanh theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin.

- Có người điều khiển máy chiếu có trình độ chuyên môn (được cấp chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp).

2. Thủ tục:

a) Tổ chức, cá nhân muốn thành lập cơ sở chiếu phim (cố định hoặc lưu động) để kinh doanh phải có đơn gửi Sở Văn hoá thông tin sở tại. Trong đơn ghi rõ:

- Tên tổ chức, cá nhân xin phép.

- Tên gọi, địa điểm chiếu phim, băng hình.

- Số lượng, phòng khán giả, diện tích và số ghế mỗi phòng.

- Đảm bảo nơi chiếu phim, băng hình là một điểm văn hoá sạch đẹp. - Cam kết không vi phạm quy định về lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình.

Kèm theo đơn phải có:

- Văn bản xác nhận về quyền sử dụng nhà, đất (đối với cơ sở chiếu phim cố định).

- Lý lịch (kèm theo ảnh) của giám đốc, kế toán trưởng kèm theo văn bản xác nhận trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

- Bản sao bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ của người điều khiển máy chiếu có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.

- Bản liệt kê máy móc thiết bị chiếu phim, băng hình của cơ sở.

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở Văn hoá - Thông tin xét cấp giấy phép hành nghề, trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời. Sau khi được Sở Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép hành nghề, cơ sở xin hành nghề phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện sở tại theo quy định của pháp luật hiện hành.

3- Đối với tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh chiếu phim với quy mô công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân, phải có điều kiện cần thiết và làm thủ tục thành lập như quy định tại Điều 4 của thông tư này.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh chiếu phim theo quy định tại khoản 1 điều này chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép của Sở Văn hoá - Thông tin và hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

5. Công ty xuất, nhập khẩu và phát hành phim Việt Nam (Fapim Việt Nam) được trực tiếp quản lý một số rạp ở địa phương thông qua các hình thức:

- Được địa phương chuyển giao;

- Được địa phương chuyển nhượng;

- Liên doanh với địa phương; hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài để sửa chữa, nâng cấp khai thác sử dụng rạp;

- Thuê dài hạn;

- Đấu thầu khai thác sử dụng rạp;

- Xây dựng rạp mới.

Điều 6. Cấp giấy phép làm phim nhất thời (Điều 9 Nghị định 48/CP).

1/ Để được xét cấp giấy phép làm phim nhất thời quy định tại Điều 9 của Nghị định 48/CP, cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội là cơ quan chủ quản phải có đầy đủ hồ sơ gửi Bộ Văn hoá - Thông tin (Cục điện ảnh). Hồ sơ gồm có:

a) Đơn xin phép cấp giấy phép sản xuất phim nhất thời do Thủ trưởng cơ quan hoặc tổ chức ký tên và đóng dấu.

b) Kịch bản bộ phim xin sản xuất;

c) Danh sách các chức danh chính của đoàn làm phim, kèm theo bản chứng chỉ hành nghề;

d) Kế hoạch sản xuất và phổ biến bộ phim xin sản xuất.

2. Sau khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Văn hoá - Thông tin sẽ thẩm định kịch bản và xét cấp giấy phép nhất thời để sản xuất bộ phim đó.

Thời hạn xét duyệt và trả lời chậm nhất là 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

Điều 7. Dịch vụ, hợp tác làm phim (Điều 11 của Nghị định 48/CP).

Cơ sở điện ảnh muốn hợp tác làm phim hoặc cung cấp dịch vụ làm phim với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện theo "Quy định về hợp tác và cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài" ban hành kèm theo quyết định số 1340/QĐ-ĐA ngày 29-9-1992 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá - Thông tin).

III- XÉT DUYỆT VÀ CHO LƯU HÀNH PHIM, BĂNG ĐĨA HÌNH

Điều 8. Thẩm quyền xét duyệt phim, băng đĩa hình.

1. Cục Điện ảnh duyệt và cho phép lưu hành phim, băng đĩa hình phim truyện do các đơn vị trong cả nước sản xuất hoặc nhập khẩu; phim, băng đĩa hình các loại do các cơ sở thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin sản xuất. Phim, bằng đĩa hình thuộc quy định tại khoản 2 điều này do Bộ Văn hoá - Thông tin đặt hàng hoặc trợ giá.

2. Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duyệt và cho phép lưu hành phim, băng đĩa hình: ca nhạc, sân khấu, ca kịch cải lương, tài liệu - khoa học, hoạt hình phục vụ thiếu nhi, thể thao, karaoke, mốt thời trang, giáo khoa, dạy ngoại ngữ do các cơ sở có tư cách pháp nhân ở địa phương hoặc có trụ sở chính tại địa hương sản xuất hoặc nhập khẩu. Không nhận duyệt phim, băng đĩa hình do các cơ sở thuộc các tỉnh, thành phố khác sản xuất hoặc nhập khẩu.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin thành lập Hội đồng duyệt phim trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Hội đồng duyệt phim cấp tỉnh để thực hiện chức năng tư vấn duyệt phim.

Căn cứ ý kiến của Hội đồng duyệt phim Cục trưởng Cục điện ảnh hoặc giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin xem xét, quyết định cho phép hoặc không cho phép lưu hành phim, băng đĩa hình được trình duyệt và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Quyết định cho phép lưu hành phim phải ghi rõ đối tượng, phạm vi được lưu hành trong nước hoặc nước ngoài.

Điều 9. Thủ tục xét duyệt phim, băng hình.

1. Những phim, băng đĩa hình trình duyệt phải là tác phẩm hoàn chỉnh về nội dung và kỹ thuật do một cơ sở có tư cách pháp nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hợp pháp. Tác phẩm được sản xuất bằng vật liệu nào (phim nhựa, băng đĩa hình ...) thì phải trình duyệt dưới dạng vật liệu đó.

Tác phẩm do nước ngoài sản xuất mà chưa được lồng tiếng hoặc lồng thuyết minh tiếng Việt thì phải có bản dịch lời từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt kèm theo. Bản dịch phải đảm bảo tính chính xác về nội dung và có tên người dịch.

2. Cơ sở có phim trình duyệt quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này phải làm phiếu đăng ký xét duyệt phim, băng đĩa hình (theo mẫu kèm theo phụ lục số 1) gửi Bộ Văn hoá - Thông tin (Cục Điện ảnh).

Cơ sở có phim trình duyệt quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này phải làm phiếu đăng ký xét duyệt phim, băng đĩa hình (theo mẫu kèm theo phụ lục số 1) gửi Sở Văn hoá - Thông tin sở tại.

3. Khi mang tác phẩm đến duyệt, nếu là phim nhập khẩu phải có văn bản xác nhận nhập khẩu hợp pháp, nếu là phim sản xuất trong nước phải kèm theo bản sao giấy phép sản xuất, biên bản của cơ sở sản xuất phim đánh giá nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật. Biên bản này được thủ trưởng cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp của cơ sở sản xuất phim xác nhận.

4. Băng đĩa hình được phép lưu hành phải dãn nhãn kiểm soát do Cục điện ảnh phát hành. Băng đĩa hình đã dán nhãn của Cục điện ảnh có giá trị lưu hành trong phạm vi cả nước.

Điều 10. Lưu chiểu và lưu trữ phim (điều 13 của Nghị định 48/CP).

1. Việc nộp lưu chiểu phim được thực hiện theo quy định sau:

a) Phim hoặc băng hình thuộc loại Nhà nước đặt hàng hoặc trợ giá phải nộp 01 bản lưu chiểu tại Cục Điện ảnh bằng loại vật liệu được đặt hàng hoặc trợ giá (phim nhựa nộp 01 bản phim nhựa, băng đĩa hình nộp 01 bản băng đĩa hình) khi nhận quyết định cho phép lưu hành;

b) Cơ sở sản xuất phim, cơ sở nhập khẩu phim có tác phẩm trình duyệt không thuộc diện đặt hàng hoặc trợ giá phải nộp một bản băng hình sao y nguyên tác phẩm được phép lưu hành khi nhận quyết định cho phép lưu hành.

2. Về nộp lưu trữ vật liệu gốc:

a) Vật liệu gốc bao gồm: ấn bản hình, âm bản tiếng và các tài liệu kèm theo như: kịch bản dựng phim, các tài liệu tuyên truyền, quảng cáo;

b) Việc nộp lưu trữ vật liệu gốc của phim, băng hình do Nhà nước đặt hàng hoặc trợ giá phải thực hiện trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bộ phim hoàn thành;

c) Việc lưu trữ vật liệu gốc những phim không thuộc diện đặt hàng và trợ giá thực hiện theo quy định riêng của Bộ Văn hoá - Thông tin.

Điều 11.- Xuất khẩu phim (Điều 14 của Nghị định 48/CP)

Cơ sở hoạt động xuất khẩu phim phải tuân thủ các điều kiện sau:

1. Đã được phép hoạt động xuất khẩu phim.

2. Chỉ được xuất khẩu các phim đã được Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin cho phép phổ biến ra nước ngoài.

3. Tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất khẩu và quyền tác giả.

Điều 12. Nhập khẩu phim (Điều 15 của Nghị định 48/CP)

1. Fafim Việt Nam đảm nhiệm việc nhập khẩu phim, băng đĩa hình truyện và các thể loại khác từ nước ngoài vào để kinh doanh.

Các hình thức nhập khẩu phim của Fafim Việt Nam để kinh doanh bao gồm:

- Mua đứt bản quyền.

- Làm đại lý phát hành.

- Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Liên doanh liên kết.

2. Các cơ sở điện ảnh thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được nhập khẩu các loại phim, băng đĩa hình thuộc thẩm quyền duyệt và cho phép lưu hành của Sở Văn hoá - Thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

Điều 13. Phổ biến phim, băng đĩa hình.

1. Các cơ sở sản xuất phim được quyền tự phát hành, bán hoặc uỷ thác cho cơ sở phát hành phim phát hành sản phẩm của mình đến các cơ sở chiếu phim và mạng lưới video.

2. Việc mở các chi nhánh, đại lý, cửa hàng để phát hành sản phẩm thuộc sở hữu của cơ sở sản xuất phim, cơ sở phát hành phim có đăng ký kinh doanh phát hành phim thực hiện theo Điều 7 và Điều 8 của Quy chế ban hành theo Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 và "Quy chế phổ biến tác phẩm điện ảnh" ban hành theo Quyết định số 524/QĐ-ĐA ngày 9/4/1994 của Bộ Văn hoá - Thông tin và các văn bản hướng dẫn kèm theo.

IV- QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐIỆN ẢNH

Điều 14. Điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề cho đạo diễn, quay phim, hoạ sỹ, thu thanh.

1. Điều kiện: Người xin cấp chứng chỉ hành nghề đạo diễn, quay phim, hoạ sỹ, thu thanh phải có một trong các điều kiện sau:

a) Tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành;

b) Người chưa có bằng đại học đúng chuyên ngành thì phải thực hiện chức danh xin hành nghề ít nhất một tác phẩm điện ảnh đã được phổ biến trên màng lưới chiếu bóng hoặc truyền hình và được giám đốc cơ sở sản xuất phim đề nghị;

c) Đã làm phó hay trợ lý các chức danh trên từ 03 bộ phim trở lên và được Giám đốc cơ sở sản xuất phim đề nghị.

2. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề:

Người xin cấp chứng chỉ hành nghề phải có hồ sơ gửi Bộ Văn hoá - Thông tin (Cục điện ảnh). Hồ sơ gồm có:

a) Đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề;

b) Bản sao lý lịch có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương;

c) Bản sao bằng đại học chuyên ngành có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với những người chưa có bằng Đại học thì phải có văn bản xác nhận và đề nghị của giám đốc cơ sở sản xuất phim theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 điều này.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đù hồ sơ Bộ Văn hoá - Thông tin xét duyệt và cấp chứng chỉ hành nghề cho người xin hành nghề. Việc nhận hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện từ 1/1/1997. Kể từ ngày 1/1/1998 người không có chứng chỉ hành nghề không được hành nghề đạo diễn, quay phim, hoạ sỹ, thu thanh trong các cơ sở sản xuất phim.

Điều 15. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục điện ảnh.

Cục điện ảnh là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hoạt động Điện ảnh trong cả nước.

Căn cứ Điều 24 của Nghị định 48/CP, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin giao cho Cục trưởng Cục Điện ảnh:

1. Tổ chức cho Hội đồng duyệt phim Trung ương xét duyệt phim, băng đĩa hình. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng duyệt phim Trung ương ra Quyết định cho phép hoặc không cho phép lưu hành phim, băng đĩa hình do các đơn vị trình duyệt;

2. Phát hành nhãn kiểm soát để dán lên băng hình được phép lưu hành trong cả nước;

3. Thẩm định hồ sơ xin thành lập cơ sở sản xuất phim, cơ sở xuất khẩu phim trong cả nước, cơ sở sản xuất phim ở Trung ương để trình Bộ Văn hoá - Thông tin ra quyết định thành lập hoặc đồng ý cho thành lập; 4. Cấp chứng chỉ hành nghề cho các chức danh đoàn làm phim quy định tại Điều 12 Nghị định;

5. Cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở nhân bản băng ghi hình trong cả nước.

Điều 16. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Văn hoá - Thông tin.

Sở Văn hóa - Thông tin là cơ quan chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý Nhà nước về hoạt động điện ảnh ở địa phương.

Sở Văn hoá - Thông tin có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Thẩm định hồ sơ xin thành lập cơ sở phát hành phim, có sở chiếu phim của địa phương, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra Quyết định thành lập;

2. Cấp giấy phép cho cơ quan, tổ chức sản xuất nhằm phổ biến rộng rãi các loại phim, băng đĩa hình quy định tại khoản 2 Điều 8 thông tư này;

3. Duyệt và cho phép lưu hành các loại phim, băng đĩa hình sản xuất ở trong nước hoặc nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 8 thông tư này;

4. Rà soát, quy hoạch lại và cấp giấy phép hoạt động cho các cửa hàng bán và cho thuê băng hình tại địa phương theo quy định tại Điều 8 Quy chế lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình ban hành kèm theo Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ;

5. Xem xét và cấp giấy phép mở cửa hàng bán và cho thuê băng hình cho các cơ sở sản xuất phim, cơ sở phát hành phim theo quy hoạch đã được duyệt.

Điều 17. Phân cấp trách nhiệm quản lý giữa Bộ Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền:

a) Đình chỉ hoạt động của các cơ sở phát hành phim và chiếu phim thuộc địa phương nếu các cơ sở đó vi phạm pháp luật;

b) Tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất phim, cơ sở xuất, nhập khẩu phim, cơ sở phát hành phim và chiếu phim của Trung ương đóng tại địa phương nếu cơ sở đó vi phạm pháp luật và đồng thời phải báo cáo với Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin;

c) Thu hồi, tịch thu hoặc cấm lưu hành tác phẩm điện ảnh lưu hành, kinh doanh tại địa phương vi phạm khoản 3 Điều 2 của Nghị định 48/CP. Tiêu huỷ phim có nội dung truyền bá lối sống dâm ô, đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục và môi trường sinh thái.

2. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin có quyền đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, giấy phép hành nghề, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ tác phẩm điện ảnh vi phạm pháp luật của cơ sở sản xuất phim, xuất nhập khẩu phim, phát hành phim và chiếu phim trong cả nước.

Điều 18. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

1. Tổ chức thanh tra chuyên ngành về Điện ảnh là một bộ phận trong hệ thống thanh tra Nhà nước về Văn hoá - Thông tin được thành lập tại Bộ Văn hoá - Thông tin và các Sở Văn hoá - Thông tin hoạt động theo Quyết định số 345/TTg ngày 27/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung thanh tra điện ảnh thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Nghị định 48/CP.

2. Việc xử lý các vi phạm trong hoạt động sản xuất phim, phổ biến phim, xuất nhập khẩu phim thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này và các quy định khác của Pháp luật hiện hành.

V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Sắp xếp lại cơ sở điện ảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 32 của Nghị định 48/CP).

Căn cứ Nghị định 48/CP ngày 17/7/1995 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành sắp xếp lại các Công ty điện ảnh địa phương. Nếu là doanh nghiệp thì thống nhất gọi tên là Công ty phát hành phim và chiếu bóng tỉnh. Trường hợp xét thấy hoạt động không có hiệu quả kinh tế mặc dù được hưởng các ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích như được cấp bổ sung vốn lưu động, cấp kinh phí chiếu bóng ở vùng cao, vùng sâu và vùng nông thôn được ưu đãi về thuế, khấu hao cơ bản, vay vốn v.v... Có thể chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu và thống nhất tên gọi là Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh. Không thành lập công ty (hoặc trung tâm) phát hành phim và chiếu bóng cấp huyện. Không sáp nhập Điện ảnh với các ngành khác.

Điều 20. Hiệu lực thi hành.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành. Giấy phép mở cửa hàng bán và cho thuê băng hình do cơ quan văn hoá cấp huyện đã cấp trước đây không có hiệu lực. Những quy định và hướng dẫn của Bộ Văn hoá - Thông tin trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Trung Kiên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.